Chín thư viện đương đại đặc sắc nhất thế giới

Chủ Nhật, 31 Tháng Ba 20199:01 SA(Xem: 6332)
Chín thư viện đương đại đặc sắc nhất thế giới
bbc.com

Chín thư viện đương đại đặc sắc nhất thế giới

Clare Dowdy BBC Culture

Gonazalez Moix Arquitectura Bản quyền hình ảnh Gonazalez Moix Arquitectura

Các thư viện thời nay không chỉ là nơi cung cấp sách mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá và hoạt động cộng đồng, với thiết kế vô cùng ấn tượng.

Từ 'thư viện' được sinh ra từ chữ 'liber' trong tiếng La-tin, có nghĩa là quyển sách. Nhưng thế hệ các thư viện mới nhất đang tự đặt mình vào vị thế là những cổng văn hoá, xã hội và dân sự được thiết kế đẹp đẽ, mà sách chỉ là một phần trong đó.


Các thư viện đương đại được giới thiệu dưới đây là một phần của trào lưu mới trên thế giới, nơi có các hoạt động vô cùng phong phú diễn ra, từ tập yoga cho tới in ấn công nghệ 3D. Và đó là những toà nhà vô cùng ấn tượng, từ Copenhagen và Calgary cho tới Christchurch và Chicago.

Thư viện Trung tâm Oodi

ALA Architects Bản quyền hình ảnh ALA Architects

Tại Oodi, thư viện trung tâm mới của Helsinki, chỉ có một phần ba không gian được dành cho sách. Giám đốc của Oodi, Anna Maria Soininvaara nói rằng nơi này nhằm "làm mới thư viện để phục vụ nhu cầu trong tương lai của người dân Phần Lan, và khuyến khích sự hoà nhập xã hội, hoà nhập giáo dục".

Đây cũng là sự hưởng ứng đối với Đạo luật Thư viện Công mới được sửa đổi, cập nhật của Phần Lan, theo đó cam kết cổ suý cho việc học hỏi cả đời, nỗ lực trở thành các công dân tích cực, vì dân chủ và quyền tự do biểu đạt.

Với phần mái uốn lượn và phần mặt tiền ốp gỗ vân sam Phần Lan, Oodi nằm trên quảng trường Kansalaistori đối diện với Eduskuntatalo, Helsinki, tức toà nhà quốc hội.

Khu vực rộng tổng thể 17.250 mét vuông do hãng ALA Architects thiết kế đóng vai trò như một sảnh lớn dành cho công chúng, trong đó có rạp chiếu phim, khu chuyên nghiên cứu, khám phá không gian, và các phòng thu âm. Đây cũng là nơi tiếp cận được các dịch vụ công, các bảo tàng và các sự kiện cộng đồng, bên cạnh những quyển sách.

Khu nghiên cứu vũ trụ nằm trên tầng hai, là nơi có các công cụ và các công nghệ mới như máy in 3D và máy in đĩa nhựa, các máy cắt gọt laser, máy ép nhiệt, máy khâu, và các thiết bị đẽo, gọt gỗ.

Có một số nơi trong khu vực không gian này được giải phóng nhờ vào việc đưa sách xuống cất ở khu tầng hầm. Việc lấy sách từ đó ra do các robot thực hiện. (Hình: ALA Architects)

Thư viện công Chicago, West Loop

Tom Harris/ Skidmore Owings & Merrill Bản quyền hình ảnh Tom Harris/ Skidmore Owings & Merrill

Đây là thư viện công đầu tiên tại West Loop, và là chi nhánh thứ 81 ở thành phố. Nơi đây có hai toà nhà từng là trường quay TV, nơi có phần mặt tiền được ốp kim loại.


Do Skidmore Owings & Merrill thiết kế, phần diện tích 1.500 mét vuông cũng được dùng làm nơi có các hoạt động chung, có các phòng họp và một nơi tìm hiểu kỹ thuật số, với một phòng thu âm dành cho thanh thiếu niên tuổi teen.

Với lứa tuổi nhỏ hơn, có một "phòng thí nghiệm" với các công cụ để tìm hiểu về không gian, và các phòng đọc truyện với tường có từ tính và có thể viết, vẽ lên được.

Cũng giống như các chi nhánh khác tại Chicago, nơi đây có dịch vụ kèm học miễn phí sau giờ tan trường cho các em.

Thư viện Tingbjerg

COBE Bản quyền hình ảnh COBE

Khu vực Tingbjerg, Copenhagen, là nơi có ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, phong phú, nhưng trong thời gian gần đây nó đã bị gạt ra bên lề, và là nơi có tỷ lệ tội phạm cao.


Nhà văn hoá, thư viện và trung tâm cộng đồng rộng 1.500 mét vuông của COBE là phần mở rộng của Trường Tingbjerg. Ở đây có các phòng họp, một quầy cà phê và khu xưởng với các thiết bị cắt gọt bằng laser. Khu sảnh là nơi tổ chức các buổi hoà nhạc và các sự kiện như nhà hát thiếu nhi, các khu xưởng làm phim và làm đồ chơi, bên cạnh việc tổ chức các buộc giao lưu đọc sách cùng tác giả.

Ở nơi hẹp nhất, cấu trúc hình cái nêm này chỉ rộng có 1,5m.

Thư viện Trung tâm Tūranga Christchurch

Schmidt Hammer Lassen Architects Bản quyền hình ảnh Schmidt Hammer Lassen Architects

Thư viện này thay thế cho thư viện cũ vốn đã bị phá huỷ trong những trận động đất ở Đảo Nam hồi 2010 và 2011, và là một trong chín dự án chính có vai trò rất quan trọng đối với việc tái phát triển thành phố.

Toà nhà năm tầng rộng 9.500 mét vuông do hãng Schmidt Hammer Lassen Architects thiết kế nằm tại Quảng trường Thánh đường (Cathedral Square) lịch sử của Christchurch. Những bức tường xi măng lớn của nó có thể rung lắc và nâng lên được để bảo vệ toà nhà khỏi các lực địa chấn.

Bên trong lối vào là một tiệm cà phê và khu vực công nghệ, sáng tạo với bức tường cảm ứng cao 7 mét.

Một khu vực cộng đồng dành cho dân địa phương nằm ở tầng hai, cạnh khu vui chơi của trẻ em. Ở đây có chỗ đọc sách và ngồi học, một studio giải trí, một phòng máy tính và một studio âm nhạc.

Thư viện Trung tâm Calgary

Snøhetta Bản quyền hình ảnh Snøhetta

Đằng sau mặt tiền được trang trí bằng những hình lục giác cân xứng, các hoạt động bên trong thư viện mới của Calvary ở Alberta, Canada là nơi có đủ thứ, từ vui nhộn cho tới nghiêm túc.

Trong thư viện dành cho trẻ em ở tầng trệt, có các khu chơi đồ chơi với các kiểu làm đồ thủ công, tô vẽ. Trên tầng bốn là 'phòng đọc lớn', nơi dành cho việc tập trung nghiên cứu.

Bên ngoài toà nhà rộng 22.300 mét vuông, những tầng bậc thang rộng rãi xếp xuôi dần xuống, khiến các hoạt động có thể được tràn cả ra bên ngoài.

Toà nhà được thiết kế bởi Snøhetta.

Thư viện VAC

Thai Thach/ Farming Architects Bản quyền hình ảnh Thai Thach/ Farming Architects

Trông giống như một khung gỗ lớn để leo trèo, thư viện làm theo mô hình vườn trại trong thành phố này nằm tại Hà Nội, do nhóm Farming Architects thiết kế, với ý tưởng đưa nghề làm vườn và nuôi gia súc gia cầm của vùng nông thôn Việt Nam vào cấu trúc.

Mục đích là nhằm dạy cho trẻ em thành thị biết về hệ sinh thái tự cung tự cấp, trong lúc các em vẫn tiếp cận được tới thư viện sách.

Nơi đây có ao cá vàng, gà và rau trồng các loại. Trẻ em có thể tới chơi, đọc sách, và học hỏi về mô hình sinh thái, bởi phân gà được dùng để làm phân bón cho cây.

Thư viện Biblioteca Sur

Gonazalez Moix Arquitectura Bản quyền hình ảnh Gonazalez Moix Arquitectura

Với các cây cột bê tông phơi ra, gợi cảm giác như những chồng sách dựng trên giá, đây đó lại có những khung cửa sổ dọc xuống chen lẫn, thư viện ở Lima, Peru được thiết kế bởi Gonzalez Moix Arquitectura.

Thư viện nằm cạnh công viên Inmaculada Concepción Park của quận La Molina.

Bên trong toà nhà rộng 1.300 mét vuông, có các khoảng không dành cho những khoá học khác nhau, như học đàn guitar, yoga, vẽ, chụp ảnh, múa ballet và diễn kịch.

Thư viện Dandaji

Atelier Masomi/ Studio Chahar Bản quyền hình ảnh Atelier Masomi/ Studio Chahar

Tại Dandaji, ngôi làng Hausa ở Tây Niger, phần còn lại của một nhà thờ Hồi giáo xập xệ đã được chuyển đổi thành thư viện và trung tâm sinh hoạt cộng đồng.

Các kiến trúc sư của Atelier Masomi và Studio Chahar đã cải tạo phần sót lại của toà nhà, nhưng thay vì dùng gỗ bên trong như truyền thống, là thứ vốn hiếm, thì họ chọn dùng các tấm kim loại để phân ô và có cầu thang dẫn lên một tầng lửng.

Nơi đây có những khoảng không gian để ngồi học rất sáng sủa - thường được mọi người chọn làm nơi ngồi học bài nếu như ở nhà mất điện - và các khu vực dạy văn hoá cho người lớn, là phần được thiết kế theo yêu cầu của phụ nữ địa phương.

Còn có một phòng máy tính nữa. Các kiến trúc sư cũng đã xây một nhà thờ Hồi giáo ở bên cạnh thư viện.

Thư viện Thiên Tân

MVRDV Bản quyền hình ảnh MVRDV

Trong khu vực được thiết kế theo chủ nghĩa vị lai với năm tầng lầu, rộng 33.700 mét vuông này ở Thiên Tân, Trung Quốc, các tủ sách được xếp lần lượt theo các bức tường bao từ sàn lên tới trần nhà.

Ở chính giữa toà nhà, do MVRDV thiết kế, là một hội trường hình cầu, nơi có thể hội họp được tới 110 người.

Tầng một và tầng hai có các phòng đọc và khu sảnh chờ, với các phòng họp, phòng máy tính, phòng âm thanh và hai lô trên sân thượng.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn