Nhớ thế hệ ngày xưa !

Thứ Năm, 14 Tháng Bảy 20223:56 CH(Xem: 3080)
Nhớ thế hệ ngày xưa !

ll_03

Mặc dù Miền Nam phải chịu đựng chiến tranh và tàn phá, nhưng vẫn cố gắng duy trì và phát huy các giá trị nhân bản, trong chừng mực còn phát huy được.

Học sinh được học những bài công dân giáo dục đầu tiên và chúng đã ăn sâu mãi vào tiềm thức. Đủ biết các cụ nói uốn cây khi chúng còn non là đúng. Tuổi ngây thơ coi những lời thầy cô là khuôn vàng thước ngọc:

- Không phá của công.

- Không xả rác ngoài đường.

- Phải nhường ghế cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai trên xe buýt.

- Phải dắt em bé hay cụ già qua đường.

- Không gian lận. Nói dối là xấu xa…

Mặc dù chiến tranh, nhưng họ không dạy bọn trẻ căm thù, giết chóc, đấu tố...Những bài học thuộc lòng rất giản dị dễ nhớ:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

ll_01

Học trò miền Nam được dạy không chỉ cúi đầu thôi mà còn vòng tay để chào, cám ơn hay xin lỗi các bậc trưởng thượng. Trên đường, khi gặp một đám tang đi qua, họ được dạy phải đứng nghiêm trang và dở mũ xuống nếu đội mũ, cúi đầu kính tiễn biệt người quá cố cho đến khi xe tang qua hẳn mới tiếp tục đi. Khi thầy hay cô vào lớp, cả lớp phải đứng dậy chào và chờ cho đến khi thầy hay cô ngồi xuống mới được ngồi.

Khi có người lớn tuổi đến nhà, họ được dạy phải vòng tay cúi chào thưa theo đúng thứ bậc so với cha hay so với mẹ. Dù đang đi đâu, khi nghe tiếng Quốc Ca cất lên, từ một trại lính hay một công sở nào đó, phải đứng lại nghiêm chỉnh để chào cho đến khi bài Quốc Ca chấm dứt.

Mỗi sáng thứ Hai trên bảng đen trong lớp học bao giờ cũng bắt đầu bằng một câu châm ngôn đầu tuần thắm đậm tình dân tộc như "uống nước nhớ nguồn", "ăn trái nhớ kẻ trồng cây" hay tương tự họ. Vài phút đầu tuần được dành để học về ý nghĩa của câu châm ngôn đó.

ll_02

Trong giờ Công Dân Giáo Dục, họ được dạy trung thành với tổ quốc Việt Nam chứ không phải với riêng một đảng phái nào. Trên tường của hầu hết trường trung học, tiểu học ở miền Nam đều có hàng chữ chạy dài "Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời." Và rất nhiều lễ nghi, phép tắc đạo lý đáng quý, đáng giữ gìn khác.

Hồi đó, thi một năm hai kỳ gọi là đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt. Đề thi hoàn toàn do giáo viên (cấp tiểu học) hay giáo sư phụ trách ra đề. Hồi đó không có nạn các giáo sư hay giáo viên kéo trò về nhà dậy kèm hay bán đề thi. Đơn giản có lẽ vì đồng lương đã đủ sống nên họ không phải bán rẻ lương tâm.

Ruộng miền Nam ngày ấy, nhiều nơi không chia bờ rõ rệt. Cây trái Lái Thiêu không vạch lối ngăn rào. Tình hàng xóm là tất cả... Khi chia rào, ngăn lối là xúc phạm. Tự người dân quê biết đâu là đất là vườn của mình. Vào vườn Lái Thiêu cứ tha hồ ăn. Chỉ khi mua về mới phải trả tiền. Ôi sao ngày ấy người ta hiếu khách, cuộc sống thanh bình và tình người đẹp đẽ thế!

LINH LÊ 14.07.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn