TRẬN ĐỨC CƠ ( 1965 ) – CAO NGUYÊN GIA LAI – QUÂN ĐOÀN 2 VNCH.

Chủ Nhật, 27 Tháng Sáu 20214:30 CH(Xem: 3976)
TRẬN ĐỨC CƠ ( 1965 ) – CAO NGUYÊN GIA LAI – QUÂN ĐOÀN 2 VNCH.

Trận Đức Cơ – Cao Nguyên Gia Lai – Quân Đoàn 2 VNCH (4/8/1965 – 15/8/1965)

trai-duc-co-phia-tay-tinh-pleiku-13km-toi-bien-gioi-campuchia-

Trong năm 1963 Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ dự trù hoàn tất kế hoạch bành trướng lực lượng Dân Sự Chiến Đấu (DSCĐ) mà phía Mỹ thường gọi là CIDG tại VN từ 50,000 người lên đến 125,000 người để trấn giữ 49 trại Lực lượng Đặc biệt (LLĐB) trên toàn cõi VNCH. Đức Cơ là một trong những trại LLĐB này nằm về cuối đường QL-19 phía Tây Tỉnh Pleiku 55Km, cách biên giới Miên-Việt 13Km và trực thuộc Khu 24 Chiến Thuật do Chuẩn tướng Cao Hảo Hớn làm Tư Lệnh.
Trại LLĐB Đức Cơ được thiết lập gần ngôi làng Thượng Plei Girao Kop có tiết diện hình Thang và nằm kế cận một phi đạo dã chiến dài khoảng 1km có khả năng tiếp nhận được các loại phi cơ C7-Caribou, C-47, C- 119 và C-123 với rừng rậm bao bọc cả ba phía. Từ đây, các toán Viễn Thám của Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ xuất phát các cuộc hành quân để thu thập tin tức tình báo và ngăn chặn sự xâm nhập của Cộng quân từ phía Kampuchea và đường mòn HCM, đồng thời bảo vệ đoạn cuối của Quốc lộ 19.

Lực lượng trú phòng gồm một đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam với Trại Trưởng là Trung úy Trần Tự Lập. Về phía LLĐB Hoa Kỳ, vị sĩ quan trưởng toán A-215 là Đại úy R. B. Johnson cùng các chuyên viên tình báo. Trong trại có khoảng 400 DSCĐ, đa số là người Thượng và Nùng. Chia thành 4 Đại Đội do các Hạ Sĩ Quan (HSQ) LLĐB-VN làm Đại Đội Trưởng.
Ngày 31/5/1965 Tiểu Đoàn 952 CS tấn chiếm quận lỵ Lệ Thanh nằm về phía tây Pleiku do một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân trấn giữ cách Đức Cơ khoảng 8km về hướng Đông Bắc. Cộng quân cũng chiếm luôn các làng và các trung tâm phát triển nông thôn về phía tây của Tỉnh Pleiku. Và sau đó Ngày 30/6/1965 Trung Đoàn 32 CS bao vây trại LLĐB Đức Cơ với mục đích lôi cuốn và tiêu diệt viện binh trên Quốc lộ 19B. Do vị thế bất lợi vì nằm ngoài tầm yểm trợ pháo binh, trại này đã bị hỏa lực CS khống chế ngay từ khi Quận Lệ Thanh thất thủ. Áp lực của địch quân đến độ vào giữa tháng 7, trại này bị hoàn toàn bao vây và các cuộc tuần tiễu phát xuất từ trại đều bị đánh dội trở lui vào phía trong của hàng rào kẽm gai phòng thủ. Mặc dù có rất nhiều cuộc oanh kích của Không Quân VNCH, Cộng quân không những chỉ bao vây trại mà còn đặt các súng cối và súng không giựt nhắm bắn trực xạ vào trại. Cộng quân tiếp sau đó tiến sát vòng đai phòng thủ trại, và hỏa lực của chúng trở nên nặng nề đến độ các trực thăng không còn có thể lên xuống tiếp tế và tản thương.


Biết được ý định của địch, Ngày 4/8/1965 lúc 8.00 giờ sáng Thiếu tướng Vĩnh Lộc (Tư Lệnh Quân Khu 2 VNCH) cho trực thăng vận Chiến Đoàn II Nhảy Dù do Trung tá Ngô Xuân Nghị làm Chiến Đoàn Trưởng vào Đức Cơ để giải tỏa áp lực địch. Chiến Đoàn Dù khoảng 1,300 người, gồm Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù do Thiếu tá Trương Kế Hưng làm Tiểu Đoàn Trưởng và Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù do Đại úy Nguyễn Văn Thọ XLTV Tiểu Đoàn Trưởng. Cuộc đổ quân trực thăng vận xuống phi đạo dã chiến trước trại Đức Cơ hoàn tất lúc 16 giờ cùng ngày. Tại bãi đáp Chuẩn tướng Cao Hảo Hớn đã bay đến trao cho Chiến đoàn những chỉ thị giờ chót của BTL/QĐII. Tiểu Đoàn 3 Dù được giao trách nhiệm phòng thủ khu vực phía Tây trại, TĐ8ND được chỉ định đóng quân cách trại 500m về hướng Bắc. Tình hình yên tĩnh trong đêm.
Ngày 5/8/1965 Chiến Đoàn Dù mở cuộc hành quân tảo thanh về phía Bắc nhằm đẩy lui quân Cộng sản và nới rộng phạm vi trại. Trong cuộc hành quân này Chiến Đoàn Dù phát hiện Cộng quân đã chuẩn bị các công sự để chiến đấu lâu dài rất kiên cố và cuộc chiến trở nên gay go. Khoảng 14.00 giờ chiều phi cơ quan sát báo cáo thấy CS đang chuyển quân lên từ phía Tây Nam. 15.00 giờ Đại Đội đi đầu của TĐ3ND bắt đầu chạm địch tại trảng tranh khu đồi Chu Kram. Một số cán binh CS ngụy trang vừa chạy vừa tác xạ vào lực lượng Dù, các phi tuần khu trục và trực thăng võ trang được gọi tới yểm trợ. Lực lượng địch mới đụng độ được phát hiện là Trung Đoàn 32 CS. Các tài liệu bắt được cho biết đây là Trung đoàn đã chiếm Quận Lệ Thanh và thực hiện loạt phục kích kế tiếp dọc theo Quốc lộ 19 về phía Tây Pleiku vào đầu tháng 6.
16.30 giờ, Thiếu tá Trương Kế Hưng TĐT/TĐ3ND bị trọng thương ở ngực, Đại úy Phùng sĩ Thanh TĐP lên thay thế, một trực thăng võ trang Mỹ khi yểm trợ tiếp cận đã bắn lầm 2 hỏa tiễn vào ĐĐ33ND đang đóng tại bìa rừng khiến Trung úy Lâm Đôn ĐĐT bị thuơng cùng với một số binh sĩ. Trung úy Bùi Quyền thuộc ĐĐ81ND được cử sang thay Trung úy Lâm Đôn. Đêm đến hai bên hưu chiến và tản thương. Các đơn vị Nhảy Dù rút lui về vị trí cũ đóng quân. Thiếu tá Đào Văn Hùng TĐT/TĐ8ND theo trực thăng tản thương đến đảm nhiệm chức vụ chỉ huy. Ngày 6/8/1965 2.00 giờ sáng, CS bắt đầu tấn công vào trại Đức Cơ từ 2 hướng Tây và Tây-Nam. Pháo binh của CS pháo kích tới tấp vào trại trong khi quân chính quy tấn công vào tuyến phòng thủ của TĐ3ND các đơn vị trú phòng chống trả mãnh liệt suốt sáng. Phi cơ C-47 từ Pleiku bay đến thả hỏa châu soi sáng trận địa. Càng gần sáng, cuộc chạm súng thưa dần. Nhưng cường độ pháo kích của quân CS càng gia tăng. Đạn súng cối nổ gần như liên tục vào khu vực trại Đức Cơ, phi đạo và vào vị trí của hai tiểu đoàn Nhảy Dù. 8.00 giờ sáng, phi cơ bắt đầu tham chiến oanh tạc các vị trí pháo địch, phòng không của địch bắn lên dữ dội. Dưới hỏa lực phòng không quá mạnh, các phi cơ vận tải phải bay thật cao để tránh đạn, nên phần lớn dù tiếp tế đã bay lạc ra ngoài nên thực phẩm và đạn dược ngày càng kham hiếm. Trại Đức Cơ hầu như đã trở thành địa ngục dưới các cơn pháo dữ dội của quân cộng sản.
Ngày 7/8/1965 Trời mưa to, đem lại lượng nước đầy đủ cho quân trú phòng, vì bồn chứa nước bị pháo bể ngày qua. Phi cơ tiếp tục oanh kích các vị trí của địch. Ngày 8/8/1965 cường dộ pháo kích của địch giảm bớt, các đơn vị trú phòng sửa chữa các công sự phòng thủ.
Ngày 9 tháng 8/1965 từ 7 giờ sáng, dưới sự yểm trợ hỏa lực mãnh liệt của các oanh tạc cơ Việt-Mỹ, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù do Thiếu tá Nguyễn Khoa Nam chỉ huy đã được trực thăng vận xuống đầu phi đạo. Đơn vị này tiến chiếm các vị trí trong khu vực nằm về phía Bắc trại. Sau đó liên lạc được với hai Tiểu Đoàn 3 và 8 Nhảy Dù.
Nhận thức được cuộc chiến quyết liệt tại mặt Tây Pleiku và địch quân có ý định tấn chiếm Đức Cơ bằng mọi giá, Tư Lệnh Quân Đoàn bắt đầu huy động các lực lượng trừ bị của mình để xung trận. Chiến Đoàn Thủy Quân Lục Chiến được rút khỏi các cuộc hành quân tại Kontum và di chuyển nhanh chóng tới một vùng tập trung gần Pleiku. Các tin tức tình báo về hành tung của các đơn vị Cộng quân khác dọc theo Quốc lộ 19 trong vùng giữa Đức Cơ và bản doanh mới của Quận Lệ Thanh cho thấy Cộng sản tăng gia quân số quan trọng sẽ đòi hỏi một lực lượng phản ứng lớn mạnh hơn mà Quân Đoàn II hiện có trong tay.
Tướng Vĩnh Lộc một lần nữa yêu cầu tăng cường thêm các đơn vị lực lượng Tổng Trừ Bị. Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH yêu cầu Tướng Westmoreland cho các lực lượng Hoa Kỳ di chuyển tới Pleiku ngõ hầu cho phép các đơn vị QLVNCH trấn đóng tại Quân Khu II có thể bổ xung vào lực lượng tiếp viện Đức Cơ. Tướng Westmoreland đồng ý và Lữ Đoàn 173 Dù Hoa Kỳ được phái tới Pleiku. Trút được gánh nặng phòng thủ Pleiku, Tư Lệnh Quân Đoàn thu vén tất cả các đơn vị khả dụng và thiết lập một lực lượng đặc nhiệm khác gồm một chiến đoàn Thiết Kỵ, một Tiểu đoàn Biệt Động Quân, cùng pháo binh và Chiến đoàn A Thủy Quân Lục Chiến để giải tỏa Quốc lộ 19 và tiếp viện cho các lực lượng đang giao tranh tại Đức Cơ. Cuộc hành quân này do Chuẩn tướng Cao Hảo Hớn, Tư Lệnh Biệt Khu 24 (vùng đất thuộc hai tỉnh Kontum và Pleiku) trực tiếp chỉ huy.

HÀNH QUÂN DÂN THẮNG 7
Ngày 9 tháng 8/1965, một lực lượng đặc nhiệm gồm hai chiến đoàn được thành lập để mở cuộc hành quân Dân Thắng 7 nhằm khai thông Quốc lộ 19 và tiếp tế cho trại LLĐB Đức Cơ. Cuộc hành quân này do Chuẩn tướng Cao Hảo Hớn, Tư Lệnh Biệt Khu 24 trực tiếp chỉ huy.
Chiến đoàn Thiết Giáp do Trung tá Nguyễn Trọng Luật chỉ huy gồm có:
* Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 3 Thiết Giáp
* Chi Đoàn 1/5 Chiến Xa do Đại úy Trần Văn Thoàn làm Chi Đoàn Trưởng
Chi Đoàn 2/6 Thiết Quân Vận do Đại úy Dư Ngọc Thanh làm Chi Đoàn Trưởng
– Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân (BĐQ) do Đại úy Nguyễn Văn Sách làm Tiểu Đoàn Trưởng
– Một Pháo Đội đại bác 105ly
– Một Trung Đội Công Binh Chiến Đấu
– Một chi đội Thiết Giáp M-8
– Các thành phần Vận Tải và Tiếp Vận
– Chiến Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) do Trung tá Nguyễn Thành Yên chỉ huy gồm có:
* Bộ chỉ huy Chiến Đoàn A-TQLC với Thiếu tá Cổ Tấn Tinh Châu làm TMT
* Tiểu Đoàn 2TQLC do Thiếu tá Hoàng Tích Thông làm Tiểu Đoàn Trưởng
* Tiểu Đoàn 5TQLC do Thiếu tá Dương Hạnh Phước làm Tiểu Đoàn Trưởng.

Hai chiến Đoàn này mở cuộc hành quân Dân Thắng 7 khai thông Quốc lộ 19. Đến 14.00 giờ khi đoàn quân vừa vào tới quận Lệ Thanh thì bị 1 Tiểu Đoàn/TrĐ32 CS phục kích. 2 chiến xa đầu tiên bị lãnh đạn B- 40. Tiếp ngay sau đó Tiểu đoàn địch xông ra từ một ngôi làng về phía Nam của Quốc lộ 19 tấn công vào TĐ21BĐQ bảo vệ cánh trái đoàn quân, hai phi cơ F100 được gọi tới yểm trợ, một chiếc bị bắn rơi. Đoàn hành quân phá tan cuộc phục kích của địch.
Gần tối, Cộng quân lại tấn công tập hậu vào đoàn hành quân, lực lượng hành quân phản công mạnh mẽ nên CS rút lui khi trời sập tối.
Ngày 10/8/1965 rạng sáng CS lại tấn công vào đoàn hành quân gặp ngay vị trí của chiến đoàn TQLC, do đó cuộc tấn công của địch đụng phải hỏa lực hùng hậu của lực lượng TQLC, cộng với nhiều cuộc oanh kích gây nhiều tổn hại cho địch khiến cuộc phục kích bị bẻ gãy .
Vào lúc này Chiến Đoàn Dù tại Đức Cơ được lệnh tấn công xuống Quốc lộ 19 về hướng Đông để kết nối với lực lượng tiếp viện. Sợ bị kẹp giữa hai lực lượng tấn công này, các đơn vị địch quân CS chém vè và tháo lui.
Lúc 11.00 giờ đoàn hành quân đến được phi trường Đức Cơ, các phi cơ Caribou lên xuống tiếp tế nhiên liệu đạn dược và thực phẩm.
Ngày 11/8/1965 Các đơn vị VNCH mở cuộc hành quân tảo thanh quanh căn cứ Đức Cơ tới tận biên giới Cao Miên ( CamPuChia ) nhưng không gặp sức kháng cự nào của Cộng quân.
Ngày 15/8/1965 Hành Quân Dân Thắng chấm dứt các đơn vị được trả về vị trí cũ.
Kết Quả: Trong cuộc đụng độ giữa quân Nhảy Dù và CSHCM
– Chiến Đoàn II ND có khoảng 20 quân nhân thiệt mạng tại Đức Cơ
– Phía bên Hoa Kỳ, toán LLĐB A-215 dưới quyền chỉ huy của Đại úy R. B. Johnson đã bị thiệt hại nặng
– 158 cán binh cộng sản bỏ xác tại trận và 100 cán binh khác chết vì phi cơ oanh kích.
Kết quả cuộc hành quân Dân Thắng 7 do BTL/QK2 tổng kết như sau:
– Chiến Đoàn A-TQLC có 31 quân nhân tử trận và 27 bị thương
– Cộng sản có 566 cán binh tử trận và 26 tù binh
– Vũ khí bị tịch thu gồm có 12 vũ khí cộng đồng và 94 vũ khí cá nhân
– Ngoài ra, có 2 đại liên 50 và 2 khẩu súng cối 81ly bị phá hủy./.

18 Tháng Mười Một 2020

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn