Kiểu 'dùi cui thương mại' của Trung Quốc

Thứ Hai, 05 Tháng Hai 20183:00 SA(Xem: 6548)
  • Tác giả :
Kiểu 'dùi cui thương mại' của Trung Quốc

Kiểu dùi cui thương mại của Trung Quốc - Ảnh 1.

Đường hầm vượt hồ tại khu vực Kashmir do Trung Quốc viện trợ cho Pakistan. Dòng chữ trong ảnh: "Tình hữu nghị Trung Quốc - Pakistan trường tồn" - Ảnh: REUTERS

Phát biểu sau cuộc gặp ngày 26-12 với hai người đồng cấp Pakistan và Afghanistan tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) sắp có thêm thành viên mới là Afghanistan. Dự án trị giá 57 tỉ USD này là một phần trong sáng kiến "Vành đai - Con đường" kết nối Trung Quốc với các nước Á - Âu - Phi.

Nắm đằng chuôi

Ông Vương Nghị khẳng định CPEC sẽ đem lại lợi ích cho cả khu vực, dựa trên mối quan hệ cùng có lợi. Bắc Kinh cũng đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ Kabul trong cuộc chiến chống khủng bố ở nước này, nơi hàng nghìn binh sĩ Mỹ đã hiện diện trong nhiều năm qua.

Hình ảnh ba nhà lãnh đạo ngoại giao bắt tay nhau, với ông Vương đứng giữa, đã cho thấy vai trò của Trung Quốc lần này. Bắc Kinh đã làm được điều mà người Mỹ trong nhiều năm qua không làm được, đó là đứng ra hòa giải Afghanistan và Pakistan.

Ít ai biết được trước cuộc gặp ngày 26-12 tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố ngừng cấp vốn vô thời hạn cho 3 dự án thuộc CPEC trên đất Pakistan. Cùng với cảng nước sâu Gwadar vốn đã thuộc về Trung Quốc, hàng nghìn kilômet đường sắt, đường cao tốc và siêu cao tốc ở Pakistan vẫn đang chờ vốn từ Bắc Kinh.

Đến đây, hẳn câu trả lời đã rõ. Việc dừng cấp vốn chỉ là tín hiệu cảnh báo của Bắc Kinh đối với Islamabad, rằng bất kỳ sự phản đối nào của Pakistan đối với tham vọng "tây tiến" sẽ có thể dẫn tới các hậu quả tồi tệ.

Quan hệ giữa Pakistan và Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn hữu hảo, "anh em sắt đá" như ngoại trưởng Pakistan ca ngợi. Nhưng khi Islamabad làm trái ý Bắc Kinh hoặc tỏ ý sắp sửa làm điều đó, Trung Quốc sẵn sàng sử dụng con bài trừng phạt.

Dùi cui thương mại

Các hình phạt kinh tế của Trung Quốc thường được ngụy trang khéo léo dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng tựu trung lại là vì hai mục đích: trả đũa và buộc những nước khác phục tùng cho các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Theo ông Brahma Chellaney - giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách (Ấn Độ), các hình phạt kinh tế của Trung Quốc rất đa dạng từ việc hạn chế nhập khẩu hoặc tẩy chay không chính thức hàng hóa, cho đến việc tạm dừng xuất khẩu các mặt hàng chiến lược (như các loại khoáng sản đất hiếm), thậm chí vận động trong nước chống lại các doanh nghiệp của nước ngoài. Các công cụ khác bao gồm đình chỉ các chuyến du lịch, chặn lối vào ngư trường.

Kiểu dùi cui thương mại của Trung Quốc - Ảnh 2.

Người Trung Quốc rất biết dùng đồng tiền trải thảm đỏ để đạt mục tiêu của mình - Ảnh: REUTERS

Những đòn trả đũa của Bắc Kinh nhắm vào Seoul sau khi Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) là điển hình cho kiểu trừng phạt bằng dùi cui thương mại.

Thống kê của Hàn Quốc cho thấy trong chín tháng đầu năm 2017, nước này đã mất 6,5 tỉ USD khi lượng du khách Trung Quốc tới Hàn Quốc sụt giảm hơn 50%. Tại Trung Quốc, các doanh nghiệp Hàn Quốc trở thành mục tiêu thanh tra và đóng cửa của chính quyền, nặng nhất là Lotte - tập đoàn đã đổi đất cho Chính phủ Hàn Quốc triển khai THAAD. Các bộ phim Hàn Quốc hoàn toàn biến mất khỏi màn ảnh Trung Quốc.

Năm 2012, Trung Quốc đã tận dụng thế độc quyền về đất hiếm để trừng phạt Nhật Bản khi tranh chấp giữa hai nước xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku gia tăng. Việc thiếu đất hiếm, một thành phần quan trọng trong sản xuất linh kiện điện tử, đã khiến Nhật Bản thiệt hại hàng tỉ USD và quay sang các nước khác sau đó, quyết không phụ thuộc vào Trung Quốc.

Cùng năm 2012, khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines tăng cao xung quanh bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh khuyến cáo công dân không nên đến Philippines du lịch. Trung Quốc cũng đồng thời áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu chuối từ Philippines khiến nhiều nhà nông Philippines phá sản.

Xuất khẩu giảm vì... gặp Đạt Lai Lạt Ma

Giáo sư Brahma Chellaney cũng dẫn một nghiên cứu thực hiện năm 2010, trong đó nêu rõ các quốc gia có nhà lãnh đạo gặp đức Đạt Lai Lạt Ma đã phải chịu sự sụt giảm nhanh chóng từ 8,1 - 16,9% tổng lượng xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì hậu quả này, hầu hết các quốc gia, ngoại trừ Ấn Độ và Mỹ, đều tránh liên hệ trực tiếp với vị thủ lĩnh Tây Tạng này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn