Những phát minh sớm vào... viện bảo tàng

Thứ Năm, 06 Tháng Mười Hai 20189:00 SA(Xem: 6268)
Những phát minh sớm vào... viện bảo tàng

Người đời quên lãng chúng nhưng có một nơi vẫn lưu giữ chúng để hậu thế rút ra bài học kinh nghiệm cho mình. Đó là Bảo tàng thất bại (Museum of Failure) ở thành phố Helsingborg, Thụy Điển.

Bảo tàng do nhà tâm lý học nổi tiếng Samuel West thành lập năm 2017. Nơi đây lưu trữ 130 sản phẩm, sáng chế của nhiều doanh nghiệp nổi tiếng khắp thế giới.

Năm 2001, nhà sáng chế Dean Kamen, Mỹ trình làng loại xe 2 bánh chạy điện Segway Personal Transporter. Nó được cho là sẽ tạo cuộc cách mạng mới về phương tiện di chuyển cá nhân, những nhân vật tên tuổi như Steve Job, Jef Bezos, John Doerr đã hết lời khen ngợi nó.

Nhưng với những nhược điểm như có giá quá đắt (từ 5.000-6.000 USD/chiếc, gần bằng giá một xe ôtô 4 chỗ), xe chỉ chạy được chưa đầy 40km là phải sạc điện, thời gian sạc quá lâu (từ 8-10 tiếng), thiếu an toàn cho người sử dụng... khiến Segway phát triển rất èo uột từ đó đến nay. Từ 2001-2007, hãng Segway Inc chỉ bán được 40.000 chiếc, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của hãng là 100.000 chiếc/năm.

phuong-tien-di-chuyen-segway

Phương tiện di chuyển cá nhân Segway

Năm 1958, hãng Ford, Mỹ cũng đưa một dòng ôtô 4 chỗ có những trang bị kỹ thuật tiên tiến là Edsel, quả có một vài tính năng độc đáo, nhưng lại không hoàn toàn cần thiết cho người lái xe. Ford đã lỗ hàng trăm triệu đôla vì dòng xe này.

Đúng như người ta thường nói: "Đừng lao đầu vào làm những thứ mình không biết". Có lẽ không ai đoán được chuyện một hãng chuyên sản xuất mô tô như Harley-Davidson, Mỹ lại đi sản xuất… nước hoa.

Năm 1990, hãng này bỗng dưng nảy ra ý tưởng chế tạo một loại nước hoa đặt tên Legendary dành riêng cho dân chơi mô tô. Được quảng cáo "có mùi hương quyến rũ kết hợp từ mùi da bọc yên, mùi nắng gió, mùi mồ hôi sẽ làm tăng thêm phong độ cho những tay mô tô ngạo nghễ rong ruổi đường xa", Legendary không trở thành huyền thoại như cái tên của nó và nhanh chóng biến khỏi các kệ trưng hàng.

Hãng mỹ phẩm Colgate, Mỹ cũng có mặt trong danh sách "những kẻ thất bại vì làm những cái mình không chuyên": hãng này sản xuất loại mì đông lạnh lasagna mà hãng quảng cáo là "được các bác sĩ khuyến nghị nên dùng", thế nhưng chẳng có mấy khách hàng quan tâm.

Nhà triệu phú địa ốc Donald Trump cũng đã lãnh một cú thua lỗ khá lớn khi ngẫu hứng đưa ra thị trường trò chơi Trump Board Game (tương tự như trò chơi nổi tiếng Monopoly). Danh tiếng của ông đã không thể bảo đảm sự thành công cho sản phẩm "ngoài chuyên môn" của mình.

Trong khi đó Coca Cola và Pepsi lại thất bại ê chề khi đưa ra thị trường những dòng nước giải khát mới: Coca Cola thua lỗ với nước giải khát vị cà phê BlāK, Pepsi thì méo mặt vì loại thức uống mới Crystal.

Các sản phẩm, sáng chế khác cũng được cho sẽ thành công rực rỡ, nhưng thực tế lại thất bại thảm hại có thể kể ra như Google Glass của Google, Newton MssagePad của Apple, Kin của Microsoft, N-Gage của Nokia, Twitter Peek của Twitter, điện thoại thông minh Fire của Amazon...

Thông thường, mỗi khi gặp thất bại, chúng ta thường cố tìm cách quên lãng nó thật nhanh. Nhưng những thất bại này lại là tiền đề cho những thành công trong tương lai.

Chính thất bại mới dạy cho con người biết cách chịu đựng khó khăn, biết nhìn nhận sự việc khách quan hơn, nhận thức được khả năng thực của mình để đừng quá ảo tưởng, đồng thời rút ra các bài học kinh nghiệm quý báu cho những dự án mới trong tương lai. Đó cũng là mục đích khi thành lập Bảo tàng thất bại của ông Samuel West.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn