Phương pháp giáo dục nào được xem là phát hiện vĩ đại?

Thứ Tư, 28 Tháng Mười Một 201811:00 SA(Xem: 5883)
Phương pháp giáo dục nào được xem là phát hiện vĩ đại?

Sách “Maria Montessori - Cuộc đời và sự nghiệp" cung cấp kiến thức về một trong những nhà giáo vỹ đại nhất thế kỷ XX, đồng thời giúp độc giả hiểu hơn về phương pháp mang tên bà.

Phương pháp giáo dục nào được xem là phát hiện vĩ đại?
ảnh minh họa

Montessori là một phương pháp giáo dục trẻ em được nhiều vị phụ huynh Việt tìm hiểu, áp dụng trong thời gian gần đây. Phương pháp Montessori chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tuỳ theo những khả năng riêng của mình và thời gian riêng của mình. Do đó việc tổ chức các lớp học theo mô hình Montessorri phải đảm bảo sự tôn trọng tính riêng biệt của mỗi trẻ và phải bố trí phòng học và bài học phù hợp những nhu cầu và mục đích của mỗi em.

Người sáng lập ra phương pháp này là nhà giáo Italy Maria Montessori (1870-1952). Cuốn sách Maria Montessori - Cuộc đời và sự nghiệp mới được phát hành tại Việt Nam cung cấp thông tin về con người và sự nghiệp của bà.

Vốn sinh ra trong gia đình quân nhân đầy kỷ luật, Maria sớm phải tự lập, tự lao động. Cha mẹ hướng nghiệp cho Maria trở thành một nhà giáo, nhưng bà mơ ước trở thành một kỹ sư, sau đó trở thành một sinh viên y khoa - một nghề mà chẳng mấy phụ nữ thời bấy giờ lựa chọn.

Vượt nhiều định kiến, Maria là sinh viên nữ duy nhất vào học khoa Y của Đại học Rome năm 1890. Năm 1896, bà là phụ nữ Italy đầu tiên nhận bằng thạc sĩ, khi 26 tuổi.

Trở thành bác sĩ tâm thần, Maria Montessori chuyên giúp đỡ trẻ em chậm phát triển trí tuệ. Công việc đưa bà đến sự nghiệp giáo dục trẻ đặc biệt, bà không ngừng nghiên cứu, hình thành và hoàn thiện triết lý giáo dục: “tôn trọng trẻ em và tìm cách cư xử với trẻ em một cách tự nhiên nhất có thể”.

Với triết lý giáo dục ấy, Maria đi sâu vào thế giới nội tâm của trẻ em. Chính khám phá này mang lại sự nổi tiếng cho Montessori, chứ không phải phương pháp giáo dục mang tên bà. Tác giả cuốn sách - E. M. Standing - nhận định khám phá này cũng vĩ đại ngang với việc Columbus tìm ra châu Mỹ.

Nếu như Columbus tìm ra thế giới bên ngoài, thì Montessori khám phá thế giới bên trong. Maria Montessori đã khám phá ra rằng trẻ em có những phẩm chất khác biệt và cao hơn những gì chúng ta thường gán cho các em.

MOntessori_2

Một ngôi trường áp dụng phương pháp Montessori ở Nga.

Năm 1907, khi mở lớp học đầu tiên của mình mang tên Casa dei Bambini (Ngôi nhà Trẻ thơ) ở Roma, Maria Montessori đã áp dụng phương pháp, triết lý giáo dục của mình thông qua quan sát những gì trẻ trải nghiệm với môi trường xung quanh với các học cụ và bài học được thiết kế dành riêng cho trẻ.

Phương pháp Montessori sau đó được phát triển và mở rộng ra toàn nước Mỹ năm 1911, được biết đến nhiều hơn thông qua các phương tiện thông tin, đặc biệt đã được xuất bản thành sách.

Tới nay, có hơn 2.500 trường học mang tên Montessori trên khắp các châu lục. Những ghi chép của bà được gọi là Phương pháp Montessori, được dịch và xuất bản hơn 20 thứ tiếng.

Cuốn sách Maria Montessori - Cuộc đời và sự nghiệp của tác giả E. M. Standing - một người Mỹ say mê tìm hiểu và quảng bá sự nghiệp của Montessori. Bản phát hành tại Việt Nam được chuyển ngữ bởi Nguyễn Bảo Trung - người đã dùng những hiểu biết về tâm lý học, phân tâm học của mình trong việc dịch và chú thích các thuật ngữ, kiến thức trong phương pháp Montessori. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn