TT Trump lẻ loi khi 'CLB tổng thống' quy tụ ở lễ tang Bush 'cha' ( Kẻ sĩ luôn đối lập với chính quyền. Lương dân thường phản kháng kẻ đương chức)

Thứ Năm, 06 Tháng Mười Hai 20184:10 SA(Xem: 6847)
TT Trump lẻ loi khi 'CLB tổng thống' quy tụ ở lễ tang Bush 'cha' ( Kẻ sĩ luôn đối lập với chính quyền. Lương dân thường phản kháng kẻ đương chức)

Lễ tang cựu tổng thống George H.W. Bush là dịp hiếm hoi các đời tổng thống Mỹ gặp mặt, và không khó để nhận ra Tổng thống đương nhiệm Trump đơn độc.

Cuộc trò chuyện thân thiện giữa hàng ghế đầu, gồm 3 cựu tổng thống Barack Obama, Bill Clinton và Jimmy Carter, cùng các phu nhân, chấm dứt khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania tiến vào.

Trong khi lễ tang là nghi thức tưởng niệm ấm áp dành cho cố tổng thống Bush, quan hệ giữa những vị tổng thống đến dự lại lạnh hơn rất nhiều. Cuộc chạm mặt thể hiện mối quan hệ trắc trở giữa ông chủ hiện tại của Nhà Trắng và những người tiền nhiệm. Trump dường như chỉ là một thành viên trên danh nghĩa của “hội anh em” Văn phòng Bầu dục. 

Trump và câu lạc bộ tổng thống

Bước vào Nhà thờ Quốc gia Washington, Tổng thống Trump bắt tay với vợ chồng ông Obama trước khi ngồi xuống ghế. Ông không chào hỏi những người còn lại. Còn bà Hillary Clinton chỉ gật đầu nhẹ với Đệ nhất phu nhân Melania Trump rồi sau đó nhìn thẳng về phía trước.

Trong 5 tổng thống dự lễ tang, người cuối cùng có mặt là George W. Bush (Bush "con"). Ông bắt tay cả 4 tổng thống cùng các phu nhân, và dường như có một khoảnh khắc đùa vui với bà Michelle Obama trong lúc đưa cho bà một vật gì đó. Sau đó, Bush "con" ngồi vào ghế cùng gia đình tại hàng ghế phía đối diện các cựu tổng thống.

TT Trump le loi khi 'CLB tong thong' quy tu o le tang Bush 'cha' hinh anh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay cựu tổng thống Barack Obama tại lễ tang cố tổng thống George H.W. Bush hôm 5/12. Ảnh: AP.

Theo AP, sự không thoải mái với vị tổng thống đương nhiệm là điều có thể dự đoán trước.

Từ khi nhậm chức, ông Trump hất bỏ gần như mọi liên hệ với những người tiền nhiệm và, ngược lại, bị họ “hắt hủi”. Tuy nhiên, gia đình Bush đã thông báo với Nhà Trắng cách đây vài tháng rằng Bush “cha” muốn ông Trump dự lễ tang, dẹp qua một bên những khác biệt trong chính sách và tính khí.

Dù vậy, điếu văn tưởng niệm cố tổng thống hôm 5/12 nhiều lúc thể hiện quan điểm đối lập với phương thức lãnh đạo của ông Trump. Sử gia Jon Meacham ca ngợi Bush “cha” bằng cách nhắc lại phương châm sống của ông: “Nói sự thật, không đổ lỗi cho người khác, phải mạnh mẽ, cố gắng hết sức, nỗ lực, vị tha, hoàn thành mọi việc đến cùng”. Cựu tổng thống George W. Bush thì nói rằng người cha quá cố “có thể đùa giỡn và châm chọc, nhưng không có ác ý”.

Cố tổng thống Bush được coi như vị chủ tịch thực sự của câu lạc bộ các tổng thống Mỹ trong thời hiện đại, vượt qua những bất đồng và ranh giới đảng phái để tập hợp những cá nhân riêng biệt lại với nhau.

Tổng thống Trump phản ứng với sự qua đời của ông Bush một cách nhẹ nhàng, khác hẳn với những ồn ào, huyên náo như thường lệ trong chính quyền. Ông Trump nhậm chức sau chiến dịch tranh cử mà trong đó, ông kịch liệt chỉ trích những người tiền nhiệm phe Dân chủ, đồng thời chi phối đảng Cộng hòa mà gia đình Bush từng kiểm soát. Bất chấp truyền thống giữ gìn quan hệ gần gũi giữa các đời tổng thống, những ông chủ cũ của Nhà Trắng cũng từng thể hiện sự không thoải mái với Trump theo nhiều cách khác nhau.

“Việc các cựu tổng thống từ cả hai đảng kết bè và cùng không ưa tổng thống đương nhiệm là một điều hiếm có, mà đó lại là chuyện đang diễn ra ngay lúc này”, Douglas Brinkley, giáo sư sử học thuộc Đại học Rice, nhận định.

TT Trump le loi khi 'CLB tong thong' quy tu o le tang Bush 'cha' hinh anh 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump và ba cựu tổng thống Barack Obama, Bill Clinton, Jimmy Carter, cùng các phu nhân lắng nghe cựu tổng thống George W. Bush đọc điếu văn tại lễ tang. Ảnh: AP.

Cái bắt tay giữa ông Trump và ông Obama tại Nhà thờ Quốc gia đánh dấu lần tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa hai tổng thống liền kề kể từ ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức vào năm 2017. Từ khi bước vào Nhà Trắng tới nay, ông Trump chưa từng nói chuyện với Clinton hay Obama - những chính khách của đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã có cuộc trao đổi với Bush “con” trong quá trình đầy tranh cãi liên quan tới việc phê chuẩn Brett Kavanaugh, cựu trợ lý Nhà Trắng dưới thời Bush, vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao. Cựu tổng thống Carter cũng từng được quan chức Nhà Trắng báo cáo về vấn đề Triều Tiên, nhưng không rõ ông có tiếp xúc trực tiếp với ông Trump hay không.

Quan hệ nóng lạnh giữa các tổng thống Mỹ

Nhờ sức khỏe, sự bền bỉ và cơ hội để tiếp tục gây ảnh hưởng, các cựu tổng thống đang duy trì sự hiện diện lâu hơn và hoạt động tích cực hơn trong mắt công chúng so với trước đây.

Theo giáo sư Brinkley, nhiều đời tổng thống Mỹ thường xây dựng quan hệ với người tiền nhiệm. “Bill Clinton tìm đến Richard Nixon để được tư vấn về Nga. Harry Truman nhờ cậy nhiều vào Herbert Hoover. Và còn vô số những trường hợp khác nữa”, ông nói.

Tuy nhiên, Brinkley cho biết thêm sự gắn bó giữa các tổng thống khác biệt tùy vào từng người và không phải mối quan hệ nào cũng nồng ấm. Ví dụ, “FDR không bao giờ nói chuyện với Herbert Hoover”, ông Brinkley bình luận, đề cập tới vị tổng thống thứ 32 Franklin D. Roosevelt và người tiền nhiệm.

Bận rộn với mục tiêu cá nhân, sự kiện từ thiện và các buổi diễn thuyết, các cựu tổng thống không gặp mặt thường xuyên và vì lẽ đó, lễ tang trở thành một sự kiện lớn. Đều đã ngồi trên ghế lãnh đạo đất nước, họ thường thận trọng trong những lời bình luận của mình. Tuy vậy, tất cả cựu tổng thống có mặt trong lễ tang Bush "cha" đều từng công kích Trump, dù trực tiếp hay gián tiếp.

TT Trump le loi khi 'CLB tong thong' quy tu o le tang Bush 'cha' hinh anh 3
Columba Bush, cựu thống đốc bang Florida Jeb Bush, Laura Bush và cựu tổng thống George W. Bush tại lễ tang Bush "cha" ngày 5/12. Ảnh: AP.

Hồi tháng 9, cựu tổng thống Obama chỉ trích “những thứ điên rồ” Nhà Trắng gây ra nhưng không chỉ đích danh ông Trump. Năm 2017, Bush “con” cũng có bài phát biểu đối nghịch với chính quyền Trump, cảnh báo “sự cố chấp mù quáng dường như đang được khuyến khích táo bạo hơn” và nền chính trị có nguy cơ trở thành con mồi của “thuyết âm mưu và sự bịp bợm công khai”.

Mùa hè vừa qua, cựu tổng thống Carter nói với Washington Post rằng chính quyền Trump là “thảm họa”. Còn ông Clinton trả lời phỏng vấn của một tuần báo bang New York, đánh giá Trump “không hiểu biết nhiều cho lắm”, sau khi phu nhân Hillary bại trận trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016.

Ngay cả Bush “cha” cũng có lúc gay gắt với ông Trump. Trong cuốn “The Last Republicans” (tạm dịch: Những người Cộng hòa cuối cùng”) của Mark K. Updegrove, Bush “cha” gọi Trump là “kẻ khoác lác”. Cố tổng thống cũng tiết lộ ông đã bầu cho bà Clinton vào năm 2016.

Dẫu vậy, nói đi cũng phải nói lại, có những lúc các cựu tổng thống bày tỏ sự đồng cảm với ông Trump. Sau chiến thắng bất ngờ của “trùm” doanh nhân trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Obama đứng trong Vườn Hồng tại Nhà Trắng và nói rằng sẽ “ủng hộ” tổng thống kế nhiệm.

Hồi năm 2017, ông Carter nhận định với New York Times rằng giới truyền thông khắt khe với Trump hơn những đời tổng thống trước. Vào tháng 6, ông Clinton kêu gọi nước Mỹ nên ủng hộ Trump để các cuộc đàm phán với Triều Tiên thành công.

Trước sự ra đi của Bush “cha”, Tổng thống Trump ra thông cáo với nhiều mỹ từ, thể hiện lòng kính trọng và đảm bảo các thành viên gia đình Bush có tất cả những gì họ cần để tổ chức lễ tang. Theo AP, hành động này khác với tính cách thường ngày của vị tổng thống được nhận xét là "bốc đồng", thường gây huyên náo.

Hôm 4/12, Đệ nhất phu nhân Melania đón tiếp bà Laura Bush và gia đình tới thăm Nhà Trắng được trang trí Giáng Sinh. Vợ chồng ông Trump cũng đã đến chia buồn với gia đình Bush tại Nhà khách Blair House, nơi lưu trú dành cho các vị khách danh dự của tổng thống Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn