DAMBE, Cuộc Rút Quân Bi Hùng

Thứ Năm, 15 Tháng Ba 20187:06 SA(Xem: 12449)
DAMBE, Cuộc Rút Quân Bi Hùng

DamBe1

Kính Tặng:

  • Chuẩn Tướng KB Trần Quang Khôi, Tư Lệnh Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh và LLXKQĐIII
  • Đại Tá KB Hà Mai Việt, Tư Lệnh Phó Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh . Tác giả Thép và Máu
  • Thiếu Tá KB Trương Văn Điền, Chi Đoàn Trưởng và các Chiến Hữu thuộc Chi Đoàn CĐ3/2TK

Trích dẫn: Từ bài viết Chiến Thắng An Lộc Năm 1972 do nhóm Quân Nhân QLVNCH tại Texas biên soạn. Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh chủ biên.

“Chiến thắng An Lộc năm 1972 đã tượng hình từ năm 1971 sau những cuộc hành quân Toàn Thắng của Quân Khu III do cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí phát động, dự định đổ quân lên Kratié (một quận lỵ của nước Cambodia) để tiêu diệt Cục R, bản doanh đầu não của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đồng thời là căn cứ hậu cần của quân Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập vào miền Nam lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà. Nhưng không may, Đại Tướng Đỗ Cao Trí phải đền xong nợ nước vì lý do chiếc trực thăng chở ông bị nổ tung khi vừa mới cất cánh tại Tây Ninh, đến bây giờ cũng không ai biết đích xác về nguyên nhân gây ra tai nạn này.

Trung Tướng Nguyễn Văn Minh được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ định thay thế người tiền nhiệm tài ba và đầy lòng yêu nước đó.

Trong cái thế chẳng đặng đừng, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh buộc lòng phải có quyết định cho lệnh rút các lực lượng cơ hữu của Quân Đoàn 3 trở về nội địa Việt Nam Cộng Hoà để bảo toàn lực lượng, hoàn tất vào ngày 31 tháng 05 năm 1971.

Việc rút đoàn quân trên 2 Sư Đoàn (Sư Đoàn 18 Bộ Binh + 2 Liên Đoàn Biệt Động Quân + Trung Đoàn 8 của Sư Đoàn 5 Bộ Binh + Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ + Liên Đoàn 30 Công Binh Chiến Đấu) về đến nội địa vừa kịp lúc. Nhờ vậy mà khi quân Cộng Sản Bắc Việt mở cuộc tấn công vào lãnh thổ Quân Khu III vào ngày 05 tháng 04 năm 1972, phần lớn lực lượng kể trên của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã là thành phần nòng cốt, tương đối đủ khả năng cấp thời để chống trả lại 4 Sư Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt.

Cuộc rút quân từ chiến trường ngoại biên năm 1971 về nội địa Việt Nam Cộng Hoà là một cuộc hành quân lui binh đúng lúc trước tình hình biến chuyển ngõ hầu có đủ lực lượng phòng thủ diện địa, nhất là việc phòng thủ An Lộc trong trận chiến năm 1972 khi lực lượng bạn chỉ có một phải chống trả lực lượng địch đông hơn gấp sáu lần, trong khi đó địch có pháo binh và chiến xa yểm trợ trực tiếp, ta không có chiến xa chỉ có các phi vụ B52 và các phi tuần phản lực của Không Lực Hoa Kỳ và Không Lực Việt Nam Cộng Hoà yểm trợ.

Việc địch quân được biết trước cuộc rút quân là điều tối kỵ của binh pháp và là một chuyện chẳng đặng đừng mà Trung Tướng Nguyễn Văn Minh phải ra lệnh thi hành. Sự kiện này đã gây nhiều ấn tượng sâu sắc trong tâm khảm và cuộc đời binh nghiệp không những cho riêng Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, mà còn cho tất cả những chiến sĩ liên quan đến Trận Chiến An Lộc….”

Ngưng trích

Ngụy tui từng là một chiến sĩ của QLVNCH, là một Kỵ binh của binh chủng Thiết Giáp đã từng tham gia nhiều trận chiến trên chiến trường Kampuchea và Quân Đoàn IV nhưng Ngụy tui chưa hề và không hề có ý định viết về chiến sử QLVNCH hay đơn giản hơn viết về những trận đánh mà chính Ngụy tui đã từng tham dự. Ngụy tui chỉ thích viết dăm ba bài phiếm dị để chọt cha già dzĩ đại dzại đỉ hồ chí râu cho đỡ buồn đời tỵ nạn. Nhưng cuộc đời đưa đẩy dù lòng không muốn và một phần vẫn còn lăn lộn trên lối mòn cơm áo nên Ngụy tui rửa tay gát bút. Thế nhưng khi liên lạc với Thiếu Tá Trương Văn Điền (TT TVĐ) là một cấp chỉ huy của Ngụy tui ngày trước mà Ngụy tui hết lòng kính nể thì đã có phần thay đổi. Trong email Đông Phương (danh hiệu truyền tin của TT TVĐ) đã mong muốn được đọc những bài viết của Ngụy tui để xét lại quan điểm của Đông Phương và những anh em từng sống chết bên nhau như thế nào. Sau khi đọc nhiều bài viết của Ngụy tui thì Đông Phương bảo rằng nếu như Đông Phương vẫn còn là cấp chỉ huy của Ngụy tui thì Đông Phương sẽ ra lệnh cho Ngụy tui viết tiếp. Mà Ngụy tui thì lúc nào cũng coi Đông Phương như là cấp chỉ huy của mình dù cuộc đời có ra sao. Cho nên Ngụy tui trở lại viết lai rai nhưng không nhiều như ngày xưa nữa và cuộc đời lại đưa đẩy cho Ngụy tui khi đọc những bài viết tranh cãi chung quanh trận đánh đồi Phượng Hoàng. Viết lại, mà lại viết về chuyện lính tráng là điều mà Ngụy tui không muốn. Bởi vì khi viết chiến sử hay tường thuật lại những trận đánh phải để cái tôi của mình lại đằng sau. Phải quên tình bằng hữu. Bỏ qua lòng tự hào của cá nhân, của đơn vị, và niềm kiêu hãnh của binh chủng. Phải viết bằng lòng trung thực và lương thiện như Đại Tá KB Hà Mai Việt, tác giả quyển sách đồ sộ Thép và Máu, luôn ân cần khuyến khích và nhắc nhở. Vì danh dự của binh chủng và những KB anh hùng của Chi Đoàn 2/19TK đã anh dũng đền nợ nước tại mặt trận Khánh Dương nên Ngụy tui lại viết bài Khánh Dương, Trận Chiến Ngậm Ngùi. Rồi lại lang thang tìm đọc những bài viết liên quan đến trận chiến tại Khánh Dương. Có hai bài : một của Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang với Hồi Ức Trận Phan Rang và một của Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng trong bài Thiên Thần Mũ Đỏ Ai Còn Ai Mất. Định viết tiếp bài Thiên Thần Mũ Đỏ, Ai Đúng, Ai Sai nhưng bây giờ đọc bài Chiến Thắng An Lộc Năm 1972 do Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh chủ biên lại thấy cần phải viết một cái gì để trả lại Danh Dự cho Tướng Trần Quang Khôi, LĐ3KB và LLXKQĐ III. Bởi có nhiều người từng đảm trách những trách vụ cao nhưng vì cảm tình hay vì một lý do nào đó mà đã bẻ cong ngòi bút, ngụy biện, để bào chữa cho những sai lầm của Tướng Tư lệnh QĐ III và QK III .

Đọc phần trích dẫn trên ta nhận thấy điều gì? Tác giả Trung tá Nguyễn Ngọc Ánh xuất thân khóa 16 Võ Bị Đà Lạt (VBĐL). Là một khóa đầu tiên được huấn luyện trong chương trình 4 năm. Theo như nhà văn Phan Nhật Nam thuộc khóa đàn em thì Khóa 16 VBĐL đã tạo nên một thế hệ chỉ huy tài năng và đầy lòng yêu nước. Những sĩ quan tiêu biểu xuất thân từ khóa 16VBĐL, Nhảy Dù thì có Trung Tá Bùi Quyền , Trung Tá Trần Đăng Khoa… TQLC thì những Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Đổ Hữu Tùng, Nguyễn Năng Tống … , BB thì có Trung Tá Nguyễn Hữu Thông… họ là ai ? Là những Lữ Đoàn Trưởng, những Trung Đoàn Trưởng xuất sắc của QLVNCH. Trung Tá Ánh xuất thân từ một khóa nổi tiếng hẵn nhiên ông cũng là một sĩ quan đầy kinh nghiệm và có tài thao lược. Trong thời gian trận An Lộc thì Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh là Phụ Tá HQ Tư Lệnh QĐ III kiêm phát ngôn viên của Quân Đoàn. Với một chức vụ quan trọng như trên hẵn nhiên Trung Tá Ánh phải có một cái nhìn, một nhận thức đúng đắn về những gì xảy ra tại chiến trường thuộc phạm vi Quân Đoàn III (QĐ III). Ông bảo rằng chiến thắng An Lộc tượng hình từ năm 1971 sau những cuộc hành quân Toàn Thắng do Đại Tướng Đỗ Cao Trí chỉ huy. Tượng hình như thế nào thì ông không giải thích. Rất khó hiểu. Đọc tiếp thì ông cho rằng Trung Tướng Nguyễn Văn Minh được TT Thiệu chỉ định thay thế Đại Tướng Đỗ Cao Trí đền nợ nước trong tai nạn trực thăng và Tướng Minh không còn lựa chọn nào khác nên phải rút quân về nước để bảo toàn lực lượng.

Tới đây xin được dài dòng một chút. Từng là Tư lệnh SĐ 21BB đã lập nên nhiều “công trận” nên thăng cấp Trung Tướng và đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô. Tướng Minh được Phó Tổng Thống Trần Văn Hương đề cử làm Tư Lệnh QĐ III và QK III. Ngoài Tướng Minh. PTT Hương cũng đề cử Thiếu Tướng Phạm Văn Phú làm Tư lệnh QĐ II và QK II. Ngụy tui rất không thích PTT Hương từ thời còn đi học. Ngụy tui đã theo thầy (dạy học) trong nhóm liên trường đi ủng hộ và cổ động cho Liên Danh 5 Trần Văn Hương (TVH) và Mai Thọ Truyền (MTT) trong cuộc chạy đua vào Dinh Độc Lập năm 1967. Thuở đó còn đi học ngây thơ chưa biết gì về chính trị nhưng nể lời thầy nên đã hết mình làm việc không lương cho Liên Danh TVH và MTT để chống lại Liên Danh Quân Đội Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ. Dù Liên Danh 5 thất cử nhưng Ngụy tui đã có một số hiểu biết và kiến thức về những gì đã xảy ra cho Quốc gia thời buổi đó. Ghét độc tài quân phiệt, cho nên Ngụy tui luôn có mặt trong đoàn biểu tình của sinh viên chống chính quyền thời đó. Khi Trần Văn Hương nhận lời làm Thủ Tướng cho TT Thiệu thì chúng tôi hết sức ngỡ ngàng. Ông đã phản bội lại nguyên tắc đoàn thể đã ủng hộ ông trong kỳ tranh cử Tổng Thống. Và năm 1971 đã đứng phó cho TT Thiệu. Từ đấy Ngụy tui đã không còn thiện cảm với PTT TVH. Không còn thiện cảm nhưng không ghét. Cho đến khi vào lính qua hai sự việc khiến từ không thiện cảm trở thành ghét cay ghét đắng. Những khi ông về thăm Vĩnh Long khoảng năm 1974 thì Ngụy tui có đi đón ông. Từ trực thăng bước xuống phải có quân cảnh xốc nách hình ảnh đó bệ rạc quá chừng. Một người già bệnh hoạn như thế còn làm việc gì được nữa mà không chịu lui về vườn. Cũng khoảng cuối năm 1974 không nhớ tháng trong cuộc hành quân vào quê ông ở Vĩnh Long thì một ông Tiểu Đoàn Trưởng (TĐT) thuộc Sư Đoàn 7 BB thấy vài chậu kiểng đẹp vì là vùng xôi đậu nên Ông TĐT nhờ Đại úy Ngà Chi Đoàn Trưởng CĐ 3/6TK chở dùm. Hai ông đâu biết những chậu kiểng đó của gia đình PTT Hương và cuối cùng Thiếu Tướng NKN đã đích thân đem Quân Cảnh Tư Pháp còng tay hai vị SQ. Không chứng kiến nhưng nghe nói. Tha hồ mà chửi thề. Đọc hồi ký Đất Nước Tôi của Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn (NBC) kể chuyện thời đảo chánh Tổng Thống N Đ Diệm, Đại Tá Trần Thiện Khiêm yêu cầu Phó Tỉnh Trưởng NBC tạm giữ đoàn quân Nhảy Dù mà không tước súng vì sợ xúc phạm đến Danh Dự, niềm tự hào, sự dũng cảm của các chiến binh Nhảy Dù. Qua những sự việc trên Ngụy tôi rất chán PTT Hương. Dưới mắt Ngụy tôi PTT Hương chỉ là một anh già ngụy quân tử ham danh ham lợi sẵn sàng làm bất cứ điều gì kể cả phản bội lại những nguyên tắc mà chính ông đã cam kết (Đọc hồi ký Võ Long Triều để tham khảo thêm về PTT TVH). Ông biết gì về quân đội mà ông đề cử người nắm trọng trách của một Quân Đoàn. Ông đâu biết rõ khả năng tư cách của họ mà ông đề cử. Và chính vì sự đề cử của ông đã đặt TT Thiệu vào thể khó từ chối và chúng ta đã biết hậu quả của sự đề cử là QĐ II và QĐ III đã lâm vào tình trạng bi đát với hằng trăm ngàn Quân Dân Cán Chính VNCH đã nằm xuống vì những quyết định sai lầm của Tướng QD.

Trung Tá Ánh đã không giải thích tại sao chiến thắng An Lộc 72 tượng hình từ những cuộc hành quân Toàn Thắng trong năm 1971. Nhưng ông cho rằng vì ở vào thế chẳng đặng đừng cho nên Tướng Minh buộc lòng phải rút quân về nước để bảo toàn lực lượng. Trời hỡi trời, một Trung Tá xuất thân từ một khóa Võ Bị ĐL toàn là hảo hán mà có một nhận định trời ơi đất hỡi như thế nầy thì còn gì là mặt mũi những hào kiệt xuất thân từ khóa 16 VBĐL. Ngụy tui nín cười không được. Ngụy tui là tay hippy trốn lính bằng cách chui vào Đại Học Khoa Học SG tối ngày miệt mài những bài Toán và Vật Lý. Cho nên khi vào lính cũng có được cái văn bằng lận lưng và cũng chính vì thế mà Ngụy tui đâm ra coi thường mấy quan xuất thân từ Võ Bị Đà Lạt, coi thường luôn những bài học từ quân trường. Ra trường Sĩ Quan Bộ Binh hạng gần chót. May mà bị cua kẹp nên về binh chủng Thiết Giáp (TG). Ngụy tui lại không thích lính tàu bò nên miễn cưỡng trình diện quân trường TG. Tại quân trường TG, Ngụy tui rất lè phè, hay trốn học đi nhậu hay tình nguyện đi kiểm thực để khỏi phải đi học. Chỉ mỗi lần duy nhất trong bài học bắn gián xạ CX M48A3 thì huấn luyện viên vũ khi dạy hoài mà chả thằng nào chịu hiểu. Ngụy tui hứng sảng bèn tình nguyện lên hướng dẫn. Bằng kiến thức về Toán về Vật Lý từ Đại Học Khoa Học, Ngụy tui hướng dẫn bạn bè bắn theo cách thức của Ngụy tui và được hoan nghênh nhiệt liệt. Ra trường cũng gần hạng chót, ra đơn vị nhằm lúc đơn vị đang dưỡng quân nên Chi Đoàn Trưởng (CĐT) hay tổ chức nhậu nhẹt. Trong những bữa rượu đó CĐT hỏi bài thì Ngụy tui trớt quớt. Hỏi hành quân vượt lầy thì “than ôi nước mắm mặn mà không tiền mua dấm”. Bù trất! Bởi vì hôm đi học bài vượt lầy tại Suối Tiên thì Ngụy tui dù về SG lang thang với đào nên ngọng. CĐT não nề thế sự. Thế thì đánh đấm làm sao đây. Thế nhưng đời sống quân ngũ, tinh thần chiến đấu và tinh thần đồng đội đã thay đổi nhận thức và cuộc đời của Ngụy tui. Chỉ cần nhìn một lần và những gì học ở Đại Học Khoa Học một lần nữa đã giúp Ngụy tui giải quyết bài toán sình lầy dễ dàng. Không những vượt lầy mà Ngụy tui đã có thời vượt sông tại quận Ngã Năm. Nơi có 5 nhánh sông lớn đổ vào rất nguy hiểm. Trái với nhận thức ngày xưa coi thường những bài học về quân sự. Bây giờ Ngụy tui ước ao được thụ huấn tại những quân trường nổi tiếng như Fort Knox, như trường tham mưu Fort Leavenworth và lúc đó thì Ngụy tui mới có thể bắt đầu viết chiến sử với cái nhìn và nhận thức đúng đắn được.

Khác với Ngụy tui, với cấp bậc và chức vụ đó Trung Tá Ánh đã được huấn luyện qua các khóa tham mưu trung cấp và cao cấp hẳn nhiên là ông phải có một nhận định đúng đắn cớ sao ông lại làm cho độc giả là Ngụy tui phải tức cười. Ông bảo rằng Tướng Minh không còn chọn lựa nào khác ngoài chuyện rút quân về nước để bảo toàn lực lượng. Muốn bênh vực cho sếp thì Trung Tá Ánh cần phải tìm một nguyên do nào khác dễ chấp nhận hơn, chứ nói lấy được thì làm sao tui nín cười cho được. Theo Ngụy tui, Tướng Minh có rất nhiều chọn lựa. Chọn lựa dễ nhất là tiếp tục kế hoạch của Đại Tướng Trí. Nghĩa là cho một Sư Đoàn cơ hữu của QĐ III trực thăng vận vào Katié, xong điều động Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III và hai Chiến Đoàn 5 và 333 BĐQ tấn công vào Katié. Xong theo quốc lộ 7 rút về Snoul đang có Chiến Đoàn 8 BB/SD5 BB đang nằm tại đó tiếp trợ. Theo DT Khôi đây là một tuyệt tác phẩm của Đại Tướng Trí. Nó hay ở chỗ rất giản dị nhưng đầy tính sáng tạo tận dụng tối đa sức mạnh và tính di động nhanh của Lữ Đoàn 3 KB làm lực lượng xung kích. Tất cả các Tư Lệnh chiến đoàn đều hiểu cặn kẽ kế hoạch và đã thực hiện hoàn hảo kế hoạch trong giai đoạn đầu. Những Chiến Đoàn Trưởng chưa ai là tướng vậy thì Tướng Minh bắt buộc hiểu kế hoạch hành quân của Tướng Trí. Điều cần làm là Tướng Minh phải tới ngay trận địa, họp với những Chiến Đoàn Trưởng để hiểu tình hình địch, bạn và những nhu cần cần thiết cho cuộc hành quân, để phát họa hoặc thay đổi kế hoạch (nếu muốn). Tướng Minh không làm thế. Gần 1 tuần lễ án binh bất động không họp hành, không lệnh lạc đã là nguyên nhân tạo ra những khó khăn sau nầy. Một tuần lễ chết người. Các đơn vị dậm chân tại chỗ. Một tuần lễ chờ đợi trong nổi lo âu tột cùng của các Chiến Đoàn Trưởng. Không lệnh lạc, không kế hoạch. Chỉ với thời gian đó Bộ Chỉ Huy Cộng Sản Bắc Việt xâm lược (CSBVXL) phục hồi, tổ chức lại và điều động hai Công Trường 7 và 9 CSBV bao vây 3 Chiến Đoàn đang ngơ ngác lạc lỏng. Tướng Minh hoàn toàn im lặng. Cái im lặng đáng sợ. Im lặng vì tiến thoái lưỡng nan? Vì không hiểu kế hoạch? Vì nỗi sợ hãi hay vì mặc cảm thiếu khả năng? Dù là gì đi nữa một tuần lễ trôi qua đã là nguyên nhân cho bao điều bi đát. Cuối cùng Tướng Minh ra lệnh rút lui. Trong binh pháp hành quân rút lui hay danh từ thời đó gọi là di tản chiến thuật là một cuộc hành quân khó khăn nhất. Trong lịch sử lui quân của các quân đội trên thế giới rất ít cuộc lui quân thành công. Như thế bảo rằng “lui quân để bảo toàn lực lượng” của Trung Tá Ánh là một sự ngụy biện quá trắng trợn không thể chấp nhận được. Lui binh vào lúc đã bị hai Công Trường và một trung đoàn đặc công CSBVXL bao vây thì kết quả đã thấy trước mắt là từ chết tới bị thương. Đúng như thế khi ban lệnh lui binh ngày đầu tiên Tướng Minh cho rút Chiến Đoàn 5 Biệt Động Quân (CĐ5BĐQ) do Đại Tá Nguyễn Văn Đương chỉ huy từ Chlong về Bắc Dambe. CĐ5BĐQ bị chận đánh may nhờ Đại Tá Khôi cho Chiến đoàn 315 KB (CĐ315KB) do Trung Tá KB Nguyễn Văn Đồng chỉ huy tiếp cứu nên CĐ5BĐQ thoát hiểm về tới Dambe. Sau đó Quân CSBV bao vây CĐ5BĐQ và LLXKQĐIII cùng lúc phục binh đầy dẫy cắt đứt trục rút quân của QĐ III tại phía Nam Dambe và như thế CSBV đã tách rời chiến đoàn 333 BĐQ (CĐ333BĐQ) do Đại Tá Phạm Văn Phúc chỉ huy và LLXKQĐIII bằng chiến thuật bao vây chia cắt nên các đơn vị QĐIII đã không thể yểm trợ hỗ tương lẫn nhau. Vài ngày sau Tướng Minh từ trực thăng điều động cuộc rút lui. Từ Bắc Dambe CĐ5BĐQ và LLXKQĐIII rút về Nam Dambe. Trong khi đó CĐ333BĐQ từ Nam Dambe làm lực lượng tiếp trợ các đơn vị triệt thoái. Vì không có lệnh của QĐIII cho nên khi CĐ5BDQ bị chặn đánh thì LLXKQĐIII không biết phải làm gì để tiếp cứu. Cuối cùng hai chiến đoàn 5 và 333 BĐQ bị tổn thất nặng nề mà không thoát ra được. Đành co cụm lại dùng đèn pin để tải thương. Qua hôm sau Tướng Minh cho lệnh rút lần nữa. Nhưng lần nầy có 2 box B52 lúc 6:00 và 8:00 sáng. Sau đó rút ra theo đường xưa lối cũ và bị thiệt hại nặng nề mà vẫn không thoát ra được. Lần nầy Đại Tá Khôi đã phá bỏ nguyên tắc ban đêm cho M113 mở đèn bung đi tìm các thương binh tử sĩ BĐQ để tải thương suốt đêm. Tướng Minh điều động cuộc rút lui trên trực thăng bay thật cao chưa lần nào đáp xuống để tìm hiểu tình hình địch, bạn như thế nào. Điều quan trọng là Tướng Minh không biết điều động liên binh, hợp đồng binh chủng nói ngắn gọn là nhị thức BB/TG cho nên khi CĐ5BĐQ bị vây hãm mà không có lệnh lạc hay kế hoạch để LLXKQĐIII tiếp ứng. Lần thứ ba kế hoạch cũng với hai Box B52 rồi các đơn vị được lệnh Tướng Minh rút ra như hai lần trước. Lần nầy Đại Tá Khôi đánh điện xin Tướng Minh trao toàn quyền cho Tướng Khôi điều động chỉ huy rút lui. Không còn cách nào khác Tướng Minh chấp thuận với ý nghĩ nếu thành công thì Tướng Minh hưởng, thất bại Đại Tá Khôi là vật tế thần. Đại Tá Khôi biết thế nhưng vì tính mạng binh sĩ và sự an nguy của các đơn vị ông can đảm nhận trách nhiệm. Ông thay đổi cách tổ chức sáp nhập CĐ5BĐQ vào LLXKQĐIII. Sau 2 Box B52 chấm dứt lúc 8:00 sáng. Lập tức Đại tá Khôi cho Chiến Đoàn 318 KB (CĐ318) do Trung Tá KB Thái Minh Sơn chỉ huy theo đường cũ thoát đi và CĐ333BĐQ dụ địch tại miếu thổ thần ở hướng Nam Dambe. Quân CSBV cứ tưởng như hai lần đầu nên tập trung tất cả hỏa lực pháo binh 130 ly, 122 ly, 107 ly quyết ngăn chận không cho đoàn quân QĐIII rút lui. Ngay lập tức Đại Tá Khôi điều động Chi Đoàn 1/15 CX M41 mở đường mới về hướng Đông. Bằng tất cả sức mạnh và tốc độ tối đa mở một con đường máu xuyên rừng. Với quyết tâm và ý chí CĐ1/15 CX đã như con mãnh hổ gầm thét trong rừng không một sức mạnh nào cản nổi. Chiến Đoàn 315 KB mang BĐQ tùng thiết trên lưng theo sát. Khi CĐ315KB đã thoát đi thì CĐ318KB cũng mang BĐQ trên lưng quay đầu theo dấu xích của CĐ315KB bén gót. Đến 2:00 giờ trưa thì CĐ315KB đã tiếp cận với CĐ333BĐQ đang cầm chân CSBV tại miếu thổ thần. Đại Tá Khôi ra lệnh cho CĐ315KB tấn công vào quân CSBV. Hai bên đánh cận chiến dữ dội. Đại đội vận tải võ trang Hoa Kỳ yểm trợ thật hữu hiệu. Từng loạt hỏa tiễn đã đổ lên đầu quân CSBV xâm lược. Sau bao nhiêu ngày bị bao vây thiệt hại trầm trọng. Giờ đây các chiến sĩ thuộc LLXKQĐIII đã tác chiến dũng mãnh. Chỉ có mỗi con đường là phải chiến thắng để trở về quê hương trong vinh quang hay là tan hàng bỏ xác nơi xứ Miên. Thiết xa chỉ huy M113 của Đại Tá Khôi bị trúng đạn SKZ 75 nhưng ĐT Khôi vô sự tiếp tục chỉ huy cuộc chiến đấu. Đến 4:00 thì quân CS tan hàng bỏ chạy tán loạn trước hỏa lực hùng hậu của LLXKQĐIII. Bắt tay với CĐ333BĐQ đang nằm tại phía Nam miếu thổ thần. Trước mắt không còn chướng ngại LLXKQĐIII và Chiến Đoàn 333 BĐQ đã rút về nước trong vinh quang bằng trận chiến đẩm máu. Mang theo tất cả chiến cụ cùng các thương binh tử sĩ. Chấm dứt ý đồ bao vây tiêu diệt LLQĐIII của 2 Công Trường 7 và 9 CSBV xâm lược.

Bây giờ thử bàn xem tại sao Tướng Minh thất bại trong việc điều động rút lui. Tướng Minh không hề đáp xuống chiến trường để họp cùng các chiến đoàn trưởng. Không nắm vững tình hình địch, bạn. Thiếu khả năng điều động hợp đồng binh chủng cho nên các chiến đoàn không hổ tương yểm trợ lẫn nhau. Và 1 tuần lễ chần chờ quá tai hại. Đặc biệt là kế hoạch rút lui không có NGHI BINH. Quá đơn giản như những bài học rút lui trong quân trường. Đơn giản như cái tên Minh Đờn của Tướng Minh. Tướng Minh chỉ có khả năng chỉ huy cấp Sư Đoàn (SĐ) mà SĐ ở Quân Đoàn IV nơi những trận chiến ít khi điều động cấp Sư Đoàn. Tại sao Đại Tá Khôi lại thành công ? Đại Tá Khôi đã biểu lộ một tinh thần trách nhiệm cùng sống chết với ba quân tướng sĩ. ĐT Khôi đã từ chối bước lên trực thăng của Đại Đội Vận Tải HK đế thoát ra khỏi mặt trận. Khi thiết xa M113 chỉ huy bị SKZ 75 ly bắn trúng. Đại Tá Khôi không hề sợ hãi để bỏ đoàn quân rút lui. Trái lại ông rất bình tĩnh ở lại chiến đấu cùng LLXKQĐIII. Đại Tá Khôi đã sáp nhập CĐ5BĐQ vào LLXKQĐIII dùng NGHI BINH cho CĐ318KB giả bộ rút quân đường cũ để thu hút hỏa lực của địch và CĐ333BĐQ nhử địch tại phía Nam để cầm chân toàn bộ 7 Trung Đoàn CSBV xâm lược. Cho CĐ315KB mang hết BĐQ trên lưng dùng tốc độ để xuyên thủng rừng mở đường máu tấn công dũng mãnh vào đơn vị CQ đang chận bít đường về và bắt tay cùng CĐ333BĐQ. Kế hoạch hành quân rất đơn giản. Dùng Nghi Binh cầm chân quân địch để CĐ315KB thoát đi sau đó điều động nhị thức BB và TG để đánh tan 7 trung đoàn CSBV. Tướng Minh đã mắc phải sai lầm. Nếu Tướng Minh theo đúng kế hoạch của ĐT Trí là điều động SĐ18BB hay SĐ25BB trực thăng vận lên Kratié cùng lúc cho LLXKQĐIII và 2 CĐ 5 và 333 BĐQ từ Chlong đánh lên Kratié phối hợp cùng SĐ BB đã được trực thăng vận. Sau đó rút theo QL 7 về Snoul đang có Chiến Đoàn 8 BB đang chờ tiếp trợ. Còn nếu Tướng Minh muốn rút lui thì vẫn cho LLXKQĐIII và 2 CĐ 5 và 333 BĐQ tiến lên Kratié và rút về Snoul. Địch quân đã bị tán loạn trong giai đoạn 1 cho nên cuộc rút quân rất nhiều hy vọng thành công. Nếu muốn rút lui theo đường của ông thì Tướng Minh phải đáp xuống mặt trận họp cùng các chiến đoàn trưởng nâng cao tinh thần của binh sĩ. Giao hẳn cho Đại Tá Khôi, người có nhiều kinh nghiệm về hợp đồng binh chủng, chỉ huy LLXKQĐIII và CĐ5BĐQ. Dùng nghi binh để rút lui và như thế đã tiết kiệm được xương máu của rất nhiều chiến sĩ phải bỏ mạng vì những sai lầm hết sức căn bản mà một Tướng Quân Đoàn không được phép mắc phải.

Một điều nữa mà Ngụy tui không đồng ý cùng Trung Tá Ánh. TT Ánh cho rằng nhờ cuộc lui binh đó mà một năm sau Quân Đoàn III có đủ quân diện địa để chống lại cuộc tấn công vào An Lộc của CSBV XL. Đây là một nhận định hết sức ngu ngơ của một ông Trung Tá phụ tá HQ Tư Lệnh QĐ III. Tại sao QLVNCH phải hành quân tấn công qua Kampuchea? Rất đơn giản một người lính trình độ ABC như Ngụy tui cũng thấy rõ chứ đừng nói đến ông Trung Tá xuất thân từ khóa 16 VBĐL danh tiếng. Quân CSBV đã lợi dụng tính trung lập và tinh thần thiên cộng của Sihanouk, quốc vương Kampuchea, nên đã đưa nhiều quân trang, quân dụng, vũ khí vào Sihanoukville. Theo tin tình báo của Mỹ thì số lượng tiếp liệu đưa vào ngả Sihanoukville nhiều gấp mấy lần đưa vào qua ngả vĩ tuyến 17. Thiết lập những căn cứ tiếp liệu hùng hậu trên đất Kampuchea an toàn và khi tập trung quân đầy đủ vượt biên giới Việt Miên tấn công vào các đơn vị QLVNCH xong rút về Kampuchea bổ xung huấn luyện và tiếp tục vượt biên tấn công. Bao nhiêu lần chúng ta bất lực nhìn bọn CSBV chạy qua Miên trú ẩn. QLVNCH đã mất hẳn thế chủ động mỗi lần bị tấn công là mỗi lần thiệt hại. Binh pháp có nói tấn công là thế phòng thủ vững chắc nhất. Chính TT Nixon đã ra lệnh cho quân đội Hoa Kỳ bí mật tấn công oanh kích các khu hậu cần của CSBV trên đất Miên. Cho đến khi Quốc Vương Sihanouk bị lật đổ thì từ QK IV đến QK III đã tung nhiều cuộc hành quân Cửu Long, Toàn Thắng qua đất Miên đã phá hủy không biết bao nhiêu căn cứ hậu cần của địch và đất Miên không còn là an toàn khu của bọn CSBV xâm lược, cả cái chính phủ bù nhìn của MTGPMN phải chạy trốn như bọn chuột nhắt. Cho nên thời điểm từ 1969 đến 1971 Đại Tướng Trí đã đưa chiến tranh ra khỏi QĐ III. Săn đuổi các Sư Đoàn CSBV trên đất Miên dành thế chủ động trên chiến trường. Trong lãnh thổ QK III chiến dịch bình định nông thôn thành công mỹ mãn. Tướng Minh vì thiếu khả năng chỉ huy. Không có cái nhìn chiến lược, thiếu can đảm đã rút toàn bộ về diện địa tức là trải mỏng quân phòng thủ và khi địch được tiếp vận tiếp liệu đầy đủ bổ sung đầy đủ quân số hơn 4 sư đoàn vượt biên giới tấn công Lộc Ninh. Khi Lộc Ninh thất thủ thì An Lộc đà trở thành điểm nóng. Tướng Minh mắc phải sai lầm là giải tán LLXKQĐIII cho nên khi An Lộc bị tấn công thì không còn quân trừ bị để tung ra ứng phó, phải cầu viện QĐ IV gửi toàn bộ SĐ 21BB và Trung Đoàn 15BB/SĐ9BB lên tiếp ứng. LLXKQĐIII có sức mạnh tương đương như một Sư Đoàn Thiết Giáp với tính di động nhanh và hỏa lực hùng hậu trong quá khứ đã từng tiếp cứu nhiều đơn vị BB không bị tràn ngập, đã giải tỏa nhiều tiền đồn mà lừng lẫy nhất là trận giải vây căn cứ Đức Huệ do TĐ 83 BĐQ biên phòng trú đóng. Chỉ trong một ngày đã đánh tan tác CT 5 CSBV. Một chiến công vô cùng hiển hách trong dòng chiến sử oai hùng của QLVNCH.

Ngụy tui là một người lính bất đắc dĩ, một kỵ binh thừa thải của binh chủng TG. Không có ý niệm bảo quốc an dân. Khi đáo nhậm đơn vị với kiến thức quân sự là con số không. Nhưng Đông Phương Thiếu Tá Trương Văn Điền và Tư Tưởng Đại Úy Nghê Thành Thân đã nêu gương, đã huấn luyện, đã hướng dẫn Ngụy tui trở thành một người lính thuần túy của QLVNCH và là một Kỵ Binh đúng nghĩa cho binh chủng Thiết Giáp, có tinh thần đồng đội, biết hy sinh cho chính nghĩa cùng với ý thức Tổ Quốc Danh Dự Trách Nhiệm và nhất là có đủ kiến thức quân sự để viết những bài vinh danh những chiến sĩ can trường của QLVNCH. Ngụy tui vẫn nhớ mãi khi Chi Đoàn 3/2 Thiết Kỵ thuộc Thiết Đoàn 2 KB và một Tiểu Đoàn BĐQ đi giải tỏa cho lực lượng QĐ IV đang bị bao vây tại Kompong Trạch mùa hè đỏ lửa. Sau bao ngày đêm chiến đấu và thiệt hại. Còn một dãy chốt kiềng đã ngăn không cho CĐ3/2Thiết Kỵ bắt tay cùng lực lượng QĐ IV nhiều ngày. Đông Phương đã tập hợp Chi Đoàn ban quân lệnh tấn công bằng mọi giá. Kể cả giá phải chết. Chính Đông Phương đã dẫn đầu mũi xung kích sau khi nhắn nhủ nếu như Đông Phương có tử trận thì xin đem xác về cho vợ con. Xong lên ngựa bằng quyết tâm và sức mạnh và lòng hy sinh vô bờ bến. Chi Đoàn đã xuyên thủng dãy chốt kiềng và bắt tay cùng LL QĐ IV. Giữa khói súng mịt mùng Đông Phương đã khoan thai bước xuống bắt tay cùng Tư Lệnh Lực Lượng QĐ IV. Ngụy tui không bao giờ quên được hình ảnh hào hùng đó. Ngụy tui còn sống đến ngày hôm nay là nhờ vào tài thao lược, sự cân nhắc kỷ lưỡng, lòng quý trọng tính mạng binh sĩ của Đông Phương qua câu nói: “Không có chiến thắng nào to lớn hơn mạng người đau thương”.

Từ Thiếu Tá KB Trương Văn Điền đến Chuẩn Tướng KB Trần Quang Khôi đã thể hiện được chân dung những Kỵ Binh trong thời tao loạn. Lòng yêu nước. Tình huynh đệ chi binh đã phát huy tối đa trong đơn vị. Tổ Quốc Danh Dự Trách Nhiệm đã được chu toàn dù rằng QLVNCH đã bị bức tử. Chúng ta luôn tri ơn những Kỵ Binh xưa, những người con yêu của Tổ Quốc đã sống kiêu hùng và đã anh dũng đền xong nợ nước trên khắp nẻo đường đất nước.

nguysg_sign

https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/01/10/dambe-cuoc-rut-quan-bi-hung-kb-nguy-saigon/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn