Miền biên viễn Na Uy: Nơi đương đầu với sự hủy diệt

Chủ Nhật, 07 Tháng Giêng 20183:00 CH(Xem: 7063)
Miền biên viễn Na Uy: Nơi đương đầu với sự hủy diệt
James D. Morgan/Getty Images Bản quyền hình ảnh James D. Morgan/Getty Images

Nằm rất xa về phía bắc so với những vịnh hẹp nổi tiếng, bờ biển cực bắc Finnmark của Na Uy là vùng biên viễn nằm bên rìa đất liền.

Nằm sâu 500 km vào trong Vòng Bắc Cực, đó là một vùng thiên nhiên hoàn toàn hoang dã với những bán đảo đột ngột rẽ ra và những vách núi nơi chim ấp trứng ở chốn tận cùng thế giới - một nơi mà từ lâu thiên nhiên chiếm ưu thế trước con người.

Vào mùa đông, như thể có lệnh của Chúa Tuyết, các con đường biến mất dưới lớp tuyết dày khiến nhiều cộng đồng bị cô lập trong nhiều ngày. Rồi khi màn đêm vùng Bắc Cực xuất hiện, từ giữa tháng 11 cho đến cuối tháng 1, gần như toàn bộ thời gian là đêm đen bao trùm.


Nhưng khi bạn lái xe dọc theo con đường vắng vẻ, ngập trong tuyết đến thị trấn Hammerfest với số dân 10.527 người và băng qua những làng chài gần như không còn gì và những con tàu đánh cá nằm bất động, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng một trong những thị trấn trên thế giới nằm xa nhất về phía bắc này phải đối diện với những vấn đề còn nghiêm trọng hơn là nhiệt độ tuột xuống dưới 0 độ.

Thiên tai, địch họa

Lịch sử của Hammerfest là một câu chuyện bất hạnh về những thảm họa thiên nhiên, hỏa hoạn, những trận dịch và chiến tranh, trải dài từ thời Napoleon cho đến Đức Quốc Xã. Và mặc dù là một trong những khu vực định cư có lịch sử thăng trầm nhất ở Bắc Âu, vẻ ngoài hết sức hiện đại của thị trấn có thể khiến bạn cảm thấy lạ lùng. Bạn nhìn xung quanh và nó trông có vẻ khác hơn những nơi khác ở nơi xa xôi về phương bắc này.

Những căn nhà vách ván đặc trưng của Na Uy không còn nữa. Cùng biến mất là những mặt tiền cửa hàng truyền thống ở nơi vốn trước đây là thị trấn săn bắt cá voi.

Thay vào đó, đối diện với bến cảng là Trung tâm Văn hóa Bắc Cực, một công trình nổi bằng kính dựng trên những chiếc cột và được chiếu sáng bằng ánh đèn LED.

Ở khoảng giữa - với một bên là nền trời Đại Tây Dương và một bên là trạm khí hóa lỏng - là những khu căn hộ và một bến du thuyền.

Và trên hết, trên con đường chính Kirkegata tọa lạc một nhà thờ có hình dáng như một phi thuyền - một công trình hậu hiện đại để tưởng nhớ những giàn phơi cá khô hình tam giác của Finnmark.

Làm sao giải thích được sự chuyển biến thần kỳ này của Hammerfest?

Bản quyền hình ảnh Mike MacEacheran

Kể từ thế kỷ 18, sau khi các thương nhân châu Âu (và không lâu sau đó là người Bắc Mỹ) đầu tiên đến vùng đất vốn là nơi cư trú từ bao đời nay của người bản địa Nordic Sea Sami, thị trấn đã bị tàn phá, xé nát, san thành bình địa và trên thực tế đã bị xóa sổ khỏi bản đồ từ lần này đến lần khác.

Phượng hoàng vùng viễn bắc

Nó như rơi xuống địa ngục rồi lại phục hồi nhiều lần, và vẫn tiếp tục sống lại - như chim phượng hoàng vùng viễn bắc.

"Bạn có thể truy lịch sử vùng này đến 10.000 năm trước, nhưng nếu tính các công trình xây bằng gạch vữa thì nơi đây là một thị trấn đặc biệt trẻ," Jens Berg-Hansen, một nhà sử học 75 tuổi, nói. Ông là người chúng tôi gặp ở con đường Kirkegata vào một buổi sáng tháng 11 mờ ảo, khi dạo bước tìm hiểu về lịch sử của Hammerfest.

"Ở đây có một tinh thần đi tiên phong - đó là lý do người dân vẫn cứ quay lại. Đây là một thị trấn sinh ra tinh thần tự lực cánh sinh. Chúng tôi đã học cách hợp sức với nhau."

Ban đầu, người châu Âu đến đây là do sức hấp dẫn của bến cảng không đóng băng nhờ tác động của Dòng Hải lưu Nóng Vịnh Đại Tây Dương vốn hiếm gặp ở những vùng biển cực bắc như thế này.

Nhờ vào đó, nơi này đã phát triển thành một trung tâm đánh bắt quốc tế trải dài đến Bắc Băng Dương thông qua Biển Na Uy và Biển Barents - trong thời kỳ mà hải cẩu, cá voi và hải ly bị giết để lấy thịt, da và mỡ.

Với những 'tài sản' được đưa về từ các vùng đánh bắt trên đại dương, thị trấn đã trở thành một công xưởng ngoài trời, nơi người ta lóc mỡ những con cá voi để nó không bị trở mùi hôi.

"Người ta thường nói rằng bạn có thể ngửi thấy mùi Hammerfest trước khi thấy nó," Berg-Hansen nói.

Ông mô tả những năm tháng phát triển bùng nổ của thị trấn từ đầu cho đến giữa thế kỷ 18 khi mà người Nga, Đức, Pháp, Hà Lan và người Mỹ mở lãnh sự quán. "Việc đó đem đến hoạt động giao thương, tiền bạc và rất nhiều du khách quốc tế. Họ nói rằng những người phụ nữ ở đây cũng đẹp như ở Paris, bởi họ ăn mặc rất phong cách". Quá khứ đó vẫn hiện về hiển hiện ở đây: ngày nay trên những con phố vẫn còn rất nhiều những cửa hiệu thời trang và làm tóc.

Khoảng thời gian thịnh vượng đó kéo dài không bao lâu.

Cú sốc đầu tiên xảy đến khi bến cảng - do không bị đóng băng và do vị trí chiến lược của nó trên đường đi Nga, Bắc Cực và Anh quốc - đã bị xâm chiếm trong suốt các cuộc chiến của Hoàng đế Napoleon.

Vào 7/1809, quân Anh cướp phá Hammerfest trong một đợt phong tỏa kéo dài một tuần lễ, khiến cho người dân ở đây phải chết đói.

Nửa thế kỷ sau đó, một trận bão phá tan những nhà kho trong thị trấn.

Rồi đến năm 1890, thảm họa tiếp tục xảy ra một trận hỏa hoạn hung dữ từ một tiệm làm bánh đã tiêu hủy hai phần ba các tòa nhà trong bến cảng.


Gần như không thể tin được, nếu xét trên thời tiết khó đoán và vị trí địa lý xa xôi cách trở của thị trấn, nỗ lực tái thiết thị trấn đã dẫn tới sự hiện đại hóa rộng khắp. Chẳng hạn, trong năm sau đó thị trấn này đã trở thành nơi đầu tiên ở Bắc Âu đưa đèn đường thắp bằng điện vào sử dụng.

Cuộc tàn phá của Đức Quốc xã

Nhưng điều còn tồi tệ hơn đã xảy đến sau đó khi thị trấn bị chiếm đóng sau khi quân Đức xâm lược Na Uy vào năm 1940.

Đoán trước được quân Nga sẽ có bước đột phá ở Mặt trận phía Đông bốn năm sau đó, với chiến thuật rút lui đốt sạch phá sạch của Hitler, tiểu đoàn 1.000 quân Quốc xã không để cho nơi này còn lại thứ gì.

Đó là vào tháng 10/1944. Không để sót lại bất kỳ thực phẩm hay nhu yếu phẩm gì, kế hoạch của quân Đức là để cho Hồng quân phải chịu đói chịu rét cho đến chết.

Chỉ trong vòng một vài ngày, Hammerfest đã bị đốt cháy. Các con đường bị xóa khỏi bản đồ. Các cột điện tín bị đốn ngã và đường dây thông tin liên lạc bị phá hủy. Bến cảng bị tàn phá, mìn phá lỗ chỗ thị trấn và toàn bộ người dân ở khu vực phụ cận bị mất nhà cửa. Chiến lược của quân Đức còn mang tính hệ thống ở chỗ 10.000 căn nhà bị san phẳng và công trình duy nhất còn được để yên là nhà nguyện. Ngọn lửa hoành hành suốt bốn tháng, và cho đến lúc cư dân bỏ chạy hết thì thị trấn Hammerfest đã không còn tồn tại.

Bản quyền hình ảnh Mike MacEacheran
Image caption Bà Randi Simonsen hiện nay 84 tuổi, một trong những chứng nhân lớn tuổi nhất của thị trấn còn sống sót

Với những hậu quả to lớn như vậy, các gia đình ở đây phải di tản về miền Nam Na Uy, trong số đó có bà Randi Simonsen hiện nay 84 tuổi, một trong những chứng nhân lớn tuổi nhất của thị trấn còn sống sót, người trước đó đã đồng ý gặp tôi ở bảo tàng.

Sức sống mãnh liệt

"Quân Đức hành động triệt để đến mức chúng đốt sạch các tầng hầm," bà Simonsen nói và chỉ tay đến những bức ảnh chụp lại hậu quả sau đó. "Nhưng người dân ở đây là những người thông minh và họ đã cất giấu tài sản ngay cả khi họ biết rằng một ngày nào đó họ có thể sẽ không bao giờ quay lại".

Nhờ vậy mà những hình ảnh tái thiết tại bảo tàng áp đảo hơn nhiều so với những bức ảnh về sự tàn phá. Một hiện vật là một chiếc ghế ở tiệm hớt tóc do Mỹ sản xuất được chủ nhân của nó chôn dưới một mét đất để giữ cho nó khỏi bị phá hủy. Một hiện vật khác cho thấy hai chiếc ghế bành nhung lộng lẫy vẫn còn gần như nguyên vẹn và chỉ hơn mòn một chút. Hai chiếc ghế này cũng được đào lên từ lòng đất sau khi chiến tranh kết thúc.

Theo hồi tưởng của bà Simonsen thì gia đình bà được cho hai ngày để chuẩn bị di tản mà không biết khi nào và liệu họ có thể quay lại hay không. Lúc đó chỉ mới 11 tuổi, bà đã cùng gia đình đi đoạn đường khoảng 2.000 km về hướng nam đến Telemark. "Cha tôi là người của biển cả từ trong huyết quản, do đó chỉ vài ngày sau khi hòa bình được tái lập vào tháng 5/1945 ông ấy là một trong những người đầu tiên quay về thị trấn. Không ai nghĩ là sẽ không quay về cả."

"Chúng tôi không có thời gian để đau buồn," Simonsen nói và cho biết bà đã ngủ trên sàn nhà nguyện sau khi gia đình bà trở lại. "Mọi người đều vui sướng khi được quay về quê hương và lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ nên chỉ lo học hành, quan tâm đến thời trang và đương nhiên là cả để ý đến bọn con trai nữa."

Một nhân chứng khác, ông Gunnar Milch, một giáo viên về hưu 72 tuổi, đưa ra một giả thiết khác để giải thích tại sao Hammerfest lại học được cách thích nghi như vậy. Đó là một câu chuyện vui của việc vượt qua nghịch cảnh, ông nói với tôi.

"Đôi khi người ta lãng mạn hóa quá khứ, nhưng mọi thứ ở Hammerfest lúc nào cũng gian khó. Đối với chúng tôi đó là vấn đề của cộng đồng. Khi người dân trở lại sau Đệ nhị Thế chiến, họ tạo dựng lại cộng đồng của họ sau khi bị ly tán quá lâu. Bài học là chỉ có chúng tôi mới quyết định số phận của mình."

Như lịch sử cho thấy, Hammerfest có vị trí riêng của mình bên cạnh những nơi như Mostar ở Bosnia, Hiroshima ở Nhật Bản, và Dresden ở Đức, những nơi từng bị hủy diệt nhưng lại trỗi dậy từ tro tàn. Ngày nay, Hammersfest lại đang trở nên thịnh vượng nhờ sự hiện diện của các công ty khí hóa lỏng trong thời kỳ bùng nổ dự kiến sẽ kéo dài cả hàng thập niên. Với người dân địa phương thì điều này không làm họ mấy ngạc nhiên, bởi đó đơn giản chỉ là sự tiếp nối của quá trình tự làm mới mình của thị trấn, vốn đã diễn ra hàng trăm nay nay.

Có lẽ cái thể hiện tinh thần không bao giờ đầu hàng của Hammerfest rõ ràng nhất là linh vật và huy hiệu của thị trấn: gấu Bắc cực. Nó thể hiện sức sống của cộng đồng, nhưng cũng thể hiện khả năng huyền bí của thị trấn có thể sống sót trong hàng thế kỷ ở một nơi xa xôi hẻo lánh như vậy ở tít trên đầu địa cầu bất chấp những ý định xấu xa độc ác nhất của con người.

Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn