Những ngày cuối ở Nha Trang – Đinh Nguyễn

Thứ Tư, 31 Tháng Ba 20218:48 CH(Xem: 6856)
Những ngày cuối ở Nha Trang – Đinh Nguyễn
Đinh Nguyễn.
https://live.staticflickr.com/5701/30578329246_7db8c6122c_b.jpg

Ba mươi chín năm qua có nhiều bài viết về các cuộc di tản ở Pleiku, Huế, Đà Nẳng, Phan Rang… nhưng chưa có bài nào viết về cuộc di tản ở Nha Trang, dù rằng có một số bài chỉ nhắc thoáng qua về những uất ức của một số SVSQ Không quân cảm thấy bị bỏ rơi. Tôi không phải là một nhà văn, tôi chỉ tường thuật lại những gì đã xảy ra đối với cá nhân và dưới cái nhìn của tôi, nó có thể nó không đúng với cái nhìn của quý vị, nhưng đấy là sự thật đã xảy ra với tôi trong những ngày cuối cùng ấy ở Nha trang. Tôi là một quân nhân thuộc Phòng Tài chánh/TTHLKQ.

Xế trưa ngày 10 tháng Ba 1975 trong lúc làm việc tôi được tin Buôn Mê Thuột bị tấn công, nghe kể lại các biệt đội ở phi trường Phụng Dực đã cất cánh trong hoảng hốt, thậm chí có người bay không có ống liên hợp (head set) và có người bay chỉ với cái quần lót, kể cả chuyện khó tin rằng một trái B40 hay B41 gì đó bắn vào chiếc trực thăng đang cất cánh, nhưng trái đạn bay xuyên qua khung cửa sau mà không hề hấn gì… đại loại như thế, tin tức được luân lưu một cách không chính thức, có thể được đồn đại, thêu dệt cho có vẻ bi đát một chút. Rồi chiến sự lan rộng và tồi tệ hơn, Pleiku di tản chiến thuật, bỏ Quảng Trị, Huế thất thủ, Đà Nẳng rung rinh… Những chương trình phóng sự chiến trường của đài phát thanh Sài Gòn hay đài phát thanh Quân Đội cũng không được mọi người chú ý đến mà họ chỉ lắng nghe tin tức từ đài BBC, những tin tức gây bất lợi cho miền Nam, làm cho mọi người kể cả những vị chỉ huy cùng giới chức cao cấp lung túng, mất tinh thần. Chỉ mấy ngày sau vào một buổi tối bọn tôi được gọi lên Đoàn Vủ Khí để nhận súng, tôi được phát một cây M16, 4 băng đạn và 250 viên để… gối đầu, còn nón sắt tự mình trang bị, vì lính Không Quân có mấy ai đội nón sắt bao giờ ngoại trừ anh em thuộc lực lượng Phòng Thủ. Tôi còn được biết là Chuẩn Tướng Oánh không được vui khi phu nhân từ Sài Gòn trở ra trong những ngày dầu sôi, lửa bỏng… và buộc bà ấy phải về lại Sài Gòn vào ngày hôm sau, tư thất của Tướng Oánh nằm trên đường Duy Tân có tường bao bọc, được canh gác cẩn thận, cách ngả ba đường Duy tân và Biệt Thự khoảng 100 mét về hướng Cầu Đá. Còn nhà tôi thuê nằm trong khu thương phế binh cắm dùi trên bãi biển đối diện với tư thất Tướng Oánh.

Khoảng 29 hay 30 tháng Ba vài chiếc tàu, xà lan chở đầy người di tản bị bắt buộc phải tấp vào Nha Trang ở khu vực Cầu Đá, và khu đồi Lasan ở khu Hòn Chồng, vì người di tản trên những chiếc nầy đã bị chết quá nhiều bởi đói khát suốt mấy ngày liền trên biển… Mỗi chiều sau giờ làm việc tôi lang thang từ phía Bắc đến cực Nam của thành phố Nha Trang với hy vọng tìm gặp chị và anh của mình nhưng chẳng gặp một ai.

Cảnh tượng trông thật thê thảm, đoàn người thất thểu, loạng choạng bước lên bờ, kẻ dắt, người dìu, nhiều người được khiêng xuống trông như xác chết, âm thanh hỗn tạp hòa lẫn nhau, từ loa phóng thanh lẫn tiếng gọi hướng dẫn của những người đến cứu giúp cho đến tiếng khàn khàn yếu ớt gọi nhau của những người di tản còn tí sức, hay tiếng khóc và rên rỉ của những bà mẹ khi nhìn đứa con mình đang chết dần vì đói khát trông thật thảm thương. Những tổ chức y tế, xã hội và dân địa phương đến giúp đỡ cho những người khốn khổ nầy. Những nắm cơm, ổ bánh mì, từng bọc nước được chuyển đến cho người di tản; từng giọt nước được nhỏ vào miệng của các em bé với cặp mắt đang trợn tròng chờ tử thần đến rước,… những giọt nước nhỏ nhoi với hy vọng giành lấy sự sống từ cái chết, và những đôi môi ấy mấp máy một cách yếu ớt đón nhận những giọt nước, người mẹ òa khóc vì đứa con mình được hồi sinh, những khuôn mặt lạc thần bây giờ đã có chút thần sắc. Những nấm mồ được đắp vội đâu đó trên đồi Lasan, hay dọc theo chân núi ở Cầu Đá, không một nén nhang, hay ngọn đèn cầy và không một vành khăn tang cho người quá cố, những người đã bỏ mạng trên đường trốn chạy cộng sản trên những chiếc tàu chở hàng, những chiếc xà lan không có mái che hay nước uống, cũng có nhiều người vong mạng khi đặt chân lên bờ vì quá kiệt sức. Chuyện kể lại rằng có nhiều người đã nhảy xuống biển để chết cùng gia đình, khi người thân cuối cùng của họ vừa được thủy táng trên con đường di tản. Người ta chạy trốn vào Nam bằng bất cứ phương tiện gì có được, tuy biết rằng hiểm nguy đang chờ chực trước mặt còn hơn là ở lại để bị tụi cộng sản trả thù như từng xảy ra hồi Tết Mậu Thân, hay vào tháng 5 năm 1972 trên quốc lộ 1 từ Quảng Trị chạy về Huế, mà có người đặt tên là Đại lộ Kinh Hoàng.

Thành phố Nha Trang trước vốn đã yên tĩnh thì nay trở nên xô bồ, lộn xộn hơn vì có thêm người, không chỉ thường dân mà còn có cả lính đổ về. Dân từ các tỉnh tản cư đến lại thêm lính tráng từ trên Pleiku, Kontum… di tản xuống; lính đi nghênh ngang trên khắp đường phố, để rồi những chuyện phiền toái xảy ra như ăn quỵt, hoặc một bữa cơm, tiệc nước hay ổ bánh mì thịt được trả bằng quả M26, tệ hại hơn là quán ăn bị đập phá bởi một số quân nhân vô kỷ luật; có tin (không chính thức) rằng Đại tá Thịnh thuộc Trung Tâm Huấn Luyện KQ bị một nhóm hổn quân chận xe và tước lấy khẩu P38 của ông. Họ quậy phá, bởi vì họ không được bốc bằng trực thăng, hoặc rước bằng xe mà phải lội suối băng rừng, bị đói khát trong tiến trình triệt thoái khỏi Cao Nguyên, họ bất mãn vì mang ý nghĩ bị bỏ rơi. Tình trạng loạn quân xảy ra trong thành phố khiến vị Đại Tá Tư lịnh binh chủng nọ phải đi tuần quanh thành phố xen lẫn với toán tuần tra của Quân Vụ Thị Trấn suốt ngày đêm, nhờ đấy mà tình hình có phần ổn định. Các quân trường ở trong phạm vi thành phố nầy được lệnh cấm quân trong những ngày gần cuối tháng Ba.

Những ngày này phi trường Nha Trang trở nên nhộn nhịp hơn vì nhịp độ di chuyển của phi cơ, thêm vào đó phải tạm chứa thêm trực thăng của các Phi đoàn ở Phù Cát về, dù họ chỉ ở tạm đôi ngày rồi đi nhưng cũng xảy ra tình trạng mất cắp hay hoán đổi bình ắc-qui (accu) trong số trực thăng của họ. Ở hướng Cầu Đá cũng không kém phần nhộn nhịp vì Liên đoàn Dù từ các tàu của Hải Quân đổ bộ để di chuyển lên án ngữ ở mặt trận Khánh Dương.

Sáng Thứ Ba, 01 tháng Tư vẫn công việc bình thường như mọi ngày, thình lình chúng tôi được triệu tập để nhận chỉ thị từ Đại úy Hà Thúc Dung, Trưởng Phòng: “…tất cả hồ sơ quân số, CCP (sổ lương cá nhân), Sổ lương những tháng cuối cùng… phải gom và cột lại cẩn thận rồi chờ lịnh…” 10 giờ sáng lịnh mang tất cả hồ sơ xuống xe và trực chỉ lên trường Phi Hành. Đường vào trường Phi hành có hai lớp cổng được khóa kỹ, chiếc pick-up chở hồ sơ ngừng trước cổng khoảng dăm phút thì Chuẩn Tướng Chỉ Huy Trưởng từ hướng câu lạc bộ trường Phi Hành bước ra giữa hai lớp cổng cùng hai cận vệ của ông, tất cả mặc áo giáp với những khẩu “M18” trên tay. Khi biết được Phòng Tài Chánh chuyển hồ sơ, các cánh cổng được mở vội và toàn bộ hồ sơ được chất lên hai chiếc T41 và U17 của trường Phi Hành. Chúng tôi trở về phòng sở với tâm trạng hoang mang, phân vân không biết sẽ ra sao? Chúng tôi không nhận được chỉ thị hoặc hướng dẫn về sự di tản từ cấp trên nên ở trong trạng thái bồn chồn, lo âu không biết kế hoạch sẽ như thế nào?! Liệu rằng chúng tôi phải bỏ Nha Trang khi chưa nghe thấy tiếng súng của cộng quân, hỏi nhưng chúng tôi không có được lời giải đáp.

Đứng trên bao lơn nhìn ra phi đạo, ngang qua nóc của Hội quán Sĩ Quan, máy bay lên xuống liên tục, nào là C130, trực thăng và phi cơ cánh quạt loại nhỏ như U17, T41 nối đuôi nhau cất cánh, thêm vào đó cũng có các phi cơ cánh quạt Vicker của World Airways cũng tham dự để rước những người di tản.

Phi trường Nha Trang có ba trạm hành khách, trạm hàng Không Quân Sự nằm ở gần cuối phi đạo phía Đông Nam; trạm hàng không dân sự của Air Vietnam nằm ở gần khoảng giữa về phía Bắc của phi đạo, trạm hàng không của Air America nằm ở phía Tây Bắc gần cuối phi đạo và cách biệt với trạm quân sự gần cả cây số. Bãi đậu nầy có hai chiếc B26 phế thải đậu sát với các dãy nhà ụ sửa chữa, tu bổ phi cơ, giáp ranh với Đoàn Khóa Sinh HSQ, Binh Thực, Liên Đoàn Tiếp Liệu, Đoàn Vủ Khí và Đoàn Kiến Tạo thuộc TTHLKQ.

Đường xá ở khu vực gần cổng Long Vân thật vắng vẽ, thỉnh thoảng một vài quân nhân phóng vội vã đi đâu đó trên những chiếc xe gắn máy. Những phòng ốc lân cận như Phòng Nhân Viên, Khối CTCT, Bịnh xá Trung Tâm, Bịnh xá SĐ2 KQ và Phòng An Ninh SĐ2KQ đóng cửa im lìm và lặng như tờ. Hội quán Sĩ Quan với những cánh cửa màu xanh đóng kín mít, chẳng thấy bóng dáng cô Liên (con Th/Sĩ Phi) đâu cả, người mà tôi thường hay trêu chọc mỗi khi gặp. Khu thương xá của Trung tâm, nằm trên khu đất vũ đình trường cũ, cũng không một bóng người lai vãng.

Khoảng trưa, hôm ấy mọi người dường như chẳng biết đến thời gian là gì, nhân viên mạnh ai nấy rời nhiệm sở, những giây phút đó chẳng thấy bóng sĩ quan trực thuộc nào cả, ngay cả những vị chỉ huy cấp thấp nhất cũng không hiện diện, tụi tôi như rắn mất đầu. Tiếng động cơ của các loại phi cơ lên xuống như thôi thúc bọn tôi (Nghiệp, Phú, May, Quảng, Khương, Đoàn và tôi), những thằng đồng lứa tuổi chung phần sở, chất nhau lên chiếc pick-up của Phòng với những túi quân trang chứa vật dụng cá nhân, tự tìm đường thoát thân vì không còn ai chỉ huy. Xe trực chỉ lên trạm hàng không Air America, ngang qua Trường Phi Hành thấy vắng hoe. Đến nơi thấy thật đông gồm đủ cả mọi thành phần, nào quan nào lính và dân, kẻ đứng người ngồi xen lẫn nhau, sự căng thẳng hiện rõ trên khuôn mặt của mọi người; mỗi khi nghe tiếng ù ù của máy bay là họ nhốn nháo cả lên dù chẳng thấy bóng dáng chiếc phi cơ đâu cả. Đa số quân nhân Không Quân ở nơi nầy đều trang bị súng kể cả chúng tôi… Tôi chợt có ý nghĩ là bắn bể lốc máy xe để nếu tuị VC vào không xài được và bắn thủng cái bồn nhiên liệu(?!) ở gần đó, nhưng… không dám bởi vì sợ bị ghép vào tội phá hoại tài sản quốc gia, hoặc có thể bị bắn bỏ vì tội gây mất an ninh trật tự trong khi có biến động…

Mỗi lần chiếc Vicker của World Airways vừa xuống, thang được đẩy đến cửa là người ta ùn ùn tranh nhau lên tàu, chen từng bậc thang và cũng có người lên tàu bằng cách lần theo bên ngoài thanh sắt lan can của cầu thang, may mắn là những ống sắt nầy được chế tạo chắc chắn nên dù có bị oằn mà vẫn không gảy. Ban đầu ông Mỹ đầu hói trên máy bay còn đếm đầu người lên tàu, ông la hét liên tục để vãn hồi trật tự khi đám đông chen lấn, tranh giành với nhau để lên phi cơ mà vẫn không làm gì được nên đành thúc thủ phó mặc trông tội nghiệp.

https://live.staticflickr.com/4250/34696716142_0207202354_w.jpg

Ở trạm Air America với chu kỳ 45 phút có một chuyến bay, nhưng tôi để ý thấy bên trạm quân sự thì ngắn hơn, sau khi chờ gần 2 tiếng mà không lên tàu được, tụi tôi lại lên xe chạy vòng qua bên trạm quân sự bằng con đường vòng cuối phi đạo về phía Tây của phi trường. Ngang qua trường quân sự Phi Dũng thấy không có gì lạ bởi cách biệt với con đường bằng một hang rào bằng tôle, vẫn tĩnh lặng như ngày nào, từ đó cho đến trạm quân sự cảnh vật im lìm trong cái nắng của vùng biển, không khí thật nặng nề, thỉnh thoảng có chiếc pick-up chạy vút qua. Ở trạm hàng không quân sự tình hình cũng không khá hơn, trong nhà ga hành khách chẳng có người ở đấy, tất cả tập trung ở ngoài bãi đậu trông mất trật tự, một số vị ở Đoàn Vận Chuyển (?!) cố gắng kêu gọi mọi người vào bên trong để vãn hồi trật tự nhưng hầu như chẳng ai để ý đến lời yêu cầu ấy mặc cho ánh nắng gay gắt và cái hơi nóng hừng hực bốc lên từ bãi đậu.

Để được an toàn cho mọi người khi lên phi cơ, tất cả vũ khí đã được lịnh vứt bỏ, kết quả có đến mấy đống súng và đạn cao đến ngang ngực vứt bỏ không luyến tiếc, trong đó có đủ loại, nào Carbine, M16, “M18”, Colt, Revolver, P38… Nhìn mấy cây “M18”, có ống phóng M79, mà thấy tiếc, bởi vì nó là loại tối tân nhất đối với người lính VNCH thuở bấy giờ, ít có ai được cấp ngoại trừ những người có công tác đặc biệt. Riêng mấy cây súng M16 của nhóm tụi tôi đều được gom lại, tháo ra gấp làm hai rồi buộc chung lại bằng dây đeo súng và bỏ trong túi quân trang của tôi.

Thời gian nặng nề trôi đi, trong bối cảnh hoảng loạn đó mọi người hầu như quên mất thời gian, sự lo âu, bồn chồn khiến cho mọi người không biết đói khát là gì. Chán nản và tuyệt vọng khi mặt trời đã xế chiều, ngồi ở một góc sân mà thấy đuối người vì từ sáng đến lúc đấy tôi đã ăn uống gì đâu, đốt điếu thuốc Adam (một loại thuốc thơm đầu lọc, gói 10 điếu), rít được vài hơi thấy đắng miệng nên dụi bỏ, tìm vòi nước ở gần đó để uống cũng không có, vào trong hậu trạm, mấy cái máy làm lạnh nước cũng chẳng còn giọt nào. Tôi thất thểu bước ra dưới ánh nắng chói chang, quần áo xốc xếch cũng chẳng buồn chỉnh lại, lúc ấy cũng chẳng còn ai để ý đến quân phong, đến bên Nghiệp bảo lái xe đến chỗ quày Quân Tiếp Vụ của SĐ2KQ, cách đó không xa, để tìm nước uống. Cạy ổ khóa, Nghiệp de xe vào chất lên mười mấy két nước ngọt lẫn bia chở ra bãi và rải đều trước nhà ga hành khách cho mọi người cùng uống, tụi tôi phải đi mấy chuyến như vậy mới có thể đáp ứng nhu cầu của đám đông. Chúng tôi chẳng lấy gì khác ngoài thức uống, riêng nhờ có cái bi đông con cóc (chứa được khoảng 1 galon) nên tôi đổ đầy bia và nhét vào túi quân trang để “thủ thân”.

Cảnh tượng càng hổn độn hơn mỗi khi có phi cơ xuống, thoạt đầu phi cơ còn vào bãi đậu theo quy cách, nhưng cũng không ai có thể điều khiển được đám đông, mạnh ai nấy chen, đạp lên vai, lên đầu người khác để lên được tàu; Cơ Phi, Áp tải có la, có hét cũng mặc kệ, rồi máy bay đầy người… phi cơ phải chạy đi để bứt đám đông, thế mà cũng có người cưỡi xe gắn máy đuổi theo với hy vọng được lên tàu…

Cứ sau mỗi chuyến bay là cảnh tượng rất vô trật tự, người đi bộ, kẻ chạy xe gắn máy, hoặc lái xe không có bảng phi đạo chạy băng ngang đường piste trông rất lộn xộn, vô tổ chức. Ngay ở dưới chân đài Không Lưu có hai chiếc phi cơ, một A 37 và một C 47 màu bạc, cả hai được bảo vệ bằng một hàng rào concertina, sau nầy mới được biết là của Tướng Tư Lịnh SĐ2KQ. Ở phía Bắc phi đạo, gần các ụ trực thăng của phi đoàn 215 vài xác trực thăng UH 1 nằm lăn lóc trên bãi cỏ gần phi đạo, có chiếc va vào ụ khi cất cánh trong hoảng hốt…

Người mỗi lúc một đông, mà phi cơ càng về chiều càng thưa dần, có lẽ vì cảnh mất trật tự ở bãi đậu chăng? Vì thế, các chuyến bay về sau mỗi khi đáp các vị phi công không ngừng lại như trước mà chỉ hạ tấm bửng (Ramp) ở sau đuôi rồi di chuyển vào bãi đậu mà vẫn tiếp tục chạy chầm chậm, chạy từ hướng Đông về hướng Tây, vậy đó mà người ta vẫn chen nhau leo lên được; chạy khoảng 100 mét là đầy người, phi công chỉ việc tăng tốc độ trực chỉ đến cuối taxi-way rồi ra phi đạo so hàng cất cánh về hướng Đông. Thỉnh thoảng một vài loạt súng từ xa vọng lại, tiếng nổ ấm áp của M16 chứ không chát chúa như loại AK của cộng sản.

Trong tuyệt vọng, cả sáu thằng tôi ngồi tụm lại nhìn nhau lắc đầu ngao ngán, chán nản vì không thể nào lên phi cơ được, cả đám trông thật thảm não, da bị đỏ và rát vì nắng cháy, chưa bao giờ tụi tôi đối diện với một tình huống như thế nầy cả. Tôi thầm nghĩ nếu không đi được mình sẽ ra sao? nhà cửa, bà con ở thành phố nầy không có. Thật là bi đát trong hoàn cảnh chẳng đặng đừng, lương lậu chẳng còn bao nhiêu, vì lãnh lương ra phải trả nợ cho bà Cụ dưới thương xá hết mấy ngàn, thêm mấy ngàn nữa trả cho “mụ” Vọng ở câu lạc bộ trường Phi Hành; hồi đó tụi tôi thường được lãnh lương sớm, khoảng 16 hay 17 tây mỗi tháng, cho nên đến cuối tháng may mắn lắm còn được vài ngàn…

Trường Phi Hành có hai dãy nhà liền nhau theo hình chữ L, dãy dùng làm văn phòng và lớp học hướng ra bãi đậu phi cơ của trường, còn dãy kia tọa lạc trên lối vào. Câu lạc bộ ở trường Phi Hành trước chiếm một phòng lớn của trường ngay đầu lối vào, vì nhu cầu phát triển nên năm 1974 một quán mới được xây dựng dành cho câu lạc bộ để trả phòng ốc lại cho trường. Ở quán nầy món bún bò Huế rất tuyệt, Tướng Kỳ cũng ghiền món bún bò của quán. Cơ sở mới của câu lạc bộ nằm trong khuôn viên của trường, nền được lót bằng những tấm lót nhựa màu xanh nhạt, bàn màu xám lợt, ghế màu xanh hoàn toàn mới, và quanh vách quán có băng ghế nệm được đóng chắc chắn vào vách, phía sau quày tính tiền được trang trí rất đẹp, trên vách ở sau quầy có hình lộng bằng gỗ hai phi công cầm nón bay và sau lưng có chiếc F5, toàn bộ hình lộng được đặt trước một tấm phông màu xanh da trời có đèn rọi lên, trông rất đẹp khi tối trời. Vì quán mới nên lịnh của Tướng Oánh là không được bán thức ăn có mắm, nên món bún bò Huế không nằm trong thực đơn hơn hai tháng. Một sáng Thứ Bảy của tháng Sáu năm 74, có tiếng trực thăng “lạch bạch” ở ngoài bãi đáp của trường Phi Hành, một thoáng sau Tướng Oánh và Tướng Kỳ bước vào, Tướng Oánh khoe về cái quán mới xây, thấy cái hình lộng gỗ quá đẹp nên ông Kỳ muốn “xin” làm cho Tướng Oánh phải rối rít hứa là sẽ cho người làm cái khác để biếu Ông, những bức hình lộng gỗ nầy được các SVSQ thực hiện; Tướng Oánh gọi bánh mì “Oeuf plate”, còn Ông Kỳ gọi bún bò Huế nhưng không có, đến khi biết bị cấm Tướng Kỳ cằn nhằn Tướng Oánh vụ nầy. Từ đó món bún bò Huế được đưa trở lại vào thực đơn.

Tưởng cũng cần nói thêm là sau lần ứng cử tổng thống hụt, ông Kỳ về Khánh Dương mở đồn điền, và cuối tuần ông thường hay bay về Nha Trang cùng hai cậu quý tử để rong chơi, đánh tennis ở sân tennis của Trung Tâm, sân được thành lập ngay phía trước khán đài trong khu vực vũ đình trường cũ, đối diện cổng Long Vân. Trong thập niên 60 và những năm của đầu thập niên 70 khu nầy là sân cờ của Trung Tâm và cũng là nơi làm lễ tốt nghiệp cho các tân sĩ quan, sau nầy dời về sân cờ trước văn phòng của Chỉ Huy Trưởng. Khu vực vũ đình trường cũ nầy cũng là nơi các vị sĩ quan phi hành về học mưu sinh thoát hiểm. Thêm vào đó năm 1972 một khu thương xá nhỏ được xây trong khu vũ đình trường cũ, cạnh sân tennis, đối diện phòng Nhân Viên. Khoảng giữa năm 1974 ngay giữa sân có một vườn hoa hình tròn được xây dựng, trong đó có tượng của Đại Úy Trần Thế Vinh to cao gần bằng người thật, và một mô hình của chiếc T 37 màu bạc… được đúc bằng ciment.

Trời chập choạng tối và không khí dịu lại nhưng cảnh vật ở phi trường vẫn không yên. Có tiếng phi cơ vọng lại, không phải tiếng ù ù ấm áp của C130, mà cũng không phải tiếng rè rè của các phi cơ nhỏ hay tiếng lạch bạch của trực thăng… Tôi giục cả nhóm leo lên xe, chạy dọc theo taxi-way về hướng Tây và băng ngang phi đạo để đến trạm hàng không Air America. Ở đấy người còn cũng khá đông người, nhưng so với bên trạm quân sự thì không là bao, tôi có linh tính chuyến nầy sẽ lên được tàu… Tiếng bánh xe của chiếc máy bay rít trên phi đạo, chiếc Vicker bốn động cơ với đèn chiếu sang rực từ từ chạy vào bãi đậu, mọi người ào đến gần cầu thang… Khi cửa phi cơ được mở, như thác nước vỡ bờ đoàn người lại chen lấn nhau lên tàu, vì phải mang theo cái túi quân trang không thể nào leo lên tàu được, tôi tháo sợi dây nịt và xâu lấy quai nắm của túi quân trang nịt vào mình, hai tay được rảnh, tôi lần phía ngoài cầu thang hai tay bám theo thanh lan can để leo lên… và cuối cùng cả nhóm tụi tôi lọt lên tàu, nhờ những người phía sau đẩy lên, lên được trên tàu ngoài nhóm bọn tôi, tôi còn gặp Huỳnh Văn Hùng, Nguyễn Văn Nở cùng chung phần sở… Khi cánh cửa được đóng sập lại phi cơ từ từ trườn ra phi đạo và cất cánh ra hướng biển rồi chuyển hướng Nam, chuyến bay cuối cùng của World Airways ngày hôm ấy.

Các hàng ghế trên chiếc Vicker được tháo bỏ, chỉ còn sàn trống, chúng tôi ngồi bệt dưới sàn không có một sợi dây đai an toàn nào cả, dường như mọi trang thiết bị an toàn cho hành khách được cắt bỏ tối đa, chỉ mong sao chở được càng nhiều người càng tốt! Ban đầu trên tàu còn hơi mát một tí, nhưng chỉ khoảng dăm phút sau là nóng hầm hập, mồ hôi đổ tháo và quần áo ướt đẫm như bị trúng mưa, có lẽ hệ thống điều hoà không khí không đủ công suất vì số người quá đông chăng? tôi ước chừng có hơn trăm người trên chuyến nầy, tụi tôi chia nhau bi- đông bia để giải khát và để chúc mừng với nhau rằng cả đám đã thoát khỏi Nha Trang. Phi cơ không bay trong đất liền mà bay cách bờ khoảng một cây số, nhìn qua cửa sổ phía bên phải thấy còn hừng sáng ở chân trời, dưới đất thỉnh thoảng thấy vài nơi có đèn sáng. Tôi còn nhận ra được thành phố Phan Thiết sau hơn 20 phút bay và chẳng bao lâu là Vũng Tàu từ đấy phi cơ chuyển hướng bay về Sài Gòn.

Bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất khi trời đã tối, một nhóm người Mỹ có cả Quân Cảnh KQ thâu gom những khẩu súng do các quân nhân mang về, vì không có máy rà kim loại cho nên năm cây súng và 250 viên đạn trong túi quân trang của tôi không bị giữ lại. Chúng tôi được tụi Mỹ thết đãi một cốc xi rô lạnh để giải khát ngay lối ra, sau đó được xe buýt đưa đến cổng Phi Long, từ đó tôi lửng thửng ra bến xe buýt Lăng Cha Cả – Sài Gòn về nhà bà con ở gần chợ Trương Minh Giảng.

Hai hôm sau tôi và Phan Văn Đoàn vào TSN trình diện, được Đại tá Hà Dương Hoán, Giám đốc Trung Tâm Tài Chánh KQ, ứng cho mỗi đứa 3.000 đồng, cũng đỡ “ho”. Mấy ngày sau tôi đem nộp 5 cây súng ở đồn Quân Cảnh ngay cổng Phi Long.

TTHLKQ được tạm thời gom lại ở gần khu An Ninh Trên Không, qua khỏi trạm hàng không dân sự một quảng đường, nơi đó có trưng bày một chiếc Skyraider đã phế thải. Trở lại với công việc trong sự thiếu thốn phương tiện, nhưng chúng tôi vẫn làm hết mình để tạm ứng lương tháng Tư cho quân nhân trực thuộc trong thời gian ngắn nhất.

Mong được liên lạc với quý anh em từng làm việc tại Phòng Tài Chánh/TTHLKQ qua địa chỉ nguyen_dinh@y7mail.com. Tôi vẫn còn nhớ họ tên từng người, nào là Trần Phúc Thành(*), Hà Thúc Dung, Thái Quang Thành, Lâm Văn Phương, Nguyễn Văn Hải, Lê Xuân Đúng, Nguyễn Phương Phi, Nguyễn Văn Vọng (mụ Vọng) Nguyễn Văn Quang (mụ Quang), Phạm Văn Hào (nhà thơ Ca Dao), Chế Văn Nhu, Lê Xuân Vinh, Nguyễn Tấn Dũng, Huỳnh Văn Hùng, Nguyễn Văn Nở, Nguyễn Khiếm, Lê Văn Kim, Đỗ Trọng Quang, Nguyễn Nghiệp, Nguyễn Văn Quảng, Lê May, Phan Văn Khương, Phan Văn Ni, Lương Tấn Phú, Phan Văn Đoàn…

Đinh Nguyễn.

(*) Đại úy Trần Phúc Thành chết sau khi đi “cải tạo” về được vài năm ở Sài Gòn (Niên trưởng Luong55 báo tin).

Nguồn: https://hoiquanphidung.com/forum/c%C3%A1c-chuy%C3%AAn-m%E1%BB%A5c/th%E1%BB%9Di-s%E1%BB%B1/chuy%E1%BB%87n-30-4/6469-nh%E1%BB%AFng-ng%C3%A0y-cu%E1%BB%91i-%E1%BB%9F-nha-trang?13919=

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn