Khói Lửa Hoàng Sa Trong 2 Ngày 18-19 Tháng 1 năm 1974

Chủ Nhật, 24 Tháng Giêng 20217:17 CH(Xem: 4266)
Khói Lửa Hoàng Sa Trong 2 Ngày 18-19 Tháng 1 năm 1974

Vương Hồng Anh

https://bienxua.files.wordpress.com/2019/01/to-quoc-dai-duong-hoang-sa-tran-hai-bien-phong.jpg

Trong số trước, chúng tôi đã lược trình về kế hoạch phòng thủ đảo Hoàng Sa của Quân lực VNCH từ năm 1955 đến 1974. Như đã trình bày, sau khi tiến hành một loạt hoạt động gây hấn tại các đảo trong quần đảo Hoàng Sa, ngày 19/1/1974, Trung Cộng đã tập trung lực lượng chiếm đảo Hoàng Sa, một trong những đảo chính của quần đảo này. Trong số này, chúng tôi xin giới thiệu phần lược trình toàn cảnh đảo Hoàng Sa trước, trong và sau giờ G của trận chiến. Phần này được biên soạn theo bài viết của ông Trần Thế Đức phổ biến vào cuối năm 1974 trong số đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa của đặc san Sử Địa do một nhóm giáo sư và sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn chủ trương. Xin lưu ý bạn đọc là bài viết của ông Trần Thế Đức là những ghi chép các lời thuật sự của các nhân chứng, và trong phần mở đầu, tác giả đã thận trọng ghi rằng “những lời thuật sự của các nhân chứng cũng cần được cân nhắc kỹ càng vì có người muốn trình bày sự thật, có người muốn giấu kỹ tất cả hay một vài chi tiết”.

* Hệ thống doanh trại tại Hoàng Sa trước giờ G:
Hệ thống doanh trại đảo Hoàng Sa rất đơn giản, hai ngôi nhà lớn nhất trên đảo là đồn binh và nhà của ty Khí tượng. Hai ngôi nhà này đều cùng ngó về hướng Bắc, nằm gần giữa đảo hơn là mé bờ biển phía Nam. Trước mặt đồn binh là sân bóng chuyền và cột cờ. Tại cột cờ này có một bia xi măng của Thủy quân Lục chiến VNCH. Trên cùng của bia là dấu hiệu binh chủng. Phía dưới có ghi Tiểu đoàn 1 Thủy quân Lục chiến, và bia có ghi ngày lập nữa, nhưng người trên đảo ít ai để ý đến chi tiết đó nên không nhớ rõ là bia lập ngày nào. Kế bên sân bóng chuyền nằm bên phải đồn binh là dãy nhà của binh sĩ. Trên nóc đồn binh, góc trông ra mé biển phía Nam là một tháp canh, một góc khác có đèn pha thế cho cây đèn pha đã gãy đổ. Nhà của khí tượng ở mé trái của đồn binh, cách đồn chừng 30 mét. Chếch về phía trái của nhà, là một dãy nhà phụ của khí tượng, gồm bốn gian: một nhà kho, kế bên là lò bánh mì (do Pháp xây để cung cấp bánh mì cho toán người Pháp tại đảo) kế đó là nhà chứa hơi hydro, gian còn lại là nhà bếp, còn tòa nhà chính rộng mênh mông dài 24 mét, ngang 4 mét, chỉ chứa có 4 người.

Report this ad

Như đã trình bày, từ 1955 đến 1974, sau nhiều lần thay đổi về thành phần và quân số bảo vệ đảo, cuối cùng lực lượng phòng thủ đảo chỉ còn 1 trung đội Địa phương quân gồm 31 quân nhân do 1 sĩ quan cấp bậc thiếu úy hoặc trung úy chỉ huy. Do thiếu phương tiện hoạt động, không có ca nô đi kiểm soát các đảo, nên coi như trung đội chỉ trấn đóng trên đảo Hoàng Sa mà thôi.
Người mới ra đảo Hoàng Sa nhìn vào tình trạng quân sự đó thật lo ngại. Không có phương tiện kiểm soát các đảo khác nên không biết kẻ lạ làm những chuyện gì trên đó. Ban chỉ huy đảo lại không có phương tiện truyền tin như cờ, đèn hiệu để liên lạc với các tàu, nên muốn ra lệnh cho các tàu cũng không được. Một nhân chứng nói rằng: thời buổi này khó khăn, anh em binh sĩ đâu dám bắn bậy bắn bạ như người Pháp, phải có lệnh mới được nổ súng, còn viên sĩ quan Địa phương quân cũng không rành về mặt biển, không biết các loại tàu. Lo thì lo, chứ có sao đâu. Từ trước tới giờ (đầu năm 1974) có chuyện gì xảy ra đâu.

* Những dấu hiệu bất thường:
Ra đảo được hai tháng, nghĩa là còn một tháng nữa thì hết kỳ hạn đóng trên đảo, một vài anh em công tác tại đảo nhận thấy các mỏm san hô ở phía Đông Bắc của đảo Hoàng Sa cũng trong nhóm đảo Nguyệt Thiềm có nhiều tàu xuất hiện, và neo tại đây. Anh em tưởng là tàu đánh cá như mọi khi. Thế nhưng có người cảm thấy chuyện không bình thường. Đồng thời có một tàu Trung Hoa ghé vào đảo, đổi thuốc hút lấy nước ngọt.

Giữa tháng 1/1974, còn nửa tháng nửa là có tàu ra rước anh em về, để cho người khác ra thay thế, lúc 4-5 giờ chiều, anh em bỗng dưng thấy hai tàu đánh cá chạy khá nhanh, gần bờ. Nó xuất hiện từ hướng Tây Nam vòng lên phía Bắc rồi vòng ra phía Đông, lại gần cầu tàu, hình như muốn ghé vào. Lúc đó anh em mới nhận ra tàu sơn màu ô liu, màu của quân đội. Trong số những người trên đảo đã có những người đi biển, nên nhận thấy tàu này không phải là loại tàu thường, vì tàu đánh cá đâu có sơn màu ô liu. Tàu lại mang cờ đỏ, góc có mấy ngôi sao vàng nữa. Trung úy trưởng đồn chưa biết triệu chứng bất thường. Anh em nọ bèn nói với vị trung úy lấy cờ quốc gia treo lên để cho tàu đó biết đảo này là của mình. Muốn đuổi nó đi thì đâu còn cách nào khác. Có lá cờ đẹp, phải cất kỹ, vì gió biển ào ào, nếu treo lên chỉ vài hôm là rách tan. Nhìn thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ bay trên đảo, hai tàu nọ bèn bỏ đi về phía Nam đảo Hữu Nhật, nấp đằng sau đảo đó. Còn về cờ treo trên hai tàu lạ, có người biết được lá cờ đỏ đó là cờ Trung Cộng, nhiều người không biết là cờ nước nào.

https://bienxua.files.wordpress.com/2019/01/tuan-duong-ham-ly-thuong-kiet-hq16-whec.jpg

* Khói lửa trên quần đảo Hoàng Sa:
Trước những hiện tượng vừa xảy ra, trung úy trưởng đồn báo cáo sự việc về đất liền. Vài anh em mở radio nghe nói Trung Cộng đang tính chuyện khiêu khích ở Hoàng Sa. Ai cũng tưởng chuyện xảy ra thường thôi. Sau đó, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 ra Hoàng Sa, thả xuống đảo gồm 7 người, gồm 1 thiếu tá thuộc bộ Tư lệnh Quân đoàn 1, 1 đại úy Hải quân, 1 trung úy Công binh chiến đấu, 2 binh sĩ và một người Mỹ. Sau đó chiến hạm này đi thám sát các đảo và mỏm đá ở phía Đông của nhóm Nguyệt Tiềm.

Report this ad

Lúc ấy hai tàu của Trung Cộng còn ẩn ở phía sau đảo Hữu Nhật. Đuôi tàu nhô ra nên từ đảo Hoàng Sa còn nhận ra được. Vì đảo cao như đĩa xôi, nên không rõ Trung Cộng làm gì ở nơi phần đảo chỗ hai tàu nói trên đang đậu. Sau này các nhân chứng đổ bộ lên đảo này thì biết là Trung Cộng mới đem các vật liệu và các hài cốt từ các nơi khác lại xây bốn ngôi mộ. Anh em liền đào vứt xuống biển vì nhận thức rằng Trung Cộng đã vi phạm chủ quyền Việt Nam.

https://bienxua.files.wordpress.com/2019/01/Khu-truc-ham-Tran-Khanh-Du-HQ4.jpg?w=1000

Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt tiến về phía hai “tàu cá” đuổi các tàu này ra khỏi đảo. Hai tàu cá lì không chịu đi. Tàu ta và tàu địch tiến gần nhau đến nỗi trông thấy cả bàn ghế trên tàu địch. Lính Trung Cộng trên tàu cá chửi sang tàu của ta bằng tiếng Tàu. Sau cùng các tàu Trung Cộng đành rút đi, lui về phía các đảo nhỏ mà Trung Cộng mới chiếm. Sau đó, theo lời một số nhân chứng, hình như nhiều tàu Trung Cộng tiến xuống phía Nam các đảo nhỏ, tụ tập xung quanh các đảo Quang Hòa và Duy Mộng.

Phía VNCH, khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4 tăng cường, thả một lính xuống đảo Hữu Nhật. Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 bốc toán 7 người của bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ở đảo Trường Sa lên, hình như định quay về để sửa tàu, vì đã tới kỳ hạn nằm ụ. Lúc đó, tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ 5 ra tăng cường thêm. Toán 7 người lại được chuyển sang tuần dương hạm Trần Khánh Dư HQ 5, sau đó HQ 5 lại trả toán này về đảo Hoàng Sa. Tàu Trung Cộng gồm có tàu lớn đậu đàng xa, các “tàu cá” và nhiều loại tàu đổ bộ, chạy tới chạy lui vùng hai đảo Duy Mộng và Quang Hòa. Các tàu Việt Nam đều tiến về hai đảo này.

https://bienxua.files.wordpress.com/2016/04/tuan-duong-ham-tran-binh-trong-hq5-tvq-collection.jpg

Một số nhân chứng cho biết không rõ súng bắt đầu nổ từ lúc nào (về các chi tiết của trận hải chiến, các nhân chứng chỉ thấy được một vài khía cạnh mà thôi) nhưng chiều ngày 18 tháng 1-1974 thì trận chiến nỗ lớn dữ dội. Anh em trên đảo đứng xem như trên màn ảnh. Những tàu nhỏ chạy rất nhanh tiến về phía các tàu Việt Nam. Tàu cá lộ nguyên hình tàu chiến với đài chỉ huy có hai cây đại liên. Sườn tàu để hở các ô vuông chĩa súng ra. Tàu Trung Cộng bắn, tàu Hải quân VNCH bắn trả, có những đốm lửa trên tàu địch và khói bay lên. Tuy nhiên, theo các nhân chứng, tàu HQ 16 cũng bị một phát đạn vào chỗ bánh lái và một phát vào lườn tàu, HQ 16 nghiêng về một bên nhưng cuối cùng rút về qua eo biển giữa Hoàng Sa và Hữu Nhật. Đồng thời hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10 bị bắn vào giữa tàu và lửa bốc lên (cuộc chiến đấu của chiến binh tàu HQ 16 và HQ 10 sẽ được trình bày trong số đến).

https://bienxua.files.wordpress.com/2018/09/hth-nhut-tao-hq10.jpg

Ngày 27 Tết, tức là ngày 19 tháng 1-1974, chuyện dữ đến với anh em trên đảo Hoàng Sa. Hai tàu lớn của Trung Cộng và hai tàu chiến ngụy trang tàu đánh cá tiến lại đảo Hữu Nhật. Các tài đổ bộ chạnh quanh đảo này để kiếm chỗ vào. Trên đảo bắn ra nhưng chỉ có súng nhỏ (theo một số nhân chứng vào lúc đó, trên đảo Hữu nhật có một toán chiến binh VNCH đổ bộ lên giữ đảo trước đó vài ngày). Các tàu lớn Trung Cộng bắn vào đảo này. Sau đó, anh em ở đảo Hoàng Sa mất liên lạc với đảo Hữu Nhật. Rồi tàu Trung Cộng bắn vào đảo Hoàng Sa. Anh em phân tán ra rừng và các đống phân nằm bố trí. Có cả tiếng máy bay phản lực rít lên nữa. Quân Trung Cộng đổ bộ từ tàu nhỏ lên đảo đông như kiến, nhưng không dám tiến vào, mà chỉ nằm ở bãi cát và 30 phút sau mới tiến vào trong đảo. Anh em trung đội Địa phương quân bắn tới hết đạn thì Cộng quân mới chiếm đảo. Khi tiến vào mỗi phòng trong nhà ở của anh em trên đảo, quân Trung Cộng ném chất nổ, nên mọi thứ bên trong đều bị hủy diệt.

Report this ad

Mọi người trên đảo bị quân Trung Cộng bắt tập trung lại ngồi thành hàng. Tất cả có 42 người, gồm 7 người thuộc Toán của Quân đoàn 1 do HQ 16 thả lên đảo, 4 nhân viên khí tượng, và 31 anh em của trung đội Địa phương quân. Lính Trung Cộng lấy cung và chụp hình mọi người từ lúc chiếm dảo cho đến tối. Bọn họ nói tiếng Việt Nam thật rành rẽ đến nổi anh em bị bắt không biết đó là người Việt hay là người Tàu nữa. Hầu hết đều nói giọng Bắc, chỉ có một người nói giọng nam. Đám lính Trung Cộng này ăn nói văn hoa, dùng nhiều chữ Việt mà ngay người Việt ít học cũng ít dùng đến. Người Hoa ở Chợ Lớn nói tiếng Việt không rành, nhưng mấy lính Trung Cộng này nếu thả về Việt Nam thì người Việt không thể nhận ra họ được.

Như vậy, cuộc xâm lăng này Trung Cộng đã chuẩn bị kỹ quá rồi còn gì. Trong lúc bọn họ bắt anh em ngồi chờ trên đảo thì có những tên trông dữ dằn đi lảng vảng xung quanh. Đến tối, đám lính Trung Cộng nhốt tất cả 42 người vào trong nhà chứa phân và canh phòng nghiêm ngặt. Quá nửa đêm, lính Trung Cộng đánh thức tất cả dậy, bắt xếp hàng đi ra biển, xuống ghe nhỏ, rồi chèo đưa anh em ra tàu lớn. Bọn họ bảo anh em rằng sẽ được đưa đến nơi an toàn hơn. Anh em đoán rằng địch sẽ đưa mình vào đắt Trung Cộng.

Nguồn: https://vietbao.com/a72911/khoi-lua-hoang-sa-trong-2-ngay-18-19-thang-1-74

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn