Chợ trời Khu Dân Sinh

Thứ Tư, 06 Tháng Mười Hai 201710:00 SA(Xem: 6715)
Chợ trời Khu Dân Sinh
Trang Nguyên

Là người Sài Gòn tuổi trung niên trở lên, chắc hẳn có đôi lần đi Chợ Dân Sinh. Chợ Dân Sinh trước năm 1975 gọi là Khu Dân Sinh, nôm na là cái chợ trời có nóc lớn nhất giữa đất Sài Gòn, trong khi quanh Sài Gòn mọc thêm vài ba chợ trời bán những mặt hàng lạc xoong chuyên biệt. Chợ Huỳnh Thúc Kháng, Nhật Tảo bán đồ điện tử, Chợ Tân Thành đặc biệt phụ tùng xe gắn máy, xe đạp, Chợ trời Tôn Thất Thiệp bán quần áo cũ, Chợ trời Nguyễn Thông chuyên bán đồ ăn của Mỹ và còn một vài chợ không tên bày bán những đồ linh tinh đây đó. Nhưng muốn kiếm một món hàng khó tìm thì cứ mò ra Khu Dân Sinh, thượng vàng hạ cám, cái gì cũng có.

cho-troi-khu-dan-sinh2
Chợ Dân Sinh ngày nay bị thu hẹp lại một chút, xây kín các sạp hàng.Ảnh: Internet

Tôi có anh bạn cắc cớ hỏi sao không giữ cái tên Khu Dân Sinh quen thuộc từ thời ông Diệm mà lại đổi thành Chợ Dân Sinh. Chợ hẳn nhiên là nơi mua bán, còn “khu” nghe giống một khu dân cư sinh sống hoạt động với ý nghĩa rộng hơn cái chợ.

Khu Dân Sinh nguyên trước kia là sòng bài Kim Chung ngay khu vực Cầu Muối (quận Nhất) do Bảy Viễn điều hành cùng sòng bài Đại Thế Giới ở quận Năm (quận Năm còn một sòng bạc Kim Chung khác, sòng này nhỏ nằm gần Bưu Điện quận 5 ngày nay). Sòng bạc Kim Chung hấp dẫn dân cờ bạc lao động quanh Chợ Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh và các kho hàng, kho lúa dọc hai bên Bến Chương Dương. Đây là hai ngôi chợ đầu mối lớn nhất ở Sài Gòn. Dân tứ xứ lên Sài Gòn kiếm sống bị thu hút về đây rất nhiều. Nơi trung tâm Sài Gòn này dễ kiếm sống bằng đủ mọi ngành nghề lao động tay chân: buôn thúng bán bưng, lao công, khuân vác, xe kéo, xích lô… Tiền kiếm được không khó, đủ cho cái ăn cái mặc đơn sơ nhưng để khấm khá, mua nhà tậu xe thì chỉ có mơ ước trúng vé số hay thử vận may ở sòng bài.

Với ước mơ đổi đời, gia đình cha mẹ anh bạn từ An Xuyên cơm đùm cơm nắm, khăn gói dẫn mấy đứa con nhỏ lên Sài Gòn sinh sống hồi năm cuối thập niên bốn mươi. Cả năm sáu người thuê một căn nhà lá chật chội trong con hẻm trên đường Galliéni (Trần Hưng Đạo). Nói là nơi sầm uất nhất Sài Gòn nhưng những hẻm nhỏ phía sau lưng con đường đầy ánh hào nhoáng đó là hàng ngàn căn nhà chật chội, xập xệ, hẻm hóc ngoằn ngoèo hẹp bé. Ba anh bạn chạy xích lô, mẹ thì bán sạp cá ở chợ. Nhiều năm sau vẫn chưa mua được mảnh đất nhỏ cất nhà trong khi con cái ngày càng lớn, cần có nơi ở rộng hơn cho tiện sinh hoạt.

Từ khi sòng bạc Kim Chung bắt đầu mở trò số đề tại chỗ mỗi ngày không cần phải đợi hằng tuần đến ngày xổ số kiến thiết quốc gia của nhà nước; sau một ngày đạp xe kiếm tiền, tối đến cơm nước xong xuôi, là ông thả bộ tà tà đến sòng bài Kim Chung để thử thời vận. Ban đầu chơi nhỏ, dần dần chơi lớn mong gỡ gạc’iền thua. Vận may đâu không thấy chỉ thấy cảnh nhà tan nát, cha mẹ gây lộn nhau hằng ngày. May là lúc đó anh chưa sinh ra, chỉ nghe mẹ kể lại chuyện hồi xưa khi ông già anh không còn trên cõi đời này nữa. Thời gian bà mẹ sinh ra anh thì ông già đổi tính, từ bỏ số đề, có lẽ khi ông Diệm được bầu lên làm tổng thống, ông đã ra lệnh dọn dẹp tệ nạn xã hội, ổn định dân sinh, đóng cửa các sòng bài, nhà chứa. Khu Dân Sinh được cất ngay trên sòng bài Kim Chung với ý nghĩa thay đổi cuộc sống của những con ma cờ bạc?

cho-troi-khu-dan-sinh1
Đường Borresse (Bồ Rệt) năm 1907, sau đổi thành Yersin là nơi tụ họp các “huê nữ” làm ăn. Ảnh: Bưu thiếp

Chợ búa thì quanh khu vực đã có vài ba ngôi chợ gần nhau san sát. Chợ Cầu Muối, Chợ Cầu Ông Lãnh, Chợ Bến Thành, một cái chợ mọc thêm nữa ở ngay giữa là điều không cần thiết. Khu Dân Sinh tuy hiểu là chợ tập trung bán những mặt hàng lạc xoong đủ thứ trên đời, đồ hư không dùng được, cũ có, mới có. Bà con nghèo sống quanh vùng có chỗ sinh hoạt trao đổi, mua bán những thứ người này bỏ đi bán rẻ lại là của mới của những người khác.

Chữ “khu” về mặt ý nghĩa ám chỉ một khu vực rộng lớn hơn cái chợ. Mà Khu Dân Sinh ngày trước lớn thật. Nó bao trọn gần hết bốn con đường: Yersin – Nguyễn Công Trứ – Ký Con – Nguyễn Văn Sâm (nay là Nguyễn Thái Bình). Bên trong chợ sắp xếp lối đi rộng rãi giữa những sạp hàng bày bán theo từng chủng loại từ quần áo cũ, áo lính nhà binh, cuốc xẻng, dao kéo, dao găm mã tấu, đồ điện linh tinh… thức ăn đồ uống thì bán ở hành lang bên ngoài. Trong Khu Dân Sinh còn có một rạp chiếu phim chuyên chiếu phim cao bồi Mỹ, thỉnh thoảng đoàn hát cải lương đến thuê rạp phục vụ cho bà con lao động quanh vùng.

Tôi xin lan man đôi chút chuyện tệ nạn xã hội thời buổi ấy nhưng thiết nghĩ ngoài chuyện cờ bạc do ảnh hưởng của sòng bài Kim Chung khi xưa khiến dân quanh vùng khốn đốn, còn là nơi làm ăn của các “chị em ta” mà cội rễ của nó xuất hiện từ thời Pháp thuộc cho đến khi Bảy Viễn làm Đô trưởng Sài Gòn. Bảy Viễn còn cho lập một xóm Bình Khang tha hồ thu thuế ở khu ngã bảy bến xe Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong) để chị em hoạt động và có kiểm tra sức khoẻ hành nghề. Thật ra, xóm Bình Khang đã có  từ xưa, là nơi tụ họp chị em làm nghề ăn sương có người chăn dắt. Năm 1930 tờ báo Phụ Nữ Tân Văn miêu tả: “Lúc nhúc xóm Bình Khang, đầy rẫy phường bán phấn”.

Nghề mại dâm ở Sài Gòn phát triển từ khi người Pháp thành lập thành phố Sài Gòn. Đường Yersin thời đó mang một cái tên khác là đường Borresse (Bồ Rệt). Cái tên Borresse được gọi tên cho một vùng trũng sình lầy trước Chợ Bến Thành. Ao này được lấp đi theo đề xuất của thị trưởng xã Tây bấy giờ là ông Eugene Cuniac. Sau đó lấy tên Borresse đặt tên cho một con đường gần đó. Đến thời ông Diệm đổi thành đường Yersin, còn Công trường mang tên ông Cuniac đổi thành Công trường Cộng Hoà, rồi sau đó thành Công trường Diên Hồng, Công trường Quách Thị Trang.

cho-troi-khu-dan-sinh
Mặt hàng quân dụng trước năm 1975 vẫn còn bày bán trong Chợ Dân Sinh. Nguồn: Zing.news

Thời Pháp, gái buôn hương bán phấn người Việt tập trung làm ăn nhộn nhịp trên con đường Bồ Rệt, lả lơi chèo kéo khách đi đường. Còn gái điếm châu Âu thì tập trung quanh ngã tư Bồn Kèn (Nguyễn Huệ – Lê Lợi ngày nay). Sở dĩ gọi là Bồn Kèn là do mỗi Chủ Nhật, lính Pháp thường mang kèn đồng ra góc ngã tư chơi nhạc cho bà con Sài Gòn nghe chơi. Gái Nhật tụ tập làm ăn quanh bót quận Nhì, gái Tàu thì vô Chợ Lớn, gái nửa tỉnh nửa quê thì tụ tập quanh ngã năm Chuồng Chó hay khu Cây Da Sà. Sau này đến thời Đệ nhất Cộng Hoà, giải toả sòng bài Kim Chung lập nên Khu Dân Sinh thì gái Bồ Rệt cũng kiếm nơi khác làm ăn di tản ra ngã tư Quốc Tế (Bùi Viện – Đề Thám).

Cấm tệ nạn mại dâm nhưng cái nghề không vốn làm sao mà bỏ. Xóm Bình Khang vẫn lén lút hoạt động như thường. Có một câu chuyện báo chí xưa đăng tải kể nghe cho biết. Sau khi dẹp bỏ các sòng bài, nhà chứa, một lần ông Diệm cùng tài xế đơn độc đi xe thị sát dân tình thành phố, xe đến ngã năm Chuồng Chó thì ông bắt gặp mấy cô gái đứng đường ngoắc tay chèo kéo khách đi đường. Ông hỏi tài xế, mấy cô gái kia làm gì vậy? “Đó là gái ăn sương”. Về tới dinh Tổng Thống, ông trực tiếp gọi điện quận trưởng Gò Vấp “sạc” cho một trận vì không làm tròn chức trách xoá tệ nạn mãi dâm đường phố.

Ông bạn lớn tuổi, am hiểu chuyện đời kể cho tôi nghe những câu chuyện về xóm Bình Khang, về chuyện thời ông Diệm ra sức triệt phá các sòng bài, nhà chứa tồn tại bao nhiêu năm qua. Nhắc đến Chợ Dân Sinh, ông vẫn cứ gọi là Khu Dân Sinh do quen miệng. Chợ Dân Sinh sau này đã đổi khác nhiều, ngay cả những hàng hoá bán buôn không còn nhiều ý nghĩa của một chợ trời bán đủ thứ hầm bà lằng xá cấu. Khu Dân Sinh hồi trước như ông biết bán đủ thứ hàng, người mua kẻ bán tấp nập, đến nỗi không còn một chỗ trống. Nhiều người phải mở sạp ở Chợ Nguyễn Văn Thoại (Chợ Tân Bình sau này). Buôn có bạn bán có phường, dần dà xuất hiện thành một góc bán đủ thứ linh tinh quần áo lính, giày bốt, ba lô, bình ton không khác Khu Dân Sinh là mấy nhưng nhỏ hẹp hơn nhiều.

Nhưng kỷ niệm ông nhớ nhất không phải là Khu Dân Sinh mà cái nắp xăng của chiếc Volkswagen mới tậu ở một đại lý bán xe trên đường Trần Hưng Đạo. Ông cùng người bạn đi coi xe, mua xong, chạy xe vòng vòng ra bến tàu hóng gió, rồi quay về đường Ký Con bên hông Khu Dân Sinh ăn cơm gà Hải Nam. Xe đậu bên đường vào quán ăn no cái bụng, trở ra thì phát giác cửa đậy nắp xăng bung ra, còn cái nắp xăng thì đi đâu mất. Hỏi người giữ xe gắn máy gần đó có biết đứa nhỏ nào chôm mất nắp xăng cho ông chuộc lại. Ông già giữ xe bảo làm sao ông biết đứa nhỏ nào. Tốt nhất là vào Khu Dân Sinh mà kiếm.

Một ông thì đứng trông chừng xe sợ mất thứ khác, một ông vào Khu Dân Sinh. Đi rảo một vòng ở mấy khu bán đồ phụ tùng xe hơi xe gắn máy. Hỏi bà chủ bán hàng có cái nắp xăng xe Volkswagen. Bà đáp ngay, vừa mới có một cái Volkswagen, hàng mới về nhưng không biết đời mấy. Ông nhìn qua, trực giác cho biết là cái nắp xăng xe mình. Đúng là như vậy. Trên đường về nhà, ông nói với người bạn: “Từ đây đến già, tôi cạch cái Khu Dân Sinh này!”

TN

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn