Biểu tượng chống chính quyền cưỡng chế đất ở New York

Thứ Tư, 22 Tháng Năm 20195:00 SA(Xem: 4918)
Biểu tượng chống chính quyền cưỡng chế đất ở New York
bbc.com

'Tấc đất cắm dùi' giữa lòng New York

Olivier Guiberteau BBC Travel

Olivier Guiberteau Bản quyền hình ảnh Olivier Guiberteau

Là một thành phố nổi danh với những tòa nhà đồ sộ, nhưng biểu tượng của tính nổi loạn ở New York thật ra lại được tìm thấy trên mặt đường - bên ngoài một cửa hàng xì gà ở Làng Greenwich.

"Rõ ràng không phải là tượng Nữ thần Tự do, nhưng đối với người dân New York, đó là một phần rất yêu dấu và trân quý của cảnh quan thành phố," ông Andrew Berman, chủ tịch của Hội Bảo tồn Lịch sử Làng Greenwich, nói.


Ở Làng Greenwich, những con đường lát đá nâu thanh lịch không phải lúc nào cũng tuân thủ hệ thống bàn cờ đồng bộ của thành phố.

Thật vậy, ba con phố ở đây tình cờ đâm vào nhau ở phía ngoài Đại lộ 110 Seventh South.

Thoạt nhìn qua, đó chỉ là một giao lộ không có gì nổi bật ở New York. Những chiếc taxi vàng chạy vọt qua một tiệm Starbucks đối diện cửa hàng Village Cigars với tòa nhà One World Trade Center cao vút nằm tít xa ở phía nam.

Tam giác Hess

Ở một thành phố mà những cặp mắt tự động hướng nhìn lên trên, bạn sẽ có cặp mắt tinh tường nếu nhìn thấy được một hình khảm tam giác được lát vào vỉa hè chỉ cách trước tiệm xì gà có ba bước chân.

Được cấu tạo từ những tấm gạch trắng đen đã ố mờ, hình tam giác này có kích thước vào khoảng hai bước chân và trên đó có dòng chữ ghi: "Tài sản của Hess Estate, thứ không bao giờ được cống hiến cho mục đích công cộng'.

Một thông điệp bí ẩn nhắc đến một câu chuyện mà 'đã trở thành hiện thân của cuộc đấu tranh tìm bản sắc riêng ở khu vực này,' Berman nói tiếp.

Làng Greenwich luôn khác biệt một chút: 'cấp tiến, tư duy nhìn về phía trước và năng động,' như lời Berman miêu tả.

Cho đến cuối Thế kỷ 19, khu vực này đã trở thành một trong những nơi đa dạng nhất về văn hóa trong thành phố.


Đứng ngay tại điểm này vào năm 1910, quang cảnh lúc đó rất là khác.

Đại lộ số Bảy, mà ngày nay chạy dọc theo chiều dài Manhattan, kết thúc ở vị trí cách gần một dặm về phía bắc của Làng Greenwich. Nếu như không có dòng xe cộ mà những đại lộ tấp nập đưa đến, khu vực này sẽ có cảm giác gần gũi và yên bình.

Chỗ có hình tam giác bí ẩn ngày xưa từng là một khu căn hộ do ông David Hess, một người dân Philadelphia, người qua đời ba năm trước đó, năm 1907, xây dựng. Các bản đồ từ cuối những năm 1800 đánh dấu tòa nhà này bằng tên Vorhes cũng như số lô của nó là lô 55.

Giải tỏa làm đường

Đầu thế kỷ 20 là thời kỳ New York có những thay đổi đột biến.

Nhà ga Penn vừa mới mở, với đường ray nằm dưới lòng đất phía dưới sông Hudson, đã giúp đưa một lượng lớn những người đi làm đi thẳng vào trung tâm Manhattan.

Chính quyền đã có quyết định kéo dài cả Đại lộ số 7 và đường xe điện ngầm phía dưới về phía nam để cải thiện kết nối giữa Hạ Manhattan và Phố giữa (Midtown), hai trung tâm thương mại chính của New York.

Một bài báo trên tờ New York Times hồi tháng 10/1913 đưa tin rằng 253 công trình sẽ bị đập bỏ để lấy chỗ làm đường. Một trong những công trình được đưa vào diện giải tỏa như thế là tòa nhà Vorhes.

Chính quyền thành phố New York đã vận dụng quyền trưng thu theo một điều khoản trong Tu chính án thứ năm của Hiến pháp Hoa Kỳ mà theo đó chính quyền có quyền cưỡng chế mua lại tài sản tư dùng cho cho mục đích công', chẳng hạn như lấy đất xây đường và trường học, ông Jonathan Houghton, luật sư tại Goldstein Rikon Rikon & Houghton PC, một trong những công ty về luật trưng thu lâu đời nhất ở New York, giải thích.


Phẫn nộ trước điều mà họ cho là sự quá thể của chính quyền, gia đình Hess đã nhất quyết đấu tới cùng và không chịu bán đất.

Trong vòng vài năm sau đó, gia đình Hess đã anh dũng đấu tranh với lệnh trưng thu. Tuy nhiên, 'ngăn được việc cưỡng chế ở New York là một việc vô cùng khó khăn', Houghton nói, và cho đến năm 1913 nhà Hess đã cạn kiệt mọi biện pháp pháp lý.


Khu căn hộ bị phá bỏ không lâu sau đó và Đại lộ số 7 kéo dài cuối cùng cũng đi ngang qua mảnh đất của lô 55.

Nếu bạn nhìn thật kỹ vào bản đồ thành phố năm 1916, bạn có thể nhìn ra một vết hình tam giác nhỏ xíu vẫn còn lại của lô 55.

"Một điểm thường được bỏ qua là có rất nhiều lô nhỏ với kích thước khác thường vẫn còn sót lại sau khi giải tỏa - nhưng trong đó Tam giác Hess là nhỏ nhất," Berman cho biết.

Tòa căn hộ đương nhiên không còn nữa, nhưng lỗi trong khảo sát có nghĩa là một phần của lô 55 vẫn trụ lại và vẫn thuộc sở hữu hợp pháp của Công ty Bất động sản Hess.

Biểu tượng đấu tranh

Người ta không biết rõ là điều gì đã xảy ra tiếp theo.

Câu chuyện được kể lại lâu nay là sau khi nhận ra sai lầm này, thành phố đã yêu cầu gia đình Hess hiến mảnh đất nhỏ xíu đó với mặc định rằng mảnh đất nhỏ như thế sẽ không có giá trị thương mại.

Nhưng một lần nữa gia đình Hess đã từ chối. Vụ việc được đưa trở lại tòa án, nhưng lần này nhà Hess đã chiến thắng chính quyền thành phố New York, và quyền sở hữu hợp pháp của đối với tam giác nhỏ này được đảm bảo.

Tuy nhiên, một bài báo đăng trên tờ The Philadelphia Evening Ledger vào ngày 22/7/1922 lại kể hoàn toàn khác.

Họ viết rằng vào năm trước đó chính quyền thành phố New York đã kêu gọi công ty Hess Estate đóng thuế đất lũy tiến cho phần nhỏ xíu còn lại của lô đất.

Tuy nhiên, ông Frank Hess, con trai của David Hess, nói rằng ông không hề hay biết vẫn còn lại một mảnh của lô đất thuộc sở hữu của gia đình ông.

Chúng ta biết rằng vào ngày 26/7/1922, hình tam giác được khảm lên. Một bài báo trên tờ New York Times vào ngày hôm sau tường thuật rằng hình tam giác đó 'được định giá trong sổ thuế là 100 đô la', con số được cho là nhằm nói tới tiền thuế đất hàng năm.

Sau khi đến thăm nó, Frank đã thương thảo một hợp đồng cho thuê với tiệm xì gà trong đó có yêu cầu là miếng đất đó cần phải được đánh dấu là tài sản riêng.

Tam giác Hess cuối cùng cũng được bán cho Village Cigars vào năm 1938 với cái giá ngất ngưởng là 1.000 đô la (sau khi điều chỉnh theo lạm phát thì nó tương đương với 17.500 đô la theo thời giá ngày nay) và đã được bảo tồn nguyên vẹn như từ đó đến giờ.

Hơn 80 năm sau, những sự thật về câu chuyện rất được yêu thích này đã bắt đầu phai nhạt, và một số dị bản kể sai rằng bản thân ông David Hess đã chiến đấu với chính quyền thành phố New York.

Dù sao đi nữa Tam giác Triangle đã phát triển vượt ra ngoài câu chuyện ban đầu để trở thành biểu tượng của sự kháng cự mà, theo lời ông Berman, 'tượng trưng một người đàn ông bé nhỏ đương đầu với Tòa Thị chính, và giành được chiến thắng bé nhỏ.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn