GHI CHÉP Ở ĐÀI LOAN

Thứ Năm, 11 Tháng Giêng 201811:00 CH(Xem: 6695)
GHI CHÉP Ở ĐÀI LOAN
Chia sẻ

 

  1. Cũng như người Hán ở Đại lục, người Đài Loan chăm chỉ, cần cù, sống giản dị, rất thực tế và không chuộng hình thức. Mặc dù có đời sống cao hơn ở ta (lương tối thiểu theo quy định của chính phủ là 21.000 Đài tệ, khoảng 16 triệu đồng Việt Nam), nhưng ít thấy ai ăn mặc “sành điệu”.

Ngay ở Đài Bắc, các trung tâm mua sắm cũng vắng khách, đường phố   ít quán nhậu, hàng cà phê. Chỉ khoảng 10 giờ tối, phố xá đã vắng vẻ,  nhưng khắp nơi đều có các cửa hàng tiện ích mở cửa 24/24 giờ, có nồi hấp, lò vi sóng phục vụ người cần ăn đêm với các món như mỳ tôm, cơm cuộn, …. Họ chú trọng tới cuộc sống gia đình, hết giờ làm việc, tất cả trở về nhà quây quần bên tổ ấm của mình. Chỉ những khi cơ quan, công ty có liên hoan, họ mới vắng mặt trong bữa cơm gia đình nhưng cũng trở về nhà trước 9 giờ tối. Ngoài đường phố, trong các khu du lịch, không thấy người bán hàng rong, trẻ con lang thang lại càng không. Đúng dịp Nô-en nhưng ngoài nhà thờ đạo Thiên Chúa, khắp nơi chẳng thấy có không khí gì. Khách sạn, nhà hàng lớn có cây thông trước sảnh, thế là chấm hết. Còn ngoài đường phố, không thể ai biết đây là những ngày có thể sôi động nhất trong năm ở Việt Nam. Tôi hỏi, họ trả lời: đây là ngày lễ của những người theo đạo Thiên Chúa, còn chúng tôi đều theo tục cổ truyền ăn Tết Nguyên đán. Thế thôi! Không biết có phải đây là một trong những nguyên nhân khiến sự phát triển của Việt Nam về nhiều mặt chậm hơn Đài Loan tới 4 – 50 năm?

Ở Đài Loan, 4 nghề được hưởng lương cao nhất là quân đội, cảnh sát, thầy giáo và thầy thuốc. Do mức lương chung khá cao, một bác sĩ sau 10 năm ra trường đã có lương khoảng mười vạn Đài tệ (khoảng 80 triệu đồng Việt Nam). Bảo hiểm y tế của Đài Loan được coi là tốt nhất thế giới. Người có thẻ bảo hiểm được quyền ra nước ngoài chữa bệnh nếu cần và được thanh toán 100% hóa đơn. Lương hưu trí cũng có những điều khác ta. Người đóng bảo hiểm xã hội được quyền hưởng lương hưu khi có một trong hai điều kiện: 65 tuổi hoặc đã nộp đủ 25 năm. Khi muốn về hưu, người đóng bảo hiểm sẽ được biết số tiền dành dụm suốt đời làm việc của mình được  bao nhiêu và quyền lựa chọn một trong hai hình thức lĩnh tiền: hoặc toàn bộ một lần hoặc chia thành nhiều tháng (số tháng cũng do người hưởng quyết định). Khi lĩnh hết lương hưu mà chưa chết thì đó không phải việc của cơ quan bảo hiểm. Nhưng nếu lĩnh chưa hết mà đã từ giã cõi đời thì số tiền còn lại sẽ được trả cho con cháu hoặc những người được quyền thừa kế. Giữa hai cách của ta và của họ, với người về hưu không biết cách nào hay hơn nhưng chắc chắn, họ công bằng hơn.

  1. Phật Quang Sơn là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Đài Loan. Có nguồn gốc từ một ngôi chùa nhỏ, năm 2003, Pháp sư Tịnh Vân được sự ủng hộ của các Phật tử khắp nơi trong và ngoài Đài Loan đã bắt tay xây dựng ngôi chùa trở thành một bảo tàng mang tầm cỡ quốc tế của Phật giáo với tên “Phật Quang Sơn Phật giáo bảo tàng”. Pháp sư đã nói về lý do để Ngài quyết tâm xây dựng công trình này: ” Đức Phật chẳng cần chúng sinh lễ bái cúng dường, nhưng chúng sinh lại cần đó để mở mang thiện niệm, tịnh hoá tâm linh. (….)  Đức Phật chẳng cần bảo tháp, nhưng chúng sinh lại cần, tôi vì câu nói như vậy mà xây dựng bảo tháp”. Sau 9 năm xây dựng, công trình đã hoàn thành với hơn 20 tòa điện, lầu, đường tháp trang nghiêm. Đây là nơi hội tụ rất đông đảo tín đồ Phật giáo khắp nơi. Trung tâm của công trình là pho tượng Phật với nụ cười hiền từ cao 108 m, được đúc bằng 1.800 tấn đồng sừng sững, nổi bật. Từ bên ngoài vào, hai hàng, 8 tòa bảo tháp (mỗi tòa đều có tên riêng) uy nghiêm trên con đường đến với cõi Phật. Các tầng trong mỗi  bảo tháp đều là nơi lưu giữ  hơn một triệu bản Tâm kinh được chép tay của biết bao người qua nhiều  đời, đồng thời cũng là nơi học tập, làm việc của các tăng sinh. Nơi đây hiện còn đang lưu giữ hàng ngàn pho tượng Phật dát vàng quý giá. Từ 2014, ngôi chùa này được coi là một trong 10 danh thắng đẹp nhất của Đài Loan. Điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên là bàn thờ Phật tại đây giản dị chưa từng thấy (không được phép chụp ảnh), ngoài một lư trầm lặng lẽ tỏa hương, hầu như không có một vật gì khác. So với nhiều ngôi chùa mới được xây dựng gần đây ở nước ta, Phật Quang Sơn cũng chỉ có một diện tích đất và có thể nguồn kinh phí tương đương, nhưng nhờ có động cơ trong sáng, tầm nhìn rộng mở, tài trí hơn người,  và nhiều thứ khác nữa, những nhà thiết kế kiến trúc đã cống hiến cho văn hóa của loài người một công trình bề thế, hùng vĩ, với ý tướng thâm trầm, sâu sắc và giá trị tâm linh lâu dài, to lớn. Đứng giữa không gian nơi đây, người ta cảm thấy con người thoát khỏi cái nhỏ bé, tủn mủn thấp kém để vươn tới tầm vóc lớn lao khoáng hoạt cùng trời mây non nước. Trên khuôn viên rộng lớn tới cả trăm hec-ta, không thể thiếu vắng những bóng cây. Nhưng không thấy những cổ thụ khiến người ta phải ngước nhìn, tất cả đều khiến ai cũng cảm thấy gần gũi với những vòm lá xanh tỏa bóng mát giữa cái nắng chói chang và đặc biệt, không cây nào bị trì níu bởi những tấm biển đá hay gỗ tầm thường mà trên đó còn lòe loẹt những cái danh xưng hợm hĩnh. Và ở đây tôi cũng thường thấy những bóng áo vàng của những nhà tu hành thấp thoáng, chỉ khác, đây là màu vàng nâu giản dị và gần gũi đời thường chứ không phải là cái màu vàng chóe của sang trọng, vênh vang thường thấy trong các ngôi chùa Việt Nam.

 

  1. Về diện tích, Đài loan chỉ bằng khoảng một phần mười Việt Nam (36.000 so với 320.000 km2), nhưng dân số Đài Loan bằng tới một phần tư (26 triệu so với 92 triệu), như thế, mật độ dân số của Đài Loan cao hơn. Nhưng ở đây, du khách không cảm thấy cái đông đúc, chật chội đến nghẹt thở như ở nhiều thành phố ở ta. Cũng có thể người Đài Loan ít thất nghiệp, không có thời gian suốt ngày “đánh bóng mặt đường”, nhưng nhiều khả năng do việc tổ chức giao thông ở các thành phố. Ngoài hệ thống đường xá, đèn tín hiệu được bố trí một cách hợp lý, luật giao thông được thực hiện một cách nghiêm chỉnh do nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nặng (lỗi vi phạm thường bị xử phạt 1 vạn Đài tệ, tương đương 8 triệu đồng Việt Nam). Người đi lại trong thành phố chủ yếu sử dụng các phương tiện công cộng. Ngoài hệ thống xe bus, riêng xe điện ngầm ở Đài Bắc mỗi ngày đã chuyên chở 2 triệu lượt hành khách (thành phố có khoảng 6 triệu dân).

Để đi lại giữa các thành phố, người ta có thể lựa chọn ô tô, xe hỏa và tàu cao tốc. Với tàu cao tốc, từ Đài Bắc tới Cao Hùng khoảng 400 km, người ta chỉ cần một giờ rưỡi. Tàu siêu tốc cũng có loại vé đứng dành cho người “thích” tiết kiệm với giá vé bằng 80% (nếu có ghế trống thì vẫn được ngồi). 70%  diện tích đất đai là núi đồi, nhưng đường giao thông ít uốn lượn quanh co qua các sườn núi như đường Tây Bắc, Việt Bắc ở ta. Không chỉ đường sắt, đường ô tô cũng được làm xuyên núi bằng những đường hầm và những cây cầu để vượt từ núi  này sang núi khác. Nhờ thế, số đèo dốc giảm bớt, khoảng cách được rút ngắn và đặc biệt giảm hẳn các tai nạn.

Suốt 5 ngày trên đất Đài Loan, đi lại trên đường rất nhiều nhưng tôi hoàn toàn không thấy bóng cảnh sát. Tìm hiểu, được biết, việc chấp hành luật giao thông được giám sát bằng các ca-mê-ra cố định và di động của các “cộng tác viên”. Với một ca-mê-ra hành trình gắn trên mũ bảo hiểm, những người này có thể suốt ngày lang thang trên đường ghi hình người vi phạm  rồi nộp cho cảnh sát. Với những bằng chứng không thể chối cãi, cảnh sát sẽ thực hiện việc phạt nguội (dựa vào biển kiểm soát cả ô tô và xe máy) rồi trả tiền thù lao cho họ vào cuối tháng. Mức phạt không hề thấp nên  thu nhập của những “cộng tác viên” này cũng khá cao, khoảng  3, 4 vạn Đài tệ/tháng (20 – 30 triệu tiền Việt). Không biết Việt Nam ta có nên học tập không, vừa đỡ tiền thuế của dân nuôi đội ngũ kiếm “bánh mỳ”, vừa tránh những cãi vã bất tận và giảm triệt để người vi phạm vì người tham gia giao thông luôn bị theo dõi bất cứ nơi đâu.

Chia sẻ

 

  1. Đài Trung là một thành phố ở miền trung Đài Loan. Thành phố đang trong quá trình mở rộng. Các khu nhà cao tầng mọc san sát nhưng giá các căn hộ vẫn cao “ngất ngưởng”. Một căn hộ có diện tích 100 m2 ở khu vực trung tâm có giá tới 15 tỷ đồng Việt Nam. (Cũng có người cho rằng đây là giá do giới đầu tư bất động sản cố tình “thổi” lên).

Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là Nhà hát ô-pê-ra mới khánh thành. Ở Đài Bắc, tôi biết đã có hai nhà hát lớn tầm cỡ quốc gia nằm gần khu tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, một dành cho kinh kịch, kịch hát truyền thống của Trung Quốc và một dành cho o-pê-ra. Nhưng ở Đài Trung, thành phố chỉ khoảng hơn triệu dân, một nhà hát o-pê-ra cũng được xây dựng trên khuôn viên tới 56.000 m2 (Đài Trung quốc gia ca kịch viện). Trong tòa nhà 5 tầng, ở tầng 2 có hai phòng biểu diễn, một có 2.000 chỗ ngồi và một phòng biểu diễn nhỏ hơn với 800 chỗ. Điều đặc biệt là hai phòng biểu diễn này có thể nối với nhau để trở thành phòng biểu diễn chứa được gần ba nghìn khán giả. Cư dân còn ít, nhà hát lại mới xây dựng nhưng hôm tới đây, tôi đã thấy thông báo chương trình biểu diễn của Nhà hát từ 19 đến 21 tháng 1 năm 2018 là vở nhạc kịch Mac-bet của G. Vec-đi (nhà soạn nhạc người Ý) dựa theo kịch bản văn học của nhà viết kịch Anh nổi tiếng W. Sêc-xpia. Trong 3 ngày, mỗi ngày có hai suất diễn 14.30 và 19.30.

Lại nhớ hồi cuối năm 2015, Nhà hát kịch Việt Nam đã bỏ nhiều công sức tiền của để dựng vở kịch nói Ham-let cũng của W. Sêc-xpia. Chỉ mới biểu diễn được chừng chục buổi, từ ngày 4.3.2016 tới nay, vở diễn đành “đắp chiếu” vì không có khán giả. Ở một trung tâm văn hóa của cả nước với gần 7 triệu dân.

Chỉ qua tần suất sáng đèn của một Nhà hát, người ta thấy được tầm văn hóa của đất nước.

Trên tầng thượng của  Nhà hát, là một khu vườn với bài trí gần với thiên nhiên, những thảm có, tiểu cảnh, … các lan can phòng hộ cũng được xây dựng rất hài hòa trong khung cảnh một công viên. Buổi tối hôm tới đây, tôi thấy một góc “công viên” đang có biểu diễn ca nhạc. Trên sân khấu nhỏ, một tốp ca sĩ đang biểu diễn. khoảng vài ba trăm người đang ngồi nghe. Họ ngồi rải rác trên bãi cỏ, đôi ba người, cũng có nhóm khá đông  nghe rất chăm chú, tuyệt đối yên lặng trong âm thanh nhẹ nhàng và ánh điện mờ mờ. Những người qua lại cả trẻ em cũng không thấy ai lớn tiếng phá vỡ khung cảnh đầy nghệ thuật ấy.

 

  1. Dù không nhiều thắng cảnh, nhưng khách du lịch tới Đài Loan rất đông. Có công ty du lịch trong một tháng đón tới 60 đoàn khách từ khắp nơi. Dù không có dịp tới thăm những thắng cảnh “độc nhất vô nhị” để thỏa hiếu kỳ như nhiều nơi trên thế giới, nhưng du khách đều cảm thấy hài lòng khi tới đây. Quan trọng nhất là do cách tổ chức, phục vụ. Khắp các điểm du lịch, du khách không bị quấy rầy bởi những người bán hàng rong. Ngay các quầy hàng, cửa hàng cố định cũng được hạn chế ở mức vừa phải, điều này khiến vẻ đẹp của cảnh quan được bảo vệ không bị những chuyện mua bán xô bồ làm ảnh hưởng. Và tuyệt nhiên, không có chuyện khách bị “chặt chém”, lừa gạt vô tội vạ. Các mặt hàng đều có giá niêm yết, việc giảm giá được thông báo rõ ràng. Mua hàng, khách có thể mặc cả, nhưng giá cả chỉ “một chín một mười”. Và “thuận mua vừa bán”, không có lườm nguýt, thậm chí chửi rủa khi không bán được hàng như ở ta.

Chỉ nói riêng cái nhà vệ sinh đã đáng để các khu du lịch ở ta noi theo. Không chỉ ở các nhà hàng, khách sạn, … ngay các tụ điểm du lịch hay nơi công cộng, nhà vệ sinh cũng được đảm bảo sạch sẽ khiến không ai có thể phàn nàn.

 

  1. Trong một khoảng thời gian dài, đảo quốc Đài Loan được gọi là “Formosa” tức “hòn đảo xinh đẹp”. Tương truyền đó là cách gọi của những người thủy thủ Bồ Đào Nha khi lần đầu tiên cập bến đến hòn đảo này. Đài Loan với vẻ đẹp tự nhiên, bờ biển trong xanh, thơ mộng cũng thật xứng đáng với tên gọi đó.

Nhưng vì sao cái Dự án gang thép Vũng Áng của Formosa Hà Tĩnh lại trở nên xấu xí và gây bao tai họa cho môi trường biển, cho cư dân các tỉnh miền Trung nước ta như vậy? Ban đầu, khi sự việc vỡ lở, Quốc hội Đài Loan, thậm chí cả bà  Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan cũng đã có những chất vấn về sự kiện này. Nhưng sau đó, mọi việc ở Đài Loan trở nên im ắng và có vẻ như “chìm xuồng”. Và ở Đài Loan, cuối cùng, Formosa chả sao cả. Tôi đã hỏi người dân Đài Loan về việc này khi có dịp tới đây. Hóa ra là, Formosa đã làm đúng những gì họ đã cam kết khi đầu tư vào Hà Tĩnh, làm đúng tất cả những điều đã có trong Hợp đồng. Để kêu gọi đầu tư bằng bất cứ giá nào (giữa động cơ xây dựng đất nước và mong muốn được những khoản “hoa hồng” kếch xù, không biết cái nào lớn hơn), những người chịu trách nhiệm việc này, đồng thời cũng là những kẻ “ăn không từ một thứ gì” đã giảm thiểu các ràng buộc chủ đầu tư về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Cùng với những nguyên nhân khác, việc chấm dứt hợp đồng với họ là không thể.

Và tai họa với môi trường biển Việt Nam,  thảm họa với nhân dân Việt Nam không phải chỉ do Formosa mang tới mà còn do những kẻ “ăn không từ một thứ gì” cố tình rước về. Chỉ với mục đích làm giàu cho riêng mình bằng bất cứ giá nào.

Tôi không bênh vực cho Formosa, nhưng mỗi người cần nhìn thẳng vào sự thật này để thấy cần trừng trị bọn người “ăn không từ một thứ gì” như thế nào.

http://onggiaolang.com/ghi-chep-o-dai-loan-2/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn