Lần đầu phát hiện hành tinh khổng lồ quay quanh ngôi sao chết

Thứ Tư, 23 Tháng Chín 20207:00 SA(Xem: 4212)
Lần đầu phát hiện hành tinh khổng lồ quay quanh ngôi sao chết

Trong nghiên cứu công bố hôm 16/9, các nhà thiên văn đã phát hiện một hành tinh có kích thước tương đương sao Mộc quay quanh tàn tích âm ỉ của một ngôi sao đã ngừng hoạt động.

Các nhà khoa học đặt tên cho hành tinh mới phát hiện này là WD 1586B. Việc nghiên cứu về hành tinh mới phát hiện dự kiến cung cấp nhiều dữ kiện hơn về viễn cảnh Mặt Trời của chúng ta “già” đi và lụi tàn thành một ngôi sao lùn trắng trong khoảng 5 tỷ năm nữa.

Khi một ngôi sao như Mặt Trời đốt hết trữ lượng hydro, nó bắt đầu phồng to lên thành một khối nhiệt khổng lồ và thiêu rụi các hành tinh lân cận.

Sau khi lụi tàn, phần duy nhất còn sót lại của ngôi sao là phần lõi bị đốt cháy của nó, còn gọi là sao lùn trắng. Phần lõi sót lại này có mật độ rất đặc, phát sáng yếu ớt với lượng nhiệt năng còn sót lại và dần biến mất trong khoảng vài tỷ năm.

hanh tinh khong lo quay quanh ngoi sao chet anh 1

Các nhà thiên văn phát hiện hành tinh có kích thước khổng lồ quay quanh quỹ đạo một ngôi sao lùn trắng. Ảnh: NASA.

Nghiên cứu trong quá khứ cho thấy một số sao lùn trắng có thể lưu lại tàn tích trong hệ thống hành tinh của chúng suốt một khoảng thời gian dài.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa một hành tinh nguyên vẹn nào được phát hiện quay quanh quỹ đạo của một ngôi sao đã chết.

Giáo sư Andrew Vanderburg thuộc Đại học Winsconsin-Madison, người phụ trách nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature, nhận xét: “Đây là một phát hiện hết sức bất ngờ”.

Trợ lý thiên văn học Siyi Xu tại Đài quan sát Gemini cho biết vì không tìm thấy mảnh vỡ nào rõ ràng từ hành tinh quay quanh ngôi sao chết nên các nhà khoa học kết luận rằng WD 1586B là một hành tinh nguyên vẹn.

Phát hiện này cung cấp bằng chứng cho thấy nhiều hành tinh có thể hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của các ngôi sao ngay cả khi chúng đã lụi tàn thành sao lùn trắng.

Tuy nhiên, nguyên nhân WD 1586B lại xuất hiện gần một ngôi sao chết vẫn còn là điều bí ẩn đối với các nhà khoa học.

Sau khi xem xét những giả thuyết khác nhau, nhóm nghiên cứu cho rằng WD 1586B đã bị cuốn vào quỹ đạo của ngôi sao lùn trắng do các lực tương tác sinh ra từ những hành tinh lân cận.

Trong một bài bình luận về phát hiện mới này, Steven Parsons thuộc Đại học Sheffield dự đoán khám phá về WD 1586B “mang lại triển vọng phát hiện thêm các hành tinh tương tự trong tương lai”.

Sao lùn trắng WD 1856 + 534 chỉ cách Trái Đất 82 năm ánh sáng, nên Parsons cho rằng tác động hấp dẫn của những hành tinh khác lên sao lùn trắng sẽ được phát hiện bởi các nhà thiên văn quan sát từ Trái Đất.

“Hệ thống này mở ra một lĩnh vực nghiên cứu ngoại hành tinh hoàn toàn mới”, Parsons nói thêm.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn