Kỷ Niệm Đầu Đời

Thứ Ba, 29 Tháng Sáu 20215:22 CH(Xem: 4606)
Kỷ Niệm Đầu Đời

Đại Đội 211 BĐQ Biệt Lập

Cọp già Nguyễn Chí MẫnLinh-Xetang


        Vừa tốt nghiệp khóa 14 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, một số anh em đồng khóa và tôi bị . . . "Cọp liếm".
        Sau khi nghỉ phép ra trường 2 tuần, anh em chúng tôi phải khăn gói quả mướp đi.... luyện gân, liền tù tì hai khóa kế tiếp nhau, tại Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ:

  • Khóa Căn Bản Cán Bộ Biệt Động Quân,
  • Khóa 9 Rừng Núi Sình Lầy.

       Sở dĩ chúng tôi phải thụ huấn liên tiếp hai khóa này, vì có thể chúng tôi được xếp vào loại...  Biệt Động Quân "Gốc", hay Biệt Động Quân "Nòi" chăng?        Sau khi mãn khóa, chúng tôi được nhận bằng tốt nghiệp và huy hiệu Căn Bản Biệt Động Quân (còn được gọi là... Con Cua Dục Mỹ), chúng tôi trở về trình diện Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân ở Saigon.  Tại đây, tôi được thượng cấp phân phối về đơn vị tác chiến đầu đời quân ngũ:
       - Đại Đội 211 Biệt Động Quân Biệt Lập, thuộc Vùng 2 Chiến Thuật.
       Bấy giờ vào khoảng tháng 9 năm 1963.
       Vào thời gian này, trên 4 vùng chiến thuật, binh chủng Biệt Động Quân chỉ có một số ít Tiểu đoàn, đa số còn lại là các Đại Đội Biệt Động Quân hoạt động đơn lẻ, gọi là Đại Đội Biệt Lập.  Đại đội 211 của tôi cũng thuộc thành phần biệt lập này.
       Cầm sự vụ lệnh ra trình diện Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân vùng 2 Chiến Thuật ở Pleiku, tôi được biết, ĐĐ 211 và ĐĐ 209 đang hành quân lùng địch trong lãnh thổ tỉnh Bình Định (tức Tiểu Khu Bình Định).
       Tôi phải chờ có chuyến quân xa liên lạc của hậu cứ ĐĐ ở Quy Nhơn lên Pleiku, mới có thể tháp tùng chuyến này mà về trình diện ĐĐ được.
       Tại hậu cứ của ĐĐ, cách thị xã Quy Nhơn khoảng gần 2km, khi nhận đồ tiếp liệu, tôi được Trung Sĩ Bẩy - Hạ Sĩ Quan Tiếp Liệu - cho biết, Đại Đội Trưởng là Đại Úy Chung Thanh Tòng, đang cùng ĐĐ hành quân trong vùng Hoài Ân, Quận Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Trên chiến trường Bình Long 1972       Tôi được cấp phát một bộ đồ "Bà Ba" bằng vải đen và hai bộ quân phục mầu xanh ôliu (mãi sau này, BĐQ mới được trang bị quân phục tác chiến mầu rằn ri ngụy trang, tiếng lóng gọi là...  Đồ Bông).  Theo bảng cấp số vũ khí cá nhân, tôi được nhận một khẩu Carbin M2 tự động.  Loại này, lúc bấy giờ còn rất hiếm, đa số binh sĩ dùng súng Garant M1 bán tự động.
       Về vũ khí, đại đội chúng tôi được trang bị: Súng cối 60 ly, Đại liên 30, Trung liên BAR, Súng trường M1, súng phóng lựu M79.  Binh sĩ cũng được cấp phát ống phóng lựu gắn vào nòng súng M1 để phóng lựu đạn MK2 và MK3 (Những loại vũ khí này, hiện giờ chỉ còn tìm thấy ở trong... bảo tàng viện mà thôi).
       Sau đó, tôi theo chuyến tiếp tế để đến vùng hành quân của ĐĐ trình diện Đại Úy Chung Thanh Tòng.
       Tôi rất ngạc nhiên khi gặp ông lần đầu tiên này, vì tôi đã đinh ninh rằng, với cấp bậc ấy, ông phải là một quân nhân lớn tuổi, da sậm nắng bởi tác chiến hành quân.  Thực tế, ông có dáng người nho nhã, thư sinh, trắng trẻo, tuổi ngoài 30.
       Biết tôi là một sĩ quan vừa mới... "Ra Lò", chưa có chút kinh nghiệm chiến trường, ông thật lòng hướng dẫn, giúp đỡ tôi cách thức chỉ huy, điều động trung đội mình trong những lần đầu tiên đơn vị chạm địch.  Đến giờ này, đối với tôi, ông luôn luôn vẫn là người thầy trong cuộc đời binh nghiệp của tôi.
       Ông cho tôi biết (khi vừa trình diện), trong ĐĐ hiện có 2 sĩ quan khác cũng giữ chức vụ Trung Đội Trưởng, đó là Thiếu Úy Chỉnh (Khóa 10 Thủ Đức) và Chuẩn Úy Tấn (Khóa 13 Thủ Đức).  Vì anh Tấn nước da ngăm, nên chúng tôi thân mật gọi anh ta là "Tấn Đen".  Tôi đuợc giao trách vụ Trung Đội Trưởng thứ 3 của Đại đội.
       Nhiệm vụ lúc bấy giờ của đại đội 211 là tảo thanh, lùng địch, giữ an ninh cho dân chúng trong vùng Xã Hoài Ân, Quận Hoài Nhơn, Tỉnh Bình Định, trong chiến dịch "Bình Định và Xây Dựng Nông Thôn".  Vì đây là vùng "Xôi Đậu", nên lực lượng du kích địa phương cộng quân thường hay rình bắn sẻ chúng tôi ban ngày và ban đêm dùng loa dã chiến, rống la hò hét, hát ca "Bài Chòi" kêu gọi anh em "ngụy quân" hãy buông súng trở về với "cách mạng", với nhân dân.
       Mục đích của chúng là làm mất giấc ngủ của chúng tôi.  Theo cường độ âm thanh vọng đến, tôi ước lượng chúng phải ở xa vị trí đóng quân của đại đội ít nhất là vài trăm thước, ngoài tầm tác xạ của vũ khí cá nhân.
       Đại Úy ĐĐT chỉ thị cho chúng tôi không được nổ súng, phải tuyệt đối giữ im lặng.  Ai có nhiệm vụ canh gác hãy cẩn thận quan sát và nghe ngóng tối đa.  Quân số còn lại, hãy ngủ, nghỉ, để có sức chiến đấu khi cần thiết.  Ban ngày, chúng tôi "bung" đi truy lùng thì địch quân đã lặn biệt tăm tích.
       Hai đêm, chúng tôi phải bực mình vì chiếc loa của bọn du kích này. S ang qua buổi chiều, sắp đến đêm thứ ba, Đại Úy ĐĐT họp các trung đội lại và bảo mỗi trung đội tuyển chọn 3 quân nhân... "Chịu Chơi" đến gặp ông (Chịu chơi đây có nghĩa là gan lì).
       Sau đó, ông chỉ thị trực tiếp nhiệm vụ cấp thời cùng kế hoạch cho toán quân nhân 9 người chịu chơi này đi... "hốt" bằng được tên cầm loa tru tréo về cho ông.  Trước khi xuất phát, ông có nói rằng:
       - Nhiệm vụ này rất nguy hiểm và khó khăn.  Nếu anh nào cảm thấy không thể thi hành được, thì có quyền từ chối, tôi không bắt buộc.  Chịu chơi thì không run, mà nếu run thì đừng chơi.
       Tuy nhiên, không một ai rút lui, tất cả 9 người lính được chọn đều cương quyết... "Chịu Chơi", nghĩa là họ không run.  Họ được trang bị một khẩu trung liên B.A.R, một khẩu súng phóng lựu, 5 tiểu liên Thompson và 2 carbin M2 cùng với một cấp số đạn cho mỗi loại vũ khí.  Riêng khẩu trung liên được tháo chân "2 càng" và các khẩu Thompson được tháo báng, để dễ xoay trở lúc cần thiết.  Về truyền tin, toán này đem theo 1 máy AN/PRC 6, (loại này được sử dụng trong liên lạc nội bộ ĐĐ, vì tầm phát sóng không xa, chỉ trong vòng 1km mà thôi).  Họ sẽ im lặng vô tuyến cho tới khi đụng địch có tiếng súng nổ do ta hoặc địch khai hỏa, mới mở máy liên lạc để báo cáo tình hình cho ĐĐT.
       Đêm ấy, chúng tôi đóng quân, phòng thủ chu vi trong một xóm nhà dân, mà chung quanh là 2 ruộng lúa lổm chổm cao chừng nửa thước.  Có những xóm nhà khác nằm rải rác xa xa, xóm gần nhất có khoảng cách hơn 200 thước...  Bỗng có tiếng loa vọng đến chúng tôi từ bên xóm nhà gần nhất ấy. Đại Úy Tòng ra lệnh cho toán "Chịu Chơi" xuất phát.
       Tại tuyến phòng thủ của trung đội mình, tôi hồi hộp theo dõi tình hình, máy AN/PRC6 kê sát bên tai.  Con số dạ quang trên mặt đồng hồ của tôi cho biết lúc ấy gần 9 giờ tối.  Trời không trăng, tối đen như mực, tiếng loa địch vẫn đang lải nhải, lập đi lập lại điệp khúc kêu gọi chúng tôi buông súng trở về với cách mạng, với nhân dân, như 2 đêm vừa qua.
       Tôi cảm thấy thời gian như ngừng trôi...
       Bỗng tiếng loa im bặt!  Vài giây sau đó, các loạt đạn trung liên và tiểu liên nổ vang dội, chát chúa.  Trong máy truyền tin, tôi nghe giọng lơ lớ của anh Trung Sĩ người thiểu số, vừa thở hổn hển vừa báo cáo về ĐĐT rằng, anh đã...  hốt được "NÓ" rồi và cả toán "Chịu Chơi" đang trên đường trở về vị trí phòng thủ của ĐĐ với "Chiến lợi phẩm".  Tôi nhìn đồng hồ, lúc ấy chừng hơn 9 giờ rưỡi.
       Sau đó, tất cả 9 quân nhân đều an toàn trở về đơn vị cùng với chiến lợi phẩm, gồm một tên du kích bị trói 2 tay ra sau lưng, một cái loa bằng thiếc dài khoảng 3 gang tay và một khẩu súng trường tự chế (mà thời đó, người ta gọi là súng... "Oảnh Tầm Sào".  Nòng súng này được làm bằng một ống sắt tròn như ống nước, lỗ to cỡ ngón tay cái, bắn loại đạn cũng được tự chế.  Có nhiều xạ thủ đã bị bể mặt bể mày khi bóp cò khai hoả, vì viên đạn tự chế đã nổ ngay trong nòng súng của mình.  Người ta có câu: "Gậy ông đập lưng ông", nhái theo câu tục ngữ nói trên, chúng tôi kêu là: "Súng mày nổ nát mặt mày")
       Theo báo cáo của anh Trung Sĩ trưởng toán, cả toán "Chịu chơi" di chuyển đến sát vị trí tên du kích đang cầm loa tru tréo mà hắn ta không hề biết.  Họ phát giác có 2 tên khác đang đứng giữ an ninh cho tên cầm loa hành sự.  Hai tên này trang bị súng "Oảnh Tầm Sào", không kịp phản ứng khi 3 anh chàng "Chịu Chơi" nhẩy ra đè cổ tên cầm loa xuống đất, bèn hè nhau vắt giò lên cổ tuôn chạy, bỏ lại một khẩu Oảnh Tầm Sào.  Ngoại trừ 3 người đang trói giữ tên đang nằm dưới đất, các anh chàng "Chịu Chơi" khác khai hỏa bắn theo hướng hai tên vừa tháo chạy.
       Như vậy, nhiệm vụ đi hốt bằng được tên cầm loa tru tréo đã được toán "Chịu Chơi" hoàn tất nhanh và gọn.  Tiếp đến, Đại Úy Tòng ra lệnh cho tên cầm loa phải trổ tài tru tréo của hắn.  Tuy nhiên, bây giờ, hắn phải trở hướng loa về phía vị trí của hắn hành sự lúc nẫy mà kêu gọi bọn du kích hãy buông súng, trở về với Chánh Nghĩa Quốc Gia.
       Ông còn bảo hắn không được ngừng tru tréo, dọa sẽ.. cắt lưỡi hắn nếu không làm đúng theo lệnh của ông.
       Đến lúc gà gáy khi mặt trời chưa mọc thì chúng tôi chỉ còn nghe được âm thanh "Ặc Ặc" phát ra từ cái loa của tên du kích.  Chắc chắn vì sợ bị cắt cái lưỡi, mà tên du kích này đã dùng hết sức mình để... phát thanh liên tục từ tối tới sáng, nên giọng của xướng ngôn viên chiêu hồi này không còn phát ra được nữa.  Thà hư thanh quản, còn hơn là mất lưỡi.
       Chuyện vừa kể trên là kỷ niệm đầu tiên của tôi khi về phục vụ tại Đại Đội 211 Biệt Động Quân Biệt Lập, một kỷ niệm khó quên của đời lính.
Cọp Già Nguyễn Chí Mẫn       Khoảng hai tuần lễ sau đó, ĐĐ được lệnh rời vùng lãnh thổ xã Hòa Ân để tăng phái cho Quận Vân Oanh, vì tại đây, áp lực của địch quân khá nặng.  Theo tôi được biết, dân số của quận này không nhiều và đời sống của người dân thật là khó khăn. Vì đất đai khô cằn, vì địa thế cận sơn, nên ruộng nương không tươi tốt.
       Chỉ sau 10 ngày, ĐĐ đã làm giảm áp lực kẻ thù trong khu vực quận, bởi các cuộc hành quân lục soát, truy lùng không ngừng nghỉ.  Thời gian kế tiếp, chúng tôi được lệnh tăng phái cho Quận An Khê, ở đèo Mang Giang, giữa đường quốc lộ từ Quận Phú Phong lên đến thị xã Pleiku.  Chúng tôi đã đột nhập mật khu KY-NAK, hang ổ của bọn Thượng cộng trong rừng núi trùng điệp, khiến chúng phải hoảng loạn, bung chạy tứ tán.  Trên đường trở về địa điểm đồn trú, chúng tôi phải đào củ chuối để tọng vào bao tử cho đỡ đói, vì lương khô hành quân đã cạn hết rồi.
       Trong tháng 12, ĐĐ 211 được lệnh chuẩn bị di chuyển về Quận Sông Pha (Krong Pha) thuộc Tiểu Khu Tuyên Đức, để cùng với các đại đội biệt lập khác trong Vùng 2 Chiến Thuật, thành lập Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân.
       Đại Úy Tòng đề cử tôi, một HSQ Tiếp Liệu, cùng 4 quân nhân khác gồm 2 tài xế và 2 hiệu thính viên, di chuyển bằng đường bộ trên chiếc xe Jeep và Dodge của ĐĐ, tới Sông Pha trước, để lập đầu cầu, sẵn sàng địa điểm cho đơn vị sẽ đến sau bằng phương tiện hỏa xa.
       Nhưng khi vừa đến chi khu Sông Pha, chưa kịp nghỉ xả hơi sau cuộc hành trình mệt mỏi, chúng tôi đã nhận được công điện thượng khẩn: Đ/Úy Tòng chỉ thị cho chúng tôi phải cấp bách trở về ngay ga Diên Trì ở Quy Nhơn.  Chúng tôi thi hành lệnh này ngay, không chút chậm trễ.   Khi tới nhà ga, nơi tất cả quân số ĐĐ 211 đang chờ di chuyển bằng hỏa xa, thì tôi mới được biết lý do tại sao chúng tôi phải quay về gấp. Sự việc xẩy ra như sau:
       Trong thời gian chờ đợi chuyến xe lửa, đã xẩy ra sự xích mích, gây gỗ giữa một nhóm quân nhân của ĐĐ 211 và một nhóm quân nhân của lực lượng an ninh thiết lộ Điạ Phương Quân.   Chuyện xích mích gây gỗ này sau đó dẫn đến việc nổ súng giữa hai bên.  Sự việc xẩy ra quá bất ngờ và nhanh chóng nên các cấp chỉ huy của 2 đơn vị không thể nào can thiệp kịp thời.  Hậu quả, bên an ninh thiết lộ có 1 quân nhân bị tử thương, 2 bị thương.  ĐĐ 211 có 1 bị thương nặng.  Vụ trên được trình về BCH Biệt Động Quân ở Saigon và Bộ Tham Mưu.  Và quyết định của thượng cấp là: ĐĐ211 phải di chuyển ra tận Đà Nẵng, thuộc vùng 1 Chiến Thuật, để sát nhập vào Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân, đã được trở thành Tiểu Đoàn khá lâu rồi.  Đại đội 4 của tiểu đoàn này, vì thế, đã phải "Hành Trang Quả Mướp" thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 23 để trám chỗ cho ĐĐ211.  Hậu cứ của Tiểu Đoàn 11 này ở gần dốc đèo Hải Vân, cách thị xã Đà Nẵng trên 10km.
       Một thời gian ngắn sau khi ĐĐ211 sát nhập vào Tiểu Đoàn 11, Đại Úy Chung Thanh Tòng được lệnh thuyên chuyển về BCH Biệt Động Quân ở Saigon.  Từ đó, tôi không còn dịp gặp hay liên lạc với Đ/Úy Tòng nữa.
       Cho mãi đến gần cuối năm 1984, sau hơn 20 năm chia tay, tôi đã được hội ngộ với ông trong hoàn cảnh thật buồn thảm và xót xa tại trại giam Z30A của kẻ thù, ở Xuân Lộc, trước khi nhận được cái giấy ra tù của bè lũ cướp nước, mà chúng gọi là "Giấy Ra Trại".
       Trong khuôn khổ của bài này, tôi không thể nào kể hết những cảm nghĩ chân thành của tôi về Đại Úy Chung Thanh Tòng, vị đơn vị trưởng tác chiến đầu tiên và cũng là vị sư phụ đầu đời quân ngũ của mình được.  Mong một ngày nào đó, tôi sẽ được diện kiến với ông, hay sẽ viết hết về những kỷ niệm giữa tôi và ông trong thời gian ở Đại Đội 211 Biệt Động Quân Biệt Lập.

( Sinh Tồn chuyển )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn