Thương mại Mỹ-Trung : Bắc Kinh hòa hoãn hay cho Donald Trump uống nước đường ?

Thứ Sáu, 13 Tháng Chín 20196:01 SA(Xem: 4846)
Thương mại Mỹ-Trung : Bắc Kinh hòa hoãn hay cho Donald Trump uống nước đường ?
vi.rfi.fr

Thương mại Mỹ-Trung : Bắc Kinh hòa hoãn hay cho Donald Trump uống nước đường ?

Thanh Hà

mediaĐô la Mỹ và nhân dân tệ Trung Quốc và quốc kỳ hai nước (Ảnh minh họa chụp ngày 20/05/2019)REUTERS/Jason Lee/Illustration/File Photo

Sau nhiều tháng căng thẳng, đối thoại bị đóng băng, Mỹ và Trung Quốc cùng tỏ thiện chí trước ngày trưởng đoàn đàm phán song phương nối lại đàm phán thương mại vào tháng 10 sắp tới. Bắc Kinh đi một bước trước, chìa bàn tay thân thiện vì đã thấm mệt do xung đột thương mại kéo hay đã tìm cách chiều lòng Donald Trump để tiếp tục mặc cả ?

Ngày 11/09/2019 liệu có là một cột mốc quan trọng trong cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung ? Hôm 11/09/2019, Bắc Kinh công bố danh sách 16 mặt hàng của Mỹ bán sang trị trường đông dân nhất hành tinh được miễn tăng thuế nhập khẩu trong vòng một năm. Quyết định chính thức có hiệu lực từ ngày 17/09/2019.

Lập tức tại Washington tổng thống Donald Trump hoan nghênh một « thay đổi lớn » trong chính sách thương mại của Trung Quốc và đáp lại, nguyên thủ Hoa Kỳ thông báo dời ngày tăng thuế đánh vào 250 tỷ đô la hàng của Trung Quốc. Các sàn chứng khoán từ Âu sang Á thực sự phấn khởi trước viễn cảnh căng thẳng thương mại giữa hai ông khổng lồ kinh tế thế giới « xuống thang ».

Từ mùa xuân năm 2018 khi chính quyền Trump mở ra cuộc chiến thương mại, dùng thuế nhập khẩu như một công cụ lợi hại nhất để thu hẹp thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp của Mỹ và ngừng rút ruột các công nghệ cao của Hoa Kỳ.

Trong 18 tháng qua, Mỹ và Trung Quốc đã nhiều lần thông báo đình chiến, chính tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố đôi bên đang « cận kề » một giải pháp để khai thông bế tắc trên hồ sơ thương mại. Để rồi Washington và Bắc Kinh vẫn dùng những đòn ăn miếng trả miếng và tiếp tục lao vào một cuộc đọ sức bất chấp những cảnh báo chiến tranh thương mại đe dọa đến tăng trưởng của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc và của toàn thế giới.

Vì vậy, lần này giới phân tích chỉ nói tới một « cử chỉ hòa hoãn » mang tính « tạm thời » của cả đôi bên. Chuyên gia kinh tế Iris Pang, thuộc ngân hàng ING nhận định : Bắc Kinh chứng tỏ « sự thành tâm » trước ngày nối lại đàm phán với Hoa Kỳ vào tháng tới, nhưng cũng có khả năng hành động này là một kế hoãn binh vào dịp mà người dân Trung Quốc được nghỉ phép và thường đi mua sắm.

Vẫn theo bà Iris Pang, 16 mặt hàng Mỹ tạm tha chỉ là một giọt nước trong lúc mà hiện nay có tới trên dưới 5.000 sản phẩm Mỹ trong tầm ngắm của Bắc Kinh. Đậu tương, đậu nành không nằm trong danh sách 16 sản phẩm được Trung Quốc tạm ngưng tăng thuế.

Trong khi đó, ai cũng biết tổng thống Trump vừa khởi động chương trình vận động tái tranh cử và cần trấn an giới nông gia từng bỏ phiếu cho ông. Dù vậy có thể nói, đòn đấu dịu của Bắc Kinh đã đem lại kết quả cụ thể đó là việc Nhà Trắng dời lại hai tuần lễ lệnh tăng thêm 5 % thuế đánh vào 250 tỷ đô la hàng của Trung Quốc.

Trả lời đài truyền hình Mỹ CNBC, chuyên gia James McCormack thuộc cơ quan thẩm định tài chính Fitch ghi nhận thiện chí của cả phía Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc nhằm « hạ nhiệt » tình hình, nhưng ông cho rằng còn quá sớm để « mở rượu ăn mừng kết thúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ». Trước mắt James McCormack vẫn chưa trông thấy những « giải pháp thực sự » cho phép đóng lại tranh chấp về thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu của thế giới này.

Daniel Gerard thuộc cơ quan tư vấn tài chính State Street Global Exchange đặc trách về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá không ai biết trước được cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ kết thúc như thế nào, do vậy các nhà đầu tư vẫn hết sức thận trọng với những tuyên bố của cả Washington lẫn Bắc Kinh.

Về câu hỏi đâu là những động lực thúc đẩy Trung Quốc và Hoa Kỳ đấu dịu, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, đôi bên cùng thấm mệt. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc đã di dời cơ sở sang những nước láng giềng trong khu vực, trong đó Việt Nam và Đài Loan là những điểm đến được nhiều doanh nhân Mỹ đánh giá cao.

Theo báo cáo mới nhất của Phòng thương mại Mỹ tại Thượng Hải công bố hôm 11/09/2019, có tới 26,5 % trong số 333 doanh nghiệp được hỏi cho biết đã « chuyển hướng » các dự án đầu tư mà nhẽ ra là được thực hiện tại Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Thống kê vừa được Bắc Kinh công bố hôm 07/09/2019 cho thấy chỉ số xuất khẩu, động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc, trong tháng 8/2019 giảm 1% so với cùng kỳ năm 2018. Điều khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh lo ngại hơn cả là nếu không nhanh chóng tìm được chìa khóa đối thoại với Donald Trump, thì với đà này từ nay đến cuối năm toàn bộ các sản phẩm của Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ đều có khả năng bị tăng thuế nhập khẩu. Trong khi đó thì khả năng đáp trả của Trung Quốc bắt đầu gặp giới hạn.

Dù vậy lịch bầu cử tổng thống Mỹ và nhất là các chỉ số tăng trưởng của Hoa Kỳ buộc chủ nhân Nhà Trắng phải tìm một ngõ thoát trong cuộc đọ sức với Trung Quốc hiện nay. Sau cùng, cho dù là Washington và Bắc Kinh có san bằng phần nào những bất đồng về mậu dịch, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ đi từ thỏa thuận « ngừng bắn » này đến một thỏa thuận « hưu chiến » khác, hơn nữa ngay từ tháng 3/2018 các nhà quan sát đã ý thức được rằng, thương mại chỉ là cái cớ trong cuộc đọ sức dài hơi giữa hai siêu cường của thế kỷ 21.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn