Biệt Động Quân và những ngày Mậu Thân đợt 2 binh lửa

Thứ Bảy, 22 Tháng Năm 20216:14 CH(Xem: 3927)
Biệt Động Quân và những ngày Mậu Thân đợt 2 binh lửa
BDQ-cholon 4Cuộc chiến bại nặng nề của các đơn vi Việt cộng miền Nam trong lần tấn công Mậu Thân Lần Thứ Nhất từ ngày 30.1 đến ngày 12.2.1968, đã làm kiệt quệ đến tận cùng các đơn vị võ trang của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tuy rằng rõ ràng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Quân Đội Hoa Kỳ đã loại bỏ được sức mạnh của Việt cộng miền Nam, nhưng thật là khó hiểu đến kỳ dị, khi báo chí truyền thông Tây phương và Hoa Kỳ không biết dưới ngọn đũa ma quỷ nào đã biến chiến thắng đó thành cuộc chiến bại, từ đó đưa đến nhiều hậu quả nghiêm trọng rất bất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa về mặt chính trị. Phía nội bộ Hoa Kỳ thì báo chí, truyền hình thân cộng và phản chiến loan tin thất thiệt với đầy dẫy thiên kiến thì chẳng nói làm gì. Cả một bộ máy chính trị và quân lực hùng mạnh như vậy mà đã bó tay không “giải thích” nổi với quần chúng Mỹ chiến thắng của mình trước Hà Nội, lại là một điều còn kỳ dị hơn nhiều. Báo chí, truyền thông và bọn nhà văn nô lệ đồng tiền cúi mặt vẽ vời theo đơn đặt hàng của cộng sản quốc tế làm những tên phản quốc đã đành (nói cho cùng thì bọn người tạp chủng có nguồn gốc di dân tứ xứ này làm gì có tổ quốc để mà tôn kính, mà yêu thương). Nhưng đến chính quyền và quân đội Hoa Kỳ mà cũng để cho sự bôi bẩn đó xảy ra ngay sờ sờ dưới mũi của mình, dù cố giải thích đó là nền tự do tư tưởng và báo chí của hiến pháp, cũng làm cho những người bạn đồng minh Việt Nam không khỏi đặt một câu hỏi lớn, rất lớn. Liệu có phải đó là một dấu hiệu sửa soạn cho một cuộc tháo chạy hay không. Chưa từng trong lịch sử chiến tranh của nhân loại mà một quân đội hùng mạnh đang thắng thế lại tìm cách bỏ chạy trước phe chiến bại. Để cho cuộc chạy trốn đó được danh chánh ngôn thuận, phải chăng những bộ óc thông thái nhất của nước Mỹ, bất kể khuynh hướng nào, đã tự dàn dựng một cuộc chiến bại, hầu có thể rút an toàn nửa triệu thanh niên của mình về nước. Điều này làm hài lòng người dân Mỹ, vốn là dân tộc rất thiếu sự kiên nhẫn, mặc dù khởi đầu đầy lòng tương trợ. Nhưng điều này cũng có thể được xem như là tự nhổ nước bọt vào mặt mình.

 
Nhận biết được những ngóc ngách yếu kém tinh thần và đường lối giải quyết chiến tranh đó của nước Mỹ, Hồ Chí Minh và học trò tại Hà Nội họp hành bàn mưu tính kế làm một cuộc Tổng Công Kích nữa để có thêm được “chiến thắng” hầu thêm được lợi thế tại Hội Đàm Paris đã bắt đầu khởi diễn trong tháng 5.1968. Áp dụng tuyệt đối chiến thuật “Vừa Đánh Vừa Đàm” của Trung Cộng, ưng khuyển của Hồ Chí Minh tại Paris như Xuân Thủy, Lê Đức Thọ đã câu giờ, bằng cách cãi cọ, dùng dằng với Hoa Kỳ về hình thể chiếc bàn, bàn tới bàn lui nhùng nhằng không đi đến đâu, như cái gân gà. Nhận định rằng người Mỹ đã quá ngây thơ và đã lọt vào mê hồn trận của cộng sản mà không hề để ý tới kinh nghiệm và lời khuyến cáo của Việt Nam Cộng Hòa, phía Việt Nam Cộng Hòa đứng ra ngoài cuộc tranh chấp kiểu trò hề rất hài hước đó. Người Mỹ không biết, hoặc có thể biết mà giả vờ u mê, rằng nói chuyện tay đôi với Việt cộng chẳng khác nào nói chuyện với một cái máy hát tồi chạy bằng pin. Mà đã nói chuyện với một cái máy vô tri giác, thì dù cho có nói đến khuya, lũ chúng nó vẫn cứ trơ trơ là cái máy nói thuần túy, không có tai, cũng không có cả bộ não để có thể tự quyết định những vấn đề dù là căn bản và sơ sài nhất. Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu từng nhiều lần mạnh mẽ nhắc nhở quân dân miền Nam: “Nói chuyện với Việt cộng là phải bằng dao găm, súng ống và lựu đạn”. Thật đúng như vậy, khi quân dân miền Nam nện lên đầu chúng những thứ đó lần thứ nhất năm 1968, lần thứ hai năm 1970 và lần thứ ba năm 1972, chúng liền cúi đầu nhục nhã chịu ngồi vào bàn hòa đàm ngay chẳng dám ti toe gì. Cho đến khi được một thứ “đèn xanh” nào đó bật lên, chúng liền ngoác miệng ra đòi hỏi đủ thứ cực kỳ hỗn láo và vô lý, cung cách rất ti tiện, cứ như là những kẻ chiến thắng.


Để hỗ trợ tiếng nói tại bàn hòa đàm Paris, Hà Nội quyết định phóng ra cuộc Tổng Công Kích (hay Tổng Tự Sát) lần thứ hai, hầu nướng trọn gói lực lượng võ trang Việt cộng miền Nam, dọn đường cho bộ đội miền Bắc ào ạt vào Nam dấy động chiến tranh, theo sách lược nhuộm đỏ thế giới từng phần của cộng sản quốc tế. Căn cứ vào thời điểm phát động cuộc tấn công, có thể chia cuộc Tổng Công Kích Mậu Thân Đợt 2 này thành hai giai đoạn:


- Giai đoạn thứ nhất: từ ngày 5.5.1968 đến ngày 12.5.1968.

- Giai đoạn thứ hai: từ ngày 25.5.1968 đến ngày 18.6.1968.


Vòng đai phòng thủ thủ đô Sài Gòn quá rộng mà lực lượng trấn giữ của quân ta chỉ có một Lữ Đoàn Nhảy Dù, một Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, một Liên Đoàn Biệt Động Quân, cùng vài đơn vị chiến đấu khác như Cảnh Sát Dã Chiến, cho nên có rất nhiều kẽ hở không thể kiểm soát nổi, từ đó các đơn vị Việt cộng lén lút xâm nhập vào. Một điểm khác biệt lớn đối với trận Mậu Thân 1 trong những ngày Tết, lần này quân cộng sản không tổ chức tấn công các cơ quan đầu não của trong Sài Gòn, mà chúng chỉ chiếm đóng những khu dân cư, cầm giữ dân chúng, áp dụng lối đánh nhỏ dằng dai mang sắc thái du kích chiến. Bẫy được quân cộng ra khỏi những khu tập trung dân lần này thật khó khăn hơn lần thứ nhất rất nhiều, tốc độ tiến quân và thanh toán những chốt địch rất chậm, thậm chí phải tổ chức đánh đêm tỉa dần từng vị trí của chúng.


Tiếng súng chiến cuộc Mậu Thân 2 bắt đầu nổ giòn giã từ lúc 0 giờ 30 rạng sáng ngày 5.5.1968, bằng một cuộc pháo kích hỏa tiễn 122 ly và súng cối 82 ly vào phi trường Tân Sơn Nhứt và rải lên một số đường phố. Trong lúc đó thì lực lượng Việt cộng di chuyển đến những mục tiêu định sẵn: cầu Bình Lợi do Thủy Quân Lục Chiến phòng thủ, cầu xa lộ dẫn vào đường Phan Thanh Giản, Bình Thới thuộc Chợ Lớn. Trên những con đường Phó Cơ Điều, Nguyễn Trãi, Phan Văn Trị, Cô Giang, Đề Thám, Nguyễn Thiện Thuật nhiều toán Việt cộng gọi loa tuyên truyền và rải truyền đơn kêu gọi dân chúng Tổng Nổi Dậy, tổ chức đứng trên truyền đơn mang danh nghĩa Mặt Trận Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình. Dĩ nhiên chẳng có đồng bào nào gia nhập cuộc tổng nổi dậy đầy hoang tưởng đó, nghe cái tên Mặt Trận đồng bào đã lạnh gáy, cứ liên tưởng đến cuộc chết chóc hồi Tết cũng do Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam dấy lên. Giờ đây chúng lập ra một cái Mặt Trận khác, sử dụng những thành phần trí thức, tôn giáo, bất mãn, đối lập, thường gọi là “thành phần thứ ba” để mập mờ lừa bịp người dân thủ đô. Nhưng Việt cộng kéo tới đâu, đồng bào rùng rùng bồng bế nhau chạy tránh xa tới đó. Dù cho chúng có vẽ ra đến bao nhiêu cái Mặt Trận đi nữa, thì quần chúng cũng đã biết tất cả ngần ấy cũng chỉ là một bầy ngạ quỷ mang danh cộng sản.

 


Mặt trận Thị Nghè


Một chiếc xe hàng chở đầy gạch mang biển số EG 2649, bên ngoài chất đầy gạch, bên trong chừa một khoảng trống đủ cho một số Việt cộng thuộc Tiểu Đoàn Phú Lợi 1 ẩn núp. Khi tới đầu cầu Phan Thanh Giản, bọn giặc dở gạch xông ra ngoài thụt B 40 vào vọng gác giữ cầu. Chúng tràn qua cầu chiếm lấy khu dân cư phía tay phải và thiết trí súng trên những cao ốc đường Tự Đức. Hạ Sĩ Hải Quân Lâm Văn Mạo gác cầu nổ súng bắn chận, nhưng anh và người bạn còn đang nằm ngủ trong mùng bị tràn ngập nhanh chóng. Đến 4 giờ 15 sáng, các đơn vị của Tiểu Đoàn 5 Hắc Long Thủy Quân Lục Chiến, Cảnh Sát Dã Chiến đến mở cuộc bao vây và bắt đầu trận đánh giải tỏa. Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia đã đến chỉ huy cuộc hành quân truy kích địch, nhưng đến trưa ngày 6.5.1958 thì ông trúng đạn bị thương nặng ở chân. Thật đau lòng, quân y viện Hoa Kỳ và Đại Hàn từ chối không nhận cứu chữa khẩn cấp cho Chuẩn Tướng Loan, vì trước đó ở Chợ Lớn ông đã xử tử tên Đại Úy Đặc Công Việt Cộng Bảy Lốp trên đường phố, sau khi tên này đã giết chết hết một Đại Úy Cảnh Sát cùng vợ con của ông. Chuẩn Tướng Loan đích thân đốc thúc lực lượng hành quân bao vây, truy lùng từng căn nhà một, cuối cùng một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đã nắm cổ được Bảy Lốp. Trong cuộc chiến tranh, hai bên đối phương bắn giết nhau để giành phần thắng là chuyện không thể tránh được, nhưng cho dù nhân danh bất cứ thứ công lý nào mà tàn sát đàn bà và trẻ con, thì hành động đó xứng đáng được nhận bản án tử hình. Chuẩn Tướng Loan với lòng căm phẫn trước sự dã man cùng cực của những con quỷ khát máu và nhân danh những oan hồn vô tội, ông nã vào đầu Bảy Lốp một phát súng của công lý. Vì lý do đó, Chuẩn Tướng Loan đã không được nhận vào quân y viện của những người gọi là bạn.


Mặt trận Thị Nghè sang ngày 6.5.1968 được tăng cường thêm Tiểu Đoàn 35 Biệt Động Quân có Thiết Giáp yểm trợ. Hai chiếc M 113 đánh vào hẻm Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng từ trên cao ốc địch dội B 40 và thượng liên xuống ác liệt, Thiết Giáp khựng ngay tại đầu con hẻm. Một Thiếu Úy Mũ Nâu dẫn một bán đội xung phong, vừa chạy vừa rải đạn dữ dội lên mục tiêu, nhưng bị bắn chận quá dữ, anh phải dội ngược trở ra. Trung Úy Huỳnh Thiện Măng, chỉ huy Đại Đội 4 Mũ Nâu điều động con cái đánh dằng dai với địch đến tận đêm, hai bên mò mẫm lùng nhau trong bóng tối. Sang ngày 7.5.1968, đám cháy cây xăng gần Nhà Thờ Thị Nghè vẫn còn bốc cao ngọn lửa đỏ nóng hừng hực. Việt cộng tránh né Biệt Động Quân chạy về co cụm trong khu Viện Dưỡng Lão thì đã đụng ngay Đại Đội 1, Tiểu Đoàn 5 Hắc Long của Thiếu Tá Phan Văn Thắng. Việt cộng tháo chạy về phía Nam cầu Bình Lợi lại vấp phải những họng súng của Tiểu Đoàn 6 Thần Ưng Thủy Quân Lục Chiến do Thiếu Tá Robert Lửa Nguyễn Xuân Phúc chỉ huy giết thêm được một số nữa. Việt cộng đánh trối chết mới chạy thoát được. Trong những xác chết có cả lính gái Việt cộng, những nữ cộng này mặc quần Jean đen, trên cánh tay trái buộc một miếng băng trắng làm dấu hiệu nhận nhau. Tại mặt trận Bình Lợi, Đại Úy Vũ Mạnh Hùng đã anh dũng đền nợ nước, nhưng tên anh vẫn sống mãi trong lòng người hậu phương cho mãi đến ngàn đời sau. Bài hát “Rừng Lá Thấp” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh xúc cảm viết riêng cho người bạn Mũ Xanh, như là lời chiêu hồn ngập đầy nước mắt, để anh linh của người Đại Úy và những chiến hữu của ông được siêu thăng bên cõi vĩnh hằng.


Một mất mát lớn khác đã cùng lần xảy ra trong ngày 7.5.1968 tại mặt trận Ngã Tư Bảy Hiền. Việt cộng toan phá rào kẽm gai xông vào phi trường Tân Sơn Nhứt theo ngã nghĩa địa quân đội Pháp, nhưng đã bị Đại Tá Lưu Kim Cương, Tư Lệnh Không Đoàn 33 kiêm Chỉ Huy Trưởng Yếu Khu Tân Sơn Nhứt dẫn quân ra đánh. Cuộc giao tranh diễn ra quyết liệt, Đại Tá Lưu Kim Cương rất gan dạ, ông đứng thẳng điều khiển cuộc phản công. Nhưng đến 9 giờ 30 sáng thì một quả B 40 oan nghiệt đã thổi trúng người anh hùng ngay bên vòng rào kẽm gai. Trong trận Mậu Thân 1, cũng bên vòng rào Tân Sơn Nhất, Đại Tá Kim Cương đã bị thương. Bây giờ, trong trận Mậu Thân 2, định mệnh đã gọi tên người. Anh linh của Đại Tá Lưu Kim Cương phút chốc đã vinh thăng vào cõi vô cùng. Chiếc Bảo Quốc Huân Chương và chiếc ngôi sao truy thăng Chuẩn Tướng nằm trên chiếc khay phủ vải nhung đỏ đặt phía trước chiếc quan tài. Lá Cờ Vàng Việt Nam lớn ấp ủ lên hình hài của vị Tướng trung liệt. Lịch sử ghi công và đời đời ngợi ca Chuẩn Tướng Lưu Kim Cương.

 


Mặt trận Bình Thới – Minh Phụng, Chợ Lớn


Khoảng 4 giờ sáng rạng ngày 5.5.1968, một toán chừng 20 lính Việt cộng tiến đánh Chi Cảnh Sát Cầu Tre, nhưng bị Cảnh Sát Dã Chiến xông lên đánh xáp lá cà, bọn phỉ cộng rút chạy về phía đường 46 cố thủ. Tiểu Đoàn 33 Biệt Động Quân, Đại Đội 5 Trinh Sát và một Chi Đội Thiết Kỵ được gọi đến tăng cường. Việt cộng quyết giữ mặt trận, lợi dụng bóng đêm chúng đưa thêm quân vào suốt ngày 6.5.1968. Khu vực này rất đông dân cư sinh sống, Việt cộng đã trà trộn vào buộc người dân làm bia đỡ đạn. Ty Cảnh Sát Quận 6 của Thiếu Tá Nguyễn Đình Lân chịu áp lực rất nặng của địch, vì Ty nằm trên đường chuyển quân của chúng sang khu vực Quận 5. Thêm một mất mát lớn khác của quân ta, khi Đại Tá Đàm Văn Quý, Phụ Tá Đặc Biệt của Chuẩn Tướng Loan đi xe Jeep ngang Công Trường Duy Linh quan sát địch tình. Việt cộng núp trên cao ốc bắn hai trái B 40 trúng chiếc xe Jeep làm nó lật nhào, một tràng đạn AK rải xuống giết chết Đại Tá Quý.


Sau cái chết của Đại Tá Quý, Tiểu Đoàn 35 Biệt Động Quân của Thiếu Tá Hồ Văn Hòa được gửi đến hỗ trợ lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Quận 5 để giải tỏa áp lực địch. Việt cộng được lợi thế từ trên cao bắn xuống, đã gây nhiều khó khăn cho quân Mũ Nâu. Nghe tin quân ta đến, đồng bào ùn ùn kéo nhau chạy về phía Tiểu Đoàn 35 Biệt Động Quân tìm kiếm sự che chở. Lợi dụng cảnh hỗn loạn đó, súng Việt cộng bắn vãi theo, quân Mũ Nâu không thể tiến lên được. Thiếu Tá Hòa điều M 113 lên án ngữ trước Công Trường Duy Linh khạc đạn vào các cao điểm trên đường Minh Phụng. Trực thăng và A 1 Skyraider của Không Quân đến yểm trợ đã phải khó khăn đương đầu với súng phòng không của địch. Một biển lửa đã bốc lên bao trùm con đường Minh Phụng, nhưng khi xe cứu hỏa đến xịt nước, thì Việt cộng bắn xuống, lính cứu hỏa không thể hoạt động, một phần khu phố Minh Phụng bị cháy rụi. Mặt trận Minh Phụng thật gian nan cho người lính Mũ Nâu, khi đêm xuống, Việt cộng lần mò trở lại những căn nhà quân ta đã chiếm ban ngày nhưng rút đi. Quân cộng còn tung ra những toán võ trang len lỏi sâu vào các khu phố, nhờ bọn chỉ điểm truy lùng các quân nhân hay công chức còn bị kẹt lại, nhiều khi chúng gọi đích danh phải ra hàng. Nhưng khi những người này mở cửa ra thì cuộc thảm sát hồi Mậu Thân 1 ở Huế tái diễn. Tất cả những người chúng tìm được đều bị bắn chết ngay tại chỗ.


Lại đến lượt Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân xuất trận. Khám phá được vị trí đặt súng nặng của địch, Đại Đội 4, Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân chia làm hai cánh. Một cánh tiến lên góc đường 46, cánh thứ hai lòn sau phía sau đám nhà cháy để thu hút hỏa lực và chú ý của địch. Quả nhiên, Việt cộng đã tập trung dối phó với cánh quân trên đường Minh Phụng, bỏ ngỏ cho cánh quân trên đường 46 phọt hỏa tiễn M 72 lên hai căn nhà lầu có hai khẩu đại liên Đông Đức. Nhiều tiếng nổ điếc óc cùng với khối lửa của trái đạn bùng lên. Hai khẩu đại liên bị câm họng. Bước sang ngày 9.5.1968, Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân chia cắt khu phố thành nhiều phần nhỏ để có thể dễ dàng lấn dần và tiêu diệt các chốt giặc. Quân Mũ Nâu bám cứng khu phố bên phải, quân cộng cố thủ bên trái. Quân ta cho lính xông ra lấy súng, địch bắn. Địch cho lính ra thu hồi vũ khí, ta phơ. Đứng trên cao ốc phía bên kia, quân ta trông thấy đại liên phòng không, thượng liên và nhiều vũ khí nằm bên những xác Việt cộng cháy đen co quắp. Cuộc chiến đấu rất gay go và căng thẳng, khi hai bên phải giành nhau từng căn nhà, quân ta bao vây và đuổi bắt địch qua những dẫy phố hoang vắng lạnh người. Một nhóm chiến sĩ Biệt Động Quân dùng mưu trí xung phong lên một cao ốc tiêu diệt được khẩu đại bác 75 ly và hạ sát 6 tên giặc. Nhưng cái giá của khẩu đại bác này cũng phải đánh đổi bằng 10 chiến sĩ Mũ Nâu bị thương. Trận đánh kéo quá dài và cực kỳ đẫm máu, các chiến sĩ Mũ Nâu nhịn đói tới chiều, các anh suốt ngày chưa có được giây phút ngắn nào để cho vài hạt cơm sấy vào bụng, phải thanh toán bọn Việt cộng còn lẩn trốn trước khi trời tối. Có thực mới vực được chiến thắng. Nhưng đối với người lính Mũ Nâu thì dù không được thực, nhưng các anh vẫn kết thúc chiến trường ngay buổi chiều ngày 9.5.1968. Đến lúc này thì Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân đã có thể có được khoảnh khắc quí báu và hạnh phúc nhất: ăn cơm.

 


Mặt trận Bình Tiên


Bị quân ta đánh chận tại đường 46 từ ngày 5.5.1968, cộng quân không xâm nhập sâu được vào khu vực Chợ Lớn, cho nên sang ngày 8.5.1968, chúng mở một mũi dùi khác định vượt sang cầu Bình Tiên. Lực lượng này khá lớn, với 200 lính Việt cộng, chúng dầy dẫy khắp nơi, dân chúng hoảng sợ dắt díu nhay chạy sang bên kia cầu, Việt cộng nhân cơ hội đó trà trộn theo, rồi một toán Việt cộng từ phía đường Hậu Giang, Minh Phụng xuất hiện lập điểm tựa cho đồng bọn tiến qua với ý đố phối hợp đánh Chợ Lớn. Đến 7 giờ sáng, Trung Tá Lê Ngọc Trụ, Trưởng Ty Cảnh Sát Quận 5 đem Cảnh Sát Dã Chiến đến tăng viện mặt trận Bình Tiên. Tiểu Đoàn 35 Biệt Động Quân của Thiếu Tá Hồ Văn Hòa tiến dọc theo đường Lục Tỉnh tiến chiếm Hãng Rượu Bình Tây, một cánh quân khác do Đại Úy Lê Quí Dậu, Tiểu Đoàn Phó, chỉ huy tiến đánh quân cộng ở Bình Tiên. Hai chiếc M 113 mở đường tiến lên cầu, Việt cộng thụt B 40 ra nhưng hụt. Xạ thủ đại liên trên xe phản ứng ác liệt tiêu diệt được ổ phục kích, tuy nhiên vẫn phải lùi về án ngữ bên này đường Hậu Giang. Những chiến sĩ tiền thám vẫn từ từ tiến sát vào vị trí giặc. Tiếng súng AK, đại liên và thượng liên địch xen kẽ với súng M 16 và những loạt đạn vòng cầu M 79 nổ đì đùng.


Từ trên một cao ốc nhìn về khu Lò Gốm, một lá cờ xanh đỏ và sao vàng của Việt cộng đang bay phất phới, như thách đố cuộc tấn công của quân Biệt Động. Thiếu Tá Hòa ra lệnh bất cứ giá nào cũng phải kéo lá cờ ghê tởm đó xuống. Chuẩn Úy Phạm Minh Hoàng và 3 chiến sĩ tình nguyện nhận lãnh sứ mạng. Kiên nhẫn chờ đêm xuống, dưới ánh hỏa châu và dưới những khối lửa cháy ngút trời, bốn chàng Kinh Kha thời nay lặng lẽ trườn từng tấc một đến chân cột cờ. Đây là một cái bẫy chết đã giăng của giặc, mọi thứ hỏa lực đều chong vào để đón chào quân ta. Một Kinh Kha Mũ Nâu đã bò lên tới được chỗ buộc dây cờ, nhưng một loạt đạn oan nghiệt đã bắn gục anh. Người anh hùng vô danh đó đã rơi từ trên cao xuống, xác thân anh trong chiếc áo màu hoa rừng nằm bất động dưới cột cờ. Một chiến sĩ Mũ Nâu khác quạt trung liên lên phía hướng cao ốc có tiếng súng vừa bắn, trong khi đó Chuẩn Úy Hoàng và một chiến sĩ nữa dùng súng bắn gãy cột cờ. Lá cờ xanh đỏ bị rớt xuống. Cái bẫy chết và biểu tượng thách đố của cộng sản đã bị quân ta triệt hạ, và đã đổi bằng máu.


Đại Đội 3, Tiểu Đoàn 35 Biệt Động Quân tiếp tục tảo thanh địch. Việt cộng dùng đồ đạc của dân chúng làm thành những chướng ngại vật cản bước tiến của quân ta để chúng chạy về cố thủ trong rạp hát Tân Bình, nơi chúng đặt bộ chỉ huy mặt trận Bình Tiên. Để chiếm rạp hát này, nhiều lính Mũ Nâu đã phải leo lên những mái nhà lân cận để chun vào cửa hông rạp hát. Hai chiến sĩ khinh binh dẫn đầu vừa chui vào được thì đã hứng đạn ngã xuống, nhưng những chiến sĩ phía sau cũng đã tràn vào được và đã thanh toán chốt địch sạch sẽ. Những người lính tiếc thương gục bên hai cái xác của hai người chiến hữu khinh binh. Chiến tranh thật tàn khốc, cái chết bao giờ cũng chờ chực những người lính tiền sát trên từng bước chân. Chính các anh là những người giải quyết chiến trường. Chiến thắng bao giờ cũng được tô phết bằng máu của người lính cấp thấp nhất, những người luôn trần thân cam chịu và câm nín gánh vác những thiệt thòi khổ nạn cùng cực nhất, mà nhiều khi đã vượt qua khỏi sức chịu đựng của con người. Ấy vậy mà các anh đã cắn răng gồng gánh bằng sự nhẫn nại đến phi thường. Trước mặt người lính khổ ải của chúng ta là quân giặc khát máu với những đám cháy cuồn cuộn, chung quanh các anh là tiếng kêu khóc thảm thiết dậy trời của đồng bào. Người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tận lực chiến đấu và bảo vệ đồng bào của mình bằng chính thân xác của mình. Phép nhiệm mầu nào mà các anh vừa giết giặc vừa chở che cho người dân về đến được chốn bình an. Chỉ có thể lý giải sự cao cả đó bằng tấm lòng yêu nước mênh mang và trái tim thương mến đồng bào rất chân thành và rất bao dung của các anh.


Sáng ngày 9.5.1968, Đại Úy Lê Quí Dậu, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 35 Biệt Động Quân, dẫn hai đại đội vượt qua cầu Renault để kiểm soát chiến trường và đuổi địch về phía cầu Kinh. Đến 10 giờ 30, cuộc hành quân coi như hoàn tất. Tiểu Đoàn 35 Biệt Động Quân báo cáo về Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân, rằng quân ta đã làm chủ mặt trận Bình Tiên. Giai đoạn một của chiến cuộc Mậu Thân 2 của cộng sản đã bị hủy diệt.

 


MẶT TRẬN CHỢ LỚN GIAI ĐOẠN HAI : 25.5 - 18.6.1968


Quyết tâm đánh lớn và đánh dằng dai để hỗ trợ cho đồng bọn tại bàn hòa đàm Paris và khai thác đến tận cùng thế yếu chính trị của Hoa Kỳ trước những phong trào phản chiến trong nước đòi phải rút quân Mỹ về, Hà Nội dốc tàn quân Việt cộng có sự tăng viện của bộ đội Bắc Việt hâm nóng lại chiến cuộc Mậu Thân 2, với hy vọng rằng báo chí truyền thông Tây phương vẫn tiếp tay thổi phồng những cái gọi là “chiến thắng” của chúng. Vì vậy giai đoạn hai của Mậu Thân 2 khởi diễn ngày 25.5.1968 bằng những trận đánh bùng lên trong phạm vi tỉnh Gia Định, rồi tiếp theo là mặt trận Chợ Lớn hai ngày sau, 27.5.1968.


Tại mặt trận Chợ Lớn, Đại Tá Trần Văn Hai, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân và Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân của Trung Tá Đào Bá Phước vẫn đảm đương một khu vực rộng mênh mông với địa thế hết sức phức tạp. Trong ngày 27.5.1968 quân cộng đã đột nhập được vào khu Cư Xá Phú Lâm A, cửa ngõ từ Sài Gòn dẫn về Miền Tây. Việt cộng rải chốt chận làm cho giao thông bị bế tắc trên quãng đường từ Mũi Tàu Phú Lâm đến ngã tư Hậu Giang – Phú Định. Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân cùng hai Đại Đội Thủy Quân Lục Chiến được gửi tới giải quyết chiến trường. Trực thăng võ trang đã yểm trợ rất hữu hiệu nên đến 8 giờ sáng cùng ngày quân Mũ Nâu và Mũ Xanh đã chiếm lại được Cư Xá Phú Lâm A, giao thông được tái lập. Tuy nhiên Việt cộng vẫn còn cố bám víu khu vực này và đã gây nhiều đám cháy lớn trong cư xá. Thủy Quân Lục Chiến khi đêm xuống đã quyết định rút ra khỏi cư xá vì không đủ lực lượng bảo vệ, phải chờ hai Đại Đội bạn còn đang bị kẹt hành quân ở mặt trận Gò Vấp chưa đến. Nhân cơ hội đó, Việt cộng đã kéo trở vào chiếm đóng Cư Xá Phú Lâm A làm đầu cầu tấn công quân Mũ Xanh đang rải quân giữ trên đường Hậu Giang. Nhiều tổ chiến sĩ nhỏ bố trí trên những cao ốc và dàn mỏng trên một trận tuyến dài đến ba cây số. Từ lúc 5 giờ sáng ngày 28. 5.1968 một Đại Đội của Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân đã được gửi đến tăng cường cho quân Mũ Xanh, cùng phối hợp tác chiến. Quân ta tiến chậm dưới hỏa lực rất mạnh của địch, cố gắng chạm chân đến bìa Cư Xá nhưng đến tối lại phải rút ra. Chiến trường Phú Lâm bước sang ngày 30.5.1968, Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến đã có mặt đầy đủ 4 đại đội và sẵn sàng mở cuộc quyết chiến với giặc cộng. Tiểu Đoàn 38 Mũ Nâu thọc mạnh từ cầu Phú Lâm ra, trong khi Tiểu Đoàn 2 Mũ Xanh đánh trực diện từ đường Hậu Giang. Hai cánh quân thiện chiến rất mạnh của quân ta đã đánh dồn Việt cộng từ Cư Xá Phú Lâm A chạy sang cố thủ trong Hãng Pin Con Ó. Khi quân Mũ Xanh xung phong vào thì nhiều loạt đạn dữ dội bắn trả đã đốn ngã 3 lính Thủy Quân Lục Chiến. Thiết Giáp được điều lên yểm trợ hỏa lực, mãi đến chiều phải chật vật lắm quân ta mới chiếm lại được toàn bộ khu Cư Xá gai góc này.


Trong những ngày tác chiến, 10 tù binh thuộc Tiểu Đoàn Bình Tân bị quân ta bắt được đã cung khai nhiều chi tiết quan trọng, theo đó cứ mỗi toán 4 người chiếm cứ một cao ốc được lệnh phải chiếu đấu tới cùng không được rút lui. Trong xác chết một Việt cộng quân ta còn tìm được một Tiêu Lệnh 3 điểm hướng dẫn kế hoạch tấn công như sau :


1.Chỉ dùng một tiểu đội để đánh một bót Cảnh Sát, dùng thật nhiều B 40.

2.Đừng di chuyển theo đường hẻm dễ bị lạc. Cứ bám sát vào nhà dân, nếu cần cứ dùng vũ lực để bảo mật hướng tiến quân.

3.Phải áp dụng khẩu hiệu, bị thương thì tải mau, chết thì chôn lẹ.


Với tiêu lệnh sắt máu như vậy, đặc biệt tiêu lệnh 2 đã gây rất nhiều thiệt hại sinh mạng và tài sản của đồng bào vô tội, khi bọn Việt cộng phải dùng vũ lực để ngăn chận, bắn giết thường dân và gây những đám cháy lớn để bảo toàn hướng tiến hay hướng chém vè.

 


Đại Tá Trần Văn Hai tại mặt trận Bình Tây


Mặt trận Phú lâm A vừa mới tương đối lắng dịu thì đến buổi chiều, Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân của Đại Úy Bằng đã phát giác nhiều toán địch đang xâm nhập vào thành phố theo ngã vườn dừa Phú Định. Đích thân Đại Úy Bằng lúc 4 giờ sáng ngày 31.5.1968 dẫn hai đại đội bò dần về phía địch, Đại Úy Nghênh, Tiểu Đoàn Phó, chỉ huy cánh quân thứ hai tiến vào đường Phú Định làm lực lượng án ngữ. Trên đường tiến quân, một cuộc chạm trán bất ngờ đã diễn ra, hai bên chỉ đủ thì giờ hò hét xung phong lên giáp chiến. Quân Mũ Nâu đánh quá dữ, quân cộng chịu thiệt hai rất nặng với 100 cán binh tử trận, nhưng trong lúc hỗn chiến đó thì nhiều đơn vị khác của cộng sản cũng đã xông vào được khu tứ giác Trương Tấn Bửu - Phạm Đình Hổ - Tháp Mười - Phú Định thuộc khu vực Chợ Bình Tây. Đại Tá Trần Văn Hai đã nhanh chóng có mặt ngay tại mặt trận Bình Tây cùng với Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân, cùng một Đại Đội Thủy Quân Lục Chiến và hai Đại Đội Cảnh Sát Dã Chiến. Đại Tá Hai cũng gọi Đại Úy Bằng cho một đại đội của Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân bọc hậu địch trên đường Trương Tấn Bửu. Với một trận thế xen kẽ như vậy, coi như Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên Mũ Xanh đang ở trong một vị thế bị cô lập rất nguy hiểm với hậu tuyến của quân ta.

 
Trước khi phát lệnh hành quân, đích thân Đại Tá Hai cầm loa kêu gọi dân chúng tản cư, đồng thời truyền lệnh của Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng cấm binh sĩ nhũng nhiễu tài sản đồng bào. Đại Tá Hai tuyệt đối tuân thủ lệnh của Đại Tướng Cao Văn Viên, ông luôn nghiêm khắc nhắc nhở sĩ quan chỉ huy kiểm soát chặt chẽ hành vi của binh sĩ, nhiều lúc ông đã cho khám xét ba lô của các binh sĩ để chắc chắn rằng quân luật được chấp hành. Nhiều hãng thông tấn, truyền hình rất bất lương của ngoại quốc đã không chú tâm quay những cuộc chiến đấu gian khổ và hy sinh đẫm máu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, những cảnh quân ta dìu dắt đồng bào, tản thương hay những công tác dân sự vụ cấp thiết và rất nguy hiểm trên chiến trường, mà chúng chỉ rình tìm sơ hở của quân ta để lấy cho bằng được những tin tức hay những thước phim gửi về Hoa Kỳ hay các nước khác khai thác theo chiều hướng thân cộng và phản chiến. Những ký giả và phóng viên ngoại quốc có lương tâm gửi về những tin tức và hình ảnh chính nghĩa của Việt Nam Cộng Hòa đều bị cắt xén tối đa, thậm chí bị ném vào sọt rác không thương tiếc. Người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa luôn luôn phải đối đầu với hai mặt trận hung hiểm: súng AK, B40, xe tăng, đại pháo phía trước và những cú đâm lén lút sâu từ phía sau lưng. Thế mà không biết phép nhiệm mầu nào đã giữ vững hai chân các anh, tấm thân can trường đứng thẳng và ngạo nghễ chống chỏi hai mặt trận đó đến hơn hai mươi năm dài. Nếu hàng tướng Dương Văn Minh còn giữ được chút liêm sỉ và dũng khí của một người từng cầm quân ngoài mặt trận và không ra lệnh hàng, thì cộng sản muốn tiến vào được Dinh Độc Lập chúng phải trả một cái giá đắt, rất đắt. Cái ngày 30.4.1975 ấy chắc chắn sẽ còn kéo dài đến vô tận, cho đến khi người lính Việt Nam Cộng Hòa cuối cùng ngã gục.


Người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa luôn nêu cao tấm gương chiến đấu kiệt liệt của mình, dù truyền thông phản chiến, thân cộng có giấu giếm cách nào đi nữa, thì Chiến Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng đã ghi nhận đầy đủ và lưu lại cho nhiều thế hệ Việt Nam đến nhiều ngàn năm sau. Như trận đánh phi thường của bốn người lính Thủy Quân Lục Chiến bị cô lập gần hai ngày trên một cao ốc đường Hậu Giang. Hạ Sĩ Lê Thanh, 27 tuổi, một mình đã bắn hạ 20 Việt cộng dù anh đã bị thương ở ngực. Trong lúc đó thì Biệt Động Quân và Cảnh Sát Dã Chiến đang dồn địch chạy sang khu vực đường Khổng Tử, chiến xa M 41 xông lên khạc đại bác vào những cao ốc đầy Việt cộng, chúng chưa kịp chạy trốn thì đã bị chết cháy trong chính những đám lửa do chúng dậy lên.

 


Tấn thảm kịch tại Trường Tiểu Học Phước Đức


Bộ Chỉ Huy mặt trận Chợ Lớn của Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân lúc này đang được thiết lập trên lầu nhì của Trường Tiểu Học Phước Đức, số 266 đường Khổng Tử. Trung Tá Đào Bá Phước, Liên Đoàn Trưởng, cùng nhiều vị chỉ huy của các đơn vị bạn đang thảo luận kế hoạch hành quân đánh địch. Nhưng buổi chiều ngày 2.6.1968, định mệnh khốc liệt đã giáng xuống một tai ương đẫm máu đến bàng hoàng. Lúc 6 giờ chiều, trực thăng võ trang của quân đội Hoa Kỳ đến yểm trợ hỏa lực. Một chiếc trực thăng cobra xuất hiện từ phía trái đường Khổng Tử rồi chúi đầu phụt một trái hỏa tiễn vào đúng ngay bức tường lầu nhì Trường Tiểu Học Phước Đức, nơi Bộ Tư Lệnh Hành Quân đang khẩn họp. Một tiếng nổ lớn vang dội từ phía trong căn phòng chỉ huy. Vẫn chưa cho là đủ, chiếc cobra vòng trở lại rải thêm một loạt đại liên giòn giã nữa. Quân ta ở dưới Trường Tiểu Học liền tung khói màu lên báo hiệu đơn vị bạn. Chiếc trực thăng lạ lùng đó ngừng tác xạ và bay đi mất dạng. Trái hỏa tiễn và tràng đạn oan nghiệt ấy đã đến được cái đích nhắm của nó: những con người đằng sau bức tường đều gần như đã bị hủy diệt hầu hết. Có thể là liên lạc truyền tin không rõ ràng, người phi công đã lầm lẫn giữa mục tiêu quân địch và quân ta, vì hai bên đều đang đối đầu nhau trên đường Khổng Tử. Cũng có thể là anh ta đã nhận được tọa độ xạ kích từ một nguồn nào khác và anh ta phải thi hành vậy thôi. Nhưng đối với mặt trận Chợ Lớn thì sự thiệt hại của cuộc xạ kích đó đã làm rúng động không riêng binh sĩ tham chiến tại đây, mà nó còn lan rộng ra khắp mặt trận khác. Cái tin Trung Tá Đào Bá Phước đã tử trận dậy lên một làn sóng thương tiếc bàng hoàng cho khắp các quân binh chủng và dân chúng hậu phương. Cùng hy sinh trong tấn thảm kịch này là những vị sau đây :

 
- Trung Tá Đào Bá Phước, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân.

- Trung Tá Nguyễn Văn Luận, Giám Đốc Cảnh Sát Đô Thành.

- Trung Tá Lê Ngọc Trụ, Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Quận 5.

- Trung Tá Phó Quốc Chụ, Giám Đốc Nha Thương Cảng Sài Gòn.

- Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Sinh, Phụ Tá Giám Đốc Cảnh Sát Đô Thành.

- Thiếu Tá Nguyễn Bảo Thùy, Chánh Sở An Ninh Đô Thành. Ông là bào đệ của Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị.

 

Những sĩ quan cao cấp khác bị thương :

- Đại Tá Văn Văn Của, Đô Trưởng Sài Gòn, bị thương khá nặng.

- Đại Tá Nguyễn Văn Giám, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, bị thương nhẹ.

- Trung Tá Trần Văn Phấn, Phụ Tá Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, bị cụt chân.


Trường Tiểu Học Phước Đức chỉ cách nơi đang xảy ra giao tranh có 150 thước, điều đó cho thấy rằng các vị sĩ quan chỉ huy cao cấp này đã đến ngay sát bên mặt trận bất chấp những nguy hiểm. Đó cũng chính là tính cách của những người chỉ huy quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Các vị cùng chia sẻ gánh nặng của chiến tranh với chiến hữu ở gần ngay trên lằn ranh giữa ta và địch. Binh chủng Biệt Động Quân tiếc thương một dũng tướng trăm trận, nhưng cũng tạ ơn thượng đế đã che chở cho người anh lớn nhất: Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Trần Văn Hai. Đại Tá Hai đang trên đường vào Chợ Lớn để họp hành quân với Bộ Tự Lệnh Mặt Trận, nhưng chiếc xe Jeep của ông đã di chuyển khó khăn trên đường Trần Hưng Đạo vì khối lượng dân chúng ùn ùn từ phía Chợ Lớn chạy giặc tràn về Sài Gòn. Khi Đại Tá Hai đến được Trường Phước Đức, thì ông chỉ còn có thể gục đầu rưng rưng chào tiễn đưa những người bạn chiến đấu của ông đi vào sử xanh. Định mệnh sẽ dành cho người anh hùng đầy huyền thoại đó một cái chết khác cao cả và dũng liệt hơn vào ngày 30.4.1975, để tên ông được đời đời hương khói và tôn xưng là Thần Tướng Nước Nam.

 

Mặt trận Chợ Lớn bước sang ngày thứ tư, Việt cộng đục tường mở đường thông từ nhà này sang nhà kia để phân tác lực lượng ra khắp vùng. Buổi chiều ngày 4.6.1968 Không Quân Việt Nam giội bom hơi cay xuống, Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân và Cảnh Sát Dã Chiến mang mặt nạ tiến vào, nhưng chẳng ăn thua gì, vì Việt cộng đã chia nhỏ lực lượng, quân ta chỉ chiếm được vài vị trí. Việt cộng khôn ngoan dùng vải nhúng nước che miệng, mũi nên hơi cay trở nên ít hiệu quả. Khi trời tối, quân ta rút trở ra, thì quân cộng lại mò trở về, sang ngày hôm sau mặt trận vẫn giữ nguyên hiện trạng. Cũng trong buổi chiều này, Tiểu Đoàn 35 Biệt Động Quân của Thiếu Tá Hồ Văn Hòa được lệnh vào thay thế Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân đã chiến đấu sáu ngày ròng rã. Ngày 5.6.1968, chiến xa M 41 của Thiết Giáp yểm trợ quân Mũ Nâu tiến chiếm nhà hàng Soái Kinh Lâm lúc 11 giờ 35. Kể từ ngày này Thiếu Tướng Nguyễn Văn Minh, tân Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô thay thế Đại Tá Nguyễn Văn Giám bị thương tại Trường Phước Đức, lệnh cho các cánh quân đang tham chiến hạn chế việc sử dụng pháo binh và phi cơ để tránh gây thiệt hại thêm cho dân chúng. Ngày 6.6.1968, một Đại Đội của Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân đến tăng viện mặt trận, hỗ trợ cho Tiểu Đoàn 35 Biệt Động Quân hành quân lục soát. Việt cộng còn cố gắng kháng cự trên một vài cao ốc đường Đồng Khánh, Học Lạc trước Nhà Thờ Cha Tam, nhưng đến 13 giờ trưa thì các chiến sĩ Mũ Nâu đã thanh toán luôn những chốt này. Có 10 cán binh địch ra đầu thú, trong đó có 1 phụ nữ và 2 cán binh người Việt gốc Hoa, cung khai thuộc Tiểu Đoàn 6 Bình Tân từ ngã Phú Lâm xâm nhập vào. Đến đêm, lợi dụng bóng tối, một nhóm Việt cộng chạy ra khỏi Nhà Thà Cha Tam, nhưng các chiến sĩ Cảnh Sát đã phục kích giết được 8 tên. Cùng trong thời gian này, quân Mũ Nâu bắn hạ 10 Việt cộng trốn chạy từ đường Tổng Đốc Phương sang phía Quận 8.


Mặt trận Chợ Lớn tiếp tục bị khuấy động khi trong đêm nhiều toán Việt cộng ăn mặc giả dạng Thủy Quân Lục Chiến và Cảnh Sát Dã Chiến xâm nhập Hãng Xà Bông Trương Văn Bền trên đường Kim Biên. Sang ngày 7.6.1968, toàn bộ Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân do tân Tiểu Đoàn Trưởng, Đại Úy Nghênh vào thay thế Tiểu Đoàn 35 Biệt Động Quân rút về nghỉ dưỡng quân. Đại Úy Nghênh sẽ phải đối đầu với Tiểu Đoàn 308 Việt cộng còn nguyên vẹn sinh lực từ Long An lên tiếp ứng đồng bọn từ ngày 28.5.1968, có nhiều tù binh khai là chúng mới vừa xâm nhập Chợ Lớn hồi 4 giờ sáng ngày 7.6.1968 thì bị quân ta tóm cổ. So với mặt trận Cây Thị với 152 cán binh của Trung Đoàn Quyết Thắng Việt cộng ra hàng tập thể, thì tại mặt trận Chợ Lớn, trong ngày 7.6.1968 cũng đã có đến 33 cán binh của Tiểu Đoàn 6 và 308 cộng quân ra hàng, trong đó có một phụ nữ, hầu hết quê quán ở Vĩnh Long và Trà Vinh. Với con số địch ra hàng khá nhiều này, mặt trận Chợ Lớn coi như đã chấm dứt. Hai Tiểu Đoàn 6 và 308 Việt cộng bị xóa sổ.


Thảm bại trong trận Mậu Thân 2 cho thấy là các đơn vị của Việt cộng vào thành phố đã không bắt tay được với giao liên hay nằm vùng trong thủ đô Sài Gòn. Khi bị truy đuổi ở khu vực này thì chúng lại chạy sang khu vực khác. Cuộc đuổi bắt cứ diễn ra trên khắp đường phố, cho đến khi cấp chỉ huy của địch bị chết hay bị thương, cán binh Việt cộng không còn lối thoát nào khác ngoài mỗi việc xin quy hàng. Những tên tướng tá ở mãi tận Hà Nội hay ở Cục R vùng biên giới Việt - Miên to miệng kêu gào Tổng Nổi Dậy, nhưng không đưa ra được một chiến thuật ngoạn mục nào ngoài mỗi việc hàm hồ lệnh cho lính cộng xâm nhập vào thành phố, rồi bỏ mặc số phận của họ vào tay Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Một lũ hèn nhát, đốn mạt và tàn bạo như vậy mà báo chí truyền thông đã thổi chúng lên thành những “huyền thoại”, cố tô vẽ cuộc thảm bại nhục nhã thành cuộc chiến thắng. Đạo diễn kỳ cựu Lê Huyến của Bắc Việt vào Nam nhận lệnh làm những cuốn phim chiến thắng Mậu Thân, ông vò đầu tự hỏi làm thế nào mà có thể lấy 60 ngàn xác chết cán binh Việt cộng còn nằm trương phềnh trên các thành phố miền Nam để chứng minh cho chiến thắng. Nhưng ông biết có một cách khác tốt hơn nhiều cho bản thân ông. Phải khó khăn lắm ông mới chạy thoát ra vùng quốc gia và xin hưởng quy chế hồi chánh. Từ lời khai của ông Lê Huyến và nhiều văn nghệ sĩ khác, người ta mới biết rằng bọn đầu sỏ cộng sản và tướng tá Hà Nội toàn là một lũ mặt dầy có trái tim của quỷ và cực kỳ khát máu. Đến cha mẹ của chúng mà chúng còn đấu tố, thì chúng có thương xót gì sinh mệnh của thanh niên và đồng bào hai miền Nam Bắc. Thật là lạ lùng đến kinh dị, tin tức về hai trận chiến thắng Mậu Thân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa khi về đến Hoa Kỳ, đã bị nhào bóp thành hai cuộc chiến bại. Nhưng không hề gì, những chiến thắng tiếp theo: Kampuchea 1970, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 sẽ đẩy Hà Nội đến tận cùng nhục nhã của chiến bại mà những ngòi bút vô lương tâm nhất cũng không thể phù phép viết khác đi được.


Phạm Phong Dinh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn