Izumo, biểu tượng tham vọng quân sự của Nhật Bản

Thứ Sáu, 05 Tháng Bảy 20192:23 CH(Xem: 7262)
Izumo, biểu tượng tham vọng quân sự của Nhật Bản
vi.rfi.fr
Thanh Phương

mediaThe Navy's forward-deployed aircraft carrier USS Ronald Reagan operates with the Japan Maritime Self-Defense Force helicopter carrier JS Izumo (R) in South China Sea June 11, 2019. Picture taken June 11, 2019.Courtesy JMSDF/U.S. Navy/Handout via REUTERS

Một trong những chiến hạm lớn nhất của Nhật, tàu chở trực thăng Izumo, vừa rời khỏi Vịnh Subic của Philippines, nơi trước đây đặt căn cứ quân sự của Mỹ, kết thúc hai tháng hoạt động ở vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương trong bối cảnh tình hình Biển Đông vẫn căng thẳng. Cùng với hai khu trục hạm Murasame và Akebono, chiếc Izumo đã tiến hành một loạt thao dượt quân sự với Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

Cho tới nay, việc triển khai quân đội Nhật Bản ra bên ngoài biên giới nước này vẫn bị ràng buộc bởi Hiến pháp chủ hòa, có hiệu lực từ sau Thế chiến thứ hai. Vào năm 2015, Hiến pháp này chỉ mới được diễn giải lại, cho phép Nhật Bản sử dụng lực lượng quân sự để tự vệ và bảo vệ các đồng minh.

Thủ tướng Shinzo Abe xem việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản là một trong những mục tiêu phải thực hiện cho bằng được, để quốc gia này có thể đóng vai trò lớn hơn về quân sự trên thế giới. Trong khi chờ đợi, việc triển khai chiếc Izumo là dịp để Tokyo thể hiện tham vọng quân sự của mình.

Theo hãng tin AP, lần đầu tiên, các binh lính thuộc Lữ đoàn đổ bộ nhanh (tương đương với thủy quân lục chiến Mỹ), đơn vị mới được thành lập của Nhật, đã tham gia vào một cuộc triển khai hải quân mở rộng. Nội dung cuộc thao dượt này là tập phối hợp giữa lữ đoàn đổ bộ với lực lượng trên bộ, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc sử dụng chiếc Izumo để vận chuyển quân đến các chiếc trường trong tương lai.

Trong tháng 5 vừa qua, đội tàu Izumo đã tiến hành cuộc tập trận đầu tiên với ba nước Pháp, Mỹ và Úc ở vùng Vịnh Bengale. Tiếp đến, trong tháng 6, hải quân Nhật cũng đã thao dượt với các nước Canada, Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Philippines ở vùng Biển Đông. Đặc biệt, trên đường từ Brunei đến Philippines, chiếc Izumo đã tiến đến sát “đường lưỡi bò”, tức là ranh giới mà Bắc Kinh tự vẽ lên để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông.

Chiếc Izumo cùng với khu trục hạm Murasame cũng đã ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam ngày 15/06 nhằm nêu bật mối quan hệ quốc phòng ngày càng được thắt chặt giữa hai quốc gia đều đang phải đối phó với tham vọng chủ quyền biển đảo của Trung Quốc.

Mặc dù tư lệnh chiếc Izumo khẳng định là hoạt động của chiến hạm này trong hai tháng qua là không nhắm cụ thể vào quốc gia nào, nhưng rõ ràng là hành động này sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

Bên cạnh việc gia tăng các cuộc thao dượt quân sự với các nước khác, Tokyo hiện đang thiết kế lại chiếc Izumo để chiến hạm này có thể tiếp nhận các chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ, trong đó có chiếc F-35B, sau khi thông báo sẽ mua 42 chiếc để trang bị cho không quân nước này. Chiến đấu cơ F-35B có thể cất cánh với khoảng cách ngắn và có thể đáp thẳng xuống, tức là có thể hoạt động trên các hàng không mẫu hạm hoặc tàu chở trực thăng.

Việc đặt mua 42 chiếc F-35B cho tàu Izumo thể hiện rõ vai trò ngày càng lớn của Nhật Bản trong liên minh với Mỹ và cũng đi theo hướng mà tổng thống Donald Trump mong muốn, đó là Tokyo phải đóng góp nhiều hơn vào việc bảo vệ an ninh cho mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn