Chuyến thám hiểm Bắc Cực phát hiện băng ngày càng mỏng

Thứ Năm, 28 Tháng Mười Một 201911:00 SA(Xem: 4349)
Chuyến thám hiểm Bắc Cực phát hiện băng ngày càng mỏng
bbc.com

Chuyến thám hiểm Bắc Cực phát hiện băng ngày càng mỏng

Martha Henriques BBC Future

Other Bản quyền hình ảnh Other

Vào lúc bình minh ló dạng, những người dẫn dắt đoàn thám hiểm cầm ống nhòm xếp hàng trên cây cầu của tàu phá băng Polarstern.

Bầu trời u ám và ánh sáng nhợt nhạt. Con tàu của chúng tôi đang bập bềnh phía trước nhiều mảng băng tối và tuyết trắng trông giống như bất cứ băng tuyết bình thường nào khác.


Phải mất một phút tôi mới nhận ra rằng có một tảng băng lớn hơn nhiều ở đằng xa.

Đi tìm tảng băng

"Chúng tôi vừa đậu cách rất xa để không làm hỏng nó," Stefan Hendricks thuộc Viện Alfred Wegener (AWI), một chuyên gia về băng trong hành trình Mosaic, chuyến thám hiểm khoa học lớn nhất từ trước giờ đến Trung Bắc Cực, nói.

Ngay trước mũi tàu là đầu mối đã đóng băng trở lại - đó là vết nứt lớn trên băng - được bao phủ trong một lớp băng mỏng màu xám đen. Nhìn tít phía xa là tảng băng trắng ngút ngàn.

Matt Shupe từ Đại học Colorado, người ban đầu đưa ra ý tưởng về cuộc thám hiểm này, và Markus Rex ở AWI, người hiện đang dẫn dắt cuộc thám hiểm, rướn người lên nhìn hai hình ảnh trên màn hình.

Họ cố gắng tự định hướng và đối chiếu thông tin từ radar của tàu với những gì họ có thể nhìn thấy ngoài cửa sổ. Họ nhìn vào một tảng băng lớn, có diện tích khoảng 2,5km x 3,5km, với hình dạng lục lăng thuôn dài. Họ đánh giá tiềm năng của nó để dùng làm căn cứ cho cuộc thám hiểm trong năm tới.

Là một trong số ít các nhà báo được mời tham gia cùng các nhà khoa học Mosaic trong chuyến thám hiểm Bắc Cực, đó sẽ là nơi tôi ở trong vài tuần trước khi tôi bắt đầu chuyến hành trình dài để về nhà.

Đó là một khoảnh khắc căng thẳng, vì phần lớn cuộc thám hiểm sẽ xoay quanh sự lựa chọn này.

Rex dường như tin rằng tảng băng trước mặt chúng tôi chính là tảng băng trong bức ảnh vệ tinh. "Tôi nghĩ là chúng ta đã tìm thấy nó rồi," ông nói.

Thuyền phó thứ nhất lái tàu đi về phía tảng băng theo một đường cong.

Với những tảng băng khác mà chúng tôi gặp phải, chúng tôi đã dùng tàu để làm vỡ một miếng ra khỏi mép tảng băng để xem nó dày bao nhiêu.

Khi chúng tôi tiến gần hơn, tôi hỏi liệu có nên làm điều tương tự với tảng băng này không. "Đừng, đừng," Hendricks nói.

Có một thái độ mới, thận trọng hơn rất nhiều đối với tảng băng này. "Chúng ta không có nhiều tảng băng trôi," J. Allison Fong, người đứng đầu nhóm sinh thái của chuyến thám hiểm, cho biết. "Chúng ta không nên phá hoại bất cứ tảng băng nào, hãy để yên như vậy."

Khi chúng tôi tiến gần đến tảng băng, chúng tôi phải cắt qua một tảng băng kế bên.


Các mảnh vỡ lớn bập bềnh thẳng đứng cạnh thân tàu để lộ mặt cắt ngang. Một thanh đo hai mét màu đỏ trắng, được sơn cách quãng 50 cm, chĩa ra từ khoang dưới để hỗ trợ đội trên cây cầu đánh giá độ dày tảng băng.

Gần đây, lớp băng xanh rắn nằm giữa lớp tuyết trên cùng và lớp băng phân hủy mềm bên dưới hiếm khi vượt qua nấc đầu tiên trên thanh đo.

Bước trên băng mỏng

Nhóm nghiên cứu nhìn ra ngoài cửa sổ mạn tàu. "Tảng băng này dày. Điểm đó là chỗ… dày trên một mét," Fong nói.

Nếu tảng băng kế bên mà chúng ta đã để mắt cũng vậy, đó là điều hứa hẹn. "Ngay cả mảng băng mới bị đóng băng cũng đủ dày."

Lớp mới ở trên cùng là lớp băng cứng có thể đỡ được vật nặng.

Lớp băng phân hủy bên dưới có tuổi lâu hơn thì không thể dựa vào được, mặc dù có câu hỏi rằng liệu lớp băng như thế nhưng dày hơn sẽ giúp ích hay cản trở việc đóng băng trở lại trong mùa đông.

"Hãy nhìn khối băng này," Fong nói và chỉ đến một mảng băng lớn khác dày hơn một mét được đẩy lên ở phía bên mạn tàu.

Tuy nhiên, khi nhìn gần thì bản thân tảng băng trông không đặc biệt đồ sộ. Bề mặt của nó ngang với mặt nước đang đóng băng ở bên rìa.

Không có nền tảng gì trên mặt nước để tạo nơi trú ẩn và che chở. Thay vào đó, tảng băng hòa làm một với biển xung quanh, từ xa nhô lên chỗ có thể là một khu vực gồ ghề hướng về phía trung tâm.

"Vấn đề là tôi không chắc liệu mảng băng này thậm chí có an toàn để bước trên đó hay không," Rex nói.

"Chúng ta còn ở nói quá xa nên chưa nói được," Fong nói.

"Ở khu vực chập chùng đó có những lỗ hổng và khoảng trống," Rex nói, ra dấu chỉ về phía khu vực trung tâm. "Sẽ rất tốt nếu mặc đồ bảo hộ. Lấy cả phao nữa."

"Nếu bạn thật sự nghĩ rằng không an toàn để bước đi trên đó thì tôi thật không hiểu là bạn sẽ định làm gì ở đó," bà Verena Mohaupt, trưởng nhóm hậu cần cho chuyến thám hiểm, nói. Một trong những trách nhiệm của bà là trang bị cho mọi người để đối phó an toàn với các hiểm họa của băng.

Nhưng ý tưởng mặc bộ đồ sinh tồn - vốn không thấm nước và trợ nổi trong trường hợp bạn rơi xuống nước - dường như giúp cả đội có một chút tự tin. "Nếu các bạn mặc đồ sinh tồn thì chúng ta không cần phải lo lắng," Fong nói.

Một nhóm khảo sát nhỏ bao gồm Shupe và Hendricks sẽ khám phá tảng băng.

Mohaupt đưa họ cuốc móc, dây thừng, hai chiếc radio và ba lô khẩn cấp. Họ sẽ đi cùng với một người dọa gấu đã qua huấn luyện. Gấu Bắc cực là mối nguy hiểm lớn khác trên băng, bên cạnh việc rơi xuống vùng nước lạnh cóng. Những người dọa gấu đi cùng với các nhóm thám hiểm trên băng này có một số phương cách phòng thủ, bắt đầu là pháo sáng để làm chúng sợ, và kết thúc bằng một khẩu súng trường nếu như không còn cách nào khác.

'Ghế xác ướp'

Nhiệt độ khi đó là -6 độ C, cộng thêm cái lạnh từ gió bắc làm cho nó có cảm giác giống như -22 độ.

Nhóm khảo sát chui vào một hộp kim loại màu đỏ có nắp mở gọi là ghế xác ướp, trông giống như chiếc giỏ khinh khí cầu. Cái giỏ này được cần cẩu nhấc lên qua bên kia tàu và đặt xuống băng.

Biến đổi khí hậu đã bào mòn băng trên Bắc Băng Dương trong nhiều thập kỷ. Nhưng không ai trong đoàn thám hiểm hiểu đúng mức lớp băng này đã trở nên mong manh như thế nào cho đến khi họ đến đây.

"Từ trên không cảnh tượng trông rất đẹp," Jari Haapala thuộc Viện Khí tượng Phần Lan, nói.

Haapala đi trên chuyến bay trực thăng đầu tiên tới từ tàu hỗ trợ Akademik Federov của Nga, vốn đã hộ tống tàu Polarstern trong chặng đầu tiên của hành trình.

Các chuyến bay khám phá những tảng băng gần đó đã diễn ra song song với những nỗ lực trên tàu Polarstern.

Nhưng cảnh tượng từ trên cao mang tính lừa dối. Các nhóm khảo sát đã khoan vào băng để đo độ dày và chất lượng băng.

"Thật tuyệt vời khi thấy các mũi khoan chạy rất nhanh xuyên qua lớp băng," Happala nói. "Thông thường lớp băng khá cứng - cần có thời gian để khoan. Thật đáng ngạc nhiên là những tảng băng này lớn như vậy nhưng chúng vẫn chưa rã."

Đây không phải là tin tức đáng hoan nghênh cho Hành trình Mosaic.

Đoàn thám hiểm cần một tảng băng đặc biệt ổn định để phù hợp với quy mô của trạm nghiên cứu mà họ dự định xây dựng lên trên đó.

Các nhà khoa học muốn dành cả năm tới sống ở trạm đó, đo khí quyển, băng, đại dương, địa hóa sinh và hệ sinh thái ở Bắc Cực trong suốt thời gian đó - một kế hoạch đầy tham vọng chưa bao giờ được thực hiện ở quy mô này.

Những dữ liệu mà họ thu thập được sẽ giúp trả lời một loạt câu hỏi về bằng cách nào biến đổi khí hậu chuyển hóa môi trường Bắc Cực, và điều đó có ý nghĩa thế nào đối với phần còn lại của thế giới trong những thập kỷ tới.

Cho đến giờ, thử thách chính vẫn là tìm kiếm được một 'vị trí tốt' mà từ đó họ có thể để cho mình bị đóng băng và dính vào băng trên biển rồi bắt đầu trôi dạt.

Họ phải tránh đi vào các khu vực nguy hiểm đã biết, các khu vực không thể tiếp tế và Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Nga, nơi họ không được phép nghiên cứu.

Nếu con tàu trôi vào khu vực này, các thiết bị sẽ phải bị tắt và hoạt động thu thập dữ liệu phải được tạm dừng.

Nhưng khi thời gian trôi qua, một thách thức khác đã xuất hiện - đó là tìm kiếm cho được một tảng băng ở 'vị trí tốt' có thể ổn định đủ mức để đặt trạm này bên trên.

Trạm được lên thiết kế bao gồm các thiết bị nặng và một đường băng, được cày cho bằng phẳng bằng những dụng cụ tương tự như những cây cào tuyết được nhìn thấy tại các khu trượt tuyết trên khắp thế giới.

Nhưng điều này ngày càng tỏ ra là phi thực tế. Nhiều tảng băng tốt nhất, được xác định qua ảnh vệ tinh là dày tối thiểu 80cm hóa ra lại chỉ dày chưa tới một nửa mức đó.

Quyết định khẩn cấp

"Để con tàu đậu bên cạnh một tảng băng như vậy và cơn bão đầu tiên sẽ đẩy tàu đi xuyên qua nó ở mé bên cạnh," Rex nói. "Nó sẽ chạy băng qua tảng băng."

Băng tuyết rất dễ đánh lừa khi ta ước lượng khoảng cách.

Bởi không có các dấu hiệu trực quan trong cuộc sống thông thường để tham khảo - các tòa nhà, con đường, cây cối - cho nên thật khó mà biết liệu các rặng núi màu trắng xám mờ kia là đang cách xa hàng trăm mét hay cách tới hàng cây số.

Chúng tôi theo dõi từ boong tàu khi nhóm khảo sát băng đi về phía xa, dần trở thành những đốm nhỏ.

Thỉnh thoảng, họ dừng lại để đo đạc - họ khoan lỗ, hạ xuống đó một thanh đo và phát ra xung điện từ từ một thiết bị được kéo theo trong chiếc xe trượt.

Các xung động này được phản hồi từ các ranh giới giữa tuyết và băng, và từ nơi băng gặp nước, qua đó cho thấy độ dày của chúng.

Nhóm khảo sát đã đi được vài giờ, những chấm đen xếp thành hàng đi lên đi xuống trên tảng băng, dừng lại, và bước đi lần nữa trong tuyết và trên những rặng núi.

Dần dần, các kết quả được báo về nhỏ giọt qua sóng radio. Chúng tôi nghe thấy báo cáo nhiều độ sâu, đầu tiên là 60cm và sau đó là hơn 1m.

Đến cuối ngày, bức tranh chi tiết về tảng băng đã hình thành và rõ ràng nó không giống như những tảng băng khác mà chúng tôi đã gặp.

Nhưng Rex vẫn thận trọng. "Chúng tôi dự trù kinh phí để khảo sát 20 tảng băng," ông nói. "Đây là tảng băng thứ hai của chúng tôi. Tôi sẽ ngạc nhiên nếu tảng băng thứ hai đúng là thứ chúng tôi cần tìm. Lúc này mọi người đang kỳ vọng và họ trở nên lo lắng. Đó không phải những gì chúng tôi muốn."

Bất chấp khẳng định của Rex rằng chúng tôi đang hoạt động nhanh vượt dự kiến, chúng tôi cần đưa ra quyết định khẩn cấp. Chiều cao của mặt trời mọc so với đường chân trời đang giảm dần theo từng ngày và chẳng mấy chốc nó sẽ không còn xuất hiện nữa, khiến công việc thực tế trên băng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

"Chúng ta cần đưa ra quyết định về tảng băng này càng sớm càng tốt," Matt Shupe nói sau khi trở về từ tảng băng.

"Nó có những đặc tính có thể là tốt hoặc xấu. Nhưng nếu chúng ta chỉ lấy mẫu thêm nhiều tảng băng khác nữa, thì chúng ta sẽ phải kết luận về chúng nhanh hơn. Chúng ta đã bỏ thời gian cho tảng băng này rồi."

Sau một ngày nữa trên băng, chúng tôi đã biết rõ ràng tảng băng này có phần giữa cứng chắc mạnh mẽ, với bề dày lên tới 5m - độ dày mà đến giờ không bất cứ thứ gì hai tàu tìm thấy có thể so sánh.

Dường như nó đã được tạo ra từ một vài tảng băng nhập lại với nhau dưới áp suất lớn.

Shupe đặt tên cho khu vực gồ ghề này là 'pháo đài'. Nó trông như một mảng sáng trong các hình ảnh vệ tinh đen xám mà nhóm khảo sát đang sử dụng.

Phía xa ngoài pháo đài, có hai khu vực lớn bằng phẳng hơn. Chỗ lớn hơn trong số đó dường như được cấu thành bằng băng ít nhiều đặc trưng của khu vực này. Điều này cho phép đoàn thám hiểm nghiên cứu những gì đang xảy ra với lớp băng non trên biển Bắc Cực vốn đang biến mất nhanh chóng.

Lựa chọn khả thi

"Mặc dù rất không đồng nhất, gồ ghề, nhưng nó vẫn là một khối băng cứng cáp, có thể dùng để neo tàu," Rex nói. "Vì vậy, tôi nghĩ rằng bản thân điều này có thể là lý lẽ tốt để sử dụng tảng băng này. Sau đó, chúng ta có thể thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học ở chỗ khác với đặc điểm đặc trưng chủ yếu là các ao tan chảy và một số cấu trúc gồ ghề."

Phân tích sơ bộ cho thấy rằng băng ở khu vực này trẻ hơn nhiều so với băng thường thấy vào thời điểm này trong năm.

Băng xung quanh con tàu bắt đầu hình thành khoảng 300 ngày trước - tức muộn hơn khoảng hai tháng sau thời điểm bắt đầu đóng băng thông thường vào mùa đông ở Bắc Cực.

Mất đi hai tháng không đóng băng tạo ra sự khác biệt lớn, làm độ dày băng giảm đi khoảng một nửa.

Sau hai ngày Shupe, vốn đang vật lộn với cảm lạnh, và nhóm khảo sát làm việc vất vả trên băng, thì Rex đã có cái nhìn cận cảnh đầu tiên đối với tảng băng này từ máy bay trực thăng. Tảng băng, rõ ràng rất năng động, đã thay đổi.

Một vết nứt lớn xuyên qua băng từ tây sang đông, gần như cắt đứt khoảng một phần năm tảng băng ngoài rìa phía bắc của 'pháo đài'. Có một trận bão sắp thổi qua trong tuần tới và tảng băng nằm trong đới cắt, với các dòng chảy kéo nó theo các hướng khác nhau. Phần này của tảng băng dự kiến sẽ không trụ được lâu. "Đây chỉ là khối băng rất mỏng, rất phẳng, mới được hình thành gần đây," Rex nói. "Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ mất tảng băng này."

Nhưng phần còn lại của tảng băng, đặc biệt là pháo đài, trông vẫn vững chắc. Để đưa ra quyết định cuối cùng, lãnh đạo của cả hai con tàu cùng gặp nhau trên Polarstern.

"Tảng băng tiêu chuẩn trong năm nay, do mùa hè ấm áp và điều kiện băng giá chung, không thực sự phù hợp để neo đậu tàu và thiết lập trại nghiên cứu lớn," Rex nói.

"Do đó, nhiệm vụ mà chúng ta đang phải đối mặt ngay bây giờ, điều chúng ta phải giải quyết, không phải là tìm kiếm tảng băng hoàn hảo cho chuyến thám hiểm của chúng ta mà là chọn cái tốt nhất mà chúng ta có thể tìm thấy."

Sau các thủ tục, cuộc thảo luận khá ngắn gọn. Rõ ràng là chỉ có một lựa chọn khả thi.

Vài ngày sau, Polarstern neo vào tảng băng pháo đài, ở 85 độ bắc và 137 độ đông. Nó không neo như kế hoạch ban đầu là bằng cách đậu con tàu cẩn thận về một bên để không làm hỏng lớp băng mỏng manh bên ngoài - mà thay vào đó bằng cách đâm sầm 500 mét vào pháo đài. Thuyền trưởng muốn con tàu được đưa vào an toàn để đảm bảo tàu được neo đậu tốt nhất.

Trong những ngày tới, nhóm nghiên cứu sẽ bắt đầu xây dựng trại băng của họ xung quanh Polarstern, cẩn thận dọn ra các thiết bị mà băng có thể chịu được cho đến khi nó trở nên dày hơn trong mùa đông.

Trong lúc đó, tàu Akademik Federov sẽ thiết lập một loạt các tiền đồn xa xôi trải dài hàng chục km, tung ra vài chục chiếc phao và trạm cảm ứng từ xa để cung cấp bức tranh lớn hơn về môi trường Bắc Cực bên ngoài tảng băng trung tâm.

Nếu trại trung tâm là pháo đài, thì các trạm này sẽ là các đồn biên phòng của trại nghiên cứu Mosaic.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn