Lịch sử tàn bạo của hòn đảo săn cá voi ở Nam Cực

Thứ Ba, 18 Tháng Sáu 201911:00 CH(Xem: 5396)
Lịch sử tàn bạo của hòn đảo săn cá voi ở Nam Cực
bbc.com

Lịch sử tàn bạo của hòn đảo săn cá voi ở Nam Cực

Shafik Meghji BBC Travel

Shafik Meghji Bản quyền hình ảnh Shafik Meghji

"Phải giữ khoảng cách ít nhất 200m cách trạm săn cá voi - trong đó toàn là a-mi-ăng và phần mái có thể nổ tung theo đúng nghĩa đen," Nate Small, người dẫn dắt chuyến thám hiểm, cảnh báo khi chúng tôi chệch khỏi cung đường đã định và tiến vào những con sóng sủi bọt ở Vịnh Stromness.

Tôi chọn một lối đi cẩn trọng, băng qua bãi biển có đá xám, mắt hồi hộp nhìn nhưng hải cẩu gầm gừ và những con hải tượng đang nằm ngủ với thân hình bồ tượng của chúng phát ra một loạt những tiếng ợ, rống và những âm thanh gầm gừ trầm.

Tắm máu cá voi

Ở góc xa của vịnh, giữa khung cảnh sườn núi, bao quanh là đầm lầy, là một cụm những tòa nhà bằng sắt gợn sóng xiêu vẹo, gỉ sét.


Mái và tường mất đi những khoảng lớn và những phần còn lại khua lên từng hồi liên tục giữa những cơn gió mạnh như giông lốc. Nó trông có vẻ như là một thảm họa thiên nhiên đã xảy ra.

Tôi dừng lại ở tấm biển báo ghi 'A-mi-ăng - Tránh xa' và nhìn qua màn sương đang lấn tới.

Đầu ngón tay ngón chân của tôi tê cứng trong cái giá lạnh dưới không độ. Thật khó mà hình dung nơi này từng là một cộng đồng phồn thịnh, nhưng một thế kỷ trước đây Stromness là một phần của ngành công nghiệp đem lại lợi nhuận cao - và tàn nhẫn - vốn đã giúp Nam Georgia chuyển mình thành thủ đô đánh bắt cá voi ở Nam Đại Tây Dương.

Trước đó trong hành trình của tôi, Seb Coulthard, hướng dẫn viên thám hiểm và là sử gia thường trú của Polar Latitudes, kể cho tôi biết làm thế nào mà Ernest Shackleton đến được Stromness vào năm 1916 sau chuyến thoát hiểm ngoạn mục.

Ông đã vượt 1.300 km từ Đảo Voi, một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Nam Shetland nằm về phía bắc bán đảo Nam Cực sau khi tàu ông bị mắc kẹt và sau đó bị băng trôi đè nát.

Đối với những người thám hiểm vùng cực, trạm bắt cá voi tượng trưng cho văn minh, nhưng ngày nay, thế giới tự nhiên đang dần dần giành lại lãnh thổ.

Hải cẩu trú bên cạnh một chiếc lò dùng mỡ cá voi, chim cánh cụt hoàng đế bước qua những nhà kho đang tan rã và những con chim skua (loài chim biển màu nâu đậm, hung hăng) đang dầm mình dưới những dòng suối chảy quanh co mà một thời đã tắm máu hàng chục ngàn con cá voi.

Vùng đất gồ ghề, khắc nghiệt với những tảng băng vĩnh cửu, núi và vịnh, Nam Georgia là một trong những nơi xa xôi nhất Trái Đất. Lãnh thổ hải ngoại ở Nam Cực này của Anh ở Nam Đại Tây Dương nằm cách khu vực có người sinh sống gần nhất - quần đảo Falkland - khoảng 1.400 km và chỉ có thể đến được bằng đường biển.

Giống như tôi, phần lớn trong số gần 18.000 du khách đến thăm hàng năm là đi du ngoạn Nam Cực. Hòn đảo này trải rộng trên diện tích 3.755 km vuông - chưa đến một phần năm lãnh thổ xứ Wales - và gần một nửa diện tích của nó bị phủ băng vĩnh cửu (mặc dù do hậu quả của biến đổi khí hậu, các tảng băng ở đây đang thu nhỏ lại nhanh chóng).

Tàn tích hoang phế

Bất chấp vị trí cô lập và môi trường khắc nghiệt, Nam Georgia đã từng là một phần quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Được phát hiện lần đầu vào năm 1675, hòn đảo không người ở này được thuyền trưởng James Cook tuyên bố thuộc về nước Anh vào năm 1775.

Những ghi chép của ông về số lượng vô số những con hải cẩu đã làm dấy lên sự quan tâm của những người săn hải cẩu ở Anh và Mỹ.

Shafik Meghji Bản quyền hình ảnh Shafik Meghji

Trong khoảng thời gian hơn một thế kỷ, hải cẩu ở Nam Georgia đã bị săn bắt đến bờ tuyệt chủng. Cho đến đầu những năm 1900, săn hải cẩu không còn lợi về mặt kinh tế nữa nhưng nó nhanh chóng được thay thế bằng một ngành công nghiệp cũng đẫm máu không kém.


Một ngày sau khi đến Vịnh Stromness, tàu của tôi đã băng qua sức gió 75 nút để đến Vũng King Edward. Với các xác tàu và các tảng băng nhỏ nằm rải rác trong khi sau lưng là những dãy núi đồ sộ bị phủ mờ trong làn mưa phùn, vịnh biển trải rộng này là địa điểm đặt trạm săn cá voi đầu tiên của Nam Georgia, Grytviken.

Ngày nay, đây là địa điểm có khu định cư chính trên đảo - nơi cư trú của đa số dân, mà cụ thể hơn là tại bất kỳ thời điểm nào cũng có từ 15 đến 30 người, chủ yếu là các nhà khoa học và quan chức chính quyền.

Sau khi đến viếng Shackleton, người được chôn cất trong nghĩa trang nhỏ ở Grytviken, tôi được ông Finlay Raffle, người cai quản bảo tàng ở đây, đưa đi một vòng trạm săn cá voi đã hoang phế.

Chúng tôi bước giữa khung cảnh thời công nghiệp với những tòa tháp lùn, những nhà kho, nhà máy điện, mê cung những đường ống kết nối với nhau và những chiếc lò to nấu bằng mỡ và xương cá voi - mọi thứ đều nhanh chóng bị gỉ sét.

Dọc theo bờ biển, tàu bè bị sóng thủy triều đánh lên, nằm hỗn độn ở các góc và đang tàn phế ở các mức độ khác nhau. Xương cá voi rải đầy trên mặt đất.

Vào năm 1902, nhà thám hiểm vùng vực người Na Uy Carl Anton Larsen đã dừng lại ở Nam Georgia và tình cờ phát hiện một hải cảng tự nhiên xinh đẹp.

Sau khi phát hiện những chiếc nồi lớn được dùng để chiết dầu từ mỡ cá, khu vực này được đặt tên là Grytviken (trong tiếng Na Uy có nghĩa là 'Vũng Nồi').

"Họ thả neo không xa lắm nơi tàu anh đậu ngày nay," Raffle nói. "Khác biệt duy nhất là khi họ nhìn ra biển, họ nhìn thấy hàng trăm con cá voi chỉ riêng ở vịnh này."

Với ngành đánh bắt cá voi ở Bắc Bán cầu xuống dốc do sự suy giảm số lượng cá voi, Larsen đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh. Ông trở lại Grytviken vào tháng 11 năm 1904 và thành lập một trạm săn cá voi vốn nhanh chóng phồn thịnh. Cho đến năm 1912, đã có thêm sáu trạm săn cá voi nữa ở Nam Georgia, bao gồm cả Stromness.

Thời kỳ phồn thịnh

Xém chút nữa là đâm vào một đôi hải cẩu vốn hòa lẫn không phân biệt được vào những máy móc sét gỉ, chúng tôi tiến gần tới một chiếc tàu săn cá voi cũ.


Với động cơ hơi nước, khoang tàu được gia cố và súng bắn lao móc mạnh, tàu săn cá voi Petrel có thể bắt được tới 14 cá voi trong một chuyến ra khơi. Quay trở lại Grytviken, những con cá voi này sẽ được kéo bằng tời lên theo bờ trượt.

"Máu với dầu khiến cho bề mặt nó rất trơn, do đó các công nhân sẽ mang ủng có đinh để bám chặt hơn," Raffle kể. "Họ có một con dao sả cá - một thanh dài với một lưỡi dao cong bén mà họ dùng để lấy mỡ cá ra." Toàn bộ quá trình này mất 20 phút với mỗi con cá voi.

Lúc đầu, những người săn cá voi chỉ quan tâm đến mỡ cá nhưng các quy định sau đó buộc họ phải dùng toàn bộ xác cá, Raffle giải thích và chỉ ra những lưỡi dao xoay đỏ máu và một chiếc lò nấu mỡ cá nặng 24 tấn.

Mặc dù thịt và xương cá được bán để làm thức ăn gia súc và phân bón, nhưng dầu cá mới là lợi nhuận thật sự.

"Những loại dầu tốt nhất được dùng trong các sản phẩm thực phẩm như bơ và kem," ông nói. "Dầu loại hai được dùng trong xà phòng và mỹ phẩm trong khi loại tệ nhất được sử dụng trong sản xuất công nghiệp."

Dầu cá voi cũng cung cấp chất glycerol vốn được sử dụng trong sản xuất chất nổ và dầu nhờn cao cấp cho súng trường, đồng hồ bấm giờ và các thiết bị quân sự khác. Do đó, nhu cầu dầu cá tăng vọt trong Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến.

Vào thời hoàng kim, có đến 450 người làm việc ở Grytviken. Họ làm việc 12 giờ mỗi ngày, bảy ngày một tuần ở nhiệt độ có thể xuống tới dưới -10 độ C.

Larsen rất hăm hở đáp ứng nhu cầu tâm linh của họ. Ông cho xây một nhà thờ ấn tượng theo kiến trúc tân Gothic. Tuy nhiên, theo lời Raffle, vị mục sư là người 'có ít việc nhất ở nơi này'.

Thay vào đó, rạp chiếu bóng, sân bóng đá gió thổi lồng lộng và cầu nhảy trượt tuyết - giờ đây chỉ là một vài mảnh gỗ vỡ nhô ra từ ngọn đồi - được ưa chuộng hơn.

Nơi bán hàng hóa cũng là nơi giải trí. "Thuốc lá là mặt hàng được ưa chuộng nhất nhưng cánh đàn ông cũng mua rất nhiều nước cologne (một loại nước hoa nhẹ)," Raffle nói.

"Larsen không cho phép sử dụng bia rượu cho nên họ uống cologne. Họ cũng có máy cất rượu, và thậm chí còn có kem đánh giày, ép nó trong bánh mì và uống những giọt nhỏ xuống vốn cũng có chất cồn. Bất cứ thứ gì để cho qua thời giờ."

Khu bảo tồn hải dương

Raffle bỏ tôi lại ở ngôi nhà của người quản lý cũ, một tòa nhà đơn giản, sơn trắng vốn đã được chuyển thành bảo tàng. Những vật trưng bày bên trong có những con số giật mình: 175.250 con cá voi đã được chế biến ở Nam Georgia trong giai đoạn từ năm 1904 cho đến 1965 khi ngành đánh bắt cá voi suy sụp do đánh bắt quá mức và sự phát triển của ngành công nghiệp hóa dầu.

Nếu chúng ta nhìn toàn bộ vùng Nam Cực và bao gồm luôn cả những 'con tàu phân xưởng' vốn chế biến cá voi luôn trên tàu thì có gần 1,5 triệu con cá voi bị tàn sát trong những năm từ 1904 cho đến 1978, khi việc săn cá voi cuối cùng cũng chấm dứt.

Số lượng cá voi vẫn chưa được phục hồi. Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) cho biết số lượng cá voi xanh ở Nam Bán cầu đã giảm từ mức 200.000 xuống còn vài ngàn; cá voi vây cũng có sự sụt giảm số lượng tương tự. Ước tính có 60.000 con cá voi lưng gù ở Nam Bán cầu, nhưng con số này cũng là thấp hơn nhiều so với trước thời kỳ công nghiệp khai thác cá voi.

Vào tháng 9/2018, IWC có kế hoạch thành lập một khu an toàn dành cho cá voi ở nam Thái Bình Dương nhưng đã bị các nước ủng hộ săn cá voi bác bỏ. Nhật Bản sau đó còn thông báo họ sẽ nối lại việc săn cá voi thương mại lần đầu tiên trong ba thập niên, gây ra phẫn nộ trên toàn cầu.

Không thể phủ nhận số phận của loài cá voi là đáng buồn, nhưng ở khía cạnh khác, Nam Georgia đã trở thành một hình mẫu bảo tồn khó tin.

Là một trong những khu bảo tồn hải dương lớn nhất thế giới, Khu bảo tồn Hải dương Nam Georgia và Quần đảo Nam Sandwich được thành lập ở đây vào năm 2012 để bảo vệ hơn một triệu cây số vuông vùng biển xung quanh, trong khi số lượng hải cẩu đã phục hồi: hòn đảo này giờ đây là nơi cư trú của 98% số hải cẩu Nam Cực và xấp xỉ 50% số hải tượng Nam Cực.

Mặc dù có số lượng các loài sinh vật đông đảo như vậy, di sản săn bắt cá voi của hòn đảo vẫn chi phối tâm trí tôi khi tàu tôi ra khỏi Grytviken. "Khi anh đi dạo quanh những chỗ này, tất cả những gì anh thấy sẽ là những chiếc nồi đun gỉ sét, những chiếc lò nấu mỡ cá và những chiếc cưa để cưa xương," Coulthard cho biết.

"Có một điều mỉa mai cay đắng là đó là một ngành khủng khiếp và tàn bạo, nhưng thế giới tự nhiên đã có sự trả thù ngọt ngào bằng cách giành lại lãnh thổ. Đó là lời nhắc nhở rằng thiên nhiên không cần con người mà loài người chúng ta cần đến thế giới tự nhiên."

Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn