Thiên thần trên chiến trường

Chủ Nhật, 01 Tháng Bảy 20189:00 CH(Xem: 7080)
Thiên thần trên chiến trường

Trong suốt cuộc nội chiến có chừng 20 ngàn nữ y tá tình nguyện tham gia. Thời ấy ngành y còn ban sơ, phụ nữ được xem không phù hợp nơi chiến trường hay bệnh viện, chốn máu me tang tóc. Có chừng 150 bệnh viện toàn quốc, nhưng chưa có trường đào tạo y tá. Trong khi xã hội và nhất là trong quân đội đầy những nguyên tắc lề phép, giới hạn sự hiện diện của phụ nữ. Và nội chiến đã làm thay đổi. Hình ảnh những bóng áo đầm dài trắng trong chốn máu me đầy dịch bệnh, những lá cờ trắng hay tay áo mang hình chữ thập đỏ trong chốn súng đạn khói lửa, làm nổi bật nét nhân hậu đầy cống hiến trong cuộc chiến tàn khốc.

nurse

Vào thời 1880, vai trò của người phụ nữ rất mờ nhạt trong xã hội mà nam giới làm chủ. Họ chỉ quanh quẩn việc nội trợ, chăm sóc nhà cửa chồng con, trong khi đàn ông tham gia chiến trận. Nghề y chỉ dành cho nam giới. Các bác sĩ hay y sĩ đều là đàn ông, xuất thân từ nhà giàu có. Cuộc nội chiến với sự xáo trộn kinh hoàng cùng mức độ tàn phá và chết chóc khủng khiếp đã thay đổi nước Mỹ. Con số tử vong nhiều không từ súng đạn, mà do nhiễm trùng, dịch bệnh và thiếu chăm sóc cùng kiến thức y khoa căn bản. Các phụ nữ của 2 phía Union và Confederate, một số có chồng con tham gia nội chiến, một số đi theo đoàn quân, một số thuộc giai cấp trung lưu trong xã hội loạn lạc, như nàng Scarlett O’hara trong Cuốn Theo Chiều Gió, họ đã tình nguyện lao vào chăm sóc thương bệnh binh 2 phía, góp phần thúc đẩy hình thành Ủy ban Vệ Sinh và đội ngũ cứu thương. Hàng ngàn phụ nữ chân yếu tay mềm đã góp phần làm nên đội ngũ nữ cứu thương thời chiến. Họ là những Thiên thần trên chiến trường, nơi tang thương và chết chóc cận kề, nơi biên giới của tử sinh chỉ là vết thương không cầm máu, nơi đời sống chỉ nhờ những giọt nước mát và những lời an ủi cầu nguyện. Những chuyện hầu như bình thường mà lại vô cùng to lớn trong chiến tranh.

Người Mỹ gọi họ là Nurse – Y tá. Nhưng thực sự họ làm hết mọi chuyện từ công việc của y sĩ, phụ tá bác sĩ, cứu thương, y công giúp băng bó vết thương, giặt áo quần chăn mền; họ có thể là bà mẹ viết giúp thương binh cụt tay một lá thư, đọc một câu chuyện cho bệnh nhân giảm bớt cơn đau, lau một vầng trán nóng sốt. Họ quyên góp mọi thứ cần thiết cho đời lính và chiến tranh… đến những vận động cải cách hội đoàn và chính phủ vì nhân quyền.

sean-bao4
Dorothea Dix

Nổi bật phải kể đến Dorothea Dix. Xuất thân là một giáo viên, bà lập trường nữ, dạy học cho các tù nhân và sau đó vận động cải cách sinh hoạt cho bệnh nhân tâm thần, lập bệnh viện tâm thần đầu tiên ở Illinois và sau đó ở N. Carolina. Bà được TT. Lincoln bổ nhiệm là Quản đốc Đội Nữ Cứu Thương trong quân đội khi nội chiến nổ ra 1861. Các nữ cứu thương được tuyển dụng đều là tình nguyện. Thoạt đầu họ phải trên 30 tuổi, lứa tuổi được xem là già, mặc áo quần vải thô, không màu mè, không uốn tóc, trang điểm, nữ trang, tránh ảnh hưởng đến tinh thần các thương binh và môi trường bệnh viện. Sau khi thấy con số thương binh quá cao ở trận đánh Bull Run tháng 7, năm 1861, hơn 2 ngàn lính 2 phe bị thương chỉ trong 1 ngày, bà đã nhận hết tất cả phụ nữ mọi lứa tuổi. Họ chỉ được trả 40 xu/tháng cùng khẩu phần, chỗ ở và phương tiện di chuyển. (Trong khi các nam y tá cùng thời được trả 20 đô cùng tiêu chuẩn cao.) Khi cuộc chiến tiếp diễn, bà cùng các phụ nữ Công giáo, các Bà Soeur, các bà vợ, bà mẹ của binh sĩ tiên phong khác vận động quốc hội thành lập Sanitary Commission (Ủy ban Vệ sinh) lo vệ sinh trại lính, bệnh viện, nhà giam; quyên góp cung cấp vật liệu, tài chánh và giáo dục cho quân y; trợ giúp thương bệnh binh sau khi xuất viện và trở về đời sống dân sự…

Song hành với Dorothea Dix, phải kể đến Clara Barton. Khi nội chiến nổ ra, tiểu đoàn 6 Bộ binh Massachusetts quân Union trong khi chờ chuyển tàu lửa ở Baltimore thì bị một nhóm băng đảng ủng hộ phe miền Nam dùng gạch, đá và súng chận đường. Hỗn chiến và va chạm, súng nổ. 8 thường dân ủng hộ miền Nam và 4 lính Union chết, hàng trăm người bị thương. Nổi loạn ở Baltimore này được xem là vụ đổ máu đầu tiên của nội chiến. Clara cùng vài phụ nữ khác có mặt khi tàu chở thương binh đến Washington. Bà nhận ra đó chính là những người quen, bạn học, học sinh từ Massachusetts. Bà lao vào băng bó vết thương, tổ chức chỗ ở và phân chia, chăm sóc cho các thương binh. Những ngày kế đó, số bệnh nhân đến càng nhiều từ khắp nơi. Không có bệnh viện và trang trại, lính phải đóng quân trong tòa đô chính, trong văn phòng chính phủ. Mọi chuyện hỗn loạn, bệnh nhân nằm khắp nơi, bát nháo và hầu như không có thuốc men, dụng cụ y khoa, ngay cả những miếng vải băng bó vết thương và đèn đuốc. Clara quyết định dấn thân, đi thu thập mọi thứ cần thiết để chăm sóc thương bệnh binh, từ áo quần đến bông gòn, đèn dầu, thức ăn… Bắt đầu từ hàng xóm, đến những người bạn ở Massachusetts và New Jersey, bà gom được đầy 3 nhà kho và tìm cách giúp đỡ các thương binh ngoài mặt trận. Một mạng lưới vận chuyển dụng cụ y tế và các nữ y tá được Clara phân phối đến khắp các trận chiến đang còn khốc liệt. Ở trận Antietam, khi cứu thương một binh sĩ ngay mặt trận, một viên đạn xé xuyên tay áo bà và giết chết người thương binh bà đang chăm sóc. Bà cung cấp những chiếc đèn dầu soi sáng cho bác sĩ cưa mổ bệnh nhân, những mảnh vải sạch băng bó vết thương, những chén súp nóng, những chiếc giày được khâu, những cái chăn được vá… Khi chiến tranh gần hồi kết thúc, con số tử vong quá nhiều và việc nhận dạng cũng như tìm người mất tích vô cùng khó khăn. Bà lập Văn phòng Binh Sĩ Mất Tích chuyên lo hồ sơ sổ sách các tù nhân, binh sĩ mất tích và chiến sĩ vô danh đã được chôn cất trong các nấm mồ chung. Nhờ văn phòng này và các nhật báo đăng tin mỗi ngày mà 63 ngàn thư từ và tin tức liên quan đã được gởi đến, giúp bà và nhân viên tìm ra được hơn 22 ngàn binh sĩ được xem là mất tích, một số còn sống sót và lưu lạc. Trong số 22 ngàn binh sĩ mất tích đó có 13 ngàn tìm thấy ở một nơi: Nhà tù Andersonville, Georgia. Đây là nhà tù lớn nhất của phe Confederate giam giữ 45 ngàn tù binh Union trong điều kiện đông đúc và thiếu vệ sinh, thực phẩm nghiêm trọng. Mọi việc nhờ một tù nhân tên Atwater. Anh bị tù ở đây và có nhiệm vụ đem chôn và ghi lại hồ sơ của các tù nhân để giao cho phe Confederate. Atwater đã lén làm một bản copy cho mình, khi chiến tranh kết thúc, anh đã liên lạc với Clara. Và 13 ngàn xác binh sĩ Union đã được nhận dạng, tảo mộ chôn cất trong Nghĩa trang Quốc gia sau này.

sean-bao2
Clara Barton

Clara làm việc quá nhiều nên kiệt sức. Bác sĩ đề nghị bà nghỉ ngơi ở Châu Âu. Ở đó, bà lại gặp các thành viên của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế. Bà tiếp tục tham gia trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ (1871). Trở về nước, Clara vận động thành lập Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ, trợ giúp nhân đạo các thiên tai, trợ giúp nạn đói ở Nga năm 1892 và Armenia năm 1896. Clara cũng vận động Mỹ tham gia Công ước Genève về đối xử nhân đạo đối với tù binh, hàng binh chiến tranh. Bà làm việc không ngơi đến tuổi 82 về hưu, lại lập National First Aid Society, giúp sơ cứu ở các địa phương. Bà mất năm 1912 ở tuổi 90.

Cũng phải kể đến những phụ nữ da đen làm y tá trong nội chiến. Harriet Tubman là một điển hình. Bà bỏ trốn cảnh nô lệ chạy về tiểu bang phía Bắc, sau đó giúp một mạng lưới đào thoát cho nô lệ tìm tự do xuyên qua nhiều tiểu bang. Với 19 lần lén trở về Nam giúp cho hơn 300 nô lệ vượt thoát, bà được bổ nhiệm là quản đốc y tá bệnh viện cho lính da đen ở Đồn Monroe, Virginia 1865, nơi lan tràn dịch bệnh tả lị, sốt thương hàn. Bà làm việc đêm ngày chăm sóc bệnh nhân, lặn lội trong rừng khuya thu lượm củ, rễ, lá cây làm thuốc cho binh sĩ. Đến cuối đời bà vận động tranh đấu cho nữ quyền, làm đại biểu cho Hội phụ nữ da màu toàn quốc.

sean-bao1
Scarlett O’hara trong ‘Cuốn theo chiều gió’

Trong khi các phụ nữ miền Bắc thường phục vụ trong quân đội và bệnh viện, thì ở miền Nam, các phụ nữ tình nguyện làm y tá ngay trong nhà mình. Đa phần họ là nữ nhi quý phái trong các trang trại giàu có. Khi nội chiến nổ ra, hết thảy đều dấn thân vào cứu giúp thương binh. Không có sự giúp đỡ của chính phủ Confederate, các phụ nữ đã lập ra các hội đoàn, quyên góp tài sản, dụng cụ… Các bệnh viện như Chimborazo ở Richmond, VA được mở ngay trong mùa hè năm 1861 với 2,500 giường, 150 dãy nhà cho tràn ngập 4 ngàn thương binh chỉ sau 2 tuần. Trong suốt 4 năm tang tóc bệnh viện đã chứa đến 76 ngàn người, chỉ chừng 8 ngàn người tử vong…

sean-bao3
Một bệnh viện ở chiến trường Virginia, 30 tháng 6, 1862

Các nữ cứu thương hàn gắn vết thương chiến tranh và thay đổi lịch sử, minh chứng vai trò phái yếu trong chiến tranh tàn bạo của giới mày râu. Họ xóa nhòa biên giới nam nữ nơi ngành y, phân tranh Bắc Nam trong chính nghĩa, nô lệ và tự do trong lịch sử thấm đẫm máu và nước mắt một thời. Họ là những cánh hoa thời loạn, cuốn theo chiều gió mà vẫn nở ngát mùa chiến chinh.

SB

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn