Hành trình tìm chỗ đỗ cho một chiếc máy bay

Thứ Hai, 01 Tháng Sáu 202011:04 SA(Xem: 5408)
Hành trình tìm chỗ đỗ cho một chiếc máy bay
Hành trình tìm chỗ đỗ cho một chiếc máy bay trị giá 375 triệu USD: Bạn không thể chỉ khóa cửa rồi bỏ đấy

Một số lượng lớn máy bay thương mại đang đậu tại các sân bay trên khắp thế giới và những cỗ máy trị giá hàng triệu USD này cần được bảo vệ và chăm sóc kỹ càng.

Craig Barton có thể đang đảm nhiệm công việc "tìm chỗ đỗ xe" khó khăn nhất trong lịch sử.

Khi các hãng hàng không trên khắp thế giới đang phải ngừng hoạt động một số lượng đáng kể các máy bay của họ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người đứng đầu các hoạt động kỹ thuật của American Airlines này đã dành hai tháng qua để cố gắng tìm ra nơi có thể đỗ hàng trăm chiếc máy bay. Chúng ta đang nói về những mẫu máy bay như Boeing 777-300, trị giá 375 triệu USD, với thân dài 73,7 mét, sải cánh dài 61 mét.

Hành trình tìm chỗ đỗ cho một chiếc máy bay trị giá 375 triệu USD: Bạn không thể chỉ khóa cửa rồi bỏ đấy - Ảnh 1.

Một chiếc Boeing 737 của Alaska Airlines đang đỗ tại sân bay quốc tế Oakland.

"Nó không giống như việc đặt xe hơi của bạn trong nhà để xe rồi đi vắng đâu đó trong một tháng", Barton nói. "Không có một nơi nào trên thế giới mà chúng ta có thể đỗ vài trăm chiếc máy bay như thế này cùng lúc."

Kể từ tháng 1, khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu và các chính phủ đã ra lệnh "cách ly xã hội", mọi người đã ngừng bay và việc đặt chỗ cũng biến mất. Vào tuần thứ hai của tháng Năm, Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã báo cáo rằng số lượng chuyến bay thương mại hoạt động ở Mỹ, cả trong nước và quốc tế, đã giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái . Các hãng hàng không, nhiều trong số đó đã mua máy bay liên tục nhiều năm qua, đột nhiên thấy mình có nhiều máy bay hơn mức cần thiết. Điều đó khiến họ chỉ có một lựa chọn: Giữ tất cả chúng trên mặt đất cho đến khi nhu cầu về du lịch hàng không trở lại.

Theo Cirium, một công ty dữ liệu và phân tích tập trung vào ngành du lịch, thì khoảng 17.000 máy bay hiện đang đậu trên toàn thế giới, chiếm khoảng 2/3 tổng số máy bay thương mại.

Đó không chỉ là một vấn đề về tài chính khủng khiếp cho một hãng hàng không - một chiếc máy bay không chở hành khách là một tài sản mất giá - nó cũng là số máy bay trị giá hàng tỷ USD, và tất cả đều cần các điểm đỗ.

"Và đó không chỉ là tìm một nơi để chờ đợi đại dịch qua đi", Barton, người chịu trách nhiệm giám sát phi đội gồm 950 máy bay của American Airlines nói. Mọi chiếc máy bay cũng cần sự chú ý liên tục để nó luôn sẵn sàng trở lại bầu trời. "Chúng tôi có đủ các nhiệm vụ hàng ngày cần phải làm cho từng chiếc một", ông nói.

Tìm chỗ đậu

Một bãi đậu của máy bay trông như thế nào? Bạn có thể tự mình nhìn thấy nó nếu đến sân bay quốc tế Oakland, phía bên kia vịnh San Francisco.

Ở phía xa sân bay, cách xa các nhà ga, có khoảng một chục chiếc Boeing 737 của Alaska Airlines đang nằm im lặng kể từ tháng Ba. Ráng chiều hoàng hôn tạo cho thân máy bay một màu trắng sáng bóng và đầy ấm áp. Những chiếc máy bay nằm sát nhau gần một nhà chứa không sử dụng, với khuôn mặt một người Eskimo điển hình trên mỗi cánh đuôi, đang mỉm cười. Xa hơn nữa, gần phía bờ vịnh, hàng chục chiếc 737 khác cũng nổi bật với màu xanh sáng, đỏ và vàng của hãng hàng không Southwest Airlines cũng lung linh trong ánh nắng chiều mờ dần.

Rõ ràng không thứ gì trong số những chiếc máy bay này sẽ sớm cất cánh. Các bánh xe trên thiết bị hạ cánh được bảo vệ bằng những bộ nêm màu vàng sáng, còn các cửa hút ở động cơ được bao phủ bởi những gì trông giống như một tấm nhựa bọc. Phía trên đầu, nơi mà bình thường một chiếc máy bay sẽ cất cánh cứ sau vài phút, là một bầu trời yên tĩnh đến lạ thường. Nếu người đàn ông đội mũ lông và có khuôn mặt là biểu tượng của hãng Alaska Airlines thực sự biết chuyện gì đang xảy ra, nụ cười rộng mở trên khuôn mặt của ông chắc chắn sẽ mờ dần.

Khung cảnh tại Oakland chỉ là một lát cắt nhỏ của một thực tế mới đang diễn ra trên khắp thế giới vì Covid-19. Tại các trung tâm hàng không lớn như Dallas-Fort Worth (DFW) và Hong Kong, hay tại các sân bay được thiết kế đặc biệt để cất giữ máy bay trải dài ở các sa mạc phía tây nam nước Mỹ, một đám đông các máy bay thương mại đang "đeo tạp dề" và xếp hàng sát đường băng. Đôi khi chúng thậm chí tràn ra cả các đường băng đã bị đóng, vì kích cỡ khổng lồ của mình. Ở một số nơi, chúng được xếp thành hàng gọn gàng. Ở những nơi khác, chúng được sắp xếp trong các đội hình phức tạp đến nỗi trông giống như sẽ cần cả một đội quân để gỡ rối.

American Airlines, hãng hàng không lớn nhất thế giới, đang đỗ máy bay không chỉ tại căn cứ DFW của mình, mà còn tại các sân bay ở Tulsa, Oklahoma và Pittsburgh, nơi hãng vận hành các cơ sở bảo trì máy bay lớn, hay tại các cơ sở ở Mobile, Alabama; San Antonio; Greensboro, Bắc Carolina. Các hãng hàng không khác cũng đang đỗ máy bay của họ ở nhiều địa điểm, nhưng với các hãng vận chuyển thì mục tiêu chính là sử dụng bất kỳ không gian nào có sẵn. Teruel, Tây Ban Nha, là lựa chọn phổ biến của nhiều hãng hàng không châu Âu. Singapore Airlines cũng lựa chọn đậu những chiếc máy bay Airbus A380 khổng lồ của họ ở Alice Springs, Úc thay vì trên quốc đảo nhỏ bé của mình.

Hành trình tìm chỗ đỗ cho một chiếc máy bay trị giá 375 triệu USD: Bạn không thể chỉ khóa cửa rồi bỏ đấy - Ảnh 2.

Các đầu vào của động cơ của máy bay đang đỗ được bảo vệ, và nhiều biện pháp khác được sử dụng để ngăn không cho chim hay động vật vào làm tổ bên trong.

American Airlines đã theo dõi các tác động có thể có từ coronavirus kể từ khi các báo cáo đầu tiên về mầm bệnh bắt đầu lộ diện, nhưng các nỗ lực tìm chỗ đậu đỗ máy bay của hãng hàng không này đã không bắt đầu một cách nghiêm túc cho đến tuần thứ hai của tháng Ba.

"Rõ ràng là hoạt động bay của chúng tôi sẽ nhỏ hơn nhiều so với số lượng máy bay mà chúng tôi có", Barton chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua ứng dụng Zoom từ trụ sở chính ở DFW. "Mọi thứ đã thay đổi rất nhanh, thậm chí chỉ trong vòng một tuần."

Sử dụng đội ngũ trong mạng lưới vận hành của mình, American Airlines đã giảm lịch trình từ hơn 3.300 chuyến bay mỗi ngày vào cuối tháng Hai xuống dưới 1.000 vào tháng Năm. Hãng hiện đã đỗ 460 máy bay, chiếm gần một nửa đội bay của mình. Và đối với một số máy bay vẫn còn hoạt động, chúng cũng trong tình trạng "bay lười", tức là chỉ thực hiện 1 hoặc 2 chuyến mỗi ngày, thay vì 4 hoặc 5 chuyến như bình thường.

"Mức độ cất giữ máy bay này là chưa từng có", Barton nói. Lần gần nhất American Airlines phải đỗ nhiều máy bay là sau sự kiện ngày 11/9/2011, khi không phận nước Mỹ bị đóng cửa trong hai ngày và mở cửa chậm chạp trở lại sau đó. Năm ngoái, hãng cũng phải tìm chỗ đỗ cho phi đội 24 máy bay Boeing 737 Max, sau 2 vụ tai nạn làm 346 người thiệt mạng, là một kinh nghiệm quý báu.

"Chúng tôi đã có một số kinh nghiệm trong năm qua về những gì cần thiết để giữ cho máy bay ngừng hoạt động trong thời gian dài", ông nói. "Và điều đó thực sự đã giúp chúng tôi rất nhiều."

Hành trình tìm chỗ đỗ cho một chiếc máy bay trị giá 375 triệu USD: Bạn không thể chỉ khóa cửa rồi bỏ đấy - Ảnh 3.

Máy bay của hãng Cathay Pacific và Hong Kong Airlines đang đỗ tập trung tại sân bay quốc tế Hong Kong.

Sẵn sàng để trở lại bầu trời

Hầu hết các máy bay đang đỗ của American Airlines đều ở trong "trạng thái đỗ tích cực", điều đó có nghĩa là các hãng hàng không có thể gọi chúng trở lại hoạt động bất cứ lúc nào. Barton giải thích: "Chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ không bay trong vài ngày, nhưng chúng tôi vẫn phải chăm sóc chúng."

Đây thường là những máy bay mới, như Boeing 777 và 737 hay Airbus A319, A320 và A321. Cho dù trạng thái đỗ tích cực kéo dài bao lâu, từ vài ngày đến vài tháng, một quá trình sẽ bắt đầu khi một phi hành đoàn đưa máy bay đến vị trí đỗ. Trong hai đến ba ngày sau khi nó đến, các thợ máy sẽ đi bộ xung quanh để kiểm tra mọi thứ bên trong, tháo bất kỳ khoang chứa đồ ăn, xả nước và bịt kín động cơ, ống pitot (một ống nhỏ đặt gần mũi máy bay để đo tốc độ không khí) và bất kỳ thứ gì khác để ngăn chặn động vật hay cái gì đó có thể lọt vào bên trong.

Sau khi công việc chuẩn bị này hoàn thành, máy bay bước vào một chương trình lưu trữ ngắn hạn, nơi các nhân viên bảo trì phải thực hiện các nhiệm vụ được thiết lập cứ sau 10 ngày. Danh sách này bao gồm chạy thử động cơ, xoay lốp xe, chạy bộ phận phụ trợ (nơi cung cấp năng lượng cho hệ thống điện của máy bay khi động cơ không chạy), bật điều hòa, chạy thử các hệ thống kiểm tra thủy lực, đồng thời giữ cho các pin được sạc hoặc tháo chúng hoàn toàn. Với Boeing 787, cần giữ cho một số pin trên máy bay không bị cạn kiệt và đây là một việc khá tốn kém.

Hành trình tìm chỗ đỗ cho một chiếc máy bay trị giá 375 triệu USD: Bạn không thể chỉ khóa cửa rồi bỏ đấy - Ảnh 4.

Loạt Boeing 777 đỗ tại sân bay Tusla.

Và trong suốt thời gian này, lịch bảo trì hiện tại của máy bay không được dừng lại, ngay cả khi nó đang nằm trên mặt đất. Giống như chăm sóc cho chiếc xe của bạn, những kiểm tra thường xuyên này giữ cho một chiếc máy bay có thể hoạt động trong nhiều thập kỷ.

Cứ sau 30 ngày, một chiếc máy bay cần được chăm sóc nhiều hơn một chút, nhưng lịch trình chủ yếu lặp lại theo chu kỳ 10 ngày. Đó bao gồm rất nhiều công việc, nhưng Barton cho biết mục tiêu chính là bảo vệ khoản đầu tư hàng triệu USD bằng cách đảm bảo máy bay vẫn hoạt động bình thường.

"Chạm vào một chiếc máy bay cứ sau 10 ngày - bạn phải mất khoảng tám giờ làm việc", ông nói. "Vì vậy, ít nhiều sẽ cần một người mỗi ngày làm việc trên một chiếc máy bay đang đỗ."

Và việc kích hoạt lại một chiếc máy bay cũng mất khoảng ba ngày, về cơ bản là đảo ngược quá trình tiếp nhận lưu trữ. Kiểm tra hệ thống cất cánh; khôi phục và làm sạch hệ thống nước; kiểm tra các thùng nhiên liệu và dây chuyền; cũng như hoàn thành bất kỳ kiểm tra bảo dưỡng nào khác theo lịch trình.

"Nếu bạn đã lưu trữ đúng cách, tức là bạn đã xác nhận trong toàn bộ quá trình các hệ thống của máy bay vẫn hoạt động", Barton nói. "Vì vậy, nó không giống như việc bạn đi vắng lâu rồi rồi hy vọng khi quay lại chiếc máy bay sẽ hoạt động bình thường."

Hành trình tìm chỗ đỗ cho một chiếc máy bay trị giá 375 triệu USD: Bạn không thể chỉ khóa cửa rồi bỏ đấy - Ảnh 5.

Dãy máy bay đậu ở Tulsa kéo dài, dọc theo đường băng phụ.

Nơi máy bay nghỉ hưu

Nếu muốn một chiếc máy bay sẽ được đỗ trong một năm hoặc lâu hơn, các hãng hàng không sẽ thích cất giữ nó ở một vị trí gần sa mạc, nơi không khí khô khiến cho các thiết bị ít bị ăn mòn. Theo Barton thì việc giữ cho cabin của máy bay không bị ẩm là chìa khóa của vấn đề, cũng là điều mà ông lo lắng nhất.

Các địa điểm lưu trữ dài hạn ở Mỹ bao gồm Pinal Airpark ở Marana, Arizona; Sân bay Hậu cần Nam California ở Victorville, California; và Trung tâm hàng không quốc tế Roswell ở New Mexico. Đây cũng là những "boneyards" hàng không, nơi các máy bay hết thời gian hoạt động sẽ nằm tắm nắng dưới ánh mặt trời nóng bỏng. Tất cả các điều kiện ở đây đều đảm bảo, từ khí hậu khô cằn cho tới chỗ để chứa hàng trăm máy bay, từ các mẫu Boeing 747 đến máy bay phản lực cỡ nhỏ.

Mark Bleth, quản lý kiêm phó giám đốc tại trung tâm Roswell, cho biết nhu cầu về không gian đậu đỗ từ các hãng hàng không đã tăng nhanh trong tháng Ba. "Chúng tôi có thể thấy rằng những chiếc máy bay không thể tránh khỏi việc sẽ đến đây", ông nói. "Chúng tôi không biết quy mô của nó, không ai biết."

Vào tuần đầu tiên của tháng Năm, Roswell đã nhận khoảng 300 máy bay và trên 160 chiếc đã ở đó. Sân bay có chỗ cho khoảng 300 máy bay nữa, nhưng nếu các máy bay mới tiếp tục đến với tốc độ hiện tại khoảng năm chiếc mỗi ngày, Roswell sẽ "hết chỗ" vào cuối tháng Sáu.

Hành trình tìm chỗ đỗ cho một chiếc máy bay trị giá 375 triệu USD: Bạn không thể chỉ khóa cửa rồi bỏ đấy - Ảnh 6.

Tại Pittsburgh, một hàng dài các máy bay phản lực đang xếp nối tiếp nhau như thế đang chờ cất cánh.

Phí đỗ máy bay hàng ngày vào khoảng 10 USD đến 14 USD, tùy thuộc vào kích thước của máy bay. Con số này thậm chí rẻ hơn tiền đỗ xe ở trung tâm thành phố San Francisco. Những các chi phí phụ trợ đi kèm sẽ cao hơn, đến từ việc bảo trì. Nó bao gồm các nhiệm vụ bảo trì tại chỗ, sửa chữa và đại tu. Bleth ước tính phải mất khoảng 200 giờ để đưa một chiếc máy bay vào kho lưu trữ dài hạn, cộng với từng đó thời gian cần thiết để xử lý bất kỳ nhiệm vụ kiểm tra thường xuyên nào sau đó. Các nhiệm vụ ở đây tương tự như nhiệm vụ đưa một chiếc máy bay đang hoạt động vào kho lưu trữ, nhưng thêm việc lắp đặt các tấm che cửa sổ để bảo vệ buồng lái và khoang hành khách khỏi ánh nắng mặt trời, hay chú ý thêm vào động cơ để chúng không bị ăn mòn.

Bleth đang đứng trên mép đường băng phụ. Đằng sau anh ta, một hàng máy bay Boeing 757 của United Airlines kéo dài ra mãi xa. Nhưng Bleth cho biết vẫn phải tạm thời đóng cửa một đường băng để đón những chiếc máy bay mới đến hay di chuyển các máy bay đã tới đó đến những chỗ xa xôi hơn.

Hầu hết các máy bay được đưa đến các cơ sở như Roswell là những máy bay mà các hãng hàng không không có kế hoạch sử dụng lại. Đối với American Airlines, nó bao gồm những chiếc Boeing 767 và 757 và các mẫu máy bay Embraer E190 hay Airbus A330 được thừa hưởng từ việc mua lại USAirways năm 2014 . Những chiếc máy bay này đã có tên trên sách để "nghỉ hưu" trong vài năm tới, nhưng Covid-19 đã đẩy nhanh lịch trình này.

Đối với những chiếc máy bay chuẩn bị nghỉ hưu, có một vài lựa chọn trong tương lai cho chúng. Ví dụ, chúng có thể được bán cho các hãng hàng không khác, chuyển đổi sang hình thức vận chuyển hàng hóa, hoạt động tại một thị trường đông đúc. Hoặc chúng cũng có thể được phân rã các bộ phận hoàn toàn. Những chiếc McDonnell Douglas MD-80 của American Airlines, đã thực hiện chế độ "nghỉ hưu" ở Roswell năm ngoái, rất có thể sẽ đi theo phương án hai. Nhưng nếu du lịch hàng không có thể hồi phục sớm, có thể mọi chuyện sẽ đổi khác.

Hành trình tìm chỗ đỗ cho một chiếc máy bay trị giá 375 triệu USD: Bạn không thể chỉ khóa cửa rồi bỏ đấy - Ảnh 7.

Máy bay cũ được thiết lập để nghỉ hưu sẽ được gửi đến "boneyards" hàng không ở khu vực sa mạc phía tây nam. Trong ảnh là sân bay Pinal ở Marana, Arizona.

Trở lại bầu trời

Barton không biết khi nào du lịch hàng không có thể trở lại "bình thường", mặc dù ông hy vọng tháng 7 có thể cho thấy một số dấu hiệu cải thiện. Khi nào và nếu thời điểm đó đến, American Airlines, giống như hầu hết các hãng hàng không khác, sẽ có một đội bay gọn gàng hơn. Và việc của Barton hiện tại là giữ cho tất cả các máy bay đang đỗ có cảm giác như thể chúng chưa bao giờ ngừng bay. Như ông nói, "toàn bộ quá trình được thiết kế để đảm bảo rằng khi máy bay hoạt động trở lại, nó an toàn và đáng tin cậy như khi trước khi được đưa vào chương trình lưu trữ."

Barton cũng cho biết hiện hãng đang làm mọi thứ mà họ tin là cách an toàn nhất để điều hành một hãng hàng không, trong bối cảnh đại dịch. Giống như tất cả các hãng hàng không lớn ở Mỹ, đó là giảm dịch vụ trên máy bay, thường xuyên phun chất khử trùng giữa các chuyến bay, hạn chế số lượng ghế được bán ra và yêu cầu phi hành đoàn cùng toàn bộ hành khách phải đeo khẩu trang.

Và giống như tất cả các hãng hàng không khác, máy bay của American Airlines cũng sử dụng các bộ lọc không khí hiệu quả cao để giúp luân chuyển hoàn toàn không khí trong cabin cứ sau 2 phút, với khả năng lọc ra 99% virus và vi khuẩn.

Tất nhiên, câu hỏi lớn nhất không chỉ là khi nào các hành khách sẽ cảm thấy an toàn để đi lại. Nó còn phụ thuộc vào các sự kiện quy mô lớn như hội nghị, lễ hội và các giải đấu thể thao còn bị tạm dừng bao lâu trong phần còn lại của năm. Theo Ryan Ewing, một nhà báo chuyên về hàng không, thì sự trở lại của ngành này sẽ phụ thuộc vào thời điểm các cơ hội kinh doanh và giải trí mở ra một lần nữa.

"Điều đó rất kỳ quái và nó sẽ ảm đạm cho triển vọng trong dài hạn", ông nói. "Nhưng thật khó để dự đoán những thứ này, bởi vì bạn không bao giờ biết khi nào mọi người có thể muốn bay trở lại. Mọi người có thể đã rất mệt mỏi khi buộc phải ở trong nhà, và họ sẽ muốn ra ngoài để đi du lịch."

Tham khảo Cnet

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn