‘George W. Bush,’ phim về vị tổng thống hiếu chiến nhưng giàu lòng nhân ái

Thứ Bảy, 09 Tháng Năm 20206:24 CH(Xem: 5394)
‘George W. Bush,’ phim về vị tổng thống hiếu chiến nhưng giàu lòng nhân ái
nguoi-viet.com

‘George W. Bush,’ phim về vị tổng thống hiếu chiến nhưng giàu lòng nhân ái


Thanh Long/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trong hai ngày 4 và 5 Tháng Năm, 2020, đài PBS chiếu bộ phim tài liệu dài hai tập về vị tổng thống thứ 43 của Mỹ, với tựa đề đơn giản “George W.Bush.”

Đây là phim tài liệu mới nhất trong chương trình American Experience của đài này nói về các tổng thống Mỹ.

Bộ phim là dịp để khán giả Mỹ đang ở nhà vì COVID-19 nhớ lại hai cuộc khủng hoảng khác: Vụ khủng bố 11 Tháng Chín, 2001; và cuộc suy thoái kinh tế cuối năm 2008.

Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy những phần mà phim không đề cập có lẽ quan trọng hơn một số nội dung trong phim, và việc tập trung quá nhiều vào thời gian ông Bush làm tổng thống khiến phim không làm rõ về con người ông, nhà báo Brian Lowry của đài CNN nhận xét.

Tập một của phim “George W. Bush” tập trung vào con đường trở thành tổng thống không bình thường của ông Bush (ông là một trong năm người đắc cử tổng thống Mỹ mặc dù số phiếu phổ thông ít hơn).

Còn tập hai nói về cách ông giải quyết vụ khủng bố 11 Tháng Chín, bão Katrina, cuộc chiến Iraq, và cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Phim bao gồm những cuộc phỏng vấn với một loạt giới chức chính quyền Tổng Thống Bush, sử gia, nhà báo.

Tổng Thống Bush và sự kiện 9/11 

Phim “George W. Bush” mở đầu vào buổi sáng ngày 11 Tháng Chín, 2001, ngày mang tính định mệnh đối với vị tổng thống chỉ nhậm chức chưa đầy một năm. Như một bộ phim kinh dị khiến khán giả “dựng tóc gáy” ngay từ những phút đầu tiên, phim tài liệu này mở đầu bằng cảnh hai chiếc phi cơ đâm vào Trung Tâm Thương Mại ở New York.

Ký ức ùa về – cảnh trường tiểu học ở Sarasota, Florida, nơi ông Bush nghe tin vụ tấn công, và cảnh khu vực Ground Zero ba ngày sau đó, khi ông đứng trên đống đổ nát, một tay khoác vai lính cứu hỏa, tay kia cầm loa củng cố tinh thần những người lính cứu hỏa nói riêng, và người dân Mỹ nói chung.

CN-Phim-tai-lieu-George-W-Bush-2
Ông Bush được báo tin chiếc máy bay thứ hai đâm vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York trong lúc thăm trường tiểu học Emma E. Booker ở Sarasota, Florida, vào ngày 11 Tháng Chín, 2001. (Hình: Reuters/Win McNamee/Files)

“Tôi nghe được các anh,” ông Bush nói. “Những quốc gia khác trên thế giới nghe được các anh. Và chẳng bao lâu nữa, những kẻ làm sập hai tòa tháp này sẽ nghe được tất cả chúng ta.”

Đây là khoảnh khắc đẹp nhất của cựu Tổng Thống Bush, và có nhiều khoảnh khắc khác sẽ khiến khán giả mỉm cười đồng cảm, mặc dù những người không thích ông sẽ tìm được nhiều tài liệu hơn để bảo vệ quan điểm của mình, nhà báo Todd. J Gillman viết trên Dallas News.

Sau vụ 11 Tháng Chín, ông Bush quyết định tìm mục tiêu quân sự để tấn công. Ông nhanh chóng tập trung vào Afghanistan, nơi Osama bin Laden, chủ mưu vụ khủng bố, đang ẩn náu.

Tại Trại David, ông và các cố vấn của mình thảo luận biện pháp. Ông Michael Morell, lúc đó là nhân viên Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA) phục vụ riêng ông Bush và sau này là quyền giám đốc CIA, nhớ lại rằng một giới chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao khuyên ông Bush bỏ qua biện pháp chiến tranh, thay vào đó, gia tăng áp lực ngoại giao lên phe Taliban để tìm bin Laden.

“Tổng thống nhìn chúng tôi rồi nói, ‘ĐM, phải chiến tranh thôi.’ Lúc đó, tổng thống cứ nghĩ rằng: Họ gây ra chuyện này. Họ có đủ khả năng để làm chuyện này, cho nên tôi phải bảo đảm họ không làm như vậy nữa. Mà cách duy nhất để bảo đảm là tấn công quân sự,” ông Morell nhớ lại trong phim.

CN-Phim-tai-lieu-George-W-Bush-3
Ba ngày sau vụ khủng bố, ông Bush đứng trên đống đổ nát của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới củng cố tinh thần lính cứu hỏa và người dân cả nước. (Hình: Paul J. Richards/AFP via Getty Images)

Trong quyển hồi ký năm 2015, ông Morell cho biết kỹ hơn một chút về chi tiết này. Ông viết, lúc đó, ông Bush dường như đang nói “rất cao hứng” và “cố gây chú ý với người đang lắng nghe ông: một sĩ quan CIA sừng sỏ phục vụ riêng ông. Thực ra, Mỹ có cho phe Taliban cơ hội giao nộp bin Laden cùng những tướng lĩnh hàng đầu. Phe Taliban từ chối.”

Những cố vấn hàng đầu của cựu Tổng Thống Bush còn cho biết thông tin hậu trường sâu hơn nữa, một số thông tin cho thấy tình hình lúc đó còn căng thẳng hơn nhiều. Những cố vấn này gồm hai tham mưu trưởng Andy Card và Josh Bolten, hai phát ngôn viên Ari Fleischer và Dana Perino, hai người soạn diễn văn cho ông Bush là David Frum và Michael Gerson, cố vấn chính sách Karl Rove, và Tướng David Patraeus – người chỉ huy cuộc chiến của Mỹ ở Iraq.

Một vài khoảnh khắc thuộc loại đáng nhớ nhất trong bộ phim tài liệu cho thấy rõ sự đối nghịch giữa một ông Bush có lòng nhân ái với một ông Bush là lãnh đạo cứng rắn thời chiến.

CN-Phim-tai-lieu-George-W-Bush-4
Phim cho thấy ông Bush có lòng nhân ái. (Hình: Mark Wilson/Getty Images)

Bà Perino nhớ lại ngày ông Bush gặp gỡ cha mẹ một quân nhân bị thương tại bệnh viện quân sự.

“Con trai của họ chắc không qua khỏi. Anh ấy phải dùng máy hỗ trợ sống (life support),” bà kể. Người mẹ “than trách tổng thống, nhưng ông không cố bỏ đi.” Trên chuyến bay về lại Tòa Bạch Ốc, “Ông ấy nói, ‘Người mẹ đó chắc chắn là rất tức giận tôi.’ Tôi nói dạ đúng vậy. Rồi ông ấy nhìn ra cửa sổ, và tôi nhìn thấy giọt nước mắt lăn trên má ông. Rồi ông nói ‘Tôi không trách bà ấy chút nào.’ Rồi chúng tôi quay về Tòa Bạch Ốc và trở lại làm việc.” 

CN-Phim-tai-lieu-George-W-Bush-5
Ông Bush sinh ra trong gia đình quyền thế. Từ trái, ông Bush, cha ông, hai người em Neil và Marvin được mẹ ôm, và ông Jeb Bush. (Hình: George H W Bush Library Center)

Bush từng cảm thấy cha mẹ ‘coi nhẹ và đánh giá thấp”

Phim tài liệu “George W. Bush” cũng nhắc đến thời thơ ấu của ông. Ông Bush sinh ra trong một gia đình quyền thế, cha ông là anh hùng chiến tranh và là tổng thống tương lai. Những năm 20 tuổi, ông nổi tiếng là “nhậu nhẹt, ham chơi,” theo lời nhà báo Wayne Slater, chủ bút lâu năm chi nhánh Austin của báo The Dallas Morning News.

Đến lúc này, thiếu sót đầu tiên trong số nhiều thiếu sót quan trọng về cuộc đời ông Bush bắt đầu lộ rõ, đó là tranh cãi về việc ông đi lính Vệ Binh Quốc Gia. Và mặc dù phim có đề cập chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2004, nhưng các nhà làm phim bỏ qua cáo buộc ông Karl Rove, chiến lược gia của ông Bush, “dùng trò bêu xấu” ông John McCain trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa năm 2000.

Hầu hết phần tiểu sử cho biết rất ít về con người ông Bush, mà chỉ nói về vấn đề mà người ta đã khai thác quá nhiều trước đó, như mối quan hệ của ông với cha, về việc ông “cảm thấy bị coi nhẹ và đánh giá thấp” khi cha ông là George H.W. Bush đắc cử tổng thống và cha mẹ ông đặt hết hy vọng tương lai chính trị của gia đình vào em trai ông là Jeb Bush.

CN-Phim-tai-lieu-George-W-Bush-6
Ông Bush từng là phi công Vệ Binh Quốc Gia Texas. (Hình: afhistory.org)

“Dù người ta nghĩ như thế nào về ông George W. Bush, người ta nghĩ ông làm tốt như thế nào, hoặc người ta nghĩ ông làm tệ như thế nào, đó cũng là theo ý mà ông George W. Bush muốn đời tổng thống của mình như vậy: một đời tổng thống có nhiều chuyện để nói,” nhà báo Slater nói trong phim.

Vụ khủng bố 11 Tháng Chín, 2001, là bằng chứng.

Trước chiến dịch tấn công Iraq vào Tháng Ba, 2003, Phó Tổng Thống Dick Cheney quả quyết rằng quân đội Mỹ sẽ được chào đón. Ngoại Trưởng Collin Powell tỏ ra nghi ngờ. Cựu Tổng Thống George H.W. Bush cũng vậy, nhưng ông “Bush cha” không muốn can thiệp.

Tuy nhiên, vào Tháng Tám, 2002, ông “Bush cha” gửi tín hiệu phản đối rõ ràng, thông qua bài bình luận mà cố vấn an ninh quốc gia của ông là Brent Scowcroft viết trên tờ Wall Street Journal, trong đó trách ông “Bush con” quá hăng gây chiến ở Trung Đông.

“Trước đó, ông Bush cứ bị khó xử giữa ý muốn làm vui lòng cha với ý muốn chứng tỏ mình tự lập. Lúc này, ông phớt lờ lời khuyên của cha và lao vào chiến tranh,” lời thuyết minh trong phim giải thích.

CN-Phim-tai-lieu-George-W-Bush-7
Ngày 1 Tháng Năm, 2003, trên mẫu hạm USS Abraham Lincoln, ông Bush tuyên bố chiến dịch chính ở Iraq kết thúc, phía sau ông là biểu ngữ “Hoàn Thành Sứ Mệnh.” (Hình: Stephen Jaffe/AFP via Getty Images)

Nhận sai lầm vì biểu ngữ “Hoàn Thành Sứ Mệnh” 

Hình ảnh thời kỳ Tổng Thống George W. Bush thuộc loại đáng nhớ nhất trong lịch sử tổng thống hiện đại của Mỹ, và bộ phim sử dụng rất hiệu quả: Tượng Saddam Hussein bị lật đổ ở Baghdad. Người dân reo mừng trên đường phố. Bom nổ ven đường. Ông Bush, từng là phi công Vệ Binh Quốc Gia Texas, đáp phi cơ xuống mẫu hạm USS Lincoln ngoài khơi San Diego, một biểu ngữ “Mission Accomplished” (“Hoàn Thành Sứ Mệnh”) khổng lồ treo phía sau trong lúc ông tuyên bố, “Những chiến dịch chính ở Iraq đã kết thúc.”

Ông Bush rất hào hứng với chuyện đó, ông Andy Card, tham mưu trưởng, nhớ lại: “Ông ấy sẽ lái phi cơ đáp xuống mẫu hạm.”

Nhưng chỉ vài tuần sau, Iraq lại rơi vào hỗn loạn, và cuộc chiến kéo dài thêm nhiều năm nữa.

Cứ nghĩ giới lãnh đạo mới ở Iraq sẽ xuất hiện và bảo đảm hòa bình là “có lẽ quá ngây thơ,” ông Card xác nhận.

Khán giả thấy lại nhiều hình ảnh không đẹp thời ông Bush: Hình tù nhân ở Abu Ghraib trần truồng, đầu bị trùm khăn, bị ép đứng trên thùng. Cảnh ông Bush liếc ra cửa số chiếc Air Force One bên trên New Orleans bị ngập lụt nặng nề sau trận bão Katrina Tháng Tám, 2005, và vài ngày sau, nói với ông Michael Brown, giám đốc Cơ Quan Tình Trạng Khẩn Cấp Liên Bang (FEMA), rằng: “Brownie, anh làm được lắm.”

“Đó là một trong số rất ít lần mà bản năng chính trị tuyệt vời của ông ấy khiến người ta thất vọng,” ông Dan Barlett, giám đốc truyền thông thời ông Bush, nhận xét. “Những hình ảnh biểu tượng đó làm đau lòng chúng ta – [biểu ngữ] “Hoàn Thành Sứ Mệnh,” cảnh nhìn ra cửa sổ phi cơ.”

CN-Phim-tai-lieu-George-W-Bush-8
Tượng Saddam Hussein bị kéo sập là một trong những cảnh lịch sử được nhắc đến trong phim. (Hình: Patrick Baz/AFP via Getty Images)

Về mặt tích cực, bộ phim cũng có vài phần nhắc đến Kế Hoạch Viện Trợ Chống AIDS Khẩn Cấp, sáng kiến do ông Bush đưa ra để chống HIV toàn cầu. Đến nay, Mỹ chi hơn $90 tỷ tiền viện trợ, chủ yếu cho Phi Châu.

Bà Eugene Robinson, nhà bình luận của Washington Post có một đoạn trong phim chỉ trích ông Bush cho phép dùng biện pháp tra tấn, cũng ca ngợi sáng kiến đó của ông. “Ít có tổng thống nào tuyên bố mà tin được rằng quyết định của tôi cứu hàng triệu người. Quyết định đó đúng là như vậy,” bà Robinson nói.

CN-Phim-tai-lieu-George-W-Bush-9
Ông Bush đi dạo ở Tòa Bạch Ốc trong ngày cuối cùng giữ chức tổng thống, 20 Tháng Giêng, 2009. (Hình: Eric Draper/The White House via Getty Images)

Trong buổi họp báo cuối cùng trên cương vị tổng thống, ông Bush chịu trả lời câu hỏi về những sai lầm ông đã phạm.

“Rõ ràng, treo biểu ngữ ‘Hoàn Thành Sứ Mệnh’ trên mẫu hạm là sai lầm,” ông thừa nhận. Những sự kiện quan trọng khác thì ông chỉ xem là “đáng thất vọng” chứ không phải “sai lầm,” chẳng hạn như việc giải quyết hậu quả bão Katrina, việc không tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq.

Ông Josh Bolten, cựu tham mưu trưởng, nhớ lại những khoảnh khắc cuối cùng của Tổng Thống Bush trong Phòng Bầu Dục của Tòa Bạch Ốc. Ông ấy mặc áo khoác vào và nói phục vụ đất nước là đặc ân đối với ông.

“Tôi nhìn ông bước ra, và tôi thấy ông không hề quay đầu lại.” (Thanh Long) [qd]

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn