Ca sĩ bị kêu gọi tẩy chay vì gốc gác Việt Nam Cộng Hoà

Thứ Năm, 09 Tháng Hai 20233:00 CH(Xem: 2057)
Ca sĩ bị kêu gọi tẩy chay vì gốc gác Việt Nam Cộng Hoà

Theo như mới đây có một trang Facebook K Flower với hơn 400.000 lượt theo dõi nói đến Hanni Phạm, thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc NewJeans, hiện là tâm điểm của lời kêu gọi tẩy chay vì gia đình Hanni bị cho là "ủng hộ Việt Nam Cộng hòa", quốc gia chấm dứt tồn tại năm 1975, lại còn thậm chí còn nhắc đến các thành viên của cô ca sĩ, bao gồm mẹ, ông ngoại và cô của Hanni có để avatar cờ vàng và có tình cảm với VNCH.


Hanni Phạm của nhóm NewJeans tham dự Lễ trao giải The Fact Music Awards 2022 vào ngày 08 tháng 10 năm 2022 tại Seoul, Hàn Quốc

Trang Facebook Tifosi và trang web Cánh cò vừa đăng tải bài viết nhan đề "Thần tượng thì có nhiều nhưng Tổ quốc chỉ có một".

Bài viết đưa thông tin gia đình của nữ ca sĩ người Úc gốc Việt Hanni bị "khui" rằng “mang tư tưởng chống Cộng cực đoan, xuyên tạc lịch sử đất nước và cổ vũ cho những hành động xâm lược, thảm sát của lính Úc tại Việt Nam…”

Trang này cũng cáo buộc ca sĩ Hanni lừa dối để chuộc lợi. Đặc biệt vấn đề ở đây là tình yêu Tổ Quốc và thần tượng.

Một trang Facebook K Flower với hơn 400.000 lượt theo dõi thậm chí còn nhắc đến các thành viên của cô ca sĩ, bao gồm mẹ, ông ngoại và cô của Hanni có để avatar cờ vàng và có tình cảm với VNCH.

Hiện phía công ty lẫn cá nhân Hanni đều chưa lên tiếng chính thức về vấn đề này. Còn những Facebook được cho là gia đình của Hanni đều tạm thời khoá Facebook trước làn sóng tấn công này.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp từ Hà Nội nói với BBC ngày 7/2 rằng:

"Các bạn trẻ và khán giả hâm mộ ca sĩ Hanni là đúng, vì Hanni là ca sĩ hát hay. Hanni hãy tự hào về bản thân, về tình yêu Việt Nam của mình! Không có độc quyền về tình yêu đất nước, vì có nhiều cách yêu đất nước. Hanni và thế hệ trẻ Việt Nam không phải chịu trách nhiệm về những trang sử buồn, vui Việt Nam. Càng không thể là nạn nhân của bất cứ thứ chính trị hóa niềm tin nào, nhằm chống lại hòa hiếu dân tộc."

Vì sao Hanni bị tẩy chay?


Hình ảnh của Hanni Phạm (trái) bị tẩy chay vì có gốc gác liên quan đến VNCH

Luận điểm chung của làn sóng tẩy chay là việc ca sĩ Hanni không minh bạch về xuất thân liên quan đến VNCH của mình và dối gạt người hâm mộ Việt Nam.

Theo đó, những người này cho rằng, nếu nhóm nhạc NewJeans nhắm đến thị trường Việt Nam thì thành viên gốc Việt như Hanni phải có “lý lịch sạch”. Vì vậy, khi người hâm mộ tìm được hình ảnh của gia đình Hanni để cờ vàng thì cảm thấy bị phản bội.

“Bởi bạn không thể kiếm tiền trên đất của nước Việt Nam nếu như bạn mang tư tưởng chống cộng. Việc gia đình lẫn công ty quản lý tìm cách giấu nguồn gốc của Hanni nhưng mà vẫn cố kiếm tiền trên đất Việt Nam là hành vi thiếu tôn trọng và lừa dối khán giả,” một người bình luận về vụ việc dưới bài viết Tifosi.

Cũng theo luồng quan điểm này, vì ban đầu được cho là “trong sạch về mặt tư tưởng” cũng như lý lịch, nên trong buổi lễ kỉ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng tầm đối tác quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, nhóm nhạc NewJeans mới được lựa chọn để phát biểu và cá nhân Hanni được ưu tiên phát biểu bằng tiếng Việt. Nhưng cuối cùng, gia đình cô lại ủng hộ VNCH và vì thế không xứng đáng đại diện cho Việt Nam.


Một số nhóm được lập ra để phản đối, tẩy chay Hanni

Một luận điểm nữa cổ xúy tẩy chay là việc tư tưởng của một thần tượng có thể ảnh hưởng đến lối hành xử, suy nghĩ của lớp trẻ. Vì Hanni bị cáo buộc lớn lên trong gia đình có truyền thống chống cộng, nên cô sẽ làm lệch lạc những người hâm mộ Việt Nam.

Từ đó, những người ủng hộ luồng quan điểm này đã nhấn mạnh: “Thần tượng thì có nhiều nhưng Tổ quốc chỉ có một” hay “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Mất idol không chết, mất nước là chết không có chỗ chôn”. Những trang này kêu gọi tẩy chay, đòi hỏi Hanni phải lên tiếng về quan điểm chính trị của mình.

Một bình luận viết: “Cha ông hy sinh xương máu, cháu chắt đi thần tượng kẻ đã nổ súng vào tổ tiên mình.”

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, cá nhân Hanni chưa có phát ngôn nào liên quan đến VNCH hay cộng sản, mà là gia đình cô ca sĩ bị cho là có những biểu hiện ủng hộ VNCH.

Ám ảnh bóng ma chiến tranh

Những người tẩy chay ca sĩ Hanni còn cho rằng việc ủng hộ một người có gia đình “theo” VNCH là bội phản đất nước Việt Nam, dù cô này mang quốc tịch Úc và gốc Việt.

Giáo sư Alex-Thái Đình Võ hiện công tác tại Trung Tâm Việt Nam và Lưu Trữ, Đại học Texas Tech, Hoa Kỳ bình luận với BBC News Tiếng Việt ngày 7/2:

“Lời kêu gọi tẩy chay cho ta thấy sự độc hại của những sự phân biệt vẫn tồn tại gần 50 năm sau cuộc chiến, dù ở Việt Nam hay ở cộng đồng tỵ nạn hải ngoại. Phần nhiều cũng do giáo dục, giáo dục ở đây là sự bưng bít thông tin về lịch sử, chính trị và xã hội.

“Bóng ma chiến tranh,” một loại ám ảnh (hauntology), thực chất xuất phát ở những người của lớp lớn hơn cũng như giới cầm quyền, rồi qua thời gian họ cứ truyền tải câu chuyện về bóng ma ấy cho các thế hệ sau. Vì vậy, thế hệ sau dễ ‘sinh’ ra thù hằn hơn, không đơn giản vì là sự thù hằn xuất phát từ trong họ mà nó được nuôi nấng qua bao thế hệ (2-3 thế hệ)... thành thử họ đưa ra một loạt những phản ứng phân biệt, chụp mũ dựa trên lý lịch - nhưng chính họ cũng không hiểu hậu quả và kể cả những định nghĩa như yêu nước, cộng sản hay quốc gia là gì,” ông Alex-Thái Đình Võ nhận định.

Facebooker Tan Trung Nguyen Quoc cũng nhắc đến khái niệm “hauntology”.

Ông còn phân tích Chỉ thị 221 CT/TW (17/6/1975) của Ban Bí thư khóa III Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác giáo dục ở miền Nam sau năm 1975.

“Chỉ thị đặt ra hướng ‘giải quyết’ hệ thống giáo dục miền Nam Việt Nam của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nay đã không còn tồn tại.

“Theo đó, trên cơ sở lý lịch, hiệu trưởng các trường học của chế độ cũ, các giáo viên, trí thức… bị cho là có mầm mống phản động, có nhân thân không tốt và có lối sinh hoạt ‘đồi trụy’ sẽ bị loại trừ ra khỏi hệ thống.

“Tư duy giáo dục kích động này chỉ có chút thay đổi vào giữa thập niên 1990. Nhưng điều này cũng đủ để nhiều thế hệ có năng lực của miền Nam Việt Nam bị loại trừ hoàn toàn khỏi không gian khoa học - chính trị quốc gia,” ông Trung diễn giải.


Trang Tifosi với hơn 200 nghìn người theo dõi đăng bài về việc tình yêu tổ quốc quan trọng hơn yêu thần tượng

Hòa giải dân tộc?

Thế hệ Gen Z lớn lên với sự tiếp cận internet cùng các thiết bị kỹ thuật số và điện tử từ nhỏ. Tuy nhiên, khi những người thuộc thế hệ này có những cách phản ứng được cho là gay gắt nhắm vào cô ca sĩ người Úc gốc Việt thuộc nhóm nhạc Hàn Quốc, khiến nhiều người đặt câu hỏi về cái gọi là hòa giải giữa người Việt Nam với nhau sau gần nửa thế kỷ.

Theo giáo sư Alex-Thái Đình Võ, cách Gen Z phản ứng như vậy cho thấy sự thiếu hụt của họ trong việc tìm hiểu một cách trung thực và cẩn trọng nhất có thể về lịch sử và văn hóa của chính họ, tức của Việt Nam.

“Mình cứ nghĩ là có học vấn, có internet và với sự tiện nghi để tiếp cận và trao dồi thì sẽ có những sự mong muốn hiểu biết và thấu hiểu hơn, nhưng không. Có người dùng cụm từ ‘ngu dân trị’ là vậy,” ông diễn giải.

Đề cập đến hòa hợp, hòa giải dân tộc (national reconciliation) như chính quyền Việt Nam thường kêu gọi, ông Alex-Thái Đình Võ cho rằng, đất nước đã có thể đi đến hòa giải, và những chuyện như vậy sẽ không xảy ra nếu hai bên thực tâm ngồi lại, nhìn lại sự thật của cuộc chiến và hậu quả của nó... thay vì cứ tối ngày miệt thị nhau, xem nhau như những bóng ma đầy ám ảnh ghê sợ.

“Điển hình, trong những thảo luận, đại diện của chính phủ Việt Nam luôn kêu gọi hòa hợp, hòa giải nhưng vẫn luôn lên án những người thuộc Việt Nam Cộng Hòa.

"Chẳng hạn họ yêu cầu chính phủ Mỹ chu cấp tiền và công nghệ để giúp tìm hài cốt quân nhân chết trong chiến tranh. Mỹ chi độ chừng 6 triệu USD với điều kiện là tìm hài cốt của tất cả người Việt, trong đó có người thuộc Việt Nam Cộng Hòa, nhưng nhà nước Việt Nam luôn bác bỏ và chỉ muốn dùng số tiền đó để tìm mỗi người bên họ thôi. Câu chuyện này cho ta thấy sự thiếu lòng thành trong những kêu gọi hòa hợp, hòa giải.

"Nếu tiếp tục như vậy thì khó đưa đến sự thấu hiểu và cảm thông cần thiết cho một sự hòa giải thật, thành ra những phản ứng của giới Gen Z là hành động không quá ngạc nhiên,” giáo sư Đình Võ nhận định.

Về vụ việc của Hanni, Facebooker Tan Trung Nguyen Quoc đánh giá:

“Việc một đứa trẻ sinh năm 2004, chưa từng có phát ngôn chính trị nhạy cảm nào, bị tầng tầng lớp lớp các thanh thiếu niên Việt Nam tấn công và chửi rủa… chỉ vì cô bé là con của một gia đình từng là một phần của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (trên thế giới vẫn còn hơn hai triệu người Việt như thế) là lý do mình luôn cười trừ khi một số trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước nhắc đến ‘hòa hợp, hòa giải dân tộc’.”

Quan điểm chính thống tại Việt Nam về hòa hợp, hòa giải dân tộc có thể tìm thấy trên trang Quốc phòng Toàn dân.

Một bài hồi 2019 trên trang này viết về sự kiện 30/04/1975 và Việt Kiều như sau:

"Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân dân ta (đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh) giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước được thống nhất. Trong dịp này, đáng tiếc, một số công chức làm việc cho chính quyền tay sai Sài Gòn và người dân do bị bọn tay sai tuyên truyền đã rời bỏ đất nước, di tản, sinh sống ở nước ngoài...do thiếu thông tin chân thực ở trong nước, do bị tuyên truyền xuyên tạc nên đã có không ít người nhận thức sai lầm về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta nói chung, về hòa hợp, hòa giải dân tộc nói riêng, dẫn đến kỳ thị với chế độ xã hội và Nhà nước ta.

"Hòa hợp, hòa giải dân tộc là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, khẳng định rõ: lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng, chủ động mở rộng quan hệ với tất cả kiều bào ta định cư ở nước ngoài, không phân biệt ý thức hệ, lịch sử cá nhân, kể cả đối với những người còn định kiến, mặc cảm với chế độ xã hội. "

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn