Anh Trần Huỳnh Duy Thức phải sống!

Chủ Nhật, 16 Tháng Chín 20185:42 SA(Xem: 7503)
Anh Trần Huỳnh Duy Thức phải sống!

Đến lúc này, khi mà số lượng ngày tuyệt thực của anh Trần Huỳnh Duy Thức đã vượt qua mốc 30 ngày và cuộc tuyệt thực này vẫn còn tiếp tục trong trong một bầu không khí hết sức đáng ngại bởi gần như không có bất kì dấu hiệu nào cho thấy số đông người dân kịp tỉnh thức sau 30 ngày này và nhà cầm quyền đang cổ tình đẩy cuộc tuyệt thực của anh Thức đến điểm cuối của nó là cái chết. Điều này cho thấy hai vấn đề: Cuộc chiến giữa Cộng sản và Dân Chủ đang ở hồi kịch tính nhất và; Dường như ván bài của người Cộng sản đã chính thức lật ngửa trước lịch sử.

Vì sao Cộng sản họ muốn anh Thức chết? Anh Thức chết có lợi và có hại gì cho họ?

Ở câu hỏi này, phải lần ngược vấn đề về ván bài lật ngửa của người Cộng sản lúc này. Họ không sợ anh Thức chết làm ảnh hưởng đến uy tín của họ trên chính trường quốc tế. Bởi cho đến giờ phút này, thứ mà họ có được trên chính trường quốc tế không phải là uy tín của chế độ mà là một ván bài mà món hàng họ cược trước thế giới tiến bộ không phải là năng lực chính phủ hay uy tín đảng cầm quyền, mà là hơn 100 triệu dân Việt. Họ không cần uy tín bởi họ không có nó ngay từ đầu và càng về sau, họ càng trở nên lèm nhèm, bầy hầy, thì chuyện tìm uy tín trước quốc tế là chuyện không có.

Và những gì lâu nay đảng Cộng sản đang nỗ lực làm là vừa đấm vừa xoa đối với nhân dân. Đấm bằng mọi thủ đoạn, bằng mọi hình thức bưng bít thông tin, bằng đòn tra và bằng cả cái chết uất ức của nhiều người nơi trại tạm giam, nơi góc khuất của công lý, nơi quyền lực đỏ và xã hội đen bắt tay nhau. Bên cạnh những đòn gây bất an tâm lý trên diện rộng trong nhân dân, họ lại dùng cộng hưởng với chính sách cưỡng bức thuế, cưỡng bức đất đai, cưỡng bức tài sản, cưỡng bức tự do và dân chủ bằng mọi giá… Điều này khiến cho người dân, kể cả giàu và nghèo, kể cả trí thức và nông điền đều cảm thấy mệt mỏi trước hàng loạt những chính sách áp đặt từ phía nhà cầm quyền. Và sự mệt mỏi khi sống trên đất nước hình chữ S này luôn hiện hữu, luôn có thật và luôn khiến người ta quay quắt, lẩn quẩn trong cái vòng lẩn quẩn của nó.

Một khi không kịp ngừng suy nghĩ để đối phó với thủ đoạn nhà cầm quyền thì e rằng mọi suy nghĩ khác cho dù mang màu sắc cứu cánh vẫn không thể tồn tại một cách bền bĩ hay thường trực nơi người dân. Nếp suy nghĩ thường trực nó khác hẳn với hướng đến cứu cánh. Nghĩa là cái ăn, cái mặc, chỗ ở và sự bình an tâm hồn hay sự yên tâm về giáo dục, y tế cũng như bảo đảm tài sản không bị cướp đi bởi hệ thống cầm quyền trong một ngày nào đó khiến cho người ta khó lòng mà chọn đối đầu với nhà cầm quyền. Nhưng điều đó không có nghĩa là người dân không dám đấu tranh và càng vô nghĩa hơn khi nói rằng người dân mất khả năng phản kháng. Vấn đề là mô hình phản kháng nào, mô hình đấu tranh nào khả thế trong lúc này?!

Đến đây, có thể thấy rằng sự im lặng như bầy cừu của số đông người dân Việt Nam trước sự kiện tuyệt thực có nguy cơ dẫn đến cái chết của Trần Huỳnh Duy Thức chỉ dừng ở tính biểu tượng trong một phần lý tưởng và ước mơ của người Việt Nam nhưng nó không đủ động cơ để thúc đẩy hàng triệu con người cùng khổ đứng dậy để cùng đấu tranh. Vì sao?

Vì trò mị dân, ngu dân và dùng bạo lực xuyên suốt với nhân dân trong suốt hơn nửa thế kỉ nay của đảng Cộng sản đã phát huy được hiệu quả của nó. Hiện tại, ván bài của đảng Cộng sản đã chính thức lật ra, họ cố tình đẩy anh Thức đến chỗ chết như là một sự răn đe đối với số đông nhân dân. Ở đây, họ sẽ tìm cách lấp liếm sự việc trước quốc tế và họ muốn gửi đến nhân dân một thông điệp rằng “các người có đủ bản lĩnh hay gan lì như Trần Huỳnh Duy Thức không? Các người có nhìn thấy một ngôi sao dân chủ phải chết như thế nào trong trại giam hay không?!”. Chỉ chừng đó, họ chỉ cần và cần một cách bạo liệt cái giây phút anh Trần Huỳnh Duy Thức trút hơi thở cuối sau một chuỗi ngày dài tuyệt thực mà quốc tế không nói gì, thế giới tiến bộ không thể can thiệp để giữ lấy mạng sống của anh. Và một khi Trần Huỳnh Duy Thức qua đời, ván bài xem như chung cục, đảng Cộng sản một lần nữa thành công với cây gậy bạo lực của họ.

Và không phải ngẫu nhiên mà đảng Cộng sản ngăn cản, cấm nhập cảnh đối với bà Debbie Stothard và ông Minar Pimple, hai gương mặt đại diện của quốc tế dân chủ, nhân quyền. Và càng không phải ngẫu nhiên mà những cán bộ quản giáo trại giam cấm anh Thức và người thân trao đổi tình hình, tin tức, thời sự với nhau để rồi họ dùng đến hành vi tước đoạt quyền thăm nuôi ngay tức khắc và cưỡng bức anh Thức quay trở lại phòng giam cũng như cưỡng bức gia đình anh Thức ra ngoài bằng công an một cách thô bạo. Để rồi anh Thức tuyên bố tiếp tục tuyệt thực mà theo anh là lẽ ra anh quyết định dừng sau khi gặp người thân.

Rõ ràng, đây là một kịch bản có tính toán kỹ lưỡng để đẩy anh Thức đến chỗ chết cũng như thách thức công luận quốc tế bằng cái lý do rất hợp lý là anh Thức tuyệt thực “không  xác định được nguyên nhân hay lý do gì”. Nói cho cùng, nếu anh Thức qua đời trong lúc này, điều đó có thể đánh thức rất lớn lương tri của người hiểu biết và giới đấu tranh cho dân chủ, độc lập và nhân quyền Việt Nam. Nhưng đó là lương tri được đánh thức của một tập hợp không lớn giữa số đông nhân dân vốn quen với sợ hãi và thỏa hiệp. Cái số đông này càng thêm sợ hãi và thỏa hiệp hơn sau khi anh Thức qua đời.

Cuộc tuyệt thực của anh Thức cũng là một thử thách sự quả cảm của giới đấu tranh Việt Nam có dám đồng hành cùng với anh hay không, và là dấu hỏi đối với quốc tế, đối với các cường quốc vốn có nền dân chủ lâu đời, bền vững. Họ buộc phải kịp thời lên tiếng, thậm chí tác động một cách mạnh mẽ nhất để đòi quyền lợi cho anh Thức, cũng là đòi quyền lợi cho một biểu tượng về thế giới của họ trong đất nước độc tài này. Nếu bây giờ, họ vẫn giữ thái độ như suốt 30 ngày qua, phản ứng có chừng mực, thì điều đó cho thấy dường như thế giới tiến bộ, dân chủ chỉ là cái vỏ bọc cho một cơ chế độc tài kiểu mới trong chiếc áo dân chủ.

Và đương nhiên rất khó để đoán định được rằng có hay không có độc tài trong thế giới dân chủ mà phần lớn chỉ còn là danh nghĩa trên các văn bản khế ước dân tộc chứ không còn là động cơ thôi thúc hành động của các nhà lãnh đạo như hiện nay. Trong một thế giới mà mộng bá chủ vẫn chưa bao giờ ngưng trong lúc bậc thang về văn minh, văn hóa có phần đi lùi so với các thập niên trước.

Chỉ biết cầu nguyện cho anh Thức chân cứng đá mềm và chúng tôi vẫn đinh ninh một niềm tin: Thế giới chưa đến nỗi bệ rạc như chúng ta tưởng. Và anh Trần Huỳnh Duy Thức phải được sống, được tự do như một minh chứng về sự tồn tại của Tự Do, Dân Chủ và tiến bộ trên mặt địa cầu này!

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn