Chùa Xá Lợi

Thứ Sáu, 02 Tháng Hai 20183:00 SA(Xem: 7918)
Chùa Xá Lợi
Trang Nguyên

Chùa Xá Lợi là một trong số ít ngôi chùa xây vào khoảng giữa thế kỷ 20, khởi công năm 1956 đến 1958 làm lễ khánh thành. Thời điểm này, về mặt kiến trúc xây dựng ở Sài Gòn bùng nổ kiểu tân thời, với nhà cửa có mặt tiền vách tô đá rửa. Chùa Xá Lợi cũng vậy, vách tường bao quanh chính điện tô đá rửa màu vàng nhạt, khác hẳn những ngôi chùa ở Sài Gòn ngày trước. Tất nhiên sắc thái truyền thống của chùa vẫn được giữ gìn nhưng không gian bên trong thông thoáng hơn.

chua-xa-loi3
Chùa Xá Lợi bên cổng phụ đường Lê Văn Thạnh (nay là Sư Thiện Chiếu) Nguồn: Manhhaiflicks

Hai kiến trúc sư Đỗ Bá Vinh và Trần Văn Đường là người thực hiện đồ án, còn hai kỹ sư Lê Văn Hổ và Trương Đăng Khoa thực hiện xây dựng công trình. Chùa Xá Lợi xây dựng bằng bê tông cốt thép gồm ba công trình chính: Chánh điện kết hợp với hội trường hai tầng, tầng trên là chánh điện, tầng dưới làm hội trường dùng để hội họp và giảng dạy Phật Pháp. Trong chính điện chỉ đặt duy nhất một tượng Phật Thích Ca ngồi trên bệ thờ, tượng do Trường Mỹ Nghệ Biên Hoà đắp bằng bột đá nguyên thủy màu hồng, sau này được sơn son thếp vàng. Chung quanh chánh điện phía trên vách tường trang trí bằng những bức tranh do hoạ sĩ Nguyễn Văn Long vẽ đời sống Phật Thích Ca từ lúc sinh ra cho đến khi nhập Niết Bàn. Bên trái là một khu nhà dùng làm thư viện, văn phòng, phòng ăn, phòng tăng ni và nhà vãng sanh. Bên trái cổng Tam quan là ngôi tháp chuông 7 tầng cao 37 mét, xây xong năm 1961 dưới sự chứng kiến của Hoà thượng Thích Thiện Chiếu.

chua-xa-loi1
Bên trong chánh điện duy nhất chỉ có tượng Phật Thích Ca Ảnh: Doulas Ross

Cổng chính của chùa mở ra đường Bà Huyện Thanh Quan, đối diện bên kia đường là trường Nữ trung học Gia Long. Do đó quanh chùa từ đường Ngô Thời Nhiệm kéo dài gần đến cổng chùa, trở thành địa điểm bán chè nước đá, sâm bổ lượng, bò bía, bột chiên hấp dẫn mấy cô nữ sinh tan học và khách qua đường thích ăn vặt lại được thư thái dưới khung cảnh thanh tịnh giữa những tàn cây cổ thụ cao su tỏa bóng mát. Nhưng khung cảnh thanh tịnh thật sự ít người ghé đến, đó là con đường cụt nhỏ mang tên Lê Văn Thạnh (sau này gọi là Sư Thiện Chiếu thông với đường Nguyễn Thông) bên cổng phụ trong sân chùa có một cây bồ đề to lớn do đạo hữu Trần Khoan Hậu lấy giống ở Colombo đem về trồng thay thế cho cây bồ đề của Đại đức Narada mang từ Ấn Độ tặng chùa Phước Hoà hồi năm 1953 (bứng về trồng tại chùa Xá Lợi sau khi khánh thành chùa một thời gian ngắn thì chết).

Chùa Xá Lợi không đơn thuần là một ngôi chùa mà là nơi làm việc của Hội Phật học Nam Việt . Khi còn sơ khai trụ sở của hội đặt tại chùa Phước Hoà ở khu Bàn Cờ. Đến năm 1955, Hội Phật học Nam Việt  thương lượng và được Câu lạc bộ Đông Dương nhượng lại cho phần đất rộng 2500m vuông để xây chùa với số tiền tượng trưng một đồng bạc Việt Nam. Đồng thời Hội cũng được chính phủ ký giấy cho phép mở cuộc lạc quyên. Kết quả thu được hơn 3 triệu đồng, trong khi theo tính toán công trình xây Chùa Xá Lợi lên đến 7 triệu đồng. Số tiền còn thiếu Hội Phật học phải mở thêm nhiều cuộc lạc quyên sau đó và nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân đạo hữu để hoàn thành. Do đó, một số hạng mục trang trí nội thất và cảnh quan của chùa phải kéo dài đến qua những năm đầu thập niên 1960 mới hoàn thiện mỹ mãn.

chua-xa-loi2
Mặt trước Chùa Xá Lợi ngó ra đường Bà Huyện Thanh Quan Ảnh: Panoramio

Sở dĩ chùa có tên Xá Lợi do chùa xứng đáng được chọn làm nơi thờ phụng ngọc Xá Lợi Di bảo Thế Tôn. Tuệ Minh Đạo Nguyễn Đức Can viết trong phần khảo luận Tôn giáo và Dân tộc về lịch sử và quá trình phụng thỉnh Xá Lợi tại Sài Gòn như sau:

Năm 1952, phái đoàn Phật Giáo Tích Lan (Sri-lanka) đi dự phiên họp lần thứ hai của hội Phật Giáo Thế giới (World fellowship of Buddhists), tổ chức tại Tokyo – Nhật Bản, có phụng thỉnh theo một viên ngọc Xá Lợi của Đức Phật để tặng cho Phật Giáo Phù Tang. Phái đoàn đáp tàu La Marseillaise phải ghé bến Saigon 24 giờ. Tiến sĩ Malalasekera, chủ tịch hội Phật giáo Thế giới, đánh điện cho Hội Phật học Nam Việt  tổ chức cung nghinh Xá Lợi lên bờ cho công chúng chiêm bái trong thời gian tàu ghé vào Sài Gòn.

Được sự ủy nhiệm của Thượng tọa Tố Liên, đại diện của Hội Phật giáo Thế giới tại Việt Nam và các tập đoàn trong Tổng hội Phật giáo Việt Nam ủy nhiệm, Hội Phật học Nam Việt  đứng ra tổ chức một ủy ban liên phái gồm 11 đoàn thể cung nghinh Xá Lợi, số lượng tham dự lên đến nửa triệu người (phỏng ước của báo chí) làm cho nhà cầm quyền Việt Pháp lúc bấy giờ phải kinh ngạc trước tiềm lực tinh thần của Phật Giáo.

chua-xa-loi
Toà tháp chuông 7 tầng của Chùa Xá Lợi Ảnh: Fred Wehausen

Xá Lợi được cung nghinh trên một kiệu hoa kết hình Bạch Tượng, từ bến nhà rồng của hãng Messageries Maritimes về “nhà kiếng” (trụ sở Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam)  do dân chúng thấy toà nhà có nhiều cửa sổ kiếng, được trang trí làm nơi thờ tạm để lấy chỗ rộng rãi cho công chúng đến chiêm bái. Từ 11 giờ trưa đến 3 giờ sáng hôm sau, thiện nam tín nữ nối gót nhau đến dâng hương đảnh lễ không lúc nào dứt. Đến 5 giờ sáng, 11 tập đoàn họp trở lại để phụng thỉnh Xá Lợi xuống tàu đi đến Nhật Bản.

Với sự tha thiết của tín đồ Phật Giáo Việt Nam như thế, sang năm sau (1953) Đại đức Narada Maha Thera, tọa chủ chùa Vajirarama ở Tích Lan sang Việt Nam, phụng thỉnh theo 3 viên Xá Lợi và 3 cây Bồ Đề con, để dâng cúng cho 3 nơi: Phật giáo Nguyên Thủy (chùa Kỳ Viên), Phật giáo Bắc Tông và Phật giáo Cao Miên (theo lời tuyên bố của Đại đức khi đến phi trường Tân Sơn Nhất).

Sau cuộc phân chia Xá Lợi, phần của Phật Giáo Bắc Tông được Hội Phật Học cùng các đoàn thể bạn hợp sức cung nghinh ra nhà kiếng cho dân chúng chiêm bái 3 ngày, 3 đêm, và ngay tại đây, Đại đức Narada làm lễ kính giao cho Ông Ưng An, khâm sai của Hoàng Thái Hậu. Ba ngày chiêm bái đã xong, một phái đoàn gồm có Đại đức Narada, Đại đức Bửu Chơn, Ông Ưng An, Ông Lê Văn Hoạch – Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng thông tin của chính phủ Bảo Đại, Ông Nguyễn Văn Hiếu – Hội trưởng hội Phật giáo Nguyên Thủy và đạo hữu Chánh Trí  Mai-Thọ-Truyền, phụng thỉnh tháp vàng (do gia quyến ông Võ-Văn-Trọng ở Nam Vang cúng) lên Ban Mê Thuộc. Tại tư dinh, Bà Đoan Huy-Hoàng thái hậu khăn áo chỉnh tề trong cảnh trầm hương nghi ngút quỳ tiếp ngọc báu.

Gần hai năm sau, Bà Từ Cung quyết định giao cho Tổng hội Phật giáo Việt Nam trách nhiệm phụng thờ ngọc Xá Lợi. Tổng hội xét công lao của Hội Phật học Nam Việt, đã ủy nhiệm cho Hội nhiệm vụ thờ phụng, lúc ấy trụ sở của Hội còn đặt tại chùa Phước Hòa ở khu Bàn Cờ, cũ kỹ và chật hẹp. Đến năm 1955, Hội Phật học Nam Việt quyết định xây dựng chùa Xá Lợi, để có nơi xứng đáng phụng thờ Di Bảo Đức Thế Tôn và đủ chỗ cho thiện tín đến lễ Phật chiêm bái Xá Lợi.

TN

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn