Lần đầu đưa Đông y vào sách, WHO khiến thầy thuốc Tây 'náo loạn'

Thứ Hai, 03 Tháng Sáu 201911:00 CH(Xem: 4461)
  • Tác giả :
Lần đầu đưa Đông y vào sách, WHO khiến thầy thuốc Tây 'náo loạn'

Hàng chục năm sau ngày toàn cầu hóa, lần đầu tiên trong lịch sử, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thống nhất đưa Đông y vào sách yếu lược toàn cầu bản mới nhất. Quyết định này được xem là có một tác động vô cùng lớn.

Lần đầu đưa Đông y vào sách, WHO khiến thầy thuốc Tây náo loạn - Ảnh 1.

Cân dược liệu trong một hiệu thuốc đông y ở Trung Quốc - Ảnh: CNN

Ngày 25-5, Hội đồng Y tế thế giới, cơ quan điều hành Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã thông qua sách yếu lược toàn cầu phiên bản thứ 11 (Phân loại thống kê bệnh tật và các vấn đề sức khỏe liên quan - ICD), trong đó dành hẳn một chương cho đông y - lần đầu tiên trong lịch sử!

ICD là văn bản quan trọng trong ngành y thế giới. Nó thống kê hàng ngàn loại bệnh tật và các chẩn đoán y khoa, ảnh hưởng đến các công trình nghiên cứu và có thể được dùng để xác định phạm vi bảo hiểm.

WHO giải thích: Mục đích của ICD là thu thập thông tin về toàn bộ các vấn đề sức khỏe và phương pháp chữa trị. Lý do đưa y học cổ truyền vào là vì nó được thực hành bởi hàng trăm ngàn thầy thuốc trên khắp thế giới.

Trong nhiều thế kỷ, các loài cây cỏ, động vật… đã được sử dụng trên khắp thế giới để bào chế thuốc chữa bệnh. Nhưng chỉ ở Trung Quốc, trường phái y học này mới được nghiên cứu, ghi chép và thực hành một cách có hệ thống nhất.

Ngày nay, Đông y phổ biến rộng rãi ở châu Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… Phải mất đến hơn 10 năm để WHO tập hợp đại diện của nhiều nước châu Á nhằm cô đọng lại kiến thức chữa bệnh hàng ngàn năm vào một hệ thống phân loại rõ ràng.

Lần đầu đưa Đông y vào sách, WHO khiến thầy thuốc Tây náo loạn - Ảnh 2.

Châm cứu là liệu pháp phổ biến trong Đông y nhưng chưa được các thầy thuốc Tây y công nhận rộng rãi - Ảnh: CNN

WHO "đi dây", ngành y tranh cãi dữ dội

Ông Tarik Jasarevic - người phát ngôn của WHO - nói rằng Đông y chưa được mô tả chi tiết, hoặc còn tương đối mơ hồ, trong y văn thế giới; việc đưa nó vào ICD sẽ giúp liên kết phương pháp thực hành y học cổ truyền với "chuẩn mực toàn cầu và phát triển tiêu chuẩn".

"Chuẩn mực toàn cầu" quả là bước đột phá, tuy nhiên, vị này lại "thòng" thêm: Điều này không có nghĩa WHO công nhận giá trị khoa học hoặc hiệu quả của bất cứ phương pháp y học cổ truyền nào (!).

Các nhà phê bình phương Tây chê trách cách diễn giải đó gần như vô ích, việc Đông y xuất hiện trong một văn bản quan trọng của WHO đã có thể xem như là "con dấu chứng nhận" của Liên Hiệp Quốc; chẳng phải WHO là tổ chức chuyên đưa ra hướng dẫn và lời khuyên cho các quốc gia thành viên về vắcxin, thuốc và chế độ dinh dưỡng?

"Văn bản của WHO kêu gọi kết nối y học cổ truyền đã được chứng nhận (với hệ thống y tế toàn cầu), nhưng lại không nói rõ y học cổ truyền nào đủ tiêu chuẩn" bác sĩ Edzard Ernst, giáo sư ngành y học bổ túc thuộc Đại học Exeter (Anh), phê bình.

Một số chuyên gia trong cộng đồng y sinh còn lưu ý WHO đã bỏ qua độc tính của một số thảo dược và bằng chứng về hiệu quả của chúng. Trong khi đó, các nhà bảo tồn lo ngại việc công nhận Đông y sẽ đẩy các loài động vật như hổ, tê tê, gấu, tê giác… đến bờ tuyệt chủng vì các bộ phận của chúng được dùng trong một số bài thuốc.

Tờ tạp chí uy tín Scientific American đã đăng một bài phê bình gay gắt, mô tả động thái của WHO là "sai lầm nghiêm trọng trong lối suy nghĩ và thực hành dựa trên bằng chứng".

Bác sĩ Arthur Grollman, giáo sư thuộc Đại học Stony Brook (New York), đồng tình với quan điểm trên: "ICD sẽ mang lại tính chính danh cho các liệu pháp chưa được chứng minh và làm tăng đáng kể chi phí chăm sóc y tế".

Thực tế, tại Trung Quốc, xung quanh tính an toàn và hiệu quả của Đông y cũng tồn tại hai luồng dư luận ủng hộ và phản đối. Một điểm sáng đó là Giải Nobel 2015 dành cho nhà khoa học Trung Quốc Tu Youyou nhờ tìm ra thuốc chữa sốt rét artemisinin (thanh hao tố) từ y học cổ truyền.

Lần đầu đưa Đông y vào sách, WHO khiến thầy thuốc Tây náo loạn - Ảnh 3.

Chủ tịch Tập Cận Bình trong lần thăm trụ sở WHO tại Geneva năm 2017. Bức tượng đồng khắc huyệt đạo là món quà của ông nhằm quảng bá cho Đông y - Ảnh: WHO

Chiến thắng lớn cho Trung Quốc

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã vận động cho Đông y trên trường quốc tế trong một thời gian dài. Đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm trụ sở của WHO tại Geneva năm 2017 với món quà là một bức tượng đồng có khắc các huyệt đạo trên cơ thể người.

Đông y được xem là công cụ giúp Trung Quốc quảng bá hình ảnh, sức ảnh hưởng và mang lại nguồn lợi lớn từ một thị trường quốc tế đang lên. Chỉ riêng tại Trung Quốc, y học cổ truyền là cái bánh trị giá 130 tỉ USD, theo thống kê của Cơ quan Quản lý y học cổ truyền Trung Quốc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn