Mậu Thân hưu chiến

Thứ Hai, 26 Tháng Hai 20185:13 SA(Xem: 8480)
Mậu Thân hưu chiến

mau-than-huu-chien

Đứng trên đỉnh Ngô-Sơn, tôi xoay người một vòng ba trăm sáu mươi độ, nhìn bao quát vùng đồi núi dưới chân mình. Dưới kia chỉ là rừng xanh chập chùng.

Ông Lạc, thường vụ đại đội, vừa loay hoay, tay cời bếp lửa, vừa ngoạc miệng, nghêu ngao câu sấm lưu truyền từ đời tám kiếp nào đó: “Thân, Dậu niên lai… kiến thái bình…”

Tôi chợt nhớ ra, chỉ còn hai ngày nữa là bước sang năm Thân, nếu đúng như sấm truyền thì, năm mới Mậu Thân (1968) có lẽ quê hương tôi sẽ thấy thái bình?

Đêm Hai Mươi Chín tháng Chạp, ngồi buồn, tôi mở cái máy PRC 10 rà những tần số lạ. Tay tôi ngừng xoay cái núm chỉnh tần số, khi nghe trong ống liên hợp có tiếng ai đó đang réo hụt hơi:

“Hồng-Lĩnh có nghe không? Đây Sa-Thầy gọi!”

“Hồng-Lĩnh có nghe không? Đây là một đầu năm đuôi!”

“Báo cho Hồng-Lĩnh biết ‘xê’ đi đầu của tôi lạc đường rồi! Tôi không biết nó đang ở đâu! Bây giờ tôi phải làm sao đây!?”

Tôi ngẫm nghĩ, “Một (1) đầu, năm (5) đuôi là 15! Chắc Sa – Thầy là danh hiệu truyền tin của đơn vị mang số 15 nào đó!”

Tôi nghe tiếng Sa-Thầy rất rõ; chắc nó cũng ở gần đâu đây thôi!  Còn  Hồng-Lĩnh thì không nghe được. Trong máy chỉ có tiếng “xẹc! xẹc!” Hình như cái đài Hồng-Lĩnh này ở xa lắm, nên máy của tôi không bắt được sóng của nó?

Thuở ấy tôi chưa có ý niệm gì về tình báo chiến trường, chẳng biết các đài vô tuyến đang gọi nhau kia là của địch hay của ta.

“Thôi! Thây kệ họ!” Tôi gác máy, không thèm nghe tiếp nữa.

Mai là Ba Mươi Tết rồi! Ăn Tết trong rừng thì buồn, nhưng cũng may là năm nay có ba ngày hưu chiến, cũng đỡ lo! Chúng tôi nhận được lệnh, sẽ không bắn chúng nó! Việt-Cộng cũng thế, họ sẽ không bắn chúng tôi! Tôi chắc mẩm trong lòng, chắc ăn như bắp là, sẽ không có chiến tranh dịp Tết này. Có Ủy Hội Quốc Tế đứng ra bảo đảm mà! Mậu Thân sẽ là Tết hòa bình trên toàn lãnh thổ của đất nước ta!

Hôm qua, trong lúc di chuyển đổi vùng, một con hoẵng (con mễn) đã chạy đâm sầm vào đoàn quân của tôi. Vài anh lính nhào vào ôm con hoẵng tính đè nó xuống, bắt sống nó để làm thịt, nhưng không xong, con hoẵng nhảy tưng tưng rồi luồn lách trốn mất.

Cứ như tin dị đoan thì, đi rừng mà gặp con hoẵng, không bắt được nó, không giết được nó, không ăn thịt được nó, thì sẽ gặp điều không may. Nhưng tôi nghĩ chỉ còn hai ngày nữa là hết năm; năm mới sẽ thái bình; chắc cái vụ bị con hoẵng đâm vào cũng không đến nỗi nào!

Sáng sớm tinh mơ Ba Mươi tháng Chạp ông tiểu đoàn trưởng cho tôi một tin mừng:

“Sẽ có đơn vị khác tới nhận vùng trách nhiệm của cậu. Nhớ bàn giao cẩn thận! Đại đội của cậu được về giữ hậu cứ ba ngày Tết!”

Tôi thầm nhủ,

“Cứ tưởng phải đón Xuân trong rừng! Nào ngờ! Đúng là mừng hết lớn luôn!”

Một đại đội của Tiểu Đoàn 22 Biệt Động Quân tới. Công việc bàn giao suôn sẻ.

Đại đội tôi về tới hậu cứ Biển Hồ vào lúc đồng hồ tay chỉ đúng mười giờ. Bộ chỉ huy tiểu đoàn và ba đại đội kia đi đâu tôi không được thông báo.

Anh tống thư văn của tiểu đoàn chuyển cho tôi một công điện trao tay xác nhận, trong thời gian này Đại Đội 1/11 đặt dưới quyền điều động trực tiếp của liên đoàn trưởng, giữ nhiệm vụ phòng thủ doanh trại Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân và là thành phần trừ bị sau cùng của liên đoàn.

Lau súng ống xong xuôi thì có khẩu lệnh của trung tá liên đoàn trưởng cho các đơn vị trực thuộc:

“Cấm nổ súng trong thời hạn ba ngày Mùng Một, Mùng Hai và Mùng Ba Tết. Nếu vi phạm, đơn vị trưởng sẽ bị phạt nặng!”

Vừa cơm trưa xong, lại thêm lệnh mới:

“Tất cả súng ống vào kho! Ai nổ súng trong ba ngày Tết sẽ bị nghiêm trị!”

Tôi thắc mắc:

“Vậy chứ canh gác bằng gì? Chẳng lẽ gác bằng gậy, hay gác tay không?”

Lệnh bèn đổi lại:

“Chỉ có một khẩu súng tại vọng gác.”

Vậy là tôi cấp cho bốn vọng gác bốn khẩu súng.

Đại đội tôi chỉ có hai sĩ quan, mà ông đại đội phó lại bận đi phép đặc biệt thăm vợ đẻ dưới Cần Thơ. Nghe hậu cứ nói có ông chuẩn úy mới ra trường vừa về bổ sung, tôi mừng quá.

Xế trưa, ông chuẩn úy trình diện, tôi hỏi:

– Anh có thân nhân, bà con gì ở Pleiku?

-Thưa không!

-Vậy thì ở lại trong đồn, ăn Tết với anh em.

Tôi tập họp đại đội, ưu tiên cho những quân nhân có gia đình được miễn canh gác; số còn lại bốc thăm: nửa ở nhà, nửa đi chơi tới trưa Mùng Hai phải về.

Tới chiều tôi gọi ông chuẩn úy vào phòng,

-Có đi phố không? Muốn đi thì lấy xe tôi mà đi, tôi ở nhà coi đồn cho!

-Dạ không! Trung úy có đi thì đi! Tôi muốn ở nhà ngủ cho khỏe.

Chắc mẩm có người thay mình giữ đồn rồi, tôi liền leo lên xe, dông ra Pleiku.

Xe đi ngang Đồi Đức Mẹ thì bị chặn lại. Một ông đại úy cố vấn bị nổ lốp xe giữa đường, xin quá giang. Ông cho tôi biết tên ông ta là Donald Allen Evans. Ông ta mới về đáo nhậm liên đoàn. Sẵn đang rảnh rang, tôi rủ ông bạn Mỹ ghé nhà vài người quen, mời ông ăn bánh chưng, bánh tét, thịt đông, củ kiệu, dưa hành, cho biết người dân Việt mừng Xuân như thế nào. Chúng tôi đảo qua nhà thờ nghe các cô con chiên của Chúa hát thánh ca, rồi tấp vào chùa Pleiku xem Phật tử xin xăm, xổ quẻ.

mau-than-huu-chien1

Mới gặp nhau đó mà tôi và ông Donald đã thấy thân mến nhau. Nhìn thân hình ục ịch, ánh mắt thật thà, ông Donald có vẻ hơi quê mùa một chút, nhưng ông đúng là mẫu người hiền lành ra mặt. Mặt ông đầy đặn và miệng ông thì lúc nào cũng như sẵn một nụ cười.  Ông đi lính đã lâu, và lớn hơn tôi gần chục tuổi. Chúng tôi kết thành đôi bạn vong niên.

Ông Donald hứa rằng, kỳ hành quân sắp tới, ông sẽ đi theo đại đội tôi.

Đường phố lên đèn, tôi quẹo lên dốc Holloway. Tới hội quán của trại, tôi ngừng xe. Ông Donald kéo tay tôi xuống tản bộ, rồi nhờ một anh lính Mỹ lái chiếc Jeep của tôi ra bãi chứa nhiên liệu, bơm một bình xăng đầy.

Camp Holloway nằm trên cao độ hơn bảy trăm năm mươi mét, nên từ đây tôi có thể nhìn thấy một vùng rộng lớn xung quanh.

Ngay dưới chân đồi Holloway, gần hơn cả, là Khu Dưỡng Quân Trà-Bá 2, suốt ngày đêm, nhạc nổ “Xập! Xình!…”

Từ hơn năm nay, Tướng Vĩnh Lộc đã ra nghiêm lệnh cấm các quán bar hoạt động trong khu cư dân trong thành phố. Quán bar và nhà chứa gái làng chơi phục vụ quân đội Đồng Minh đã bị dời ra Trà Bá 2, tập trung thành một khu giải trí. Cũng từ đó mà những chuyện lính tráng say sưa, phá phách, đánh lộn đánh lạo đã không còn xảy ra trong phố Pleiku nữa.

Bên trái, đàng xa là phi trường Cù-Hanh lấp lánh ánh đèn. Xa về Nam là một khu hào quang rực rỡ, bao quanh chân núi Hàm Rồng, nơi đặt bản doanh của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 4 Hoa-Kỳ. Tít mù hướng Tây Bắc là Đồi Đức Mẹ. Đồi này nằm trên Ngã Tư Quốc Lộ 14 và Xa Lộ Vĩnh-Lộc, trên đỉnh đồi có tượng Đức Mẹ màu trắng. Sở dĩ tôi có thể nhận biết ngọn đồi này dễ dàng, vì cứ cách năm, mười phút, giàn đèn pha chống pháo kích lại quét một vòng bán kính bảy cây số quanh chân núi. Ánh đèn chói lóa, làm hoa mắt người nhìn. Trên đồi có mười sáu khẩu 105 ly của Mỹ, lúc nào cũng đặt trong tình trạng sẵn sàng.  Cách Đồi Đức Mẹ một bàn tay xoè về bên phải là doanh trại của đơn vị tôi, Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân, cạnh đó là khu doanh trại của Trung Tâm Huấn Luyện Trường Sơn.

Đêm Trừ Tịch, bầu trời cao nguyên một mầu tím sẫm, đầy sao. Trong tiếng gió rì rào, tôi nghe Donald khe khẽ hát:

“Twinkle, twinkle little star. How wonder I know what you are!”

(Lấp lánh, lập lòe vì sao nhỏ bé. Thật là diệu kỳ, ta biết mi là ai!)

Có lẽ ông Donald đang nhớ nhà? Tiếng hát của ông ấy nghe buồn lạ!

Ông mời tôi một điếu Pall Mall, rồi giơ tay chỉ cho tôi một ngôi sao đang lấp lánh trên vòm trời đen ngòm hướng Bắc.

– Kia là ngôi sao của tôi! Mỗi khi nhớ nhà, tôi thường ra ngoài trời đứng nhìn vì sao đó hằng giờ, tự hát “The Star” cho mình nghe, để mong vơi đi nỗi nhớ!

Tôi thắc mắc,

– Sao ông lại lựa vì sao này làm ngôi sao của riêng mình?

– Vì nó là ngôi sao sáng nhứt trên vòm trời Bắc Bán Cầu. Ngôi sao đó là nước Mỹ, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Nhìn thấy ngôi sao này, tôi cảm như đang nhìn thấy quê hương, thấy người thân.

Nghe Donald giải thích, tôi gật gù cảm thông.

Với người dân Âu Mỹ  thì  bài thơ “The Star” đã trở thành khúc  hát dân gian hàng trăm năm nay rồi. Nhưng khi hát nó lên, mỗi người lại mang một tâm trạng khác nhau.

Cái bệnh nhớ nhà, quả là một bệnh dễ lây.

Nghe ông Donald than thở nhớ quê, lòng tôi bỗng thấy nhớ mẹ. Mẹ tôi ở ngoài Hội-An. Tôi biết, Tết này, thế nào sau khi cúng Giao Thừa xong, mẹ tôi cũng mở radio chờ nghe bài “Xuân này con không về” và chắc chắn mẹ tôi sẽ khóc.

Vì nhiệm vụ, ông Donald phải xa quê hương nửa vòng trái đất; cũng vì nhiệm vụ mà tôi phải xa Hội-An một chiều dài bằng nửa nước Việt-Nam Cộng-Hòa.

Chiếc Jeep quay trở lại với bình xăng đầy. Ông Donald vào quầy rượu, ký tên mua một chai  Johnnie Walker. Ông gói nó lại cẩn thận, rồi trao nó cho tôi, cùng với câu chúc Tết bằng tiếng Việt trọ trẹ:

“Chúc mừng năm mới! Chúc Trung úy một năm mới an khang thịnh vượng!”

Tôi cười, đưa tay nhận món quà.

– Cám ơn Đại úy nhiều lắm. Tôi cũng chúc đại úy một năm mới bình an.

Sau khi từ giã ông Donald, tôi tàng tàng xuống phố, tản bộ một hồi, rồi chui vào nhà Trung sĩ Sửu, ăn Tết ké với Ban Quân Xa Liên Đoàn.

Giao thừa chưa tới, tôi đã say mèm, lăn quay ra chiếu ngủ như chết.

Nửa đêm anh Sửu dựng tôi dậy,

– Trung úy ơi! Dậy đi! Súng nổ như bắp rang! Hình như có đánh nhau trong phố, hướng dinh Tướng Vĩnh Lộc? Chắc có đảo chánh!

Tôi nghe rõ có tiếng “Cắc! Cắc!… Bùm! Bùm!…” ròn rã, lúc gần, lúc xa,  nhưng cứ đoán mò:

“Có khi là pháo Tết!”

Lúc lâu sau, một tràng AK “Toác! Toác!Toác!” từ đâu đó bắn sang hướng xóm nhà tôi đang ở. Tôi vội bật dậy mặc áo quần, mang giày vớ. Khoác lên vai cái dây nịt có khẩu Colt 45, tôi nói với Trung sĩ Sửu và hai anh lính:

(còn tiếp) 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn