SAU MẬU THÂN, THAY ĐỔI CÁC ÔNG TRÙM CIA - Bùi Anh Trinh

Thứ Năm, 16 Tháng Mười Một 20174:13 SA(Xem: 8525)
SAU MẬU THÂN, THAY ĐỔI CÁC ÔNG TRÙM CIA - Bùi Anh Trinh

1Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn Của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh.

Thay đổi nhóm lãnh đạo CIA tại Việt Nam

Năm 1968, giữa tháng 3,  ông trùm CIA Bob Komer hoàn tất bản nhận định về kế hoạch bình định nông thôn của CIA mà ông ta là chỉ huy trưởng (CORDS) : “Tỷ lệ dân chúng sống trong vùng chính phủ kiểm soát giảm xuống còn 59,8 phần trăm.  Những thành công về mặt an ninh trong năm 1967 đã tiêu tan” ( Tài liệu của Bunker do Stephen Young phổ biến ). 

* Chú giải :  So lại với Nghị quyết 21/BCHTU ngày 13-10-1973 của CSVN: “Qua đợt tiến công nổi dậy 68, cả thế và lực của ta bị tổn thất nghiêm trọng.  Lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng đặc công biệt động nói riêng thiệt hại nặng nề.

Lực lượng chính trị quần chúng bị địch phát hiện và thẳng tay đàn áp.  Nhiều chi bộ, cấp ủy, đoàn thể quần chúng cách mạng ở vùng tạm chiếm, vùng tranh chấp bị phá vỡ.  Các vùng giải phóng rộng lớn ở nông thôn bị thu hẹp dần.

Thế trận chiến tranh nhân dân 3 vùng chiến lược bị suy giảm.  Mất dần bàn đạp tấn công, chỗ đứng chân cũng thu hẹp dần, nhiều đơn vị lực lượng vũ trang địa phương cũng như chủ lực, các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy các mặt trận, các địa phương phải cơ động lên biên giới, sang đất bạn tạm trú đóng quân, xốc lại đội hình, bổ sung người, vũ khí tiếp tục chiến đấu.

Bản báo cáo của Komer hoàn toàn trái ngược với thực tế. Nghĩa là lực lượng vũ trang của CSVN hoàn toàn tan nát thì ông ta lại cho rằng lực hượng HK và VNCH hoàn toàn tan nát.  Trong khi Komer là một ông trùm tình báo thuộc vào hạng thượng thừa của ngành tình báo Hoa Kỳ.

Tất cả các con số mà ông ta thâu thập được đều xuất phát từ Đài phát thanh Hà Nội, Đài phát thanh Giải phóng Miền Nam cũng như tờ báo Nhân Dân và tờ báo Quân Đội Nhân Dân phát hành tại Hà Nội.

Theo CIA thì đây là những cơ quan thông tấn đại diện cho tiếng nói của quốc gia cho nên  họ không thể nào nói láo được.  Trong khi đó thì mọi người dân Miền Bắc đều nghĩ ngược lại với CIA, nghĩa là tất cả những gì viết trên tờ ND và QĐND đều là nói láo, không láo nhiều thì láo ít, chứ không đời nào nói thật.  CIA chỉ cần hỏi thăm một trong số 25 triệu người Miền Bắc thì không đến nỗi mắc sai lầm đến như vậy.

Hoặc nếu chuyện hỏi thăm dân Miền Bắc là một điều quá khó khăn thì CIA chỉ cần động não một chút, nghĩa là suy nghĩ xem đối tượng của tờ nhật báo ND và tờ nhật báo QĐND là ai?  Và hai tờ báo này có cần phải báo cáo mọi sự thực về chính trị hay kinh tế xã hội cho dân chúng Bắc Việt hay không?  Sai lầm của các nhà phân tích ngồi trong trung tâm Langley là đánh giá mức khả tín của tờ Nhân Dân và tờ Quân Đội Nhân Dân ngang hàng với tờ New York Time hay tờ Washington Post (sic).

Ngoài ra CIA đã kiểm chứng những thông tin quân sự của Bắc Việt bằng các điệp viên quốc tế nằm trong các Tòa Đại sứ Ấn Độ, Ba Lan, Hungary,… tại Hà Nội hay Vạn Tượng;  thế nhưng sự hiểu biết của những người này về tình hình của ĐCSVN cũng chỉ ngang hàng với người dân Hà Nội, nghĩa là họ hoàn toàn không có thông tin về những gì xảy ra bên trong “Bắc Bộ Phủ” ( Trụ sở  Ban bí thư Trung ương Đảng CSVN ).

Robert William Komer tốt nghiệp đại học Havard, là sĩ quan tình báo trong Thế chiến 2, gia nhập CIA khi cơ quan này mới thành lập năm 1947.  Dưới thời Tổng thống Kennedy ông làm việc trong Hội đồng an ninh quốc gia, dưới quyền của George Bundy.  Sau này thay thế Bundy làm cố vấn trưởng An ninh quốc gia dưới thời Johnson.

Trong nhiệm vụ Cố vấn An ninh cho Tổng thống Hoa Kỳ ông đã tiếp xúc với các chiến lược gia chuyên nghiên cứu về chống du kích chiến tại Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á, ông đã từng phối hợp nghiên cứu với Tướng Lansdale, Sir Robert Thompson, Hoàng Văn Chí, Phạm Ngọc Thảo và các giáo sư của đại học Chicago giảng dạy tại Việt Nam trong 7 năm dưới thời Ngô Đình Diệm.

Sự hiểu biết tường tận về Việt Nam của Komer khiến Tổng thống Johnson quyết định cử ông đến Việt Nam vào tháng 4 năm 1967 với một cuốn chi phiếu khổng lồ.  Đến Việt Nam ông lấy nhân viên từ chi nhánh CIA tại Sài Gòn và Cơ quan MACV ( Military Assistance Comand, Vietnam ) để thành lập một cơ quan mới, đặt tên là Cơ quan Bình định phát triển nông thôn Việt Nam ( CORDS ).  Trong cơ quan CORDS chia ra làm 3 ngành là USAID chuyên lo về vật liệu xây dựng nông thôn, USID chuyên lo về thông tin tuyên truyền, và Phoenix (Phụng Hoàng) chuyên lo về tình báo dân sự.

Mặc dầu đã tung tiền tỉ cho Chiến dịch Phụng Hoàng nhưng Komer hoàn toàn không hề hay biết một mảy may về cuộc điều quân ngấm ngầm của CSVN trong trận Tổng công kích Mậu Thân.  Điều này khiến cho ông bị mất uy tín trầm trọng đối với Washington.  Và sau khi Bộ trưởng quốc phòng MacNamara bị thôi chức và Tổng thống Johnson tuyên bố không ra ứng cử nhiệm kỳ 2 thì Komer bị khủng hoảng nặng đến nỗi Đại sứ Bunker phải cho ông về Hoa Kỳ nghỉ phép trong 2 tuần lễ.

Trong khi CSVN điều động 85.000 quân cho một trận tấn công đồng loạt trên toàn quốc mà CIA chớ hề hay biết.  Điều này khiến cho Washington sửng sốt.  Còn chính phủ VNCH và dân chúng Miền Nam thì tin chắc rằng trận Tổng công kích đã có sự bắt tay dàn xếp giữa Hoa Kỳ và CSVN.

Đến nỗi Đại tá Văn Văn Của ( Đô trưởng Sài Gòn ) đã ghi vào hồi ký của ông : “Mười hai giờ khuya ngày 2/2 ( Mồng 4) Đại tá Giám và tôi đang đứng xem phi cơ hỏa long gầm rú nhả vòi lửa giải tỏa kho đạn Gò Vấp, thì ông tướng Mỹ đến nói : “Từ bây giờ chúng ôi được lệnh tham chiến.  Là Đô trưởng, ông nghĩ chúng tôi nên can thiệp ở đâu?”.  Tôi nói : “Bây giờ nguy hiểm đã qua, nhưng dân còn hoang mang và thắc mắc về Mỹ có thỏa hiệp ngầm với VC.  Tôi nghĩ cần thiết nhất là cho một đoàn thiết giáp có cờ Mỹ và cờ VNCH chạy khắp phố để an lòng dân! … Nhưng thôi, tôi đùa đấy, chuyện hành quân là việc của mấy ông!” (trang 306).

Ngoài Văn Văn Của còn rất nhiều sĩ quan khác đã vì quá tin tưởng vào khả năng thần thánh của CIA cho nên đã công khai tỏ thái độ nghi ngờ người Mỹ.  Riêng ông tướng Vĩnh Lộc, Tư lệnh Vùng 2, thì chiều 29 tết ông đã về Sài Gòn ăn tết với gia đình.   Không may cho ông là đêm 29 rạng 30 quân CSVN tấn công Tây Nguyên ( đây là đêm 29 rạng mùng một theo lịch Hà Nội ) cho nên sáng 30 ông vội bay trở lại Pleiku, khuya 30 rạng mồng 1 ông được tin CSVN tổng tấn công trên toàn quốc nhưng không đánh vào các đơn vị hay cơ sở của quân đội Hoa Kỳ; ông bèn mời họp 22 vị cố vấn của Vùng 2 chiến thuật rồi tuyên bố là tạm giữ họ để chờ xem tình hình như thế nào.

Chuyện này khiến cho ông bị cách chức Tư lệnh Vùng 2.  Hồi ký của Westmoreland không nói tới chuyện này nhưng nhắc tới hai ông Vĩnh Lộc và Văn Văn Của với những lời lẽ không giấu được sự coi thường (sic).

Tháng 4 năm 1968,  sau 2 tuần nghỉ phép, Komer trở lại Việt Nam với một ông trùm CIA khác, đó là Colby.  Colby đến Việt Nam làm phó cho Komer nhưng thực ra là để chuẩn bị thay thế Komer.  Tháng 11 năm 1968 Komer đi làm Đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Colby giữ chức chỉ huy trưởng CORDS nhưng ngạch trật của ông trong Bộ Ngoại giao là ngạch đại sứ.  Ngoài ra Washington cũng thay thế Trưởng chi nhánh CIA tại Sài Gòn là Ralph Kastrosh bằng ông trùm tình báo Theodore Shackley.

* Chú giải : Khi ông trùm Colby đến Việt Nam thì ông trùm CIA khác đang làm phụ tá chính trị cho Đại sứ Bunker là Lansdale cũng xin nghỉ hưu, ông cảm thấy mệt mỏi sau những năm phụ giúp cho Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam.  Vả lại ông cũng cảm thấy có trách nhiệm trong việc không phát hiện ra âm mưu Tổng tấn công của quân CSVN.

Lansdale đến Việt Nam vào tháng 7 năm 1965 cùng với Cabot Lodge nhằm cứu vãn tình hình rối loạn do  Nguyễn Khánh gây ra.  Một trong những nguyên nhân tạo ra rối loạn là sự găng nhau giữa Nguyễn Khánh và Maxwell Taylor, sau đó là giữa Tướng Taylor và nhóm các tướng trẻ Việt Nam.

Nhưng khi Lansdale bước chân xuống Sài Gòn thì Nguyễn Khánh và Taylor đều không còn có mặt tại Việt Nam.  Tuy nhiên tình hình lúc đó lại cực kỳ gay cấn do khối “Phật giáo tranh đấu” của Tượng tọa Thích Trí Quang cướp chính quyền tại Huế, và một số đơn vị quân đội tại Vùng 1 chống lại chính quyền trung ương.

Sở dĩ Washington cử Cabot Loge sang Việt Nam vì cho rằng ông là người đã dựng nên “Phong trào Phật giáo tranh đấu Miền Trung” cho nên ông có thể điều đình với Thích Trí Quang để có một cách giải quyết ổn thỏa. Ngoài Lodge còn có Lansdale để giàn xếp chuyện găng nhau giữa Nguyễn Chánh Thi, Tôn Thất Đính, Nguyễn Hữu Có và nhóm các tướng trẻ là Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Chung Tấn Cang, Cao Văn Viên, Lê Nguyên Khang v.v… Washington nghĩ rằng uy tín của Lansdale từ thời Tổng thống Diệm vẫn còn trong hàng ngũ các sĩ quan cao cấp của VNCH.

Tuy nhiên khi Cabot Lodge và Lansdale đến Việt Nam thì  Phong trào Phật giáo tranh đấu đã vượt khỏi tầm tay của Thượng tọa Thích Trí Quang và rơi vào tay Bác sĩ Lê Khắc Quyến, ông Quyến đã biến “Phong trào Phật giáo tranh đấu Miền Trung” thành “Phong trào nhân dân cứu quốc” và “Lực lượng tranh thủ dân chủ” do CSVN hỗ trợ.

Trước những biến động không ngờ, Cabot Loge cũng như Lansdale chỉ biết đứng nhìn chứ không thể nào can thiệp.  Sau này hồi ký của Đại tá Phạm Bá Hoa cho thấy người có công ổn định tình thế lúc đó là Tướng Nguyễn Cao Kỳ, nhưng người thực sự giải quyết mọi chuyện tại Miền Trung cũng như tại Sài Gòn là Tướng Nguyễn Ngọc Loan.

Mặc dầu tại Sài Gòn có các ông trùm tình báo thượng thặng như Lansdale, Colby, Komer, Conein nhưng các ông này không làm việc trong chi nhánh CIA tại Sài Gòn cho nên các ông không phải chịu trách nhiệm về việc thiếu thông tin về việc CSVN điều quân trong trận tổng công kích Mậu Thân.  Trong khi đó trưởng chi nhánh CIA tại Sài Gòn lại là John Hart và Raph Kastrosh là những ông trùm không mấy xuất sắc.

Riêng Lansdale có công trong việc giúp đỡ VNCH xây dựng chế độ Đệ nhị Cọng hòa như soạn thảo Hiến Pháp, tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến, Quốc hội Lập pháp cũng như tổ chức bầu cử Tổng thống.

Ngoài ra Lansdale còn giúp CIA trong nhiệm vụ “nằm vùng” trong quân đội VNCH, nghĩa là thường xuyên viếng thăm các vị tư lệnh trong quân đội VNCH, lắng nghe ý kiến của họ, ghi nhận khả năng và thành tích của họ rồi chuyển về cho chi nhánh CIA tại Sài Gòn hay cho Tướng Westmoreland tại MACV.  Đôi khi ông cũng lấy tư cách bạn bè, đưa ra những lời khuyên “cá nhân” cho một vị tư lệnh VNCH nào đó, nhưng thực ra đó là những điều mà CIA hay MACV muốn vị tư lệnh phải làm.  Hồi ký của Westmoreland gọi đó là “phương cách đề nghị” đối với các sĩ quan cao cấp trong QLVNCH.

Sau khi Lansdale về nước thì CIA giao nhiệm vụ “nằm vùng” cho Tướng Charles Timmes. Timmes nguyên là Chỉ huy trưởng cơ quan MACV từ năm 1962. Năm 1964 về hưu, sinh sống tại Hoa Kỳ.  Nhưng đến năm 1967 thì CIA thuê ông trở lại Việt Nam hoạt động “nằm vùng” trong giới chỉ huy quân sự VNCH với vỏ bọc bên ngoài là ông và gia đình thích khí hậu và con người Việt Nam cho nên quyết định nghỉ hưu tại Việt Nam.

Công việc của ông là làm tai mắt cho CIA qua các hoạt động đánh bạn với các sĩ quan cao cấp của quân đội VNCH, đôi khi chuyển những đề nghị của CIA hay Tòa đại sứ dưới hình thức là “những lời khuyên chân tình”.  Theo ông trùm CIA Frank Snepp thì Timmes đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho tới những ngày cuối tháng 4 năm 1975.

BÙI ANH TRINH

SAU MẬU THÂN, THAY ĐỔI CÁC ÔNG TRÙM CIA – Bùi Anh Trinh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn