Hạn hán nghiêm trọng, Ấn Độ cấp nước theo « khẩu phần »

Chủ Nhật, 16 Tháng Sáu 201912:00 CH(Xem: 4786)
Hạn hán nghiêm trọng, Ấn Độ cấp nước theo « khẩu phần »
vi.rfi.fr

TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT - Hạn hán nghiêm trọng, Ấn Độ cấp nước theo « khẩu phần »

Minh Anh

Ấn Độ cấp nước theo khẩu phần do khô hạn ; « Gái gọi » Thái Lan muốn có một quy chế lao động ; Vương cung Thánh đường Sagrada Familia được cấp giấy phép xây dựng sau 137 năm chờ đợi và Báo New York Times tiết lộ kho dữ liệu âm nhạc vô giá bị mất. Trên đây là những chủ đề chính Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

Miền Bắc Ấn Độ đang trải qua một đợt nắng nóng gay gắt nhất trong vòng 30 năm qua : 34 ngày trên 40°C. Trong khi mùa mưa lại đến muộn mất một tuần. Nhu cầu về nước rất là to lớn, vậy mà chất lỏng quý hiếm đó lại thiếu nghiêm trọng. Các nguồn nước đã bị khai thác quá mức và các mạch nước ngầm tại nhiều thành phố lớn hầu như cạn kiệt.

Tại New Dehli, việc chia khẩu phần nước tại những khu phố nghèo gặp nhiều khó khăn. Thông tín viên Sébastien Farcis tại New Dehli đã chứng kiến cảnh phân phối nước thường nhật tường thuật :

« 15 giờ 30, trời nóng trên 40°C, và từ hơn hai giờ qua, khoảng chừng 50 người đứng đợi xe bồn chở nước. Chiếc xe còn chưa kịp dừng thì những đứa trẻ đã trèo lên nóc xe, mở nắp bồn và cắm những chiếc vòi để lấy nước và đổ đầy hàng chục chiếc bi đông.

Một thanh niên trẻ cho biết : ʺThật nhẹ cả người khi thấy chiếc xe này đến đây. Trên nóc xe, ở kia kìa, đó là cậu em trai của tôi đang có vẻ vất vả. Chúng tôi phải có được ít nhất là 100 lít cho cả nhà. Đó là mức tối thiểu.ʺ

Chúng tôi đang ở tại quảng trường Sanjay, một khu ổ chuột nằm sát cạnh khu phố các đại sứ quán giàu có, ở phía nam thành phố New Dehli. Hơn 10 000 hộ gia đình, nghèo khổ, lệ thuộc phần lớn vào nguồn cung nước hằng ngày này. Với đợt nắng nóng gay gắt, việc chia khẩu phần cũng rất khó khăn. Nhiều hộ gia đình không có được 50 lít nước mỗi ngày cho một người, ngưỡng tối thiểu để sống theo như chuẩn quy định của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.

Ramesh cho biết : ʺCả nhà chúng tôi có năm người và chúng tôi phải sống với 150 lít nước mỗi ngày, không đủ để dùng. Do vậy chúng tôi phải chọn giữa việc nước để uống, giặt giũ quần áo hay để tắm… Chúng tôi cuối cùng quyết định mua nước để uống, nhưng điều này quả là đắt với chúng tôi.

Hội đồng thị chính vừa lắp đặt một vòi bơm nước để tìm nguồn nước ngầm. Nhưng giải pháp này chỉ mang tính tạm thời : chính phủ khẳng định tầng nước ngầm tại New Dehli, bị khai thác quá mức, rất có thể sẽ bị cạn kiệt trong vòng chưa đầy một năm »

Tại Thái Lan, « gái gọi » bắt đầu kháng cự

Nhật báo Le Monde số ra ngày 13/06/2019, có bài phóng sự dài cho biết nhiều phụ nữ hành nghề « mãi dâm » tại Thái Lan muốn có được một quy chế « lao động » nghĩa là có bảng lương và được hưởng các lợi ích xã hội như bao người làm công ăn lương khác.

Liệu rằng những cô gái hành nghề « gái gọi » tại Thái Lan có sẽ có được một quy chế như các đồng nghiệp tại Hà Lan tức là được công nhận như một ngành nghề ? Đây là những gì mà « Mme Ping Pong » nhân vật trong phóng sự của báo Le Monde, đang dấn thân, đấu tranh cho những người phụ nữ hoạt động trong ngành kinh doanh « tình dục » tại thành phố Chiang Mai, thành phố lớn thứ hai của Thái Lan.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên Bruno Philip, đặc phái viên của nhật báo Le Monde, « Mme Ping Pong » tuổi gần ngũ tuần, cho biết cô có hai mối bận tâm chính trong ngày : Ban đêm, cô là « gái gọi » ; ban ngày, cô điều hành một tổ chức phi chính phủ NGO « Empower », bảo vệ những cô gái trẻ hành nghề mãi dâm, sống chen chúc tại những khu ổ chuột thảm hại tại vương quốc Thái này.

Tại Thái Lan, ngành « kinh doanh thân xác phụ nữ » bị xem là bất hợp pháp nhưng lại hiện diện khắp nơi. Theo một nghiên cứu năm 2004, cả nước Thái Lan có khoảng 2 triệu phụ nữ hành nghề gái mãi dâm. Còn trang mạng Havoscope, chuyên nghiên cứu về các nguồn thu nhập « thị trường chợ đen thế giới », ước tính mỗi năm Thái Lan thu về khoảng 5,6 tỷ euro từ ngành kinh doanh « tình dục ».

Do vậy, từ nhiều năm qua, « Mme Ping Pong » tự cho mình có một nhiệm vụ : Làm sao để cho người phụ nữ làm việc trong ngành này phải được đối xử như bao người làm công ăn lương khác. Năm 2006, cô nảy sinh ý tưởng thành lập Can Do Bar (quán bar có thể làm điều đó). Một trải nghiệm chưa từng có vì ở tại đây, người làm việc không bị ép buộc và có một quy chế : bảng lương, đăng ký nghề nghiệp để được hưởng an sinh xã hội, phụ cấp hưu trí…

Sau 137 năm, Sagrada Familia được cấp phép xây dựng

Hẳn ai đã từng đến Tây Ban Nha, chắc không thể nào bỏ qua khu Vương cung Thánh đường Sagrada Familia, điểm du lịch hấp dẫn nhất của thành phố Barcelona và là một biểu tượng của Tây Ban Nha. Khu thánh đường không chỉ nổi tiếng nhờ tầm cỡ vĩ đại và phong cách độc đáo, mà còn vì đây là nhà thờ duy nhất trên thế giới có thời gian xây quá lâu, hơn một thế kỷ và nhất là xây không có giấy phép.

Giờ đây, sau 137 năm chờ đợi, cuối cùng thì Vương cung Thánh đường Sagrada Familia đã được cấp giấy phép xây dựng. Từ Barcelona, thông tín viên Elise Gazengel giải thích rõ:

« Lý do Sagrada Familia phải mất nhiều thời gian để có được tấm giấy phép xây dựng này thật ra rất tầm thường. Antoni Gaudi, kiến trúc sư bậc thầy của thành Barcelona, quả thật có nộp hồ sơ xin giấy phép xây dựng vào năm 1885 tại tòa thị chính Sant Marti Provencals, ngôi làng giờ thuộc thành phố Barcelona và là khu phố tọa lạc ngôi thánh đường nổi tiếng.

Nhưng chưa bao giờ ông có được tờ giấy phép đó. Dù vậy, ngôi nhà thờ này vẫn được xây dựng một cách bất hợp pháp mà vẫn không gặp vấn đề gì với nhiều đời thị trưởng liên tiếp. Một hiện tượng ʺbất thường lịch sửʺ, theo như thuật ngữ của bà Janet Sanz – người phụ trách hồ sơ này. Và chính quyền xã hiện nay đã quyết định chấm dứt tình trạng bất thường đó hôm thứ Sáu 07/06/2019.

Nhà thờ Sagrada Familia đã lên tiếng hoan nghênh quyết định trên và có thể tiếp tục xây dựng dự án của ông Gaudi, đồng thời kết luận : Đây là một thực tế, 137 năm sau Sagrada Familia đã chính thức có giấy phép xây dựng ».

Tuy nhiên, theo thông tín viên Elise Gazengel, để có được tờ giấy phép này, vương cung thánh đường phải trả với một mức phí khá cao.

« Tòa thị chính cho biết là Thánh đường Sagrada Familia sẽ phải trả phí ʺnhư bao người khác và không có ưu đãi nào hếtʺ. Giống như bất kỳ công trình xây dựng nào khác, công ty quản lý khu công trình kiến trúc sẽ phải trả ICIO – Thuế Xây dựng, Lắp đặt và Sửa chữa với mức phí lên đến 4,6 triệu euro.

Đó là chưa tính khoản 36 triệu euro mà Vương cung thánh đường đã phải bắt đầu chi trả trong vòng 10 năm để bồi thường các khoản chi phí của thành phố có liên quan đến việc quy hoạch đô thị xung quanh khu thánh đường. Đừng quên là mỗi năm có gần 20 triệu du khách ngắm khu thánh đường Sagrada Familia ».

Báo New York Times: Kho dữ liệu âm nhạc Universal bị biến mất

« Thảm họa lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp âm nhạc » là hàng tít trên tờ New York Times. Hàng thập niên băng ghi âm nhạc đã bị bốc theo khói lửa. Bài điều tra của nhật báo Mỹ hôm thứ Ba 11/06/2019 tiết lộ những gì hãng thu âm Universal ở Hollywood đã cố tình che giấu kể từ hơn 10 năm qua : hầu như mất toàn bộ các bản ghi âm được thực hiện tại các phòng thu âm của họ kể từ năm 1940 sau một trận hỏa hoạn năm 2008.

Thông tín viên Anne Corpet tại Washington cho biết thêm chi tiết :

« Bản ghi âm đầu tiên ʺRock Around the Clockʺ nằm trong số khoảng 500 000 bản nhạc bị biến mất. Universal đã mua lại một lượng lớn đáng kể các phòng thâu âm và sở hữu một kho báu vô giá: Các bản ghi âm nguyên gốc các album nhạc của hàng trăm nhạc sĩ từ những năm 1940.

Bill Halley, Chuck Berry và nhóm nhạc rock ʺma quáiʺ, nhưng còn có những nhóm nhạc jazz tên tuổi nhất: Billie Holiday, Louis Armstrong, Duke Ellington. Rồi những nhóm nhạc pop như Elton John, REM, Police hay màn trình diễn nhạc grunge, với những buổi thu âm đầu tiên tại phòng thu Nirvana.

Trong vòng hơn một thập niên qua, hãng âm nhạc này đã muốn che giấu vụ mất mát kho báu này. Sau trận hỏa hoạn năm 2008, chú ý được dồn vào các khoản mất mát phim ảnh, nhưng kho dữ liệu âm nhạc bốc hơi đã được giấu nhẹm.

Chính sau một cuộc điều tra dài tờ New York Times tiết lộ vụ mất mát không thể nào bù đắp lại được. Các băng ghi âm từ ban đầu thực sự là cần thiết cho mọi bản sao chép chất lượng nào trên một phương tiện mới.

Một chuyên gia bình luận: Sự biến mất của một vật chủ, như thể người ta chỉ còn một tấm ảnh về những bức họa của Leonard de Vinci hay như thể một người đầu bếp của một nhà hàng lớn phải cam chịu nấu ăn từ các món ăn đã được chuẩn bị sẵn tại nhà xưởng ».

Cuộc phiêu lưu của Blake và Mortimer vẫn tiếp tục

Mùa hè sắp đến, cặp bài trùng đại úy Francis Blake – lãnh đạo cơ quan phản gián MI5 – và giáo sư vật lý hạt nhân Philippe Mortimer lại có dịp hội ngộ độc giả.

Hai nhân vật của Edgar P. Jacobs (1904 – 1987) trong những năm 1950 – 1970 đã mê hoặc độc giả bằng những cuộc phiêu lưu, những cuộc truy đuổi gây cấn Olrik, một nhân vật phản diện đầy mưu mô xảo quyệt tại những vùng Trung Đông, Ai Cập, Luân Đôn, hay dưới lòng thành phố Paris đi qua cả Nhật Bản. Nhưng cũng có những cuộc phiêu lưu vượt cả không gian và thời gian, đi về thời Hy Lạp Cổ Đại, đến với những thành phố cổ trong huyền thoại Hy Lạp…

Edgar P. Jacobs ra đi năm 1987. Hơn 20 năm sau, các nhân vật của ông vẫn còn sống mãi với thời gian qua những ngòi bút và nét vẽ của các nhà viết kịch bản cũng như là họa sĩ thế hệ sau như Jean Van Hamme – Ted Benoit ; Yves Sente – André Juillard… và sắp tới đây sẽ là bộ tứ François Shuiten - Jaco Van Dormael – Thomas Gunzig – Laurent Durieux qua tập truyện tranh « Le Dernier Pharaon » – Vị Pharaon cuối cùng.

Nhà viết kịch bản người Bỉ, François Shuiten, vẫn trung thành với phong cách ưa thích của Edgar P. Jacobs : Một sự pha lẫn tài tình giữa chủ nghĩa hiện thực và khoa học – viễn tưởng. Và lần này, cuộc phiêu lưu bắt đầu ngay tại thủ đô Bruxelles, dưới lòng tòa án kỳ lạ do kiến trúc sư Joseph Poelaert thiết kế. Nhưng khác với các đồng nghiệp trước, các nhân vật của François Shuiten giờ đã già hơn. Người đọc như chìm vào một thế giới mang nặng một bầu không khí « ngày tận thế ». « Chiếc bẫy quỷ quái » (1962) ưa thích của Edgar P. Jacobs cũng sẽ được Shuiten và các đồng nghiệp tái hiện một cách tài tình : Vị Pharaon cuối cùng là một tác phẩm được đọc trong một nỗi lo sợ kỳ lạ như câu nói cửa miệng quen thuộc của Blake : By Jove !

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn