Kiếp sau chớ làm phụ nữ Nepal ( Kiếp sau chớ làm phụ nữ VN )

Thứ Năm, 01 Tháng Hai 20182:30 SA(Xem: 9787)
Kiếp sau chớ làm phụ nữ Nepal ( Kiếp sau chớ làm phụ nữ VN )

Sau chuyến du lịch Nepal, trên máy bay về Hoa Kỳ, chúng tôi bảo nhau, “Nếu có kiếp sau, Trời cho làm người, xin đừng cho chúng tôi làm người phụ nữ Nepal”.

kiep-sau-cho-lam-phu-nu-nepal3
Cô Pabitra Giri ngồi trong chòi của cô trong thời kỳ kinh nguyệt. Ảnh AFP/ Getty

Là một phụ nữ Việt Nam được sinh ra ở châu Á, tôi đã thấy ở đây, thân phận người phụ nữ chịu rất nhiều thiệt thòi và bất công. Tuy nhiên có đi xa, có học hỏi và nghiên cứu đến thân phận của những người phụ nữ khác trên thế giới, tôi mới thấy phụ nữ chúng ta còn may mắn hơn nhiều nơi, nhất là Nepal. Sở dĩ tôi nói vậy, vì tôi sẽ kể bạn nghe những câu chuyện đường xa, nói về phong tục tập quán lạ đời đã chi phối trực tiếp đến đời sống những người lỡ sinh ra làm phụ nữ trên đất nước Nepal huyền bí.

Cách đây không lâu, ở ga tầu điện ngầm tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển, một tấm tranh bích chương được treo trên tường nhà ga đã gây dư luận tranh cãi ầm ĩ. Đó là bức vẽ một thiếu nữ chơi môn trượt băng tuyết đang có kinh nguyệt với tư thế ngồi lộ rõ tâm điểm màu máu đỏ. Bên dưới đôi chân dang rộng là hàng chữ “It’s alright, I’m only bleeding”. Đây là một bức tranh nghệ thuật của Liv Strömquist. Những hành khách đi tàu điện đã sững sờ, có người cười, có người không vui, có người phản đối, không cho đó là nghệ thuật mà là sự kinh tởm, sự xúc phạm, dơ dáy, xấu hổ. Kinh nguyệt cần che đi, giấu kín chứ không phô diễn như vậy.

kiep-sau-cho-lam-phu-nu-nepal2
Một phụ nữ Nepal ngồi ở sân sau nhà nơi bà phải ngủ trong kỳ kinh. Ảnh AFP/ Getty

Theo tôi, hành động treo tấm tranh nghệ thuật ở đó của Liv Strömquist như một thách thức, đối đầu lại quan điểm thành kiến xã hội của con người về thời kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Nếu bạn có đến Nepal bạn mới thấy phụ nữ xứ này khổ sở biết bao với phong tục dành riêng cho người phụ nữ khi tới kỳ “thấy tháng”.

Tôi may mắn được tiếp chuyện với một vị giáo sư đại học về hưu ở Kathmandu, thủ đô Nepal. Ông am tường khoa học nhân văn và đã kể tôi nghe tường tận như sau về những phong tục tập quán, lề luật tôn giáo bộ tộc khắt khe của dân tộc ông.

Thời kỳ kinh nguyệt của mỗi người phụ nữ khác nhau, có người, trải qua 3, 5, 7 ngày hoặc hơn. Bao nhiêu ngày máu chảy là bấy nhiêu ngày người phụ nữ Nepal chịu đựng khổ nhục từ lúc dậy thì, bắt đầu có kinh cho tới lúc tắt kinh. Những luật lệ quy tắc đưa ra trói buộc và áp đặt trên cơ thể sinh lý, sức lao động, lợi tức, tình dục, hệ tư tưởng và kể cả danh tính của người phụ nữ . Tục lệ được thực thi từ đời tổ tiên của các bộ tộc tương truyền đến đời con, cháu, và đời sau vẫn phải áp dụng. Trong đức tin của đạo Hindu, kinh nguyệt của người phụ nữ là một cái gì xấu xa, ghê tởm, bẩn thỉu, không tinh khiết.

Suốt thời gian kinh nguyệt người phụ nữ, không được phép: vào nhà bếp, đền thờ, ngủ vào ban ngày, tắm, cài hoa, quan hệ tình dục, chạm vào nam giới hoặc nữ giới khác. Họ không được phép cưỡi ngựa, bò, voi, cũng không được lái xe. Phụ nữ được xem là không trong sạch và ô uế, và thường bị cô lập như những người không thể chạm vào. Ở thành thị thì phải vào chuồng thú sau nhà mà ở hay ngủ ngoài sân sau nhà, không gì che chắn. Ở ngoại ô nhất là trên vùng núi họ bị đuổi ra khỏi nhà, phải đi lánh mình vào một cái chòi cất sơ sài bằng cây, bốn bề không có vách, nơi không có ai lai vãng, kể cả cha mẹ và người thân. Người phụ nữ có kinh phải tự lo lấy bản thân mình cho tới khi qua thời gian hành kinh mới được trở về với gia đình. Ngay cả đến người chồng đầu ấp tay gối, cũng không được nhìn mặt, nói chuyện hay chạm tới họ, đụng vào sẽ bị vẩn đục. Ở thành phố, thoáng hơn nhưng họ phải mặc áo sari đỏ trơn không hoa văn để báo cho người khác biết họ đang trong thời gian có kinh nguyệt. Đồ dùng của họ không ai dám chạm tới, nếu không may đụng vào rất phiền phức vì phải đi ra suối, dùng nước suối thanh khiết để tẩy uế, nếu không sẽ bị xui xẻo cho bản thân và cả gia đình họ.

kiep-sau-cho-lam-phu-nu-nepal1
Những người phụ nữ bị ngược đãi, đã tìm đến nhau cho đỡ cô đơn. Ảnh của AFP/ Getty

Ký giả Pragya Lamsal đã từng sống và làm việc ở thủ đô Kathmandu đã phát biểu như sau về vấn đề nan giải này:

Tôi đã đến và chứng kiến sự việc này, càng xa ánh sáng đô thị, sự áp dụng luật lệ “Chhaupadi” này càng gắt gao. Nó không còn là vấn đề của một nét văn hoá riêng mà nó liên quan tới nhân quyền.

Vì bị giá rét (vùng núi cao của dãy Hy Mã Lạp Sơn ở Nepal lạnh kinh khủng, quanh năm bao phủ tuyết) và tình trạng vệ sinh kém mà phụ nữ có kinh nguyệt – bao gồm cả trẻ gái – đã chết trong những ngôi chòi cây. Chỉ một vài tháng trước đây, một phụ nữ đã chết ở Achham, một huyện lỵ xa xôi nằm ở phía tây của Nepal. Không có số lượng chính xác số người chết trong chòi vì không được báo cáo, nhưng người ta tin rằng hàng chục phụ nữ phải chịu đựng và con số chết hàng năm rất nhiều.

Cô gái Nepal 17 tuổi Kalpana Majhi, tâm sự, “Nỗi lo sợ lớn nhất của em là khi có kinh nguyệt, bị buộc phải ngủ trong một căn chòi ngoài trời.” Cô sống ở Kuine, một ngôi làng nhỏ ở Tatopani ở miền trung Nepal. Cô rất ngại ngùng khi báo cho mọi người biết cô tới kỳ kinh. Cô sợ rắn, sợ cô đơn, lạnh lẽo, phải xa bạn bè người thân, và tự hỏi chính mình tại sao tôi không được ngủ trong nhà mình.”

Bạn hãy tưởng tượng con, cháu, em gái bạn tuổi 14, 15, 16 bị bỏ bơ vơ ngoài chòi hoang trống hoác không vách, trên núi lạnh lẽo không ai lai vãng, bạn nghĩ sao? Các em phải tự mình đốt lửa sưởi ấm, thức ăn, quần áo, chăn mền phải đem theo, gió tuyết lạnh, và còn rắn nữa, trên cây rắn cũng có thể bò vào mà rắn ở đó rất nhiều. Có người chết vì khói xông lên từ đám lửa em thắp dưới đất để sưởi ấm. Có nơi phụ nữ sau khi sinh con phải ở ngoài chòi tới cả tháng mới được về nhà.

kiep-sau-cho-lam-phu-nu-nepal
Ông Alan, giáo sư đại học Nepal (trái) người mà tác giả trò chuyện và một vị Lạt Ma Tây Tạng.

Với điều kiện nghèo, chậm tiến và kém vệ sinh, phụ nữ ở xa thành phố không dùng băng vệ sinh cá nhân, họ dùng những mảnh vải thừa quấn vào để thấm máu rồi giặt và phơi. Khi thời gian kinh nguyệt sạch sẽ họ phải ra suối tắm cho tinh khiết mới được cho phép về nhà. Có nơi sau khi tắm suối còn phải tắm nước đái bò để tẩy uế vì bò là thần vật của đạo Hindu.

Tập tục này được gọi Chhaupadi, đã bị toà án tối cao Nepal cấm hành xử vào năm 2005, nhưng truyền thống này vẫn còn tràn lan. Một trong những lý do chính đằng sau sự liên tục áp dụng truyền thống này là các cơ quan thực thi pháp luật thường thấy kinh nguyệt như là một vấn đề của gia đình tư nhân. Vì là niềm tin đạo giáo nên nó được người dân địa phương bảo vệ ,vì sợ rằng kinh nguyệt phụ nữ không tinh khiết và nếu làm trái lại, các vị thần sẽ tức giận và trừng phạt gieo tai ách đến cho họ.

Tulasi Majhi, 50 tuổi, mẹ của Kalpana nói, “Chúng tôi lớn lên đã được dạy rằng thần thánh sẽ tức giận nếu để đàn bà kinh nguyệt bước vào nhà bếp hoặc chạm vào các thành viên nam trong nhà. Chúng tôi sợ làm trái, điều xấu sẽ xảy ra nếu chúng tôi phá vỡ các quy tắc. Chúng tôi yêu con gái chúng tôi lắm nên có nhà giữ con ngoài chòi 7 ngày, 5 ngày chúng tôi đã cho nó về nhà”.

Ngoài sự sợ hãi thần thánh, một lý do quan trọng khác khiến không ai dám thay đổi luật là sự sợ hãi bị cô lập từ xã hội. “Dân làng có thể giận dữ và tuyệt giao cũng như không đến nhà chúng tôi nữa nếu chúng tôi làm ngược lại truyền thống. Chúng tôi chỉ là một cá nhân nhỏ bé, không có khả năng thách thức cả bộ tộc ”.

Sự chịu đựng những tục lệ truyền thống quái dị của phụ nữ Nepal còn nhiều, chưa hết đâu như tục lệ tảo hôn (kết hôn trước tuổi vị thành niên) vẫn còn áp dụng ngày nay ở nước này. Xin bạn đọc theo dõi ở kỳ tới.

TTT

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn