Phi công lái drone - nghề hot nhất ở nông thôn Trung Quốc

Thứ Tư, 10 Tháng Tư 20197:00 SA(Xem: 5073)
Phi công lái drone - nghề hot nhất ở nông thôn Trung Quốc

Nghề làm "phi công" điều khiển máy bay tự lái đang rất được chú ý tại nông thôn Trung Quốc, vì tạo ra năng suất còn hơn cả công nhân thông thường.

Zhu Beibei vẫn còn nhớ mùi cao su nồng nặc dù anh đã bỏ nghề ở nhà máy sản xuất ôtô tại Vũ Hán đã 10 năm. Khi vào làm nhà máy anh mới 19 tuổi, vừa học nghề xong và nhận mức lương 900 tệ/tháng dù phải làm thêm rất nhiều. Chỉ 6 tháng sau anh bỏ nghề.

“Ca làm của tôi kết thúc lúc 10h sáng, và tôi cũng chỉ ngủ được đến 2h chiều. Ngày nào tôi cũng làm việc như robot và còn chẳng có thời gian nói chuyện với ai. Tôi không thấy có cơ hội nào để thăng tiến hoặc nâng cao tay nghề”, anh Zhu kể lại.

Phi cong lai drone - nghe hot nhat o nong thon Trung Quoc hinh anh 1
Zhu Beibei mở công ty cung cấp dịch vụ nông nghiệp bằng drone. Ảnh: Handout.

Sau khi rời nhà máy, anh đã làm rất nhiều nghề, bao gồm cả buôn thiết bị nông nghiệp. Tuy nhiên công việc hiện tại của anh lại đến khi một người bạn hỏi có biết lái drone hay không. Mặc dù lúc đó chưa biết lái, Zhu chỉ cần đi học 5 ngày để có chứng chỉ, sau đó vào làm việc tại công ty cung cấp dịch vụ rải thuốc trừ sâu bằng drone.

Hiện nay Zhu đã mở công ty, với 30 “phi công” lái drone và mỗi năm thu nhập tới 3 triệu tệ từ nghề rải thuốc trừ sâu.

Đây là mức thu nhập mơ ước với một thanh niên xuất phát từ nông thôn, từng bị mẹ từ mặt vì dám bỏ công việc tại nhà máy vì không có tương lai. Sau này Zhu mới thuyết phục được mẹ anh là mình đã lựa chọn đúng khi kiếm 80.000 tệ chỉ trong hơn 1 tháng khi làm phi công lái drone tại công ty Xinjiang.

Phi cong lai drone - nghe hot nhat o nong thon Trung Quoc hinh anh 2
Nhu cầu tìm phi công lái drone cho nông nghiệp tăng cao khi nhiều thanh niên bỏ nghề nông để tìm việc ở nơi khác. Ảnh: Xinhua.

Theo SCMP, nhu cầu những phi công lái drone phục vụ cho nông nghiệp đã tăng cao trong vài năm nay. Một phi công lành nghề có thể phục vụ diện tích nông nghiệp mà con người thông thường không thể làm được. Thực tế là nhu cầu của nghề này lại đến từ việc phần lớn thanh niên bỏ nghề nông để tìm công việc trên thành phố.

Có khoảng 287 triệu lao động Trung Quốc không làm việc tại quê nhà mà tìm việc tại các thành phố. Con số này tương đương với tổng dân số của Đức, Anh, Pháp và Italy cộng lại. Rất nhiều công nhân Trung Quốc rời vùng quê để tìm việc tại các nhà máy ở khu vực sông Hoàng Hà, Dương Tử, hoặc lên các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải để làm việc chân tay.

Những người nông dân trung niên ở lại thôn quê không thể làm tốt những công việc nặng như gieo hay gặt. Do vậy, họ thường phải thuê các công ty cung cấp dịch vụ bằng những hình thức như lái drone để phun thuốc trừ sâu. Không chỉ Trung Quốc, trào lưu này cũng xuất hiện tại Nhật, khi phần lớn thanh niên không chọn gắn bó với nghề nông.

DJI, công ty sản xuất drone lớn nhất thế giới có trụ sở tại Thâm Quyến giờ đây đang chuyển dịch dần sang các loại drone phục vụ công nghiệp. Thị trường drone phục vụ nông nghiệp chiếm tới một nửa ngành drone toàn cầu trị giá 9 tỷ USD. Những mẫu mới của DJI như Mavic 2 hay Agras MG-1 đều được sản xuất để nhắm tới thị trường này.

Phi cong lai drone - nghe hot nhat o nong thon Trung Quoc hinh anh 3
DJI, công ty sản xuất drone lớn nhất thế giới, cũng có rất nhiều sản phẩm hướng tới phục vụ công nghiệp, nông nghiệp. Ảnh: Xinhua.

Phi công lái drone chỉ là một trong những nghề mới hình thành vài năm gần đây. Một nghề khác cũng xuất phát từ các ứng dụng mới là nghề giao đồ ăn. Tại Trung Quốc, những ứng dụng như Ele.me (thuộc Alibaba) hay Meituan Dianping đã tạo ra một lượng đông đảo tài xế chuyên giao đồ ăn.

Những công việc này có thời gian làm việc thoải mái hơn là làm trong nhà máy, nên nhiều công nhân cũng chọn bỏ việc nhà máy để đi làm việc khác. Điều này lại tạo nên áp lực tìm nguồn công nhân mới cho các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc.

“Thế hệ thanh niên Trung Quốc hiện nay được học cao hơn và chấp nhận nhảy việc liên tục miễn là có chỗ trả cao và thoải mái hơn. Đây là cơn đau đầu đối với các hãng gia công lắp ráp, và vấn đề này sẽ không dễ khắc phục khi mà chính phủ cũng đang muốn cắt giảm những công việc sản xuất ít đem lại giá trị, và chuyển đổi sang nền kinh tế phụ thuộc công nghệ”, Zhang Yng, một chuyên gia nhân sự tại Đông Quảng cho biết.

Công việc của Zhu giờ đây phụ thuộc vào mùa vụ. Vào mùa nông, từ tháng 3 đến tháng 10, anh thường phải xa nhà để tới cung cấp dịch vụ tới nhiều vùng khác nhau ở Trung Quốc. Dù vậy, Zhu vẫn luôn vui vẻ.

Anh cho rằng công việc mới của mình không chỉ đem lại tiền, sự tự do mà quan trọng hơn là tình cảm. Những nhà nông đều đối xử tốt với các phi công của anh, mời nước, mời ăn dưa khi làm việc vào mùa hè. Zhu chỉ cần tạo lịch bay trên iPad, sau đó cho drone tự bay và rồi ngồi làm việc ở trong xe, tìm khách hàng mới hoặc nói chuyện với bạn bè.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn