Suy Nghĩ Bên Đèn Đỏ Ở Nara ( Nguyễn Nhơn chuyển )

Thứ Sáu, 15 Tháng Bảy 20226:00 SA(Xem: 2201)
Suy Nghĩ Bên Đèn Đỏ Ở Nara ( Nguyễn Nhơn chuyển )

Hai tuần trước trên đường từ cố đô Nara về lại Kyoto, chiếc xe bus du lịch dừng trước đèn đỏ của một ngã tư. Một toán học sinh Nhật khoảng lớp sáu hay lớp bảy băng qua đường. Nhật Bản đang vào mùa hè và học sinh còn nghỉ học nhưng các em hình như đang trở về từ một sinh hoạt tập thể nên đều mặc đồng phục áo trắng quần xanh.

Đèn bắt đầu chớp. Ba em cuối cùng trong toán cố vượt theo bạn dù tiếng chuông trên trụ đèn đã báo sắp hết giờ dành cho người đi bộ. Dĩ nhiên xe bus tiếp tục dừng để các em đi qua hết. Ba em cuối cùng băng nhanh qua đường nhưng thay vì chạy theo cùng các bạn, các em dừng lại, sắp hàng ngang nghiêm chỉnh hướng về phía xe bus và cúi gập người xuống để xin lỗi và cám ơn anh tài xế.

Nhìn học sinh Nhật, người viết chợt nhớ thế hệ mình ngày xưa. Học trò miền Nam được dạy không chỉ cúi đầu thôi mà còn vòng tay để chào, cám ơn hay xin lỗi các bậc trưởng thượng. Trên đường, khi gặp một đám tang đi qua, chúng tôi được dạy phải đứng nghiêm trang và dở mũ xuống nếu đội mũ, cúi đầu kính tiễn biệt người quá cố cho đến khi xe tang qua hẳn mới tiếp tục đi. Khi thầy hay cô vào lớp, chúng tôi được dạy cả lớp phải đứng dậy chào và chờ cho đến khi thầy hay cô ngồi xuống, chúng tôi mới được ngồi. Khi có người lớn tuổi đến nhà, chúng tôi được dạy phải vòng tay cúi chào thưa theo đúng thứ bậc so với cha hay so với mẹ. Dù đang đi đâu, khi nghe tiếng Quốc Ca cất lên, từ một trại lính hay một công sở nào đó, chúng tôi được dạy phải đứng lại nghiêm chỉnh để chào cho đến khi bài Quốc Ca chấm dứt. Mỗi sáng thứ Hai trên bảng đen trong lớp học bao giờ cũng bắt đầu bằng một câu châm ngôn đầu tuần thắm đậm tình dân tộc như "uống nước nhớ nguồn", "ăn trái nhớ kẻ trồng cây" hay tương tự và chúng tôi được dạy phải dành vài phút đầu tuần để học về ý nghĩa của câu châm ngôn đó. Trong giờ Công Dân Giáo Dục, chúng tôi được dạy trung thành với tổ quốc Việt Nam chứ không phải với riêng một đảng phái nào. Trên tường của trường Trần Quý Cáp ở Hội An nơi người viết học và hầu hết trường trung học, tiểu học ở miền Nam đều có hàng chữ chạy dài "Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời". Và rất nhiều lễ nghi, phép tắc đạo lý đáng quý, đáng giữ gìn khác.

Hôm trước, Nguyễn Hồng Quốc, một bạn học lớp đệ Tam (lớp 10) ở Trung Học Trần Quý Cáp kể lại trên Facebook "Qua Trần trung Đạo mình có được thông tin về thầy Phan đình Trừng sau 44 năm không gặp, thầy dạy sử và công dân mình thời trung học đệ nhị cấp,thầy có giọng nói hùng hồn đầy tự tin nghe thầy giảng bài thật thú vị... năm đệ Tam vào giờ công dân thầy kêu mình lên dò bài, thầy đặt trên bàn lá Quốc kỳ thầy bắt mình tay phải đặt lên lá cờ, tay trái đặt lên ngực đọc lời tuyên thệ "Tôi là công dân VNCH nguyện tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Xin thề. Xin thề" Mình đọc thật to và dõng dạt được thầy cho 20 điểm trên 20... Thấm thoát đã 44 năm rồi từ một đứa học trò hồn nhiên vô tư ngày nào giờ đây tóc đã hoa râm".

Câu chuyện rất bình thường của 44 năm trước nhưng kể lại cho các thế hệ hôm nay nghe giống như chuyện cổ tích.

Miền Nam phải chịu đựng chiến tranh và tàn phá nhưng vẫn cố gắng hết sức để duy trì và phát huy các giá trị nhân bản trong chừng mực còn phát huy được. Từ những hố hầm bom đạn, bông hoa tự do dân chủ vẫn cố nở ra, vẫn cố vươn lên. Nhựa nguyên nuôi dưỡng thân cây non đó là Hiến pháp VNCH.

Hiến pháp VNCH do chủ tịch Quốc hội Lập hiến Phan Khắc Sửu ký ngày 18 tháng 3 năm 1967 ghi rõ: “Ý thức rằng sau bao năm ngoại thuộc, kế đến lãnh thổ qua phân, độc tài và chiến tranh, dân tộc Việt Nam phải lãnh lấy sứ mạng lịch sử, tiếp nối ý chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để thiết lập một chánh thể cộng hoà của dân, do dân và vì dân, nhằm mục đích đoàn kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ, bảo đảm Độc lập Tự do Dân chủ trong công bằng, bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau.”

Những yếu tố nào làm cho người Nhật ngày nay đươc nhân loại khắp năm châu kính nể?

Câu trả lời dễ dàng và nhanh chóng mà ai cũng có thể đáp là nhờ nền tảng văn hóa Nhật. Thật ra câu trả lời đó chỉ đúng một phần. Nền văn hóa của một đất nước chỉ xứng đáng được kính trọng khi nền văn hóa đó không chỉ là kết tụ giá trị văn hóa riêng của dân tộc mà còn phải phù hợp với giá trị văn minh chung của thời đại.

Không ai phủ nhận Đức là quốc gia có nền văn hóa cao nhất tại Châu Âu. Trước năm 1945, Đức là một trong ba quốc gia được nhiều giải Nobel nhất. Bao nhiêu triết gia, khoa học gia, văn sĩ, thi sĩ nổi tiếng thế giới đã sinh ra ở Đức. Nhưng chế độ Quốc Xã Hitler do chính nhân dân Đức bầu lên lại là một trong vài kẻ giết người tàn bạo nhất trong lịch sử loài người và chà đạp lên mọi giá trị văn minh của nhân loại.

Nhật Bản trước năm 1945 cũng vậy. Nhật Bản có giá trị văn hóa cao, một dân tộc có kỹ luật nghiêm khắc nhưng không phải là một nước văn minh nhân bản. Bước chân của đạo quân Nhật đi qua cũng để lại những điêu tàn, thảm khốc từ Mãn Châu, sang Triều Tiên, xuống Mã Lai, Singapore, Việt Nam không khác gì vó ngựa của đạo quân Mông Cổ đi qua trong nhiều trăm năm trước. Cơ quan mật vụ Nhật tại Singapore tàn sát khoảng 50 ngàn người dân Singapore một cách không phân biệt. Chính sách đồng hóa thay tên đổi họ đối với Triều Tiên là một bằng chứng tội ác khó quên. Nạn đói tại Việt Nam năm 1945 với hàng triệu đồng bào miền Bắc chết thảm thương một phần là do chính sách ác độc tịch thu thóc để nuôi ngựa của quân đội Nhật.

Do đó, câu trả lời chính xác, chính hiến pháp dân chủ 1946 đã làm cho nước Nhật hoàn toàn thay đổi, giúp cho người Nhật biết kính trọng con người, không chỉ riêng con người Nhật như trước đây, và tôn trọng luật pháp mà chính họ đặt ra.

Phần nhập đề của Hiến Pháp 1946 khẳng định chính phủ do dân và vì dân của Nhật Bản sẽ hợp tác hòa bình với tất cả các quốc gia trên thế giới trong ánh sáng tự do dân chủ, đặt chủ quyền của nhân dân làm căn bản cho hiến pháp và kính trọng sâu sắc của Nhât về quyền của con người được sống trong tự do và không sợ hãi. Tóm lại, cơ chế chính trị thời đại chuyên chở trong Hiến Pháp Nhật 1946 hội nhập hài hòa với văn hóa Nhật và làm cho dân tộc Nhật khác đi trong nhãn quan thế giới.

Việt Nam cần thay đổi gì?

Con thuyền Việt Nam đang phải chở một cơ chế chính trị độc tài, lạc hậu về mọi mặt so với đà tiến của văn minh nhân loại, một nền giáo dục hủy diệt mọi khả năng sáng tạo, một xã hội tham nhũng thối nát trong đó giới lãnh đạo thờ ơ trước đòi hỏi bức thiết của nhân dân và nhân dân không có niềm tin nơi giới lãnh đạo.

Việt Nam cần thay đổi. Ai cũng có thể đồng ý như vậy, nhưng thay đổi gì trước? Đổi mới kinh tế? Cải cách giáo dục? Chống tham nhũng? Nới lỏng chính trị? Không. Một mảnh ván, một lớp sơn không làm chiếc thuyền chạy nhanh hơn.

Như người viết đã viết trong bài trước, những hiện tượng bất nhân, độc ác giữa người và người đang thấy tại Việt Nam chỉ là quả chứ không phải là cây và do đó hái dăm trái thối hay thậm chí hái hết trái trên cây đi nữa sang mùa khác chúng sẽ được sinh ra. Tội ác sẽ không bao giờ xóa được khi các nguyên nhân gây ra tội ác vẫn còn tồn tại.

Và nguyên nhân chính của mọi thảm trạng trên đất nước ngày nay là cơ chế độc tài CS. Do đó, thay đổi mà Việt Nam cần là thay đổi cơ chế CS đang thống trị Việt Nam bằng một chế độ tự do dân chủ làm tiền đề cho công cuộc phục hưng toàn diện Việt Nam.

Trần Trung Đạo

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn