17 năm trong trại cải tạo CS

Chủ Nhật, 23 Tháng Giêng 20224:18 CH(Xem: 3790)
17 năm trong trại cải tạo CS

353m
(trích đoạn cuối)
Sáng ngày 16 tháng giêng năm 1992, chỉ còn hơn mười ngày nữa đến Tết thì tôi được thả ra khỏi trại!  Có khoảng phân nữa chúng tôi được thả trong một đợt trước Tết, số còn lại thì được thả ra sau Tết năm ấy.


Nhiều lúc tôi suy nghĩ rằng khi được nghe tên mình trong lệnh phóng thích chắc là tôi sẽ rất vui mừng, nhưng thật tế thì không có như vậy.  Tôi hoàn toàn dững dưng khi nghe tên mình được ra khỏi trại cải tạo.  Xem đó như là một điều tất nhiên.

Trở vào buồng để dọn dẹp đồ đạc trước khi ra về, tôi giao cho Uy một vài món cần thiết còn bao nhiêu thì cho Lập, phạm nhân hình sự làm chung với tôi trong phòng vẽ.  Tôi chỉ mang về chiếc ba-lô đã cũ và cái mùng là hai thứ mà tôi mang theo từ lúc vào trường Chu Văn An, tôi cũng không quên mang về một bộ đồ tù còn mới để ghi nhớ.  Tôi lại phải dìu anh Sỹ ra cổng trại để nhận giấy ra trại.  Anh ấy quá yếu vì bị bệnh.  Số tiền trại phát để đi đường thì hầu hết chúng tôi góp nhau gữi vào cho Lân, đang là trưởng ban Thi Đua, là một trại viên cải tạo đã bị xữ án chung thân ở trại Tiên Lãnh.

Cầm tờ giấy ra trại trên tay, tôi lững thững đi bộ ra tới con đường đất hướng về phía Quốc Lộ Số 1 thì nghe có tiếng xe gắn máy ở phía sau lưng.  Tư, lúc ấy là trưởng phân trại K1 của trại Z30D ngừng xe lại bảo tôi leo lên để anh ta đưa tôi ra tới đường cái đón xe đò về nhà.  Tư đã từng là cán bộ quản giáo của đội “mía” lúc tôi mới về trại Z30D, người đã giúp tôi gặp vợ tôi qua đêm để giải quyết chuyện gia đình vào năm 1983, là cán bộ quản giáo đội mộc vào thời gian tôi còn làm ở đội này, và cũng thường lén Nhu ghé vào phòng vẽ để nhờ tôi vẽ dùm những bức tranh cho vợ anh ta dạy học trường cấp một ở thị xã.  Bên cạnh Nhu giống như một hung thần thì Tư lại là một con người có cách cư xữ rất nhã nhặn.

Một chủ thuyết sai lầm không nhất thiết phải sản sinh những con người xấu, tôi nghĩ.

Trên chuyến xe đò, mọi người nhìn tôi dò hỏi.  Họ đều biết tôi vừa mới được ra khỏi trại cải tạo.  Tất cả đều rất ngạc nhiên khi biết rằng tôi đã đi cải tạo từ năm 1975, sau gần 17 năm trường.  Họ cứ tưởng rằng không còn chúng tôi trong các trại cải tạo nữa!  Anh tài xế và anh lơ xe từ chối không nhận tiền mà tôi trả anh ấy lại còn bảo rằng tôi vừa mới được ra trại thì tiền đâu mà trả!

Ngồi trên xe đò, tôi suy nghĩ về hoàn cảnh của mình khi về đến nhà rồi bỗng nhiên tôi lẫm nhẫm bài thơ “Ngày về” của Tố Hữu, một thi sĩ của Bắc Việt:

“Rồi một hôm nào cổi áo xanh,
“Hết cùm, hết xích, hết roi canh.
“Nghiêng vai trút nhẹ đời giam cấm,
“Anh trở về anh của gia đình.
“Đây nẽo làng quen tự bé thơ,
 “Tre non ngoặt ngọn ý mong chờ.
 “Nóc nhà ai khói lam lên đó,
 “Có phải nhà anh tự thuở xưa?
“Có lẽ con anh lớn lắm rồi?
“Chúng đương đùa nghịch hét vang cươi.
“Anh về nên chúng ngừng vui lại,
“Bỡ ngỡ rồi la: Cha, cha ơi!
 “Và vợ anh đương thổi lữa chiều,
 “Rung mừng quẳng đủa, bỏ nồi niêu.
 “Đôi hàng tóc xõa tung không búi,
 “Ôm lấy anh mà khóc, giận, yêu!
“Nhưng ngỏ nhà xưa đã tới đây,
“Cột sơn còn đó, liếp tre gầy.
“Bảng mờ ai khắc tên lên đó,
“Anh thấy sao như kẻ lạc loài.
“Chân muốn vô song lại ngập ngừng.
“Chó nhà đâu đã sủa người dưng?
 “Anh nhìn len lén vườn cau mới,
“Và tấm bình phong đứng lạnh lùng.
“Vâng chính xưa anh ở chốn này.
“Tre già còn đó, miếu còn đây.
“Lòng bâng khuâng mãi ôn ngày cũ,
“Chợt tiếng người đâu: Chú hỏi ai?
“Anh hỏi nhà anh? Không phải đây!
“Rồi thôi quay đóng cửa then cài.
 “Để ngoài sương gió chiều se lạnh.
“Bên khóm tre già, khách đứng ngây!”

Bao nhiêu giấc mơ “tương phùng” thế mà giờ đây trên đường về tôi lại cãm thấy bơ vơ, lạc lỏng làm sao!  Làm gì có được cái cảnh “Rung mừng quẳng đủa bỏ nồi niêu, đôi hàng tóc xõa tung không búi, ôm lấy anh mà khóc giận yêu!”  Phải chăng chính vì vậy mà khi nghe tên ra về tôi chẳng thấy một chút gì là vui mừng hớn hở?

“Anh sẽ về, em ơi, anh sẽ về.

“Dù đêm khôn cùng, hay mất hết người thân yêu,

“Hay em không còn như thiên đường xưa,

“Cũng gắng trở về chết nơi ra đời!”

Vâng, rồi cũng đến ngày tôi phải về mà thôi, dù về để mà nhìn thấy cảnh đau lòng, để nhìn thiên đường hạnh phúc đã đổ vỡ, thì cũng phải về để “chết nơi ra đời!”  Lời của bài hát sao mà đúng với tâm trạng của tôi quá như vậy!

Xe đã đến Ngã Tư Hàng Xanh.  Con đường Xa Lộ Sài Gòn – Biên Hòa ở đoạn này quá tấp nập hơn cả những ngày tháng trước năm 1975.  Xe xích lô rất nhiều, họ bu quanh chiếc xe đò để mời khách.  Tôi định đi bộ về nhà, nhưng rồi không hiểu tại sao tôi lại bước lên một chiếc xích lô và nói với anh phu xe: “Anh cho tôi về Ngã Tư Bình Hòa.”

Anh ta vừa đạp xe vừa hỏi chuyện:

- “Có phải anh mới ra trại cải tạo không?”

- “Sao anh biết?”

- “Thì nhìn cách ăn mặc và cái ba lô của anh là biết ngay mà!”

- “Chắc anh đã đón nhiều người như tôi rồi phải không?”

- “Cũng khá khá!”  Anh ta cười  “Tôi cũng đi cải tạo hết gần một năm, trước là trung sĩ Thủy Quân Lục Chiến.  Còn anh sao mà về trễ quá vậy?”

- “Tôi cũng không biết sao, có lẽ không tiến bộ nên họ cứ giữ mãi!”

- “Chắc các cha khai báo thành khẩn quá chứ gì?”

Tôi cười với anh ta mà không trả lời.  Tôi đã nghe quá nhiều cách nói này.  Thành khẩn hay không thành khẩn.  Tiến bộ hay không tiến bộ.  Tại sao có những người trước kia có cấp bậc và chức vụ cao mà vẫn được thả ra sớm hơn những người có cấp bậc và chức vụ thấp?  Tại sao chúng tôi phải ở lại thêm bốn năm trong khi hầu như mọi người đã được ra về từ năm 1988?  Tất cả những điều đó đối với tôi giờ này không có gì là quan trọng cả.  Điều mà tôi đang suy nghĩ chính là tôi đang trên đường về nhà và tôi sẽ phải chứng kiến một số phận hẫm hiu mà tôi đã biết trước!

Con đường từ Hàng Xanh qua Bà Chiểu đông nghẹt xe cộ.  Chiếc xích lô đạp với chiếc càng xe cao ngóc lên khác hẳn với những chiếc xích lô đạp trước kia cứ ủi vào những chiếc xe đạp và xe gắn máy để tiến tới khiến tôi phát khiếp.  Sài Gòn không còn là Sài Gòn nữa.  Sài Gòn bây giờ là Thành Phố Hồ Chí Minh.  Cũng vì vậy mà tôi không còn nhận ra một nét quen thuộc nào của Sài Gòn ngày xưa.  Đường xá nhộn nhịp hơn, cái nhộn nhịp bừa bãi!  Hàng quán đầy dẫy khắp mọi nơi, mọi nhà, mọi ngõ ngách.  Những con đường trông chật hẹp hẳn lại vì nhà cửa lấn ra tới tận lề đường, nhiều căn nhà còn bao luôn cột đèn đường vào bên trong.  Xe cộ chạy ngang dọc không theo một trật tự nào hết.  Đúng là họ đã “giải phóng” Sài Gòn và giải phóng luôn cái “ý thức” của người dân Sài Gòn!

Chiếc xích lô quẹo phải qua đường Lê Quang Định.  Khu chợ Bà Chiểu với cái tên chợ vẫn còn kia, nhưng ngôi trường “Nam Tỉnh Lỵ” và “Trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn” không nhìn thấy được.  Hàng quán đã che lấp cổng trường và hàng rào quanh trường.  Bao nhiêu kỷ niệm thời ấu thơ của tôi đang hiện về khi xe chạy trên đoạn đường này; một đoạn đường mà không biết bao nhiêu năm tháng từ thời bắt đầu cắp sách đến trường cho đến năm cuối của bậc trung học tôi đã lê bước đi qua.  Tôi đã thuộc lòng gần như từng viên đá, từng bậc thềm.  Thế mà giờ đây nó hiện ra trước mắt tôi lạ lẫm làm sao!  Chỉ còn có con đường nằm trơ trọi còn hai bên lề đường thì không còn đâu nữa.  Bộ hành và xe cộ cùng chia xẽ lòng đường vốn đã quá nhỏ hẹp này!

Xe đã đến Ngã Tư Bình Hòa.  Con đường cắt ngang là con đường gì đó nhỉ?  Tôi rất ngỡ ngàng khi nhìn thấy cái tên rất kỳ khôi trên tấm bảng chỉ tên đường: “Nơ Trang Long!”  Tôi không thể nào quên được tên của con đường này.  Cái tên Nguyễn Văn Học mà ngôi mộ vẫn nằm trong một công viên ở góc đường ấy với đường Chi Lăng, đối diện với “Trường Vẽ”.  Giờ đây nó đã đổi thành con đường Nơ Trang Long, một cái tên rất xa lạ.  Thôi cũng phải như vậy mà thôi; bởi vì Sài Gòn đã là Thành Phố Hồ Chí Minh thì đường Nguyễn Văn Học trở thành đường Nơ Trang Long cũng quá đúng với lý lẽ của nó.

Tim tôi bắt đầu đập nhanh hơn, tôi cố hướng mắt nhìn về phía căn nhà của mình, nơi mà tôi đã sống suốt quảng đời thơ ấu.  Quang cảnh đã hoàn toàn thay đổi.  Những bải đất trống phía bên kia đường không còn nữa.  Những cái sân nằm yên lặng sau những hàng rào phía trước các căn nhà cũng không còn thấy đâu.  Thay vào đó là những kiến trúc tạp nhạp lấn ra tới tận mặt đường.  Dẫu sao thì tôi vẫn không quên được vị trí của nhà mình; tôi ra dấu cho anh phu xích lô dừng lại.

Bỗng tôi nghe có tiếng la lớn ở nhà bên cạnh: “A!  Tụi bây ơi, anh Hai về kìa!”

Quay lại nhìn người vừa nói, tôi không thể nhận ra được là ai.  Ngày tôi đi thì những cô gái này chỉ là những đứa bé mà giờ đây thì chúng đã tay bồng tay mang.  Hai đứa em tôi đang bán hàng trong nhà chạy ra, và rồi mẹ tôi cũng ra đón tôi vào.  Tôi đã trở về nhà sau mười sáu năm bảy tháng hai ngày!

Kale
Princess City, Indiana
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn