200 năm Raffles thành lập cảng Singapore

Thứ Ba, 09 Tháng Tư 20198:18 CH(Xem: 5268)
200 năm Raffles thành lập cảng Singapore
vi.rfi.fr

200 năm Raffles thành lập cảng Singapore


mediaBức tượng được dựng tại "Raffles Landing Site", nơi ông Stamford Raffles từng đặt chân lên lãnh thổ Singapore cách đây 200 nămTuấn Thảo / RFI

Đáng ngạc nhiên hơn là bức tượng màu trắng dựng trên vỉa hè đại lộ Orchard, đối diện với thương xá Tang Plaza. Bức tượng này khắc họa chân dung của ông Stamford Raffles, còn được xem như là cha đẻ của Singapore hiện đại. Ông ở trong tư thế đứng khoanh tay trước ngực, dáng vẻ trầm ngâm suy ngẫm. Thông thường, bức tượng ông Raffles được đặt ở khu phố cổ, nằm ở phía trung tâm hành chính. Đằng này, bức tượng trắng lại được dựng trên đại lộ sầm uất nhất của Singapore : Orchard Road với các cửa hàng lớn và những thương hiệu sang trọng lộng lẫy không thua gì Fifth Avenue ở Manhattan, New York hay đại lộ Champs-Élysées ở Paris.

sing12Bức tượng trắng khắc họa chân dung ông Raffles, dựng trên Orchard Road, đại lộ sầm uất nhất của SingaporeTuấn Thảo / RFI

Dĩ nhiên bức tượng trên đường Orchard chỉ là bản sao, nhằm mục đích quảng cáo cho chương trình kỷ niệm. Bản gốc là một bức tượng bằng đồng đen, do nhà điêu khắc nổi tiếng Thomas Woolner (1825-1892) sáng tác. Sinh thời, Thomas Woolner là một trong những nghệ sĩ khởi xướng phong trào nghệ thuật Tiền Raphael ở Vương quốc Anh. Ông đã hoàn thành bức tượng bằng đồng đen của ông Stamford Raffles đầu năm 1887, hầu chuẩn bị lễ kỷ niệm 50 năm trị vì của Nữ Hoàng Victoria (Jubilee Day).

20180923_215015_hdr2Bức tượng gốc bằng đồng đen của ông Raffles dựng tại Victoria Memorial HallTuấn Thảo / RFI

Không phải ngẫu nhiên mà bức tượng gốc được đặt tại mặt tiền của toà nhà nguy nga Victoria Memorial Hall nằm trên Quảng trường Empress Place. Toà nhà Victoria Theatre & Concert Hall là Nhà hát lớn của thành phố, tuy không hiện đại bằng nhà hát giao hưởng Esplanade (Theatres on the Bay), nhưng về mặt lịch sử lại là một trong những công trình kiến trúc lâu đời nhất của Singapore. Từ nhà hát Victoria, chỉ cần tản bộ một quãng ngắn dọc bờ sông, du khách sẽ bắt gặp ngay một bức tượng khác của ông Stamford Raffles, cũng trong tư thế đứng khoanh tay trước ngực, mắt hướng nhìn ra biển.

Nằm giữa bến tàu Boat Quay, địa điểm lịch sử này còn được gọi là ‘‘Raffles Landing Site’’ tức là nơi ông Stamford Raffles từng cập bến và đặt chân lên lãnh thổ Singapore cách đây đúng hai trăm năm. Bức tượng này nằm bên cạnh Viện Bảo tàng các nền Văn minh châu Á (Asian Civilisations Museum ACM), nơi diễn ra cuộc triển lãm ‘‘Raffles in South East Asia’’ từ ngày 01/02 đến 28/04/2019, kể lại hành trình của ông Stamford Raffles tại Đông Nam Á. Song song với cuộc triển lãm này, Sở du lịch Singapore cho biết, có 200 sự kiện văn hóa lớn nhỏ sẽ lần lượt diễn ra trong năm 2019, quan trọng nhất là chương trình tại Bảo tàng & Thư viện Quốc gia, Nhà hát Victoria, Trung tâm Nghệ thuật Fort Canning, Trung tâm Văn hóa Geyland East .....

sing15200 sự kiện văn hóa lớn nhỏ sẽ diễn ra trong năm kỷ niệm 200 năm Raffles lập cảng SingaporeTuấn Thảo / RFI

Được tổ chức cùng với Bảo tàng Anh British Museum, cuộc triển lãm ‘‘Raffles in South East Asia’’ kể lại cuộc đời và sự nghiệp của Sir Stamford Raffles thông qua những cổ vật mà ông đã sưu tầm hay những tác phẩm mà ông đã từng viết, trong đó có quyển Sổ tay hành trình tại Java gồm hai tập, được xem như là một đóng góp lớn về mặt kiến thức lịch sử và sinh vật học thời bấy giờ. Cũng nhờ vào sự đóng góp này mà ông được phong tước thành Sir Stamford Raffles. Lúc sinh tiền, ông từng làm việc cho công ty thương mại Đông Ấn (Anh) và được bổ nhiệm làm Phó Thống Đốc Anh tại vùng Bencoleen. Từ năm 1805 đến năm 1824, ông từng sinh sống tại Penang, Java và Sumatra.

56963272_10216547464131661_4856133562388185088_nViện bảo tàng các nền Văn minh châu Á tổ chức triển lãm "Raffles in South East Asia" từ ngày 01/02 đến 28/04/2019Tuấn Thảo / RFI

Một chi tiết nhỏ nhưng khá quan trọng là ông nói rành tiếng Mã Lai cũng như am tường về phong tục tập quán của dân địa phương. Yếu tố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho ông thuyết phục vua Johor thuộc vương triều Malacca thời bấy giờ trao cho Vương quốc Anh quyền thiết lập trạm thông thương tại Singapore, nằm ở mũi cực nam bán đảo Mã Lai. Ông Stamford Raffles chính thức đặt chân lên Singapore vào cuối tháng Giêng (28/01) năm 1819, và chưa đầy một tháng sau đã ký kết được hiệp ước thành lập một thương cảng tự do, phát triển nhanh chóng vì không đánh thuế các thuyền bè vận tải, và nhờ vậy mà lật ngược thế cờ, thách thức độc quyền của hai đội thương thuyền hùng hậu trong vùng eo biển Malacca là Hà Lan và Bồ Đào Nha.

sing16Các "food court" tại những khu phố bình dân gần Mustafa Center, phố Pagoda Street gần Chinatownn, đường Jalan Besar ở Little IndiaTuấn Thảo / RFI

Chỉ trong một thời gian ngắn, Singapore đã phát triển thành một trong những thương cảng quan trọng nhất châu Á. Sau nhiều thập niên nằm dưới quyền cai trị của Anh, rồi sau đó hợp nhất với Liên hiệp bang Malaysia, Singapore đã chính thức tuyên bố độc lập vào tháng 8 năm 1965. Cho dù thực tế cho thấy mô hình phát triển Singapore không ‘‘lý tưởng’’ như người ta nghĩ, nhưng trong mắt du khách, Singapore đã nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới, nền kinh tế thị trường tự do được phát triển cao độ, GDP bình quân đầu người thuộc vào hàng nhất nhì châu Á.

Ghé thăm Singapore nhất là đại lộ Orchard, du khách có cảm tưởng là trên đất nước này, ai ai cũng giàu có. Ít ra không hề thấy dấu hiệu của sự nghèo đói ngay cả ở những khu phố bình dân như xung quanh Mustafa Center, phố Pagoda Street gần Chinatown hay đường Jalan Besar ở phố Little India. Có lẽ cũng vì Singapore là xứ sở đầy kỷ luật trật tự, ngay cả ở chốn công cộng không phải hút thuốc chỗ nào cũng được, mà phải đứng trong phạm vi dành cho người ghiền nicotin. Chuyện hôn nhau chốn công cộng cũng bị cấm, chuyện ngủ lây lất hay ăn xin ngoài đường phố càng bị phạt nặng.

sing18Singapore có nhiều lệnh cấm, ngay ở chốn công cộng không phải hút thuốc chỗ nào cũng được, hôn nhau ngoài phố cũng bị cấm, ngủ lây lất hay ăn xin càng bị phạt nặngTuấn Thảo / RFI

Bước vào các quầy bán thức ăn food court tại các trung tâm thương mại (tiêu biểu là Food Opera của thương xá ION), chỉ cần tinh ý một chút là du khách sẽ nhận thấy có rất nhiều ông cụ bà cụ, đáng lẽ ra đã được nghỉ hưu từ lâu, mà vẫn đẩy xe dọn chén đĩa hay bán đồ ăn hay thức uống cho thực khách. Theo hệ số Gini, chênh lệch giàu nghèo ở Singapore cũng thuộc vào hạng cao (cao hơn cả Hoa Kỳ và Nhật Bản). Chỉ có điều là du khách không thể nhìn thấy sự nghèo khó gần như đã trở nên vô hình ấy.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn