10 sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2019

Thứ Sáu, 27 Tháng Mười Hai 20192:00 SA(Xem: 4128)
10 sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2019
voatiengviet.com

10 sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2019


10. Greta Thunberg và phong trào biểu tình vì khí hậu

Nhà hoạt động 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg khiển trách lãnh đạo thế giới chưa đủ nỗ lực trước tình trạng biến đổi khí hậu. “Mấy người dám cả gan!” cô xúc động phát biểu tại một hội nghị LHQ vào tháng 9. “Mấy người đã đánh cắp ước mơ và tuổi thơ của tôi bằng những lời sáo rỗng.” Trong khi đó, một phong trào do cô gợi cảm hứng đã khiến thanh thiếu niên khắp nơi trên thế giới bãi khóa, xuống đường kêu gọi các chính phủ hành động chống lại biến đổi khí hậu. Greta Thunberg được tạp chí TIME vinh danh “Nhân vật Của Năm” 2019.

9. Cháy rừng Amazon, Brazil

Rừng mưa nhiệt đới Amazon - lá phổi xanh của Trái đất - hứng chịu hơn 70.000 đám cháy ở Brazil kể từ đầu năm 2019, theo dữ liệu được các nhà khoa học công bố vào tháng 8. Một số đám cháy gây ra bởi nông dân và người đốn gỗ muốn sử dụng đất rừng cho mục đích nông nghiệp và công nghiệp. Nhưng nhiệt độ nóng và điều kiện khô hạn khiến lửa lan nhanh chóng. Các vụ cháy rừng Amazon thu hút sự chú ý rộng rãi của quốc tế từ tháng 8, lửa vẫn lan rộng sang tới tháng 10.

8. Thảm sát tập thể ở New Zealand

50 người bị bắn chết trong các nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand, vào ngày 15/3 trong vụ xả súng đẫm máu nhất ở đất nước yên bình này. Hung thủ loan báo ý định của mình trong một tuyên ngôn kì thị chủng tộc dài 74 trang đăng trên mạng trước khi xả súng. Thủ tướng Jacinda Arden gọi đó là “một trong những ngày đen tối nhất của New Zealand.” Chưa đầy một tháng sau vụ tấn công New Zealand ban hành lệnh cấm súng trường bán tự động và súng trường tấn công.

7. Brexit khiến thủ tướng Anh mất chức

Thủ tướng Anh, Theresa May, từ chức vào tháng 6 sau ba lần thất bại trong việc thuyết phục Nghị viện chấp thuận thỏa thuận Brexit của bà đưa Anh rời khỏi Liên hiệp Châu Âu. Boris Johnson, cựu Bộ trưởng Ngoại giao, lên kế nhiệm. Với chiến thắng áp đảo của Đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử tháng 12, ông Johnson được củng cố quyền lực để tiến tới chấm dứt ba năm tê liệt chính trị và đưa nước Anh ra khỏi EU trước ngày 31/1/2020.

9386E9FA-5159-4957-B674-48BF3FC91210_w650_r1_s

6. Tai nạn và tai tiếng của Boeing 737 MAX

Máy bay 737 MAX của hãng Boeing chịu nhiều tai tiếng trong năm 2019 khi hai vụ rơi máy bay này xảy ra cách nhau trong vòng năm tháng, giết chết 346 người. Hai vụ tai nạn, một ở Indonesia vào tháng 10/2018 và một ở Ethiopia vào tháng 3/2019, khơi lên những nghi vấn về thiết kế và các tính năng của mẫu máy bay được quảng bá là thế hệ máy bay kế tiếp cho du hành thương mại. Truyền thông Mỹ nói có nhiều vấn đề được phát hiện trong việc chế tạo và chứng nhận mẫu máy bay này. Các máy bay 737 MAX đã bị cấm bay kể từ tháng 3 và Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ nói sẽ không chấp thuận cho máy bay này quay trở lại hoạt động trước tháng 1/2020.

5. Cháy Nhà thờ Đức Bà ở Pháp

Vào tháng Tư, thế giới kinh hoàng chứng kiến chóp tháp mang tính biểu tượng của Nhà thờ Đức Bà 850 tuổi ở Paris bị thiêu rụi. Ngọn lửa bùng lên và nhanh chóng bao trùm phần mái của nhà thờ khiến chóp tháp sụp đổ, trước khi lan vào hệ thống khung gỗ. Nhà thờ vẫn đứng nhưng cấu trúc bị suy yếu nặng. Công tác gia cố và tu sửa vẫn đang được tiến hành và Tổng thống Emmanuel Macron đặt ra thời hạn là năm năm. Lần đầu tiên trong hơn hai thế kỉ, Nhà thờ Đức Bà sẽ không cử hành thánh lễ Đêm Giáng Sinh năm nay.

4. Thủ lĩnh ISIS bị Mỹ hạ sát

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/10 loan báo Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh ẩn dật của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS), đã chết trong một cuộc đột kích của quân đội Mỹ ở miền bắc Syria. Dưới quyền của Baghdadi, ISIS chuyển hóa từ những phần tử nổi dậy lẻ tẻ thành một mạng lưới khủng bố toàn cầu thu hút hàng ngàn chiến binh đến Iraq và Syria. Vào lúc đỉnh điểm, Baghdadi cai trị một lãnh thổ rộng bằng cả lãnh thổ Vương quốc Anh, từ đó dàn dựng những vụ tấn công ở các nước khắp thế giới.

3. Biểu tình đòi lật đổ tổng thống ở Venezuela

Lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido viện dẫn hiến pháp và tự xưng là Tổng thống lâm thời sau khi tuyên bố Tổng thống Nicolas Maduro tái đắc cử thông qua một cuộc bầu cử giả hiệu. Ông Guaido nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế và người biểu tình ồ ạt đổ ra đường phố đòi tổng thống theo chủ nghĩa xã hội phải từ chức. Nhưng ông Maduro vẫn giữ được sự trung thành của quân đội và vẫn bám chức bất chấp áp lực chính trị to lớn. Kể từ đó, phe đối lập Venezuela không đạt được tiến bộ nào đáng kể trong việc lật đổ chính quyền Maduro và các cuộc biểu tình cũng đã vơi bớt.

2. Biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong

Các cuộc biểu tình bắt đầu tại Hong Kong Kong vào tháng 6 phản đối một dự luật dẫn độ được đề xuất mà có thể đưa cư dân Hong Kong sang xét xử ở Trung Quốc đại lục. Ngay cả sau khi dự luật được rút vào tháng 9, tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn - đôi khi trở thành bạo động - khi những người biểu tình đòi mở rộng dân chủ như bầu cử công bằng và tự do. Họ giận dữ về điều mà họ xem là sự can thiệp của Trung Quốc vào những việc nội bộ ở Hong Kong, lãnh thổ được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Đến tháng 11, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật nhằm bảo vệ nhân quyền và ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, gửi đi một thông điệp cứng rắn tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

1. Tổng thống Donald Trump bị Hạ viện Mỹ luận tội

Tổng thống Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ thứ ba trong lịch sử bị Hạ viện luận tội lạm dụng quyền hành và cản trở Quốc hội trong những hành động của ông liên quan tới Ukraine. Phe Dân chủ cáo buộc ông lạm dụng quyền hành của mình bằng cách yêu cầu Ukraine điều tra về Joe Biden, cựu phó tổng thống Mỹ và là ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ thách thức ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2020. Ông Trump cũng bị cáo buộc cản trở cuộc điều tra của Quốc hội về vấn đề này. Cuộc biểu quyết ở Hạ viện mở đường cho một phiên xét xử tại Thượng viện, vốn được kiểm soát bởi những nghị sĩ Đảng Cộng hòa đồng minh của ông Trump, để xem có nên kết tội ông và truất quyền Tổng thống của ông hay không. Chưa có Tổng thống nào từng bị truất quyền vì quy trình luận tội vốn được quy định trong Hiến pháp, và các thượng nghị sĩ Cộng hòa giờ đây có phần chắc sẽ không làm điều đó.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn