Hàng giả, hàng nhái : Sản phẩm của Pháp là « nạn nhân » thứ hai sau hàng Mỹ

Thứ Tư, 27 Tháng Mười Một 20193:00 SA(Xem: 6289)
Hàng giả, hàng nhái : Sản phẩm của Pháp là « nạn nhân » thứ hai sau hàng Mỹ
vi.rfi.fr

Hàng giả, hàng nhái : Sản phẩm của Pháp là « nạn nhân » thứ hai sau hàng Mỹ

Thùy Dương

Hàng giả, hàng nhái chiếm 3,3% trao đổi thương mại toàn cầu và ngày càng tăng mạnh, chủ yếu do sự phát triển của phương thức mua bán trên mạng, vận chuyển hàng qua đường bưu điện đã khiến công tác kiểm tra hải quan trở nên phức tạp.

Theo số liệu chính thức trong báo cáo hồi tháng 03/2019 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) và Liên Hiệp Châu Âu, thị trường hàng nhái, hàng giả có tổng doanh thu lên đến 509 tỉ đô la/năm.

Hàng hóa sản xuất tại Pháp là loại sản phẩm bị làm giả, làm nhái nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau hàng Mỹ, từ dược phẩm, quần áo, đến đồ chơi, thuốc lá … Theo Cơ quan châu Âu về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại 7 tỉ euro doanh thu cho nước Pháp, làm người Pháp mất 22.000 việc làm. Nổi tiếng về các ngành công nghiệp hàng xa xỉ, thời trang và phụ kiện, đồ trang sức, dược phẩm và thực phẩm, nước Pháp đã trở thành nạn nhân của nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái trên toàn cầu. Cứ 10 món hàng giả, hàng nhái bị thu giữ trên thế giới thì có 2 sản phẩm là nhái hàng Pháp.

Trong khi đó, ngay tại nước Pháp, trong năm 2018, gần 5,4 triệu món hàng nhái, hàng giả bày bán trên đường phố, trong chợ đã bị thanh tra thị trường Pháp tịch thu. Một trong những vụ gây tiếng vang nhất ở Pháp là trong một khu chợ nhỏ của chợ đồ cổ, đồ cũ Saint Ouen ngoại ô Paris hồi tháng 12/2018 : Thanh tra thị trường đã tịch thu gần 10.000 món hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng với tổng giá trị 2,6 triệu euro. Một con số cao kỷ lục, trong đó có 1.225 chiếc áo khoác dán nhãn Canada Goose, 8524 sản phẩm dán mác Lacoste, 877 đôi giày và quần áo hiệu Nike …

Trước đó một năm, cũng tại chợ Saint Ouen, vốn được mệnh danh là « thánh địa hàng nhái, hàng giả » tại Paris, hồi tháng 11/2017, 838 món hàng giả các thương hiệu cao cấp như túi Louis Vuitton, đồng hồ Kenzo, áo Givenchy, quần áo Lacoste đã bị tịch thu và tiêu hủy.

Hệ quả với doanh nghiệp và người tiêu dùng

Đâu là những hệ quả đối với doanh nghiệp có hàng bị làm giả, làm nhái? Trong một phóng sự phát trên đài France 24 ngày 25/10/2019, bà Delphine Sarfati-Sobreira - tổng giám đốc UniFab, hiệp hội các nhà sản xuất, chuyên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng nhái, hàng giả, cho biết : « Hệ quả đương nhiên là có rất nhiều. Trước tiên là các hệ quả về kinh tế, và sau đó đương nhiên là hình ảnh của các doanh nghiệp trở nên xấu đi. Khi quý vị mua thuốc aspirine, nếu quý vị biết rằng thuốc của một hãng nào đó bị làm giả, thì đương nhiên là quý vị sẽ tìm mua thuốc của hãng khác mà quý vị biết là thuốc không có nguy cơ bị làm giả ».

Còn đối với người tiêu dùng, hàng giả, hàng nhái có hại thế nào ?Delphine Sarfati-Sobreira giải thích tiếp : « Đối với hàng giả, hàng nhái, các thí nghiệm không được tiến hành, tức là hàng không được kiểm định chất lượng. Đương nhiên là có nguy cơ về vệ sinh y tế. Và tùy theo mặt hàng, có thể có nguy cơ dị ứng trên da. Chẳng hạn đối với phấn mắt, kem chống nắng. Có những loại hàng giả, hàng nhái có thể là cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ gây tai nạn, chẳng hạn phụ tùng xe hơi, thiết bị trên máy bay. Có thể có những mối nguy rất lớn, gây hậu quả nặng nề vì những sản phẩm này không được kiểm tra chất lượng ».

Vậy thế nào là hàng giả, hàng nhái ? Tổng giám đốc UniFab, hiệp hội các nhà sản xuất, chuyên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng nhái, hàng giảkhái quát : « Rất đơn giản. Ngay khi sản phẩm có chi tiết khiến người tiêu dùng nhầm lẫn, ngay khi sản phẩm khiến người tiêu dùng nhầm sang một sản phẩm khác thì đó chính là hàng giả, hàng nhái ».

Nhìn lại lịch sử, về câu hỏi hàng nhái xuất hiện lần đầu tiên khi nào, tổng giám đốc hiệp hội UniFab cho biết : « Ồ, các sản phẩm làm nhái đầu tiên có từ thời Cổ đại. Đó là những nắp bình, nắp vò của La Mã. Vào thời đó, chúng được làm nhái để mọi người tin rằng loại dầu hay rượu đựng trong bình có xuất xứ từ vùng đó, trong khi trên thực tế là chúng được sản xuất tại một nơi khác. Những nắp bình, nút chai này được nhà thám hiểm dưới đáy đại dương, thuyền trưởng Cousteau tìm thấy gần Arles, cách nay vài chục năm ».

Internet - kênh mới phân phối hàng nhái, hàng giả

Tại sân bay Charles de Gaulle, hải quan đã thu giữ và tiêu hủy 1 triệu 130 ngàn bưu kiện hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, trong một phóng sự phát trên đài France 24 ngày 25/10/2019, một nhân viên hải quan nhấn mạnh con số trên mới chỉ mà một phần nhỏ, bởi vì Hải Quan chỉ kiểm tra được một số lượng rất nhỏ các bưu kiện chuyển đến từ nước ngoài, đa phần là từ Trung Quốc. Và thường thì đây là hàng người tiêu dùng mua sắm trên các trang mạng internet.

Theo một khảo sát Viện Ifop thực hiện cho hiệp hội UniFab, 37% số người được hỏi cho biết họ đã mua phải hàng giả mà không hề biết, chủ yếu là thanh niên vì đa phần họ có xu hướng mua hàng trên mạng internet. Theo các chuyên gia, internet, với sự bùng nổ của phương thức thương mại điện tử, đã trở thành một kênh mới chuyên phân phối hàng nhái, hàng giả. Báo Le Figaro cho biết 50% số vụ mua bán trái phép diễn ra trên internet. Tại Pháp, 30% hàng giả, hàng nhái xuất phát từ phương thương mại điện tử.

Cơ quan châu Âu về quyền sở hữu trí tuệ cho biết hàng giả, hàng nhái chủ yếu được xuất từ châu Á, nhất là Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, rồi được vận chuyển bằng tàu biển đến cửa ngõ châu Âu. Khi đó, hàng được đóng thành từng bưu kiện tại các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Albanie, Ukraina hoặc Maroc, rồi được gửi qua đường bưu điện hoặc dịch vụ chuyển phát nhanh tới khách hàng ở các nước khác nhau. Do số lượng bưu kiện quá lớn, lực lượng hải quan lại có hạn nên rất nhiều hàng giả, hàng nhái qua được cửa ải kiểm tra trót lọt để đến tay người tiêu dùng.

Mặt hàng nào bị làm giả nhiều nhất ?

Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là các loại mặt hàng nào bị làm giả nhiều nhất ? Theo một báo cáo hồi tháng 03/2019 của Cơ quan châu Âu về quyền sở hữu trí tuệ, các mặt hàng bị làm giả nhiều nhất là giày (22% lượng hàng bị thu giữ), quần áo (16%), đồ da (13%), tiếp theo đó là hàng điện tử (12%), đồng hồ (7%), thiết bị y tế (5%), nước hoa và mỹ phẩm (5%), đồ chơi (3%), trang sức (2%), dược phẩm (2%) …

Hàng xa xỉ của những thương hiệu nổi tiếng hay bị làm giả hơn là các sản phẩm thông thường ? Không hẳn là vậy ! Tổng giám đốc UniFab giải thích : « Hoạt động làm hàng giả, hàng nhái đã thay đổi hoàn toàn. Họ đã chuyển từ giai đoạn sản xuất thủ công sang giai đoạn sản xuất công nghiệp. Hiện giờ, các sản phẩm bị làm giả, làm nhái nhiều nhất lại là các sản phẩm tiêu dùng thông thường. Chúng ta có thể nói đến dầu gội đầu, các sản phẩm vệ sinh thân thể, bút, bật lửa …

Hoạt động làm hàng giả, hàng nhái đã thay đổi hoàn toàn. Đương nhiên là các mặt hàng xa xỉ vẫn bị làm nhái, làm giả nhiều, nhưng nếu quý vị nhìn thấy kho hàng giả, hàng nhái mà lực lượng hải quan tịch thu từ 5 năm nay, quý vị sẽ thấy là các sản phẩm tiêu dùng thông thường mới là những mặt hàng bị làm giả, làm nhái nhiều nhất ».

Nhiều món hàng được làm nhái tinh vi đến mức rất khó để xác định đó là hàng thật hay hàng giả. Tuy nhiên, bà Delphine Sarfati-Sobreira cũng có một vài gợi ý cho người tiêu dùng : « Rất là khó, bởi vì không có mẹo gì giúp quý vị xác định xem liệu một sản phẩm có phải là hàng giả, hàng nhái hay không. Trái lại, quý vị cần để ý xem có lỗi chính tả trên nhãn mác, bao bì sản phẩm hay không, bởi vì nhiều hàng giả được sản xuất tại Trung Quốc, đôi khi người ta viết sai chính tả vì hệ chữ viết của người Trung Quốc khác chúng ta.

Ngoài ra, cũng có một yếu tố cho phép chúng ta xóa bỏ mọi mối nghi ngờ. Quý vị luôn phải đặt câu hỏi là liệu quý vị có mua một sản phẩm tốt đúng điểm bán tốt hay không. Nếu quý vị mua một món đồ xa xỉ ở chợ, thì quý vị có thể chắc chắn 100% đó là hàng giả. Nếu quý vị mua dược phẩm ở chợ, thì cũng như vậy. Khi quý vị mua hàng trên mạng internet, để mua được một sản phẩm chính hãng, thì quý vị cần vào trang chính thức của hãng. Nếu trong đầu quý vị đã gợn lên một mối nghi ngờ, thì chắc chắn đó là hàng giả, hàng nhái ».

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn