Chợ Bà Hoa cửa người xứ Quảng

Thứ Bảy, 02 Tháng Mười Hai 201710:00 SA(Xem: 6201)
Chợ Bà Hoa cửa người xứ Quảng

Nếu hỏi một chị nội trợ sống ở Nhà Bè, “Chợ Bà Hoa ở đâu?”, bạn sẽ nhận được câu trả lời ngần ngừ: “Hình như là Chợ Bà Chồi bên xã Long Thới”. Còn như hỏi má tôi, người ngụ ở quận 6 thì bà chẳng chần chừ nói ngay: “Ở đây chỉ có Chợ Bà Quẹo, làm gì có Chợ Bà Hoa”. Còn giả như bạn gặp một người Quảng Nam ở khu làng dệt Bảy Hiền: “Chợ Bà Hoa ở mô?”. Bạn sẽ được chỉ đến Chợ phường 11 quận Tân Bình. Có thể bạn nghĩ người xứ Quảng kia gạt mình. Nhưng họ rất thật tình với bạn chớ nào có ý chơi khăm vì cái tội “chửi cha không bằng pha tiếng”. Chợ Bà Hoa là tên gọi truyền miệng từ khi xuất hiện cái chợ nhỏ do một bà tên Hoa bỏ tiền mua khu đất cất chợ chia sạp cho thuê ngay vùng Bảy Hiền hồi năm 1967. 

cho-ba-hoa-cua-nguoi-xu-quang3
Chợ Phường 11, quận Tân Bình còn gọi là Chợ Bà Hoa – Ảnh: Internet

Có lần tôi đến chơi nhà người bạn gốc Quảng Nam ngụ trong con hẻm phía sau giáo xứ Đắc Lộ gần ngã tư Bảy Hiền. Trong lúc chuyện vãn về Chợ Bà Hoa gần nhà, thằng bạn cứ khăng khăng xác định bà Hoa là người miền Trung di cư vào Sài Gòn, lập ra cái chợ cho người quê gốc xứ Quảng bán buôn. Cái chợ này anh biết từ khi lúc chín mười tuổi gì đó, khi gia đình di cư từ Quảng Nam vào Sài Gòn sinh sống. Chợ chỉ là một nhà lồng nhỏ cất bằng tôn fibro không có treo biển tên chợ. Nghe người sống quanh đó gọi là Chợ Bà Hoa. Bà Hoa là người xứ Quảng di cư vào Sài Gòn, mua đất lập chợ trước đó vài năm nhưng không biết bả ở Quảng nào?

Ông già nghe thằng con giải thích chuyện quê quán của bà Hoa thì lớn tiếng cự nự: “Cái thằng ni en núa mô tê chẻng đầu chẻng đui, “Quảng nồ” ra răng, xứ Quảng là xứ Quảng, mi núa neng chi loạ rứa”. Hai cha con nói qua nói lại bằng giọng quê của mình đặc sệt âm sắc địa phương khiến lỗ tai tôi lùng bùng. “Tô người Quảng Ngỡi ra Quảng Nôm lòm việc. Gặp mẹ mi người gốc Quảng Trị vô Đè Nẻng bóan buôn. Rồi đẻ roa mi, gọi mi loà người Quảng chi hè?”. 

cho-ba-hoa-cua-nguoi-xu-quang2
Dãy phố sạp bán bên hông Chợ Bà Hoa – Nguồn: Newszing

Bình thường, ông con hay ông cha gặp tôi nói chuyện với giọng điệu nhẹ nhàng, nghe dễ hiểu. Nhưng khi hai cha con nói chuyện với nhau âm tiếng nặng sệt đến nỗi tôi phải dỏng lỗ tai lên, có khi cũng chẳng hiểu mô hiểu tê gì ráo. Nghe hai cha con nói chuyện làm tôi moi móc trí nhớ tìm ra bài thơ Hồi xưa tôi đã tỏ tình của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Bài thơ ngộ nghĩnh, đọc lên nghe vui vui. Tôi cố học thuộc lòng nhưng chu choa ơi đọc tới đọc lui cả chục lần mà chẳng nhớ hết có khi âm sắc làm tôi lẹo lưỡi. “Nè mi mới dọn tới bên nhà / Dị òm tau cũng bước chưn qua / Ba đi một cấp, răng về kịp? Mẹ chắc giờ ni ở chỗ bà…”.

Nghe được giọng nói một vùng quê nào đó là điều thú vị đối với người sống ở vùng miền khác. Còn đối với người đồng hương thì lại gắn chặt thêm tình cảm thương nhớ quê nhà. Ở Sài Gòn, nếu bạn muốn nghe những ngữ âm xứ Quảng cứ đến Chợ Bà Hoa. Không chỉ có bấy nhiêu đâu, cái tình cảm trong người bạn trở nên dạt dào lai láng hơn nữa khi nhìn thấy chợ bán buôn không thiếu món gì trong thức ăn, thức uống của người xứ Quảng. Hình ảnh này đối với người gốc Quảng là thứ tình xa quê hương ngộ cố tri một cách rất chân thật. Còn đối với người không phải gốc gác xứ Quảng, hình ảnh đó là một điểm son cho một góc xứ Quảng tạo nên sự khác lạ giữa đất Sài Gòn.

Sau này, tôi có đến Chợ Bà Hoa đi mua vài ba thứ làm món mì Quảng cho bữa cơm lạ mang chút hương vị miền quê xứ Quảng. Nhưng thật tình mà nói, tình cảm trong tôi đối với các sản vật bán buôn trong chợ còn khá xa cách bởi lẽ tôi là người Sài Gòn thì làm sao có dấu ấn món ngon của dân quê Quảng Nam. Món ăn sản vật từ vùng miền khác du nhập vào Sài Gòn, tôi chỉ có thể nhận xét ngon hay dở theo khẩu vị riêng của mình. Dở ngon thế nào tôi khó mà phân tích một cách rạch ròi bởi lẽ trong lòng tôi khi ăn chẳng có tâm trạng của một người xứ Quảng.

Người bạn của tôi, quê gốc Quảng Nam, vào Sài Gòn sinh sống hơi muộn. Một lần tình cờ đi lạc vào Chợ Bà Hoa thưởng thức tô mì Quảng đúng chất mì Quảng ở quê đã khiến ấn tượng của anh còn in sâu trong tâm trí đến tận bây giờ.

cho-ba-hoa-cua-nguoi-xu-quang1
Một sạp hàng trong Chợ Bà Hoa bán đặc sản hàng hoá của dân miền xứ Quảng. Nguồn: Newszing

Anh kể, lần đó bắt gặp một hàng quán bán mì Quảng trên một con đường quanh chợ. Là người Quảng Nam đương nhiên không thể bỏ qua món ăn gợi nhớ hồn quê. Tô mì Quảng do người miền quê Quảng Nam nấu đúng chất đúng theo hương vị của vùng mình chế biến làm anh thích thú. Chính điều này đã thôi thúc ngày hôm sau anh trở lại Chợ Bà Hoa để tận hưởng hương vị ngày xưa một lần nữa cho dù trời đang vần vũ cũng không làm anh ngần ngại.

Lòng háo hức, người trùm áo mưa, xách xe chạy đi chạy lại quanh Chợ Bà Hoa nhưng nào chẳng thấy. Lạ chưa, rồi lại chạy lòng vòng tìm kiếm thêm hồi nữa. Cái chợ nhỏ như cái lỗ mũi nhưng sao chẳng thấy hàng mì Quảng ở mô mà tìm. Lòng tiếc nuối ngẩn ngơ cho đến khi chợt bắt gặp những loại đường bát màu nâu đen đựng trong những cái rế tre đúng điệu của người nhà quê bày bán giống như ngày còn ở quê nhà. Hình ảnh đó an ủi lòng anh đôi chút nhưng không bằng những sợi mì vàng óng trộn dầu phộng còn đọng lại hương vị của nhưn thịt, của nước lèo trên đầu lưỡi mới ngày hôm qua mà hôm nay mất cả buổi đi tìm lại không còn thấy.

Nghe anh kể mà tôi tưởng tượng món mì Quảng không khác một câu chuyện liêu trai. Cái hồn của món ăn đã thâm nhập vào hồn vía con người gợi nhớ gây thương gây sầu gây thảm.

cho-ba-hoa-cua-nguoi-xu-quang
Góc ngã tư Bảy Hiền thập niên 1960 còn thưa thớt nơi người xứ Quảng di cư vào Sài Gòn sinh sống rất nhiều. Nguồn: Manhhaiflicks

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có viết một tạp văn Người Quảng đi ăn mì Quảng, bàn về cái chất đúng hay không đúng của món mì Quảng thật thú vị.“Nhưng “đúng” hay “không đúng” phỏng có gì mà phải buồn bực đến thế? Tới một quán ăn, ngon thì quay lại, dở thì đi luôn, đơn giản quá mà! Việc gì phải càu nhàu, tức tối, buồn khổ cho mệt người rối trí? Hỏi như vậy là chưa hiểu sự gắn bó giữa người Quảng và món mì Quảng. Người Quảng xa xứ, đi ăn mì Quảng không giống như khi đi ăn những thứ khác như lẩu dê hay bò bảy món. Họ không chỉ ăn bằng miệng, bằng vị giác hay khứu giác, không phải đơn thuần chỉ để thưởng thức cái ngon. Người Quảng đi ăn mì Quảng là đi ăn bằng tâm trạng. Họ bước vào quán bán mì Quảng với bước chân hồi hộp, thắc thỏm, với tất cả nỗi háo hức phập phồng như đến điểm hẹn với người quen cũ”.

Thì ra người bạn tôi đi ăn mì Quảng với lòng đầy tâm trạng khác hẳn tôi muốn thưởng thức mì Quảng kiểu tò mò tự chế biến theo cách người Sài Gòn hội nhập. Do đó mì Quảng tôi nấu ra đều là dở ẹt, tốt hơn khỏi cần nấu nướng cứ ra Chợ Bà Hoa tìm đến các hàng mì, có cả chục hàng quán. Thông thường người ta đến Chợ Bà Hoa tìm mua nguyên liệu như sợi mì hay thổ sản riêng của các xứ Quảng Nam về nấu mì Quảng.

Ba của người bạn nói ở trên có nhận xét như vầy: “Chợ Bà Hoa là chợ của người xứ Quảng. Người Quảng Nam di cư vào Sài Gòn sống ở vùng ngã tư Bảy Hiền rất nhiều từ cuối thập niên 50. Nhưng bây giờ trong đó cũng có nhiều người Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Tín, Quảng Ngãi. Gọi chung là người xứ Quảng, nên hàng hoá sản vật bán buôn ở chợ góp mặt trên nhiều vùng miền”

Nói về vùng Bảy Hiền hồi trước khi người xứ Quảng vào định cư còn là một vùng đất vắng vẻ, thưa thớt dân cư. Bà Hoa không phải người xứ Quảng mà là người Bắc di cư hồi năm 1954 vào Sài Gòn. Bà sống ở khu Ông Tạ hay khu Bảy Hiền không rõ. Nhưng thấy đất đai ở khu vực sau nhà thờ Đắc Lộ còn trống, bà mua cất chợ phân chia hàng sạp cho người xứ Quảng mới đến Bảy Hiền sinh sống có chỗ làm ăn mua bán. Sau năm 1975, nghe những người buôn bán ở chợ nói bà xuất cảnh đi Mỹ, thỉnh thoảng có về thăm lại chợ xưa. Nhưng bẵng một thời gian dài không thấy bà về nữa. Không biết bà còn sống hay đã mất. Cái tên Chợ Bà Hoa là do người buôn bán gọi riết thành tên tuy không chính thức nhưng đối với người xứ Quảng trên đất Sài Gòn hỏi đến Chợ Bà Hoa thì hầu như ai ai cũng biết.

TN
( Bao Tre )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn