6 năm hoạt động xã hội đã dạy cho mình những gì

Thứ Sáu, 11 Tháng Giêng 20198:00 SA(Xem: 6001)
6 năm hoạt động xã hội đã dạy cho mình những gì

FB Nguyễn Vi Yên

Đọc thấy những bài phân tích phê bình nhau mang nhiều thái độ và chủ kiến xoay quanh một câu chuyện đất đai, mình xin được chia sẻ mấy lời muộn màng từ chuyện của chính mình.

1.

Những ngày bận rộn giữa chiến dịch phản đối Luật An ninh mạng, tuy mệt mỏi nhưng mình không bao giờ dám có ý nghĩ chê trách rằng “sao nhà báo, luật sư, giới trí thức không tiếp cận nhóm tụi mình để viết bài, tư vấn pháp lý”.

Mình là ai mà họ phải tiếp cận? Mối lo ngại về An ninh mạng là lo ngại của mình, chứ chắc gì là của họ. Tự thân mình phải tìm kiếm họ, liên hệ họ, tự thân mình phải chứng tỏ cho họ thấy đây là câu chuyện đáng được quan tâm.

Thế rồi tụi mình thử tìm đến các anh chị luật sư. Không ngờ họ đã dang rộng tay ra giúp đỡ. Không nề hà, các anh chị ấy bỏ hàng tối cuối tuần trong suốt mấy tháng liền để ngồi giúp tụi mình viết cuốn Cẩm nang. Họ đã luôn ở đó, sẵn lòng góp sức vì cộng đồng, chỉ cần tụi mình chịu tìm đến.

Rồi mình nhắn tin cho một chị nhà báo bên BBC, ngỏ lời “nhóm em vừa xuất bản cuốn Cẩm nang Luật An ninh mạng. Chị có thể phỏng vấn em không?” Ngay hôm sau, chị ấy gọi mình để phỏng vấn rồi lên bài.

Mình lại lần mò nhấn vào ô “Báo tin cho RFA” ở cuối trang web của họ, cung cấp thông tin cá nhân và đề nghị được trao đổi. Một cuộc gặp gỡ với đài RFA đã diễn ra ngay sau đó (dù không phải vì mình báo tin mà vì họ theo dõi facebook mình, song ít ra là mình đã chủ động tiếp cận). Video phỏng vấn ấy đạt gần 40 ngàn views (là một người hoạt động xã hội, mình luôn quan tâm tới số likes và views).

Và nhiều người đã hết lòng giúp đỡ mà mình không tiện nêu tên nữa.

Không có gì là tự dưng xảy tới cả, nhất là với những nhóm trẻ tự phát không có ai đỡ đầu như nhóm SaveNET tụi mình. Để được việc, thì mình biết rằng phải luôn luôn chủ động và cực kỳ nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ. Bởi tất cả mọi người đều bận rộn, ai cũng có đầy việc để lo cả rồi.

(Dĩ nhiên, có nhiều chỗ mà mình đã cố tiếp cận nhưng họ không thèm hồi đáp, hoặc thậm chí trả lời rất bỉ bôi kênh kiệu, nhưng có hề gì đâu!)

2.

Mình càng không dám tỏ thái độ bực bội kiểu “tại sao người dân không chịu quan tâm và đứng ra phân tích, trình bày luận điểm, rồi lên tiếng phản đối Luật An ninh mạng dù đó là vấn đề của chính họ”.

Mình và các bạn trong nhóm mình là những kẻ có đặc quyền: đặc quyền của người trẻ, được học thạc sỹ tiến sỹ các loại, biết tiếng Tàu tiếng Tây, rồi đi đó đi đây, tiếp xúc với cái thế giới quá ư là rộng.

Tất cả những người dân chúng ta, gồm tụi mình và những người còn lại, đều có chung một ẩn ức khi sự tự do bị bóp nghẹt. Nhưng “đặc quyền” ở đây là tụi mình biết phải làm gì để giải quyết nỗi ẩn ức ấy. Còn họ thì không. Thậm chí, họ còn không cắt nghĩa được cảm giác bất công bên trong chính họ đến từ đâu, tại sao, và như thế nào.

Việc tụi mình có thể làm là lại gần họ hơn, nghe họ nói lâu hơn dù có nhiều chỗ rối rắm. Có hiểu họ rồi mới nắm được đích xác việc mình cần làm.

Quả thực, có những nhóm ban đầu kịch liệt phê phán cách làm của tụi mình, nhưng sau khi trò chuyện thật lâu, đã gật gù rồi cùng đứng tên ký kiến nghị. Sự nỗ lực, lại một lần nữa, cho thấy nó xứng đáng.

Có năng lực thì hãy cùng gánh vác việc chung, mình luôn tâm niệm vậy. Xã hội vốn đã bất công rồi, đã đặt mấy đứa tụi mình lên chỗ cao hơn những người khác rồi, nên tụi mình càng không dám dửng dưng đứng ở đó mà trông xuống cho được.

3.

Và sau rốt, mình không thể nào lên án những người tỏ thái độ e dè đối với nhóm tụi mình.

Họ e dè, tất có nguyên do. Bởi vậy, việc tiếp cận họ càng cần phải cẩn trọng. Chỉ cần một lần to tiếng là đủ để họ đóng sập cánh cửa trước mặt mình, vĩnh viễn. Và như thế là đẩy họ sang những bên đang gây bất lợi cho mình.

Kể cả đối với các bạn bị gọi là “dư luận viên” đi chăng nữa. (Nói thật, cái cách gọi này chẳng phải là một dạng “chụp mũ” khác đó ư, khi người ta chỉ là lên tiếng bày tỏ quan điểm theo một cách không giống cách mình làm?) Không việc gì phải dành thời gian để đả kích nhau, nếu thấy việc trao đổi kém hiệu quả thì chỉ cần dừng lại thôi là đủ.

Rõ ràng, việc trách móc nhau chỉ đẩy nhau ra xa hơn. Xã hội Việt Nam đã có quá đủ sự chia rẽ rồi, và mình nghĩ chúng ta không cần khoét sâu nó thêm làm chi nữa.

Thay vào đó, mình mong mọi người có thể nhìn nhau như những nguồn lực quý giá chưa được khai thác, và rồi tìm cách lại gần nhau, sẻ chia với nhau những điểm chung. Suy cho cùng, hầu như ai cũng yêu quý cộng đồng này mà, chỉ có điều phương cách có đôi chỗ khác biệt.

Trời ạ, viết xong, thấy mình như thể đang đả động tới quá nhiều người đi, thật dễ mất lòng nhau. Nhưng kỳ thực mình không nhắm đến ai cả. Mình chỉ muốn nói lên câu chuyện cá nhân, từ góc nhìn của một người sống trong lòng xã hội và đang dành cả tuổi trẻ để góp sức cho nó.

Câu hỏi mình thường hay nhận được là: Nỗ lực lắm thế để làm gì? Mình tin rằng một người hoạt động xã hội thường xem lợi ích cộng đồng tương đương với lợi ích cá nhân. Có như vậy, khi mình bỏ thời gian, công sức, nhiệt huyết vì cộng đồng, mình mới thấy bản thân không bị hy sinh, mất mát.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn