bbc.com

Phe đối lập Belarus tuần hành, bất chấp lệnh cấm

People attend a protest against the results of the presidential elections, in Minsk, Belarus 23 August 2020

Nguồn hình ảnh, EPA

Những người ủng hộ phe đối lập tại Belarus có cuộc tuần hành khổng lồ tại thủ đô Minks, hai tuần sau kỳ bầu cử gây tranh cãi với kết quả Tổng thống Alexander Lukashenko giành được một nhiệm kỳ nữa.

Mọi người kéo vào quảng trường trung tâm, bất chấp sự hiện diện dày đặc của cảnh sát.

Những người biểu tình nói rằng ông Lukashenko đã đánh cắp cuộc bầu cử, và đòi ông phải từ chức.

Tổng thống tuyên bố sẽ dập tắt tình trạng nổi dậy. Trước đó, ông nói sự bất mãn là do "những lực lượng cách mạng được nước ngoài hậu thuẫn" gây ra.

Các cuộc biểu tình gần đây đã bị đàn áp, với ít nhất bốn người thiệt mạng. Người biểu tình nói rằng họ đã bị tra tấn trong tù.

Theo kết quả chính thức, ông Lukashenko, người đã nắm quyền tại Belarus suốt 26 năm qua, giành được hơn 80% số phiếu trong kỳ bầu cử hôm 9/8, và lãnh đạo đối lập Svetlana Tikhanovskaya được 10%.

Kỳ bầu cử diễn ra mà không có sự theo dõi của các nhà quan sát độc lập, và phe đối lập nói đã có tình trạng gian lận phiếu bầu lan tràn.

Bà Tikhanovskaya, người buộc phải phải bỏ chạy sang quốc gia Lithuania láng giềng ngay trong hôm đầu tiên sau kỳ bầu cử, tuyên bố sẽ quyết tâm phản đối đến cùng.

Chuyện gì đang xảy ra tại Minks?

Hàng chục ngàn người, từ người già cho tới trẻ nhỏ, đã tụ tập tại Quảng trường Độc lập hôm thứ Bảy.

Nhiều người mang theo cờ trắng đỏ hoặc hoa trắng và hô to "Tự do" cùng các khẩu hiệu chống chính phủ.

Cảnh sát chống bạo động vào vị trí ở các khu vực gần quảng trường, dùng loa phóng thanh phát đi lời cảnh cáo rằng cuộc biểu tình là bất hợp pháp.

Bộ trưởng quốc phòng ra tuyên bố trong đó nhắc tới những hy sinh của Belarus trong thời Đại Chiến Thế giới lần Hai, và nói quân đội sẽ chiếm quyền bảo vệ các tượng đài ngày kỷ niệm cuộc chiến.

Cuộc tuần hành dịp cuối tuần này diễn ra sau cuộc biểu tình lớn chưa từng có trong lịch sử hiện đại tại Belarus hôm Chủ Nhật tuần trước, khi hàng trăm ngàn người xuống phố.

Việc bãi công tại các nhà máy then chốt trên toàn quốc cũng đang gây áp lực lên tổng thống.

Ông Lukashenko nói gì?

Vị tổng thống 65 tuổi nói rằng ông đã thắng cử một cách công bằng, và quyết định sẽ tổ chức một kỳ bỏ phiếu nữa.

Hôm thứ Bảy, ông cáo buộc Nato là "tìm cách lật đổ giới chức" và dựng lên một tổng thống mới tại Minsk.

Ông nói ông đang chuyển lính tới các khu vực biên giới phía tây của Belarus để đối phó với việc Nato tăng cường hoạt động quân sự tại Ba Lan và Lithuania, và nói ông quyết tâm "bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta".

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Alexander Lukashenko nói đã chuẩn bị đưa lực lượng quân đội ra khu vực biên giới giáp Ba Lan

Nato đáp trả rằng khối này không tạo mối đe dọa nào "đối với Belarus hay bất kỳ nước nào khác", và "không có chuyện tăng hoạt động quân sự trong khu vực" .

"Chế độ này đang nỗ lực đẩy sự chú ý ra khỏi các vấn đề nội bộ của Belarus bằng mọi giá với việc ra những tuyên bố hoàn toàn vô căn cứ về những mối đe dọa tưởng tượng từ bên ngoài," Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda nói với hãng tin AFP hôm thứ Bảy.

Ông Lukashenko cũng cáo buộc một hội đồng đối lập - do bà Tikhanovskaya thành lập nhằm tổ chức việc chuyển giao ôn hòa - là tìm cách nắm quyền. Hai thành viên của hội đồng này đã bị cảnh sát thẩm vấn hôm thứ Sáu.

Belarus: một số thông tin chính

Belarus nằm ở đâu? Nước này giáp biên với Nga - quốc gia từng gây ảnh hưởng to lớn tới Minsk - ở phía đông và Ukraina ở phía nam. Phía bắc và tây giáp với các thành viên EU đồng thời là thành viên Nato, gồm Latvia, Lithuania và Ba Lan.

Tại sao xảy ra chuyện? Giống như Ukraina, quốc gia có 9,5 triệu dân này bị ảnh hưởng trong cuộc cạnh tranh giữa phương Tây và Nga. Tổng thống Lukashenko, đồng minh của Nga và từng bị gọi là "nhà độc tài cuối cùng của châu Âu", đã nắm quyền 26 năm và nắm giữ gần như toàn bộ nền kinh tế đất nước. Ông dùng việc kiểm duyệt cùng lực lượng cảnh sát để đàn áp các phe đối lập.

Chuyện gì đang diễn ra? Hiện đang có phong trào phản đối khổng lồ, theo đó đòi phải có hàng ngũ lãnh đạo mới, dân chủ, và phải có cải tổ kinh tế. Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Lukashenko nói rằng sự cứng rắn của ông đã giúp cho đất nước được ổn định.

Map