Người Lính Chưa Qua Sông

Thứ Bảy, 19 Tháng Sáu 20214:55 CH(Xem: 7189)
Người Lính Chưa Qua Sông

Tiểu Đoàn Trưởng. Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Tù cải tạo. Hiện sống lưu vong ở Hoa Kỳ.
(Cho cháu Trúc Vy khi cháu khôn lớn để cháu hiểu và thương ngày xưa của ông ngoại)

Ngày thứ mười hai của trận chiến, từ khi lên Bộ Tư Lệnh họp và nhận lệnh trở về, Tiểu Đoàn Trưởng luôn trầm tư. Nhiều lần Tiểu Đoàn Trưởng nhìn Tiểu Đoàn Phó như muốn nói gì đó nhưng rồi lại lắc đầu, yên lặng. Qua vô tuyến, các đại đội báo cáo vẫn tiếp tục hoạt động lục soát trong khu vực trách nhiệm và tìm thấy rất nhiều xác lính CS và các loại vũ khí của họ trong rừng cao su hướng Tây Nam thị xã. Tiểu Đoàn Trưởng cho lệnh các Đại đội trưởng: "không cần thiết phải thu lượm chiến lợi phẩm." Đến sáu giờ chiều, Tiểu Đoàn trưởng họp các đại đội trưởng cho lệnh chuẩn bị di chuyển lúc sáu giờ ba muơi phút. Im lặng vô tuyến kể từ giờ phút này. Bảy giờ kém mười lăm, khi Tiểu Đoàn vừa đến điểm tập trung tại ngã ba Tân Phong sát quận đường Xuân Lộc, Tiểu Đoàn Phó và các đại đội trưởng mới biết lệnh bỏ Xuân Lộc. Mọi người tái mặt nhưng không ai nói gì. Tiểu Đoàn Truởng nhìn sâu vào mắt Tiểu Đoàn Phó Nguyễn Mạnh Tông như muốn san sẻ nổi buồn và sự lo lắng của bạn mình. Nguyễn Mạnh Tông có vợ và mẹ vợ đang ở Xuân Lộc. Bây giờ quân rút, số phận người thân ở lại sẽ ra sao khi quân lính CS tràn vào phòng tuyến trống nội ngày mai. Nguyễn Mạnh Tông nhìn Tiểu Đoàn Trưởng gật đầu và nói trong xúc động: - Không chỉ riêng gia đình tôi mà còn rất nhiều gia đình vợ con binh sĩ Sư Đoàn phải chịu ở lại. Buồn và lo thật nhưng đành chịu. Nếu Thiếu Tá có cho tôi biết trước, tôi cũng sẽ không về từ biệt gia đình. Mọi người ai cũng biết đến bài học rút quân đầy cay đắng của quân dân vùng Cao nguyên vừa mới tháng trước đây thôi. Gia đình kéo theo, lính không còn lòng dạ nào để chiến đấu...
.
http://farm3.staticflickr.com/2672/3803020605_4d51227683_z.jpg?zz=1
Rút bỏ Xuân Lộc theo tình hình biến chuyển của chiến trường, và tình hình chung của đất nước, nhưng dù sao đi nữa, lòng người lính Sư Đoàn cũng vô cùng đau xót khi phải bỏ vùng đất nhà quen thuộc. Và còn nữa: sự liên hệ mật thiết với người ở lại, ra đi chẳng khác gì ruột cắt làm đôi. Đêm đó trên đường hành quân, anh em binh sĩ nhận ra được Tư Lệnh Sư đoàn kiêm Tư lệnh mặt trận Xuân Lộc, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, cùng di chuyển đường bộ với họ... Tại sao Tư Lệnh không xử dụng trực thăng riêng của ông? Buổi trưa họp ở BTL, Tiểu Đoàn Trưởng nhận thấy Tư Lệnh không được khoẻ, gương mặt hốc hác với đôi mắt sâu và thâm quần của một người mất ngủ. Thế mà đêm nay rút quân ông lại không xử dụng trực thăng riêng của mình để được khoẻ thân và an toàn như nhiều cấp Tướng lãnh chỉ huy khác? Thêm một lần nữa, vị Tướng trẻ chứng tỏ tinh thần sát cánh chiến đấu cùng với thuộc cấp, trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những giờ phút sinh tử. Với một cấp chỉ huy như vậy thì anh em binh sĩ làm sao mà không hăng say chiến đấu... Nhìn lại, ba năm giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng dưới quyền ông, vỏn vẹn chỉ có ba chai Martel mình tặng ông trong dịp Tết. Đáp lại khi Tiểu đoàn về trú đóng gần bộ Tư Lệnh Sư đoàn, ông đã ưu ái tổ chức tiệc, dạ vũ cho tất cả sĩ quan Tiểu đoàn và chính ông cùng tham dự, lên sân khấu đàn và hát cho anh em binh sĩ nghe.


Sư đoàn 18 rút khỏi Xuân Lộc, xe tăng và bộ binh càn qua chốt địch chận trên đường 22 mà đi, về đến Bình Giả vào sáng hôm sau gần như toàn vẹn. Chỉ riêng anh em chiến sĩ Lữ Đoàn Dù tăng cường cho mặt trận Xuân Lộc rút sau, trách nhiệm đoạn hậu nặng nề đã chạm súng với quân CS bám theo. Trở về căn cứ Long Bình vài ngày để bổ sung vũ khí. Ngày 25 tháng Tư, Tiểu đoàn theo Trung đoàn lên lập phòng tuyến tại vùng Trãng Bom, ranh giới Biên Hòa, Long khánh. Cùng với một Chi đoàn M113 thuộc Thiết Đoàn 5 do Đại Úy Nguyễn Sơn chỉ huy, Tiểu đoàn dàn quân bên này hào sâu cắt ngang Quốc Lộ 1. Quân số Tiểu Đoàn sau trận Xuân Lộc còn lại trên 300. Một điều khiến các cấp chỉ huy Tiểu đoàn rất vui là không một người lính nào đào ngủ dù mấy ngày ở Long Bình, Biên Hòa, nơi anh em có nhiều cơ hội để bỏ về Sài Gòn, nơi có gia đình đang trông đợi. Tất cả anh em không đành lòng bỏ lại bạn bè, cấp chỉ huy, tất cả cùng chấp nhận đồng lao cộng khổ cho đến giờ phút cuối cùng. Sáng ngày 27 tháng Tư, xe tăng địch bò đến phía bên kia phòng tuyến. Hai chiếc M41 của Thiết Đoàn 5 nguỵ trang chực sẳn bắn đại bác 90 ly trúng một tăng địch. Nhưng, từ hai mặt phải trái cách quốc lộ 1 khoảng trên 100 mét, cùng một lúc lính bộ binh và xe tăng địch xuất hiện. Thì ra lực lượng địch biết không thể băng qua hào sâu nên len lỏi trong rừng, bọc vòng tạo thành thế gọng kềm để kẹp chặt Trung đoàn 48. Qua vô tuyến, lúc đó mới biết rằng Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn và Tiểu Đoàn 1 đóng trong đồn điền cao su Trãng Bom đã rút về hướng Nam từ lúc tờ mờ sáng. Như vậy tại tuyến đầu chỉ còn lại Tiểu đoàn 3 và một Chi Đoàn M113 trong lúc xe tăng và bộ binh địch ào ào tràn ra từ ba hướng. Sau lưng không còn lực để dựa thì còn đánh đấm gì được nữa!.Nếu không nhanh chân thì chắc chắn sẽ bị quân CS bao vây cắt đường rút và diệt gọn. Tiểu Đoàn Trưởng lệnh cho các đứa em phân tán, rút nhanh ra đường. Tội nghiệp chi đoàn M113 của Đại úy Sơn phải tức tốc phân tán để đón những người bạn bộ binh trong lúc tăng địch bắn phá dữ dội. Nếu thiếu tinh thần chiến đấu và đồng đội thì anh em thiết giáp đã bỏ bạn bè bộ binh, vì thật ra M113 đâu phải là đối thủ của tăng T54 CS. Ngay cả M41 của mình cũng đã quá già nua yếu ớt đối với T54. Nhưng nếu M113 mà bỏ chạy thì đâu còn là chiến sĩ Thiết Giáp Quân lực VNCH. Hơn nữa, Tiểu đoàn 3/48 với Chi đoàn 3 Thiết Đoàn 5 đã quá quen biết giao tình qua bao cuộc hành quân chung khắp vùng 3 chiến thuật và bên kia biên giới Campuchea trong năm 1970. Chi đoàn M113 của Đại úy Sơn vốn đã quen địa hình nên sau khi đã gom được bộ binh liền rút rất nhanh. T54 địch đuổi theo, nhưng không làm được gì. Đây thật sự là một cuộc rút chạy. Đáng buồn thật. Đáng buồn vì phải bỏ lại hai chiếc M41 anh hùng ở tuyến đầu, đáng buồn vì đơn vị chưa nổ một phát súng đã tìm đường thoát thân. Nhớ lại đêm nào ở mặt trận Bến Cát Bình Dương năm 1973, lính Tiểu Đoàn đuổi tăng địch, bắn cháy tăng địch, và mới hai tuần trước đây thôi lúc còn ở mặt trận Xuân Lộc, tăng địch là miếng mồi ngon cho M72. Đáng buồn khi nghĩ đến anh em chiến sĩ Địa Phương quân ở căn cứ Bầu Cá chiến đấu trong tuyệt vọng. Tội nghiệp cho những chiến sĩ và gia đình con bị bỏ lại trong căn cứ Bầu Cá nhỏ bé, cô đơn. Ngày 28 tháng tư, Tiểu đoàn đặt dưới quyền chỉ huy của Trung tá Nguyễn Văn Nô, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 5 làm tuyến án ngữ mặt bắc căn cứ Long Bình. Ngày hôm đó, chỉ có tăng của hai bên bắn nhau, còn bộ binh ngồi chơi, la hét cổ vỏ mỗi lần tăng địch bị trúng đại bác 90 ly của M41. Lúc này mà có M48 lâm trận thì T54 của địch chắc phải cháy như cây đuốc nhiều hơn nữa. Từ đồi cao nhìn xuống Quốc lộ, người lính Sư đoàn hết sức khâm phục những người bạn Nghĩa quân Hố Nai, chỉ với súng carbin và M16 trong tay cũng bố trí chận đánh bộ binh địch nếu địch dám xâm phạm vào vùng đất xóm làng thân thương của họ. Ngày 29 tháng tư, lúc 5 giờ chiều, Tư Lệnh gọi Trung Tá Thiết đoàn trưởng Thiết Đoàn 5 và Tiểu đoàn trưởng 3/48 đến BTL trong căn cứ Long Bình để họp cùng Tướng lê Minh Đảo, Trung Tá Nguyễn Văn Nô và Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3/48. Khi đang họp thì chuông điện thoại reo vang . Tướng tư Lệnh nhấc ống nghe. Một phút sau ông bỏ máy với vẻ chán nản và nói: - Tổng Thống Dương Văn Minh hỏi chúng ta có giữ được Long Bình Biên Hòa để chờ thương thuyết không? Ông nhìn thẳng hai thuộc cấp rồi chậm rải từng tiếng một: - Phải giữ bằng mọi giá, đây là vòng đai cuối cùng để bảo vệ Sài Gòn! Ông nhướng đôi mắt sáng lên: - Thiết Đoàn của Trung Tá Nô chưa suy xuyển bao nhiêu phải không? Còn em, quân số Tiểu đoàn còn được bao nhiêu ? - Thưa Thiếu Tướng, còn đủ, chưa mất mát người nào từ khi rời khỏi Xuân Lộc! Nhìn hai anh em chúng tôi, Thiếu Tướng nói với giọng cương quyết: - Các em phải chiến đấu toàn lực, không được để mất thêm một tấc đất nào!

http://farm3.staticflickr.com/2487/3803863024_bf5504c912_z.jpg?zz=1
Trên tấm bản đồ hành quân vùng 3 Chiến thuật, đầy ký hiệu màu đỏ chỉ các đại đơn vị địch: Quân đoàn 1 từ hướng Bắc theo QL 13, QĐ2 và 4 từ hướng Đông Bắc đang áp sát Biên Hòa, QĐ 3 từ Tây Bắc theo QL 1 gần Củ Chi, các Sư đoàn, Trung đoàn, tổng cộng gần 16 Sư đoàn quân CS với những mũi tên đỏ cùng chỉ hướng Sài Gòn. Trung Tá Nô lắc đầu khi nhìn khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ và lo âu của vị Tư Lệnh. Mình cũng vậy thôi phải không Trung Tá, nhưng dù sao thì chúng ta ngày quần thảo với địch quá mỏi mệt, đêm nằm xuống đầu không kịp suy nghĩ đã bị hơi đất xông lên kéo giấc ngủ đến rất mau. Những giấc ngủ mệt nhưng có còn hơn không. Tư Lệnh thì chắc không ngủ được bởi cái đầu chứa đầy hình ảnh những mũi tên đỏ chỉ về Thủ đô. Ngày mai sẽ có giải pháp, Tổng Thống Dương Văn Minh vừa nói như vậy. Giải pháp như thế nào. Giải pháp gì khi chúng ta đang ở trong thế yếu? Nhượng bộ và nhượng bộ mà thôi. Lời nói của Tổng Thống khi ông nhậm chức ngày hôm kia rỏ ràng đã tỏ ra quá nhiều nhân nhượng và sợ hải kẻ thù, làm mất tinh thần toàn quân. Ông dùng hai chữ "anh em" để chỉ kẻ xâm lược như một đòn tình cảm, nhưng chắc chắn ông chẳng bao giờ được phe bên kia đáp ứng trong "tinh thần anh em" đó. Khoảng 11 giờ đêm 29 tháng Tư, đài phát thanh Sài Gòn phát lời huấn lệnh của Tướng ba sao Vĩnh Lộc, quyền Tổng Tham Mưu trưởng QLVNCH: - Các cùi cố gắng giúp Tổng Thống hoàn thành nhiệm vụ lịch sử! Có phải chăng đây là lời giả biệt của vị Tướng ba sao? Linh cảm cho anh em chiến sĩ biết rằng lại thêm một cấp chỉ huy cao cấp đào ngủ, bỏ nước ra đi. Có một chút gì cay đắng, buồn bực và khinh thường trong lòng những người chiến binh. Không! Chúng tôi không bỏ hàng ngủ! Vẫn còn những người lính Bộ Binh và Thiết Giáp đầy gian khổ nguy nan này, vẫn còn rất nhiều đơn vị trên các trận tuyến chung quanh Thủ đô yêu quý. Sư đoàn 5 ở Lai Khê của Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Sư Đoàn 25 ở Củ Chi của Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá, và hàng hàng lớp lớp chiến sĩ anh hùng các đại đơn vị Tổng trừ bị Dù, Thủy Quân Lục chiến, Biệt Động Quân. Những cánh chim đại bàng của không quân VNCH vẫn còn bay, những hạm đội của Hải quân vẫn còn trên sông ngòi, mặt biển Tổ quốc.


Đêm đó, pháo địch từ mọi hướng rót xuống Long Bình như không ngừng nghỉ. Khoảng 3 giờ sáng toàn thể các đơn vị được lệnh rút khỏi Long Bình kéo về bờ Nam sông Đồng Nai làm phòng tuyến. Lúc qua thành phố Biên Hòa, thật ngạc nhiên khi nhìn thấy rất nhiều xe tăng tối tân M48 bố trí khắp nơi trong thành phố. M48 nằm đây để chờ T54 của địch vào thành phố rồi mới nổ súng hay sao ? Biết còn có cơ hội nổ súng hay không? Sao Tư Lệnh Quân đoàn Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn không tăng cường M48 cho chiến tuyến Trãng Bom mà giao trách nhiệm nặng nề cho những chiếc 41 có từ Đệ Nhị thế chiến? Tiểu đoàn Trưởng nuốt nước bọt đắng khô cổ nhưng nước mắt thì như muốn ứa ra đầy uất ức. Người ta quý những chiếc tăng 48 này hơn những mạng người. Một chiếc tăng M48 giá mấy triệu Mỹ kim trong lúc giá một người lính bằng 12 tháng tiền tử tuất. Thôi đi, đừng suy nghĩ vẩn vơ, ngươi chỉ là một sĩ quan chỉ huy nhỏ, cầm Tiểu đoàn còn chưa xong, biết gì mà vội trách móc các cấp chỉ huy cao cấp của mình! Ngày 30 tháng Tư lúc trời vừa hừng sáng, đơn vị vừa xuống xe đang bố trí gần khu Nghĩa trang Biên Hòa thì quân CS với xe tăng treo cờ MTGP dẩn đầu đoàn Molotova theo xa lộ hướng về Sài Gòn. Họ đi một cách ngang nhiên như đoàn xe diễn hành. Mấy chiếc tăng dẩn đầu, thỉnh thoảng còn nổ súng bắn vu vơ vào hai bên đường, còn bộ binh trên xe Molotova vẫn ngồi yên.


Hỏa lực từ vài chiếc M113 trên đồi Nghĩa trang bắn theo nhưng đoàn xe CS vẫn tiếp tục theo hướng đã định. Lúc này thì Bộ Binh đã tách rời Thiết Giáp. Không biết Thiết Đoàn 5 sau đó về đâu, còn Bộ Binh gồm Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 48 với Trung đoàn trưởng Trung Tá Nguyễn Chí Công và toàn bộ Tiểu đoàn 3 cùng băng đồng tìm cách về Sài Gòn. Trung Đoàn phó là Trung Tá Khôi đi cùng Tiểu đoàn 1/48 cũng trực chỉ hướng Thủ Đô. Người lính lúc này sốt ruột lắm. Phải di chuyển cho nhanh về tiếp tay với các lực lượng bạn ở Sài Gòn để giữ cho được Thủ đô yêu quý của người miền Nam. VC từ trong các làng, sau các lùm tre bắn đuổi theo, anh em cũng không cần bắn trả lại. Thỉnh thoảng nghe những tiếng nổ lớn từ hướng Sài Gòn, và nhìn những cụm khói đen bốc cao từ lòng Thủ đô, bước chân người lính như muốn bốc lên khỏi những cánh đồng đất bùn đang làm chậm bước. Thấy lính Sư Đoàn, anh em Địa Phương Quân bỏ đồn bót, xách súng đạn chạy theo để cùng về Sài Gòn chiến đấu. Đồn bót làm gì nữa khi Sài Gòn sắp mất. Nhưng!!!... Lúc đó khoảng mười giờ, cái thời gian lạ hoắc và đáng nguyền rủa. Bàng hoàng, sửng sốt, tuyệt vọng bỗng ào đến giữ chặt cứng những bước chân, làm mắt hoa lên và tim như nghẹt thở khi tiếng nói của một người xa lạ vang lên từ chiếc radio nhỏ người lính mang theo bên mình. Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, ông là ai? Chắc ông không phải là Nguyễn Hữu Hạnh, con cọp Ba Đầu Rằng nổi tiếng, từng khiến Cộng Sản kinh sợ ở Biệt Khu 41 Phước Bình Thành? Nguyễn Hữu Hạnh này là Nguyễn Hữu Hạnh xa lạ vừa được Tổng Thống hai ngày phong chức Tham Mưu trưởng QLVNCH. Chúng tôi nghi ngờ ông không phải là một vị Tướng lãnh của QLVNCH, bởi vì nếu thật ông là Tuớng từng cầm quân trận mạc thì chắc ông đã không quên ý chí kiêu hùng của người lính VNCH. Chúng tôi, những con xe đã ủi hết cuộc đời, những con tốt đã liều lĩnh qua sông, những con mã chạy không kịp thở, những con pháo tự nổ tung xác để làm gì trong bao nhiêu năm tháng qua, để bây giờ phải lắng nghe, tuân thủ cái lệnh buông súng đầu hàng nhục nhã!? Quý vị không thấy nhưng chúng tôi thấy những bạn bè đã hy sinh đang sống lại, khóc lóc và nguyền rủa... Ngay cả những oan hồn người lính CS chết trên đường vào Nam cũng đang cười vào đầu óc ngây thơ của quý vị đang ngồi trong dinh Độc Lập, trong bộ Tổng Tham Mưu!! Đầu hàng! Thật quá dể. Chúng tôi có thể làm được điều đó ngoài mặt trận, nhưng những người lính trực diện vơi súng đạn đã không làm vì còn danh dự, trách nhiệm đối với Quân Lực và Tổ Quốc. Không bao giờ chúng tôi nghĩ đến ngày QLVNCH phải đầu hàng. Thực tế tại các chiến trường trong nhiều năm chiến đấu đã cho chúng tôi niềm tin rằng QLVNCH mạnh hơn quân CS Bắc Việt trên mọi mặt. Chúng ta yếu kém hơn họ trên mặt trận tuyên truyền láo khoét mà thôi. Chao ơi, nào ai muốn chiến tranh huynh đệ tương tàn. Nhưng có ai nhận chúng ta là huynh đệ không? Và họ có nghĩ gì đến tổ quốc Việt Nam hay là chỉ phục vụ cho tổ quốc Cộng sản bạo tàn? Chúng ta không muốn chiến tranh, chúng ta chỉ là kẻ tự vệ. Kẻ tự vệ bao giờ cũng sáng ngời lý tưởng, huống gì lý tưởng chiến đấu của chúng ta là hai chữ Tự Do. Này, các "người anh em", hãy đến đây nhận lấy vũ khí, rồi trả thù, hành hạ, đánh đập, tù ngục chúng tôi. Khi buông súng là mặc nhiên chấp nhận tất cả. Và để rồi xem ý nghĩa hai chữ "anh em" mà thượng cấp chúng tôi dùng sẽ như thế nào! Anh em đồng đội của tôi ơi, cho đến giờ phút này, tuy lòng đau đớn nhưng chúng ta thật bình thản, không hề mảy may sợ hãi, bởi vì chúng ta đã cầm súng để tự bảo vệ mình.

http://farm7.staticflickr.com/6110/6884220374_8ae522c3fe_z.jpg
Chúng ta chiến đấu trong tinh thần dân tộc máu đỏ, da vàng, không thẹn với lương tâm bởi tinh thần mã thượng và nhân đạo của con nguời đối với con người nơi trận tuyến. Chúng ta quý mạng sống kẻ thù như mạng sống của mình. Chưa, chưa bao giờ chúng ta nhẫn tâm ném một trái lựu đạn xuống hầm VC vì tiếng khóc của bà mẹ, của người vợ van xin cho đứa con, cho người chồng lầm đường. Chưa bao giờ chúng ta căm thù, hành hạ kẻ vừa bắn ngã đồng đội anh em mình bởi vì chúng ta hiểu đó là quy luật của chiến trường. Những người lính hai bên ai cũng muốn mình chiến thắng. Người lính miền Nam chúng ta nổ súng không có thù hận đem theo. Và đó cũng là một nguyên nhân mà chúng ta thành kẻ chiến bại ngày hôm nay.

* * *

Lúc này là 11 giờ 30, mặt trời và mặt đất như chưa bao giờ biết nhau như những người lính chưa bao giờ phải buông súng đầu hàng. Gần ba trăm tay súng, bỗng chốc tự mình làm cho mình còn lại tay không. Tay không trong hiện tại đớn đau và tay không trong tương lai khốn cùng. Ba trăm con người sắp hàng bước đi trước họng súng của mười du kích CS. Có lẻ trong giây phút này đây quý vị trong Dinh Tổng Thống cũng không hơn gì chúng tôi. Nơi đây, những du kích này còn lo sợ chúng tôi phản ứng còn quý vị thì đang ngoan ngoãn vâng lời dạ thưa tôi xin bàn giao, tôi xin đầu hàng. Trong Dinh tổng Thống không có mẹ già khóc, không có những em nhỏ nhìn theo mến thương, trước đám đông, nhiều đồng bào còn hoan hô các anh chiến sĩ QLVNCH. Đây là đồng bào thuộc xã Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức, những con dân miền Nam nhân ái , yêu chuộng tự do. Họ đang đứng thành hàng hai bên đường, không phải để đón tiếp kẻ cầm vũ khí trong tay mà đón tiếp những người vừa bị lột trần giày, nón. Những nụ cười rất quen thuộc, thân thương mà kẻ chiến thắng cũng như quý vị cao chạy xa bay, đầu hàng không bao giờ được trao tặng. Cởi dày, cởi áo phải chăng là khúc cuối của vở bi kịch? Phải, chính là bi kịch, nhưng đoạn cuối thì chưa đến. Vì là bi kịch nên cha, mẹ, anh chị, em đứng hai bên đường rơi nước mắt. Tất cả mọi người đều sợ chiến tranh, giờ đây chiến tranh đã chấm dứt mà sao đồng bào nơi đây không cảm thấy có niềm vui. Phải chăng khi đã thật sự thấy tận mắt những gương mặt hốc hác, những nụ cười không lành lặn, trọn vẹn, những áo bạc màu rách vai, những đôi dày vẹt đế đầy bùn đất... đồng bào mới hiểu được có những chịu đựng tận cùng của con người nơi các chiến sĩ miền Nam của họ. Và chính đó là tình thương chân thật . Mừng cho các con còn sống! Mừng cho các anh yên lành! Chúng con nghe mẹ nói, muốn cầm tay mẹ và thì thầm mẹ ơi, chúng con đang chết từ giây phút này, một cái chết dưới thấp hơn tất cả cái chết trên đời thưa mẹ. Các anh muốn nói với em rằng có những vết thương đang hằn sâu, sâu hơn những vết thương các anh nhận từ chiến
trận .

* * *

Một tên xã đội trưởng du kích hỏi: - Ai là cấp chỉ huy ở đây? Mọi người chờ đợi. Tiểu Đoàn Trưởng trả lời: - Tôi! - Anh tập họp tất cả binh lính! Xã đội trưởng nói, giọng không được tự chủ khi đối diện với mấy trăm con người mắt nhìn hắn như trêu ghẹo... Lúc đó trong sân chùa Long Thạnh Mỹ, những người lính ngồi bệt xuống đất, cởi những chiếc vớ nhà binh rồi đưa lên mũi ngửi, mỉm cười nhìn nhau. Phải không bạn, chúng mình mang những đôi vớ này đã mấy ngày từ hôm rút khỏi Trãng Bom mà không có thì giờ để thay chiếc khác. Cởi những đôi vớ ra, bàn chân thật thoải mái nhưng tâm hồn sao lại u uất. Mùi hôi của vớ không nặng bằng mùi phiền muộn. Khi thấy anh em binh sĩ cởi giày, nhiều bà con chạy về nhà lấy dép ra cho. Lính và dân trao đổi giày nhà binh và dép nhẹ với những nụ cười như muốn nói với nhau: "Cám ơn em đã cho anh đôi dép, đôi dép khiến đôi bàn chân anh nhẹ nhàng. Cám ơn anh đã nhường cho em đôi giày lính, đôi giày này sẽ tiện lợi cho em trong những tháng ngày tương lai." Thấy đồng bào vui mừng khi nhận đôi bốt mòn đế, người lính ngạc nhiên nhưng rồi chợt hiểu. Phải, chính từ giờ phút này đây, những cuộc đời sẽ thay đổi, những khốn khó đang chực chờ. Tội nghiệp các em đang độ tuổi lớn khôn, chỉ mới ngày đầu mà đã thấy ra con đường tương lai đen tối! Khoảng hai giờ chiều thì đồng bào đem thức ăn đến sân chùa Long Thạnh Mỹ. - Các con ăn cơm cho đở đói! - Các chú ăn cho thật no nghe!. - Các anh cứ tự nhiên như ăn cơm của mình!Đồng bào trong xã mời các anh, thương các anh lắm! Đã lâu lắm rồi, đây là bữa cơm thịnh soạn nhất mà người lính chiến đấu được hưởng. Cơm gạo trắng, thịt heo kho măng thơm phức. Nhiều đồng bào đứng xem lính ăn, cười mãn nguyện. - "Trưa nay ăn thịt kho, chiều nay ăn cá lóc kho nghe các con!" Mẹ nói. - "Ra giếng chùa tắm cho mát rồi đi nghĩ cho khoẻ nghe các con!" Cha bảo. Tội nghiệp vị sư già gần 70 tuổi, không quen mùi thức ăn sinh vật, nhưng cũng đi từ nhóm này đến nhóm khác thăm hỏi như là một người cha sau bao ngày xa xách con mình. Hầu hết anh em binh sĩ đều ăn uống tự nhiên, rất ngon lành. Những sĩ quan chỉ huy thì không bình yên như vậy. Có người không nuốt nổi vì nước mắt lưng tròng. Khóc vì tủi nhục và cũng vì sung sướng. Nếu chiến đấu không có lý tưởng, không vì tự do hạnh phúc của dân tộc thì sao có được bữa cơm đầy tình nghĩa đáp đền hôm nay. Buổi chiều sân chùa vắng lặng vì anh em binh sĩ vào chơi trong làng. Trung Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng và vài sĩ quan ở lại nghe vị sư già nói chuyện. Trước đây, sư đã từng có chức vụ trong ủyban kháng chiến Liên khu 5 ở miền Trung, nhưng sư bỏ trốn vào Nam khi nhận rõ bản chất của người CS. Sư nói: - Quân Đội miền Nam có lý tưởng nhưng không tinh nhuần lý tưởng, lại thiếu khôn ngoan xảo quyệt, nhân nghĩa giả như Cộng Sản. Khi được hỏi về tương lai của miền Nam thì vị sư lắc đầu: - Thầy e rằng rồi đây ngay những chiếc áo tu nâu sồng nghèo khó cũng khó được mặc! Đôi mắt vị sư buồn nhìn về xa xôi: - Từ khi cuộc chiến bùng nổ lớn, mất miền Trung, đồng bào hàng hàng lớp lớp chết vì chạy giặc, kinh kệ không vào trong đầu óc thầy nữa! Đôi mắt sư nhìn sâu vào mắt mọi người với tiếng thở dài. Giọng một người run run: -- Vì đau khổ của chúng sanh mà tâm thầy không an, đôi mắt thầy hướng ra ngoài cửa Phật, còn chúng con hôm nay có được giây phút an lạc hiếm hoi trong cuộc đời. Chỉ sợ mai đây khi bước ra khỏi bóng chùa... Sư chắp tay hướng lên bàn thờ Phật: - Mô Phật! Bây giờ thì mọi chuyện đã xong, chỉ mong rằng họ sẽ khôn ngoan giải quyết trong tình nghĩa huynh đệ, đồng bào ruột thịt thì mới mong oán oán không chất chồng! Lời Sư trầm hẳn xuống: - Các con rồi đây phải cố gắng nhẩn nhục chịu đựng, chấp nhận tất cả. Thầy tin rằng đồng bào mình không ai không thương các con. Hãy tạm quên lý tưởng mà luôn luôn nghĩ đến sự tồn tại thực tế của gia đình mình! Khi nghe Sư hỏi thăm gia cảnh mình, tự nhiên mọi người đều ứa nước mắt. Nước mắt sư cũng ứa ra. Vì thương nhớ quê nhà, lo âu cho đạo pháp hay biết trước số phận sắp tới của những con người còn trẻ đang quây quần trước mặt mà thầy khóc? Có lúc nào đó, lòng chợt nhớ đến mẹ. Không biết mẹ còn ở Huế hay lạc bước đến phương nào từ khi Huế mất. - Đêm nay thầy không thỉnh kinh, các con vào chánh điện mà nghỉ! Sư nói, rồi nhẹ nhàng đứng dậy. Anh em cũng đứng dậy chào người. Sư bước đi, dáng gầy xiêu xiêu. Màu nắng chiều tháng Tư nhạt nhòa trên vai áo nâu sồng, màu nắng loang lổ trên bậc thềm chùa như những mảnh vá của tâm hồn những người tạm nương nhờ cửa Phật đêm nay. Buổi tối anh em binh sĩ về sân chùa đầy đủ. Dưới ánh trăng mờ mọi người nằm la liệt, có người ngủ say bất động như xác chết. Một vài tiếng ho, ú ớ từ đâu đó vang lên. Không ngủ được, Nguyễn Mạnh Tông ngồi dậy nói : - Anh Ba ơi, anh em mình đi một vòng trong sân thử xem!* Trần Văn Minh ĐĐT Đại Đội Chỉ huy, nghe nói cũng ngồi dậy: - Em đi với anh Ba và anh Tư! Tông hỏi: - Có cần đếm thử xem anh em còn đủ không? - Thôi khỏi cần. Chắc không có anh em nào bỏ đi đâu! Tiểu Đoàn Trưởng nghĩ thầm: "Anh em ai bỏ đi lúc này cũng được nhưng chắc không ai nỡ, anh em biết rằng nếu có người bỏ đi thì ngày mai các sĩ quan chỉ huy sẽ bị làm khó dể. Anh em ở lại để tỏ rỏ tình huynh đệ và tính kỷ luật của đơn vị một lần cuối. Cám ơn các em. Chúng ta chỉ còn với nhau ở nơi yên tỉnh này một đêm thôi. Rồi ngày mai... "

* * *

Mọi người ngước mắt nhìn bầu trời phương xa đang treo lơ lửng một vài trái sáng. Chắc chắn đâu đó, quanh Sài Gòn và ngay trong lòng Sài Gòn giờ phút này vẫn còn có những người vẫn tiếp tục chiến đấu. Còn vùng 4 chiến thuật nữa. Vùng bốn không đầu hàng CS. Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng là những danh tướng, quý vị sẽ không tuân lệnh tổng thống Dương Văn Minh. Vùng bốn dân đông, kinh tế phồn thịnh sẽ là nơi quy tụ những anh hùng. Khi ba người trở lại chỗ cũ thì thấy mấy anh em thuộc Trung đội Quân báo của thượng sĩ Bé đang ngồi nhìn dáo dác chung quanh. Bé nói: - Em giật mình thức dậy không thấy Thiếu Tá và hai Đại Úy nên gọi anh em dậy đi tìm! Tiểu Đoàn Trưởng cám ơn rồi bảo mọi người đi ngủ. Tình cảm anh em vẫn còn gắn bó quá, thật không có gì thay đổi dù Tiểu Đoàn Trưởng bây giờ không còn là Tiểu Đoàn Trưởng, sĩ quan không còn là sĩ quan... Đặt lưng nằm xuống, nhưng ba người vẫn không ngủ được. Giờ phút này, thật sự chỉ có giờ phút này mới nghĩ đến gia đình vợ con, mấy ngày qua chỉ nghĩ đến sự an nguy của đơn vị. Chỉ có những người lính chiến đấu mới biết rõ điều này hơn ai hết. Một đêm yên lành, thể xác bềnh bồng trôi qua đêm. Sáng 1 tháng 5, nắng đã lên ngoài sân chùa. - Mời Trung Tá, Thiếu Tá uống trà! Nguyễn Toàn, nguyên là người phụ trách cơm nước cho Tiểu Đoàn Trưởng, pha trà và mời. -Thôi anh Toàn, đừng gọi Trung Tá, Thiếu tá, Đại Úy gì nữa, mọi người đều như nhau, cùng một hoàn cảnh cả! - Dạ, nhưng tụi em vẫn xem như không có gì thay đổi! Tiểu Đoàn Trưởng quay qua người lính quân báo bên cạnh, hỏi nhỏ: - Cây súng nhỏ của tôi cậu còn giữ không? Người lính nỡ nụ cười: - Em xin lỗi, em cố giữ như lời Thiếu Tá dặn, nhưng mấy anh em khuyên em ném nó đi, coi chừng Thiếu Tá nóng nảy làm bậy, khổ cho gia đình. Tụi em thấy mấy người du kích có vẻ nể nang chúng ta, họ không dám làm nhục Thiếu Tá và các vị sĩ quan đâu. Loạng quạng tụi em bẻ họng tụi nó hết! Khoảng 11 giờ trưa, xã đội trưởng xuống gặp Tiểu Đoàn Trưởng, yêu cầu tập trung binh sĩ để nhận giấy chứng nhận cho ra về. Theo lời Tiểu Đoàn Trưởng, mọi người kéo nhau xuống tập họp tại sân xã. Tiểu Đoàn Trưởng và các Sĩ Quan nhận giấy rồi phát lại cho anh em binh sĩ . Đứng trước anh em đang tập họp, Xã đội trưởng VC nghiêm sắc mặt rồi nói: - Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam khoan hồng cho tất cả các binh sĩ nguỵ về với gia đình. Yêu cầu khi về địa phương phải đến trình diện chính quyền Cách Mạng. Các sĩ quan cấp úy cũng sẽ được ra về nội trong chiều nay. Riêng sĩ quan cấp Tá sẽ được chuyển lên Ủy Ban Quận quyết định. Ai nhận giấy tờ xong bây giờ có thể ra về! Xã Đội Trưởng dứt lời, đưa mắt nhìn anh em binh sĩ. Anh em vẫn đứng yên, mắt hướng về những người chỉ huy cũ chờ đợi. Tiểu Đoàn Trưởng bước đến trước anh em nhưng miệng như không thốt ra được lời nào. Một phút rồi hai phút, bỗng trong hàng quân có tiếng khóc. Tiểu Đoàn Trưởng ứa nước mắt. Anh em ứa nước mắt. Tiểu đoàn trưởng nói và chớp chớp đôi mắt để làm khô nhanh hạt lệ đang ứa ra. - Ô kìa, sao lại... Anh em! Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ thấy một anh em nào khóc, ngay cả khi chứng kiến sự hy sinh của bạn mình. Bây giờ hết chiến tranh rồi, hết chết chóc rồi, anh em sẽ ra về xây dựng cuộc đời mới, sống hạnh phúc với gia đình vợ con thì tại sao lại làm như đàn bà thế, phải vui cười lên chứ. Cười như tôi đây này! Tiểu Đoàn Trưởng nói và cố mỉm cười. Cái mỉm cười lạ lùng nhất mà mọi người chưa bao giờ thấy. Anh em mỉm cười theo, có người cười thành tiếng nhưng vẫn có người còn sụt sùi. "TĐ 3/48 chưa bao giờ bại trận, ngay cả bây giờ cũng vậy, không được tỏ ra yếu đuối trước họ, không thể để họ xem thường tinh thần người lính miền Nam". Tiểu Đoàn Trưởng nói thầm với mình rồi quét đôi mắt sáng đầy cương quyết nhìn mọi người. Tiểu Đoàn Phó Nguyễn Mạnh Tông gật đầu nhận hiểu. Anh em nhận hiểu như đã nhiều lần nhận hiểu khi nghe cấp chỉ huy mình nói trước giờ xuất quân . - Bây giờ anh em có thể ra về, nhưng hãy trả lời tôi trước khi chúng ta chia tay! Tiểu Đoàn Trưởng chống hai tay vào hông, một cử chỉ quen thuộc mỗi lần đứng trước hàng quân. -Tất cả! Ngồi... - Xuống! - Đứng... - Dậy! Cả ba trăm người trả lời cùng với động tác ngồi xuống và đứng dậy một lượt, âm thanh hùng hồn vang động làm rung rinh tâm hồn những cán binh VC và đồng bào có mặt khiến họ đều nhất loạt vỗ tay. Khi mọi người bắt tay nhau từ giả, Tiểu Đoàn Trưởng quay qua hỏi trung sĩ Lê Văn Tạo:

- Ngoài anh Tạo biết gia đình Sơn, còn có ai biết nữa không?

- Chỉ một mình em biết thôi, em đã chuẩn bị tất cả rồi, xác Sơn đã được đưa lên xe lam, chốc nữa em sẽ đưa Sơn về nhà cho gia đình Sơn!

Giọng Tạo thật buồn và anh nói tiếp:

- Nó cố giữ cái máy truyền tin nên bị hụt cẳng khi qua sông, em kêu nó buông cái máy ra mà nó không chịu nghe... Đánh nhau không chết bây giờ lại chết, may mà sáng nay xác nỗi lên còn không thì ... - Có mấy trăm đây, em lấy mà trả tiền xe! - Thưa Thiếu Tá không, người chủ xe lam không lấy tiền! Sơn ơi! Cái chết của em đau lòng mọi người lắm, nhưng em sẽ bất tử trong lòng anh em bởi vì tất cả chúng ta không ai quên được những giờ phút Tiểu Đoàn lội qua sông để mong đến với Sài Gòn đang kêu cứu.

* * *

Gã tù binh đứng như trời trồng giữa buổi trưa ngày cuối tháng tư nắng gắt. Gã nhắm mắt lại, tai nghe lao xao những lời từ giả. Tay gã muốn cử động khi có bàn tay ai nắm chặt nhưng bàn tay gã như khô đi và cứng ngắt. Gã đứng đó và thấy một dòng sông đang chảy xiết với hình ảnh những người lính vội vã lội qua sông. "Sơn ơi! Sao em không chịu buông cái máy truyền tin, còn giữ nó làm chi trong giờ phút sau cùng khi không còn gọi được một ai, không nghe ai gọi mình!" Hởi con sông đang chảy xiết và sẽ chảy mãi trong trái tim đau đớn của ta! Ta làm sao quên dòng chảy ào ạt của ngươi đã nhận chìm, cuốn trôi đôi tay người lính đang nâng chiếc máy truyền tin lên cao, lên cao. Hởi người lính muốn qua sông về với Sài Gòn mà chưa qua được! Anh vẫn thấy đôi mắt em hướng về Thủ Đô buổi sáng 30 tháng Tư. "Ngày xưa khi anh mở mắt chào đời, Mẹ yêu, theo gương người trước chọn lời,... đặt tên cho người nặng tình yêu nước vào nôi ( Phạm Duy). Không biết con sẽ hát bài ca này bao nhiêu lần trong cuộc đời lưu lạc Mẹ ơi!...

Nguyễn phúc Sông Hương

* (Các danh xưng anh Ba, anh Tư, anh Năm ... mà Sĩ quan Tiểu đoàn 3 dùng từ khi thiếu Tá Phương (anh hai) còn làm Tiểu Đoàn Trưởng năm 1972, lúc đó Tiểu Đoàn Trưởng hiện tại là Tiểu đoàn Phó, là anh ba)

Ghi chú của nhóm chủ trương:

Sau khi SĐ18 được lệnh bỏ trống mặt trận Long Khánh và rút về ven biên Sài Gòn, không có một tin tức, văn bản hay báo chí nào nói đến cuộc chiến đấu bi hùng và tuyệt vọng của những người lính VNCH trong những ngày hấp hối sau cùng của miền Nam. Đọc "Người Lính Chưa Qua Sông", chúng ta như sống lại những ngày bi tráng và đau thương của quân lực. Nó là truyện thực, là vết tích của lịch sử bị bỏ quên, và nó đã sống lại trong tập truyện này.

Nguyễn phúc Sông Hương

( Sinh Ton chuyen
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn