Mùa Hè Đỏ Lửa: Các anh hùng của ‘Trị-Thiên Vùng Dậy’

Thứ Ba, 16 Tháng Ba 20215:53 CH(Xem: 6827)
Mùa Hè Đỏ Lửa: Các anh hùng của ‘Trị-Thiên Vùng Dậy’

Vann Phan

(NV) – Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã chiến thắng vang dội tại Mặt Trận Quảng Trị trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 khi các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến, sau cùng, đã cắm được lá quốc kỳ VNCH trên Cổ Thành Đinh Công Tráng “vừa chiếm lại đêm qua bằng máu” vào ngày 16 Tháng Chín, 1972.

CCB-Cac-anh-hung-Tri-Thien-1
“Hỡi bức chân dung trên công viên buồn” trước Tòa Đô Chánh Sài Gòn của Đại Úy Trần Thế Vinh. (Hình: Flickr manhhai)

Chiến thắng này đã đánh tan trên năm sư đoàn Cộng Sản tinh nhuệ từng quyết tâm bám trụ tại vùng địa đầu giới tuyến trong một trận chiến kéo dài ngót sáu tháng trời.

Chiến thắng này đã làm cho quốc tế phải lên tiếng ca ngợi, và một số báo chí truyền thông Hoa Kỳ còn so sánh chiến tích đó với việc Thủy Quân Lục Chiến Mỹ dựng lá quốc kỳ chiến thắng trên đảo Iwo Jima của Nhật Bản vào ngày 23 Tháng Hai, 1945, ít lâu trước khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc.

Nhưng đây không phải là một chiến thắng dễ dàng đối với hai đại đơn vị chủ lực của Quân Lực VNCH trong trận quyết chiến, là Thủy Quân Lục Chiến và Nhảy Dù, trước một lực lượng đông đảo gồm trên dưới 30,000 bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt và mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, với quyết tâm đánh chiếm và giữ vững Cổ Thành Quảng Trị để làm thủ đô tương lại cho Mặt Trận Giải Phóng, công cụ chính trị của Hà Nội trong mưu đồ thôn tính toàn bộ lãnh thổ VNCH qua Chiến Dịch Xuân-Hè 1972 của họ.

Chiến thắng khá đắt giá này đã đạt được nhờ những hy sinh vô bờ bến của hàng ngàn chiến sĩ thuộc nhiều quân, binh chủng của Quân  Lực VNCH, trong đó phải kể thêm các đơn vị khác cùng tham chiến như Không Quân, Hải Quân, Biệt Động Quân, Biệt Cách Dù, Thiết Giáp, Bộ Binh, Địa Phương Quân và Nghĩa Quân… và luôn cả Hải và Không Quân Hoa Kỳ trong nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực cho quân bạn bằng hải pháo và phi pháo.

Ngoài những “anh hùng không tên tuổi” của Miền Nam Tự Do đã tự nguyện lấy máu đào của mình mà tô thắm cho “Cờ ta bay trên Quảng Trị thân yêu” (tên bản hùng ca do Lê Kim Hoa sáng tác sau trận đánh lịch sử này), phải kể đến một số những chiến sĩ anh hùng của Quân Lực VNCH đã góp sức làm nên danh xưng “Trị-Thiên Vùng Dậy” tại Vùng Hỏa Tuyến trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Đó là Đại Úy phi công Trần Thế Vinh, Tiểu Đoàn 3 và Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân, và Trung Tướng Ngô Quang Trưởng.

Advertisement
Report this ad

Đại Úy Trần Thế Vinh

Trong những ngày đầu của chiến cuộc tại Mặt Trận Quảng Trị, giữa lúc quân và dân Vùng Hỏa Tuyến đang theo “Đại Lộ Kinh Hoàng” chạy dài xuống phía Nam để lánh nạn thay vì tử thủ tại chỗ như An Lộc và Kon Tum trong Mùa Hè Đỏ Lửa, đã nổi lên một tấm gương anh hùng kiệt xuất: Đại Úy phi công Trần Thế Vinh.

Đại Úy Vinh từng tốt nghiệp thủ khoa khóa phi công khu trục tại Hoa Kỳ – mà học viên hầu hết là sinh viên sĩ quan Không Quân thuộc các quốc gia đồng minh của Mỹ thời thập niên 1960-1970, như Trung Hoa Dân Quốc, Đại Hàn, Thái Lan, Pakistan, Ba Tư (Iran), Ả Rập Saudi, Jordan… và là phi tuần trưởng AD-6 thuộc Phi Đoàn 518 Không Quân VNCH từ Căn Cứ Biên Hòa biệt phái tham chiến tại Mặt Trận Quảng Trị.

Vị đại úy phi công trẻ tuổi, tài hoa này, chỉ trong vòng một tuần lễ tung mây, lướt gió trên chiến trường Trị-Thiên, đã bắn hạ được tất cả 21 chiến xa địch và được báo chí truyền thông Sài Gòn tặng cho danh hiệu “Anh Hùng Diệt Tăng Địch.”

Nhưng thương ôi, vào ngày 9 Tháng Tư, 1972, Đại Úy Vinh đã “rụng cánh đại bàng” dưới hỏa lực phòng không địch, giống như cố Trung Tá Phạm Phú Quốc trong một phi vụ Bắc Phạt năm xưa, để lại bao tiếc thương và ngưỡng mộ trong lòng quân và dân miền Nam Việt Nam mỗi khi đứng lặng nhìn “bức chân dung trên công viên buồn” của người anh hùng Không Quân mới 26 tuổi xuân này.

Các chiến sĩ Tiểu Đoàn 3 và Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến

Tiểu Đoàn 3 (Sói Biển) và Tiểu Đoàn 6 (Thần Ưng) Thủy Quân Lục Chiến là hai đơn vị đã cắm lá cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH vĩnh viễn trên Cổ Thành Đinh Công Tráng sau 81 ngày, đêm chiến đấu cực kỳ cam go và ác liệt khi phải tranh giành từng tấc đất, từng khúc giao thông hào với Cộng Quân, tất cả đều quyết tâm “sinh Bắc, tử Nam’ tại Mặt Trận Quảng Trị.

Mặc dù Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến vẫn được báo chí Sài Gòn biết tới qua tấm hình chụp cảnh dựng cờ, nhưng chiến công xương máu này và vinh quang này thật sự thuộc về hai đơn vị thiện chiến nói trên của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến từng vang danh bách chiến, bách thắng kể từ sau Trận Tết Mậu Thân 1968.

Thiếu Tướng Bùi Thế Lân (giữa) và các ký giả Mỹ tại Huế, 1972. (Hình: svqy.org)

Các chiến sĩ Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù

Những người lính cảm tử của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù vẫn được coi là những chiến sĩ đầu tiên đã dựng lá cờ của tổ quốc thân yêu trên thành xưa vào hôm 18 Tháng Bảy, 1972. Nhưng, tiếc thay, phần lớn toán quân này, trong đó có Hạ Sĩ Nhất Trần Tâm và Binh Nhất Hồ Khang, đều bị địch quân bắn hạ, bởi vì áp lực tái chiếm Cổ Thành do lệnh trên đưa xuống quá nặng nề và cấp bách, khiến lực lượng Dù không đủ thời gian để chuẩn bị chu đáo trong khi số Cộng Quân bám trụ tại khu vực Cổ Thành vẫn chưa bị thanh toán hết.

Dẫu sao, tấm gương can đảm vô biên của các chiến sĩ Mũ Đỏ khi chấp nhận đi vào cõi thập tử, nhất sinh đó mãi mãi “vẫn sáng để cho nòi giống soi chung” (“Bạch Đằng Giang” – Lưu Hữu Phước).

Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân

Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân – mà sau chiến thắng Quảng Trị được vinh thăng thiếu tướng – được coi là vị tướng thao lược nhất của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Được chỉ định vào chức tư lệnh đoàn quân khét tiếng này thay cho Trung Tướng Lê Nguyên Khang lúc ông hãy còn là đại tá, Tướng Lân từng nổi danh là sĩ quan tham mưu hết sức xuất sắc của binh chủng, cho dù ông có dáng vẻ của một thư sinh hơn là một hổ tướng.

Nhờ biết triển khai và tận dụng hai chiến thuật cực kỳ hiệu quả trong trận tái chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng, là “xa luân chiến” và “đánh đêm,” đoàn quân Cọp Biển dưới quyền ông đã đem lại chiến thắng sau cùng cho Quân Lực VNCH tại Mặt Trận Quảng Trị, khiến Thủy Quân Lục Chiến VNCH được quân chủng Thủy Quân Lục Chiến của Hoa Kỳ xưng tụng là một trong những đội quân Thủy Quân Lục Chiến tinh nhuệ nhất thế giới.

Trung Tướng Ngô Quang Trưởng

Hai lần cầm quyền chỉ huy thiên binh, vạn mã tại Vùng I Chiến Thuật – một lần là tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh hồi Trận Tết Mậu Thân 1968 và lần này là tư lệnh Quân Đoàn I, Vùng I Chiến Thuật – Tướng Quân Ngô Quang Trưởng quả thật là một vị hổ tướng danh bất hư truyền. Từ chức vụ tư lệnh Vùng IV Chiến Thuật, Tướng Trưởng được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cấp tốc điều ra Vùng Hỏa Tuyến để thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm.

Tướng Trưởng đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ chỉ huy quân và dân miền “Trị-Thiên Vùng Dậy” lấy lại hầu hết các phần lãnh thổ mà Cộng Quân đã chiếm giữ từ Tháng Tu đến Tháng Chín, 1972, trước khi Hiệp Định Paris 1973 được ký kết. Một số danh tướng Mỹ, trong đó có Đại Tướng Norman Schwarzkopf, tư lệnh Chiến Dịch Desert Storm (Bão Tố Sa Mạc) – gồm một liên minh 35 quốc gia – đánh vào Iraq để giải phóng Kuwait vào năm 1990-1991, đã không tiếc lời ca ngợi tài thao lược và tư cách chiến binh nhà nghề của vị danh tướng sinh trưởng trong Nam nhung lại thành danh trên chiến trường miền Trung Việt Nam.

Thay lời kết

Chiến thắng của Quân Lực VNCH tại Cổ Thành Quảng Trị trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 đã đánh tan thành kiến đầy ác ý của báo chí truyền thông thiên tả từ Âu Châu cho tới Mỹ, cho rằng Quân Lực Việt Nam thiếu khả năng và ý chí chiến đấu để bảo vệ Miền Nam Tự Do trước cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng Sản Bắc Việt. Nói trắng ra, đó chỉ là cái cớ để gượng gạo biện minh cho hành động phản bội đồng minh của các chính trị gia Mỹ, những kẻ chỉ biết nghĩ đến quyền lợi nông cạn của nước Mỹ đương thời mà không tính xa được tới hiểm họa tương lai của chính nước Mỹ trước cái gọi là “chủ nghĩa Cộng Sản võ trang bằng chủ nghĩa vật chất” mà Cộng Sản Trung Hoa và Cộng Sản Việt Nam, đàn em của Bắc Kinh, là hai đại biểu nổi bật nhất đang tận dụng nó để moi tim, móc ruột “đế quốc Mỹ,” khiến giới tư bản Mỹ phải khẩu phục, tâm phục.

Và mặc dù Quân Lực VNCH thời 1972 có được nhiều chiến sĩ anh hùng đến thế, và tới năm 1975 thì lại không thiếu những chiến binh khí tiết cỡ Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu nhưng cũng đành phải thất thủ trước một đối thủ tuy chẳng giỏi giang gì hơn mình nhưng lại có được đồng minh là Khối Cộng Sản Quốc Tế.

Cộng Sản Quốc Tế đoàn kết, thủy chung, biết tàn nhẫn ra tay giết hại luôn cả thường dân chạy loạn – như những cuộc thảm sát trên Đại Lộ Kinh Hoàng (từ Quảng Trị xuống Huế) và Liên Tỉnh Lộ 7 (từ Pleiku xuống Tuy Hòa) để đạt chiến thắng trong mỗi trận đánh cho tới chiến thắng sau cùng vào ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Phải biết rằng, trong bài hát “Giải Phóng Miền Nam” của Huỳnh Minh Siêng, vẫn có câu “Vận nước đã đến rồi, bình minh chiếu khắp nơi…” nhưng nay người ta phải hiểu “vận nước” đây chính là cái “vận xui” của đất nước Việt Nam, khi kỷ nguyên Ác thắng Thiện chính thức khởi đầu trên khắp thế giới và tiếp diễn mãi cho đến ngày nay như mọi người đang thấy đó. (Vann Phan) [qd]

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/mua-he-do-lua-cac-anh-hung-cua-tri-thien-vung-day/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn