Những nơi bí ẩn nhất thế giới

Thứ Hai, 25 Tháng Mười Hai 20176:00 SA(Xem: 6114)
Những nơi bí ẩn nhất thế giới
bbc.com
Husna Haq BBC Travel


Wikipedia.org Bản quyền hình ảnh Wikipedia.org

Điều hấp dẫn nhất trên đời thường là những gì mà chúng ta không với tới được.

Đối với du khách thì điều này có nghĩa là những nơi mà họ không được phép đến thăm lại có sức hút nhất.


Để tìm xem đâu là những địa điểm như thế, chúng tôi đã tìm đến trang hỏi đáp Quora và sau đây là năm địa danh bí ẩn nhất thế giới.

Hầm trữ hạt toàn cầu Svalbard, Na Uy

Thử tưởng tượng thế giới thay đổi vĩnh viễn sau một thảm họa thiên nhiên tàn khốc: dân số thế giới thương vong, cơ sở hạ tầng bị tàn phá và nguồn thực phẩm sụt giảm nghiêm trọng. Trách nhiệm của những người sống sót: phải tái thiết.

Daniel Sannum Lauten/AFP/Getty Bản quyền hình ảnh Daniel Sannum Lauten/AFP/Getty

Nếu theo một kịch bản tận thế theo kiểu Hollywood như vậy xảy ra thì nhân vật chính sẽ đi về đâu? Bước vào hầm trữ hạt toàn cầu Svalbard ở Na Uy - điểm tựa cuối cùng của nhân loại trong một thảm họa lương thực toàn cầu.

Nằm sâu 120 mét bên trong một ngọn núi sa thạch trên hòn đảo Spitsbergen thuộc quần đảo Bắc cực Svalbard ở Na Uy - cách Cực Bắc 1.300 km, hầm trữ hạt toàn cầu Svalbard là kho chứa hạt có mức độ an toàn cao nhất và được bảo vệ cẩn mật nhất trên thế giới.


Đi vào hoạt động hồi tháng Hai năm 2008, hầm trữ hạt này giúp bảo đảm cho mùa màng trên Trái Đất khi xảy ra những thảm họa toàn cầu. Với 250 triệu hạt giống được thu thập từ khắp nơi trên thế giới và được đóng gói trong những gói gồm bốn lớp bảo quản, đây là mẫu của những hạt có thể bị mất mát khi xảy ra tai nạn, thiết bị hư hỏng, cắt giảm ngân sách và thiên tai.

Có một lý do tại sao các nhà khoa học lại chọn Spitsbergen: hòn đảo này không hề bị ảnh hưởng bởi các hoạt động địa chất, có tầng đóng băng vĩnh cửu giúp tăng tác dụng bảo quản. Nằm cao hơn mặt nước biển 130m, hòn đảo này đảm bảo luôn khô ráo và do đó các hạt giống sẽ được an toàn ngay cả khi hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến cho các tảng băng tan. Ở một vị trí an toàn như Spitsbergen, các nghiên cứu cho thấy các hạt giống ở đây có thể tồn tại cho đến hàng trăm nếu không muốn nói là hàng ngàn năm.

Tuy nhiên, nếu bạn không phải là một nhà nghiên cứu hay nhà nhân giống được chỉ định thì bạn không thể nào bước vào nơi này.

Ni'ihau, Hawaii

Ni'ihau, hòn đảo có người ở có diện tích nhỏ nhất ở quần đảo Hawaii có vẻ là thiên đường nghỉ dưỡng nhiệt đới lý tưởng. Suy cho cùng, nơi đây có những hàng cọ đung đưa, những động vật quý hiếm thuộc diện bị đe dọa tuyệt chủng và gần như là không có du khách. Nhưng trên thực tế thì không phải vậy. Hòn đảo có diện tích 180 km vuông nằm giữa Thái Bình Dương này vẫn là nơi mà người ngoài không thể đặt chân đến.

Wikipedia.org Bản quyền hình ảnh Wikipedia.org
Image caption Ni'ihau nhìn từ trên cao xuống

Vua Kamehameha của Hawaii đã bán hòn đảo này cho gia tộc Robinson danh tiếng, vốn là những chủ đồn điền giàu có, vào năm 1863. Kể từ năm 1915, hòn đảo này đã cấm người ngoài ghé đến. Cuộc sống trên hòn đảo cách biệt này rất khác thường: khoảng 130 cư dân thường trú trên đảo - vốn là người bản địa ở Hawaii - không cần chi trả tiền thuê nhà. Nơi đây chỉ có đường đất, không có điện thoại và cũng không có nước máy hay cửa hàng. Ngựa và xe đạp là phương tiện giao thông chính. Nguồn điện được lấy từ năng lượng mặt trời và hàng hóa được đưa đến bằng thuyền bè từ hòn đảo Kaua'I gần đó.


"Hàng tuần trẻ em ở Ni'ihau đi ca nô đến Kauai để đi học," Bennett McEwan cho biết.

Mặc dù chỉ là một hòn đảo nhỏ bé, nơi này đóng một vai trò lớn lao trong lịch sử. Đây là địa điểm xảy ra sự kiện Ni'ihau vào năm 1941 khi mà sau vụ tấn công vào Trân Châu Cảng, một phi công lái máy bay chiến đấu của hải quân Nhật Bản đã rơi máy bay trên đảo và đe dọa cư dân ở đây trong suốt một tuần lễ. Vào năm 1944, Tổng thống Franklin D Roosevelt của Mỹ xem Ni'ihau như là một địa điểm khả dĩ để đặt trụ sở của Liên Hiệp Quốc.

Cho đến ngày nay hòn đảo này vẫn là nơi cấm cửa người ngoài. "Lực lượng tuần duyên đi tuần quanh đảo để bảo đảm rằng sẽ không có ai tìm cách lên đảo. Không ai được phép lên đảo nếu không được cư dân trên đảo mời đến," McEwan cho biết.

Tuy nhiên, những du khách tinh vi cũng có mánh lới để tiếp cận hòn đảo. "Vào năm 1987, tour săn bắn trên đảo ra mắt. Để tham gia tour này, du khách phải được ai đó trên đảo mời đến," McEwan nói. "Ngoài ra, tour trực thăng ngắm đảo từ trên cao hay đi tàu vòng quanh bờ biển của đảo cũng là những cách khác để đến gần hòn đảo."

Đồi Menwith thuộc Không quân Hoàng gia Anh, Anh quốc

Nếu James Bond có một boong-ke bí mật thì căn cứ đó chính là đây. Là một căn cứ quân sự ở Bắc Yorkshire, xứ Anh (England), Đồi Menwith được cho là trạm theo dõi điện tử lớn nhất trên thế giới. Nơi đây dùng để bắt các nội dung liên lạc nhằm thu thập thông tin tình báo cho Anh và Mỹ.

Christopher Furlong/Getty Bản quyền hình ảnh Christopher Furlong/Getty
Image caption Các hệ thống radar của Không lực Hoàng gia Anh tại Đồi Menwith Hill

Căn cứ quân sự tối mật này được xây dựng vào năm 1954 để theo dõi các hoạt động liên lạc của Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh. Không ai biết chắc ngày nay căn cứ này được sử dụng để làm gì nhưng có người cho rằng nó dùng để phân tích các hoạt động khủng bố và buôn bán ma túy quốc tế. Đây cũng là căn cứ mặt đất của các vệ tinh Mỹ. Nó cũng được cho là có liên hệ với ECHELON, hay còn được biết đến với tên gọi Five Eyes, một mạng lưới do thám toàn cầu bao gồm các nước Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand.

Tuy nhiên, đáng tiếc cho các fan hâm mộ của James Bond và John Le Carre: không có cách nào nhìn thấy hoạt động bên trong của trung tâm do thám trong đời thực này, một người dùng Quora có tên là Alberta Adams cho biết. "Chỉ có người của NSA [Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ] và ECHELON mới được phép vào trong."

Phòng Lưu trữ mật, Vatican

Đây có lẽ là thư viện riêng tư nhất trên thế giới. Phòng Lưu trữ Mật của Vatican không giống như bất cứ thư viện bình thường nào khác. Nơi đây lưu trữ tài liệu cá nhân của tất cả các Giáo hoàng kể từ thế kỷ thứ tám đến nay.

Gabriel Bouys/AFP/Getty Bản quyền hình ảnh Gabriel Bouys/AFP/Getty
Image caption Kho lưu trữ của Vatican giữ các tài liệu tuyệt mật dưới những lớp khóa bảo vệ

Không cho phép bất cứ ai bên ngoài Vatican tiếp cận cho đến năm 1881, phòng lưu trữ này cất giữ những tài liệu tối mật trong ngăn khóa với một quy trình kéo dài và phức tạp cho những ai mong muốn tiếp cận chúng.

Chỉ có những học giả đủ điều kiện mới có thể xin thẻ ra vào. Đơn xin phải bao gồm thông tin cá nhân của học giả đó, mục đích nghiên cứu là gì cùng với thư giới thiệu từ viện hay trường chủ quản của học giả đó. Ngay cả khi bạn được phép vào trong thì bạn sẽ đứng trước một khối lượng thông tin khổng lồ: người ta ước tính tổng chiều dài các kệ chứa lên đến 85 cây số và chứa đựng hơn 35.000 quyển, Adams cho biết.

The dome of St Peter's Basilica at the Vatican Bản quyền hình ảnh Filippo Monteforte/AFP/Getty
Image caption Mái vòm tòa thánh St Peter tại Vatican

Có gì trong kho tàng lịch sử này? Sắc lệnh năm 1521 cùa Giáo hoàng Leo X rút phép thông công Martin Luther (người phát triển đạo Tin Lành), thư từ của Michelangelo (thế kỷ thứ 16), thư từ của Tổng thống Abraham Lincoln (thế kỷ thứ 19) và một sắc lệnh của Giáo hoàng vào năm 1198 kêu gọi phát động cuộc Thập tự chinh lần thứ tư về Miền Đất Thánh.

Khu vực 51, Tiểu bang Nevada, Hoa Kỳ

Điều gì xảy ra ở Vegas sẽ ở lại Vegas. Điều này cũng đúng đối với một nơi bí mật nằm cách Vegas khoảng 80 dặm về phía bắc.

Wikipedia.org Bản quyền hình ảnh Wikipedia.org

Khu vực 51, tên gọi lần đầu tiên được sử dụng trong một tài liệu của CIA trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, là một căn cứ quân sự và sân bay vốn được cho là đang cất giữ những bí mật tối quan trọng của Hoa Kỳ.

Chuyện gì đang xảy ra ở đó? CIA không nói cụ thể. Đó là lý do tại sao nơi này bị nghi ngờ với rất nhiều thuyết âm mưu, Ranvijai Raji cho biết. Có phải họ đang tháo rời một máy bay của người ngoài hành tinh bị rơi? Họ đang sản xuất vũ khí laser? Họ đang cho bay thử các máy bay thử nghiệm?

Sự thật là có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc. Tất cả mọi hoạt động ở Khu vực 51 được xem là tối mật và người ngoài tuyệt đối không được phép vào trong.

Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn