Giám sát ở Trung Quốc: Thực sự xâm nhập vào ‘trong đầu’ của công dân

Thứ Ba, 24 Tháng Bảy 201811:00 SA(Xem: 6727)
Giám sát ở Trung Quốc: Thực sự xâm nhập vào ‘trong đầu’ của công dân

Nếu bạn đang khó chịu vì sếp ở nơi làm việc cứ quản lý từng chi tiết nhỏ nhặt, luôn quan sát bạn từ một góc nào đó… hãy thở phào vì ít ra thì họ cũng không nhòm ngó vào trong não bạn.

giam-sat-trung-quoc
(ảnh: Guang Niu/Getty Images)

Việc giám sát ở mức độ khó tin này đang xảy ra với một số công nhân ở Trung Quốc – đất nước vốn luôn ráo riết áp dụng công nghệ để kiểm soát 1,4 tỷ dân của mình.

Một hệ thống “giám sát cảm xúc” đang cho phép các quản lý quan sát sóng não của công nhân để tìm các dấu hiệu căng thẳng, theo tờ Nam Hoa nhật báo đưa tin. Công nghệ này là kết quả của một dự án được nhà nước đầu tư.

Nó hoạt động như sau: mũ bảo hiểm hay các loại mũ khác của nhân viên sẽ được lắp đặt cảm biến có trọng lượng nhẹ, cho phép truyền tải không dây dữ liệu sóng não của người đội đến một máy tính. Thiết bị này hoạt động cũng khá giống với điện não đồ. Sau đó, một thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ quét dữ liệu để tìm những giá trị cho thấy sự căng thẳng hay tức giận.

Một vài tổ chức đã dùng những cảm biến này trong công việc thường ngày, còn một số khác thì đưa chúng vào các bộ thực tế ảo để theo dõi cảm xúc của nhân viên trong các buổi huấn luyện.

Hiện chưa có con số chính xác bao nhiêu công nhân đang chịu sự giám sát này, nhưng bài viết của Nam Hoa nhật báo cho biết công nghệ này đang được triển khai “ở mức độ chưa từng có” ở Trung Quốc.

Ít nhất 12 nhà máy và công ty Trung Quốc đang sử dụng thiết bị loại này để giám sát công nhân.

Theo quảng cáo, hệ thống này sẽ giúp các công ty có cơ hội khơi lại tinh thần của công nhân trước khi căng thẳng cảm xúc gây vấn đề.

“Khi hệ thống này đưa ra cảnh báo, quản lý sẽ yêu cầu công nhân nghỉ làm một ngày hoặc chuyển sang vị trí ít trọng yếu hơn,” phó giáo sư Jin Jia của ĐH Ninh Ba cho biết. “Một vài vị trí công việc yêu cầu phải tập trung. Không được phép sai sót.”

Nếu bạn cho rằng thật đáng sợ khi ông chủ có thể đọc cảm xúc của mình, hãy nhớ rằng việc các nhà tuyển dụng theo dõi công nhân để tăng lợi nhuận là khá thường gặp. Ví dụ, ước tính có gần 80% công ty lớn ở Mỹ theo dõi việc sử dụng email, internet và điện thoại của công nhân. Nhưng phải thừa nhận rằng, nhìn vào sóng não của công nhân là một bước tiến chưa từng có trong việc giám sát.

Cũng bởi Trung Quốc là một trong những nước theo dõi người dân sát sao nhất thế giới. Chính phủ trang bị rất nhiều camera trên đường phố với công nghệ nhận diện khuôn mặt, ngoài ra còn theo dõi thu nhập và các hoạt động xã hội của công dân để chấm điểm tín nhiệm xã hội. Nếu công nhân có điểm thấp, họ có thể bị ảnh hưởng tới khả năng xin việc, đi du lịch và rất nhiều vấn đề khác.

Gần đây, công dân Trung Quốc đã khẳng định lại lập trường rằng họ có quan tâm đến quyền riêng tư, cho dù quyền này đã bị xói mòn tới mức nào. Các công nhân cũng bày tỏ lo ngại về mặt tối của công nghệ, mặc dù dường như cuối cùng thì họ cũng buông xuôi. Ông Jia cho biết: “Họ nghĩ rằng chúng tôi có thể đọc suy nghĩ của họ. Điều này gây ra sự khó chịu và phản kháng lúc ban đầu. Nhưng sau một thời gian thì họ quen với thiết bị.”

Không rõ là các công ty có chia sẻ dữ liệu giám sát cảm xúc này với chính phủ hay không. Nhưng bởi vì công nghệ này do chính phủ phát triển, đây không phải là một trò đùa.

Theo ông Qiao Zhian, giáo sự tâm lý học quản lý tại ĐH Sư phạm Bắc Kinh, dù các thiết bị này có thể giúp kinh doanh cạnh tranh hơn, các công ty cũng có thể lạm dụng công nghệ để kiểm soát tư tưởng và xâm phạm quyền riêng tư, gợi nhớ tới nỗi ám ảnh của “cảnh sát suy nghĩ” (thought police) – lực lượng trong tiểu thuyết 1984, luôn rình rập để tống giam bất cứ ai có suy nghĩ không được nhà nước cho phép.

“Không có luật hay quy tắc nào để giới hạn việc sử dụng loại thiết bị này ở Trung Quốc. Nhà tuyển dụng sẽ có động lực lợi nhuận lớn để dùng, và nhân viên sẽ nằm ở chiếu dưới, khó mà cự tuyệt,” ông nói. “Bán dữ liệu Facebook đã đủ tệ rồi. Giám sát não có thể mang việc lạm dụng quyền riêng tư lên một cấp độ mới.”

“Tâm trí của con người không nên bị lợi dụng để kiếm lợi nhuận,” ông Qiao Zhian nói.

Theo Futurism,
Sơn Vũ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn