BA-THÊ ĐI DỄ KHÓ VỀ – Phùng Hữu Châu, K25

Thứ Tư, 13 Tháng Giêng 20218:26 CH(Xem: 7538)
BA-THÊ ĐI DỄ KHÓ VỀ – Phùng Hữu Châu, K25
https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2021/01/pvc_bathedidekhove_sudoan21bb.jpg

Sư Đoàn 21 Bộ Binh

Địa danh Ba Thê ít ai biết, ngay cả cư dân thuộc tỉnh Rạch Giá. Nơi đây chỉ là một làng nhỏ, một thôn vắng, nằm về hướng Tây Bắc gần địa phân của Long Xuyên, Châu Đốc hơn là Chương Thiện, Bạc Liêu, hay Cà Mâu.

Xóm thì vắng chỉ lèo tèo vài ba căn nhà, không có đường xe, phương tiện đi lại chỉ bằng xuồng ba lá vào mùa nước và cuốc bộ vào mùa khô. Đồng ruộng thì bao la bát ngát, khác biệt với đồng ruộng ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, hay Cà Mâu là ruộng không có bờ. Ở miền Nam tiếng bờ rất quen thuộc và đi sâu vào lòng mọi người qua câu ca dao:

Ruộng ai người nấy đắp bờ.
Duyên ai nấy gặp, đừng chờ uổng công.

Không có đắp bờ, người dân ở đây chỉ trồng lúa xạ, không cần gieo mạ và cấy ra từng bụi như lúa cấy, ít tốn công. Tuy nhiên năng xuất thu hoạch thì kém xa lúa cấy… Dân địa phương cho biết nổi tiếng nhất là loại gạo đỏ hạt dài giống như loại gạo huyết rồng đang bán ngoài chợ, rất thơm cơm, ăn giống như là xôi nếp. Tôi có hỏi thăm mấy ông già trong xóm, tại sao có tên Ba Thê? Được biết trước khi chưa có đám Cộng Sản từ Bắc vào xâm lăng miền Nam, làng nầy rất trù phú, dân cư giàu có, là vựa lúa và vựa cá. Những ngày Tết hay lễ hội lớn, ban đêm dân đốt đuốc đi chơi từ làng nầy sang làng khác, cờ bạc thì khỏi nói, đá gà, bông vụ, hốt me… Vì dư dã nên các ông trong làng cưới được nhiều vợ, ba bà là chuyện thường nên làng được đặt tên là Ba Thê có nghĩa là ba vợ. Thuở ấy tuổi còn trẻ, “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ” nên tôi cứ nghĩ mấy ông trong làng nầy sao mà có phước quá. Bây giờ tuổi đã xế chiều tôi nghĩ lại mà thấy thương cho mấy ông già ba vợ. Một bà cằn nhằn nhiều khi còn chịu không nổi huống gì cả ba bà cùng cằn nhằn, không chết thì cũng điên cái đầu.

Qua khỏi xóm nhà và đám ruộng là đi vào khu vực cấm. Rừng tràm là hang ổ của VC từ nhiều năm, chưa có đơn vị địa phương nào bén mảng đến vì vào thì dễ mà lúc ra thế nào cũng bị phục kích hay mìn bẫy. Thêm vào đó mùa mưa nước ngập lai láng không có đường mà đi. Quận thì lơ mà Tỉnh thì cũng bỏ qua cho bình an vô sự.

33494884576_4b9c44956c_z

Là một phần của U Minh Thượng, Bắc tiếp nối với địa phân Thất Sơn, Châu Đốc, Nam kéo dài xuống tân U Minh Hạ Chương Thiện, Cà Mau tiện đường giao thông nên rừng tràm là một địa điểm giao liên quan trọng cũng là mật khu an toàn từ nhiều năm qua của VC. Nhưng đến đầu năm 1975, Tư Lịnh Sư Đoàn 21 BB đã quyết định mở một cuộc hành quân đánh vào sào huyệt của đám CS xâm lăng nầy. Bởi lẽ bọn VC vừa lấy cái hang ổ nầy làm mật khu hậu cần cho Sư Đoàn 4 Hâu Giang mới thành lập, chủ lực là 2 Trung Đoàn D1 và D2 xâm nhập từ Bắc vào Nam. Toàn là Bắc Kỳ con mà chúng dám bảo là của quân dân miền Nam tăng cường thêm mấy tên VC được thả ra sau hiệp định Paris 1973 và các đơn vị đặc công, các tiểu đoàn U Minh… Mấy tên VC nầy rất cuồng sát và liều mạng như để tỏ lòng trung thành với Bác và Đảng.

Report this ad

Ngày N xuất phát từ Rạch Sỏi (Rạch Giá), Trung Đoàn 32 phối hợp với Thiết Đoàn 9 Kỵ Binh ba mặt tấn công, trong khi Đại Đội Trinh Sát 32 do tôi làm đại đội trưởng tùng thiết cùng một Chi Đoàn Thiết Vân Xa M113 tấn công vào hướng chính diện. Những ngày đầu, đơn vị của tôi chỉ chạm địch lẻ tẻ, đến ngày thứ tư mục tiêu cuối cùng vẫn chưa thanh toán được, nhiều lần bị đánh bật ra. Lý do thiết giáp không thể vào sâu để yểm trợ hỏa lực, rừng tràm dày đặc, đất không chân dễ lún. Hầm hố của chúng thì quá kiên cố, hố chữ T nắp hầm lót toàn cây tràm đắp đất lên nên pháo binh có tác xạ chỉ là “cò ỉa miệng ve”. Còn hỏa lực của chúng thì quá hùng hậu. Ở trong rừng tràm chúng bắn xối xả ra từ phòng không 12 ly 8 đến 82 ly không giật, loại bắn thẳng thay cho B40 hay B41.

This image has an empty alt attribute; its file name is 36367747173_bb6652c2b6_z.jpg

Buổi trưa ngày N+4, đơn vị tôi cùng chi đoàn M113 đang đóng quân ngoài cánh đồng ven rừng tràm thì bất ngờ có trực thăng của Tư Lịnh Sư Đoàn đáp xuống thị sát mặt trân. Tiện đây cũng xin sơ lược một chút về Niên Trưởng Mạch Văn Trường, K12/ TVBQGVN, Tư Lệnh Sư Đoàn 21 BB. Khi Tướng Lê văn Hưng rời Sư Đoàn lên làm Tư Lịnh Phó Quân Đoàn 4 thì NT Mạch Văn Trường lên thay. Trước đó, ông đã từng làm Tỉnh Trưởng tỉnh Long Khánh, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 và Tư Lệnh Phó SĐ 5BB.

Ở chiến trường An Lộc, chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã từng giới thiệu với một vị Tướng cố vấn Mỹ:

– “Đây là học trò cũ của tôi.”

Ý nói khi Tổng Thống làm Chỉ Huy Trưởng TVBQGVN thì Niên Trưởng Mạch Văn Trường còn là SVSQ Khóa 12. Không những có tài thao lược, ông còn rất giỏi về tham mưu. Tôi nhớ có một lần ông tự tay thảo một mật lịnh, vẽ một phóng đồ hành quân bỏ vào hộp đựng lựu đạn quăng xuống cho tôi ở xã Tân Bằng, Cán Gáo (Cà Mâu) để tối hôm đó hoàn toàn im lặng vô tuyến, theo lời chỉ dẫn từ mật lệnh, đại đội trinh sát và cả một tiểu đoàn Địa Phương Quân thuộc tiểu khu Rạch Giá thoát khỏi vòng vây của một Trung Đoàn D3 VC về đến nơi một cách an toàn.

Cùng tháp tùng với tư lịnh, có Niên Trưởng Nhan Minh Trang, Khoá 3/ TVBQGVN. Ông từng làm Tỉnh Trưởng Rạch Giá, rồi Gia Định, hiện là dân biểu nặng ký của nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Nhưng đối với sĩ quan nhí như tôi thì nặng hay nhẹ ký không làm tôi quan tâm. Tôi chỉ quan tâm đến điều mà ông Tư Lệnh vừa gợi ý, giọng nói nhỏ nhẹ, nói như là nói chơi nhưng là lệnh:– “Ban ngày vào không được thì thử ban đêm xem sao?’”

Dân miền Nam có câu: “Khách đến nhà không gà thì vịt.” Có khách quí đến thăm mà không có gì đãi đằng thì cũng kỳ. May mà lính nhà bếp vừa nấu cơm xong, gạo đỏ vùng nầy ngon như là xôi nếp, không có chén đũa, xới cơm để trong lá chuối. Tư lịnh, dân biểu, trung đoàn trưởng… tất cả đều ăn bốc một cách ngon lành. Ông trung đoàn trưởng muốn lấy điểm với ông dân biểu nên nháy mắt nói nhỏ với tôi:

– “Anh cho ổng cây K54 đi.”

Xếp kêu cho thì tôi cho. Tôi rút cây K54 lấy băng đạn ra, đưa nòng lên trời làm hai phát an toàn, trịnh trọng đưa tặng ông dân biểu như là bảo kiếm tặng anh hùng. Tôi nhớ rất kỹ chuyện nầy vì là chuyện lớn của tôi. Khẩu K54 là cả một gia tài lúc đó nên tôi nhớ, còn đối với NT Trang là chuyện nhỏ, lặt vặt nên ổng cũng chẳng cần nhớ để làm gì.

Niên Trưởng Nhan Minh Trang, Khóa 3/ TVBQGVN đã qua đời tại Houston TX, năm 2010. Đã có 4 cựu SVSQ Khoá 25/ TVBQGVN đi phủ cờ cho quan tài của ông, trong đó có tôi. Lúc trước đi họp VB ở Houston, tôi có gặp Niên Trưởng Trang mấy lần nhưng chưa hề nhắc lại chuyện tặng cây K54 và đãi ông ăn bốc cơm gạo đỏ đựng trên tàu lá chuối tươi vào một buổi chiều trên cánh đồng Ba Thê. Bây giờ NT Nhan Minh Trang đã rời cõi trần, xin nguyện hương linh của ông tiêu diêu nơi miền cực lạc.

Buổi chiều trời vừa sập tối, tôi cho một toán lặng lẽ bò vào rừng tràm để thám sát, mỗi trung đội chọn một số khinh binh khỏe mạnh nhanh nhẹn. Tất cả chia làm ba toán, ba-lô đều được bỏ lại, chỉ mang súng cá nhân, lựu đạn, và hỏa tiễn chống chiến xa M72. Số hên gặp cái gì cũng hên, đầu năm toán huấn luyện của SĐ 21 BB do NT Ông Vĩnh Huấn, K.24 làm trưởng toán tặng phe ta cũng gần một chục M72. Lại thêm lúc tùng thiết, một thằng em bảo nhỏ:

– “ Tụi em muốn chôm may trái M72 của tụi Cua.”

Nghe có thêm M72 phòng khi hữu sự, tôi cũng thấy khoái trong bụng lắm nhưng đâu dám nói ừ, chỉ làm bộ không biết… Mình cần, chứ bên thiết giáp đâu cần…

Quá nửa đêm cả ba toán đột kích của ĐĐ Trinh Sát 32 đã vào gọn trong rừng tràm. Ánh trăng non lờ mờ xuyên qua rừng lá cộng thêm mùi thơm hăng hắc của đọt tràm non, khung cảnh thật là ma quái, đúng là đoàn quân đang đi vào cõi u minh. Gần bốn giờ sáng thì nghe tiếng gọi ơi ới của tụi vịt con. Yếu tố bất ngờ và sự may mắn, hay không bằng hên, toán đi đầu đã tiến sát tuyến phòng thủ của VC, trong lúc chúng đổi phiên gác hay bỏ tuyến vào lo nấu cơm sáng. Cơ hội đã đến, toán xạ thủ giương 4 trái M72 chờ lịnh…

Ầm, Ầm, Ầm, Ầm…. bốn tiếng nổ long trời, lở đất tiếp theo từng loạt lựu đạn và M16 tấn công tới tấp. Hoàn toàn bất ngờ nên tụi VC hết hồn bỏ súng bỏ cơm mà chạy. Lệnh xung phong được ban ra, thế là toán đột kích chiếm được tuyến đầu của địch. Nhưng chưa kịp bố trí lại đội hình thì ôi thôi, từ bên kia con lạch nhỏ nào AK47, B40, B41 có cả phòng không 12 ly 8 bắn qua như mưa. May nhờ có mấy cái hố bom và hố pháo binh 105 ly nên phe ta vẫn vô sự, cứ ngồi dưới hố mà từ từ điều chỉnh pháo binh. Cầm cự cho đến 9:00 giờ sáng thì có Mặt Trời lên vùng, kèm theo hai con chó lửa (gunship) và một bà già L19. Khoảng 1:00 giờ trưa có hai phi tuần A37 từ Cần Thơ bay qua thả bốn trái bom Napal. Lúc ấy lá tràm cũng bắt đầu khô, cho cái đám chuột sanh Bắc tử Nam thành chuột quay luôn.

Report this ad

Lợi dụng đám cháy khói còn mù mịt, toán viễn thám mang hỏa tiễn M72 tiến sát doanh trại bọn Việt Cộng. Còn lại bao nhiêu tôi cho xả láng. Kế tiếp là đợt xung phong cuối cùng. Nếu được thì thừa thắng xông lên, không được thì tam thập lục kế, quay lưng dzọt lẹ. Thật không ngờ sức công phá của hỏa tiễn M72 thật thần sầu và khốc liệt. Những công sự hầm hố của VC bị hất tung lên trời, một dãy nhà trại của chúng bị ngã sập. Toán thứ ba xung phong ném lựu đạn chiếm mục tiêu chỉ gặp sự kháng cự yếu ớt của chúng.

Hậu cần Sư Đoàn 4 Hậu Giang của VC là những dãy nhà sàn nên mùa mưa, lẫn mùa nắng chúng đều ở được. Một dãy chứa cả ngàn bao gạo. Ở đâu mà nhiều thế chắc là đi ăn cướp vơ vét của dân. Còn dãy bên kia là cả một kho súng đạn do Nga Sô và Trung Cộng ban cho. Có rất nhiều súng lớn như Phòng Không 12 ly 8, ngoài mặt trân kiếm được một cây cũng trầy da tróc vẩy, ở đây nó dựng cho cả chục, thượng liên nồi RPD, B40, B41, AK47, K63…. Khoảng 100 hỏa tiển 107 ly & hỏa tiễn 122 ly và hơn 200 cây súng, vác cả buổi mới ra khỏi bìa rừng cho thiết vận xa M113 chở ve…

Sau trân chiến thắng may mắn tại rừng tràm Ba Thê, tôi được thăng cấp đại úy thực thụ tại mặt trận, và sau đó được đề cử làm chiến sĩ xuất sắc của Sư Đoàn 21 BB, được đi du ngoạn Đài Loan. Riêng Đại Đội Trinh Sát 32 có số điểm cao nhất và được bình bầu đứng nhất toàn quốc năm 1974.

Từ phi trường Rạch Giá một chiếc C47 chở tôi lên Sài Gòn vào trình diện Trung Tướng Trần Văn Trung và thuyết trình về trận đánh ở Tổng Cục CTCT. Đại Tá Cao Tiêu, Tổng Cục Phó cho đơn vị tôi 50 ngàn đồng. Đầu tóc của ông bạc phơ trông rất là tiên phong đạo cốt. Ngày hôm sau xe đưa tôi qua Đài Truyền Hình Quân Đội để thực hiện một show về chiến thắng Ba Thê. Lúc ấy đài do Trung Tá Nguyễn Đạt Thịnh làm giám đốc. Ông hiện cũng là cư dân Houston. Lần đầu tiên, tôi được biết mặt Thiếu Tá Đặng Trần Huân, tên tuổi rất quen thuộc trong mục “tiếu lâm” của báo Chiến Sĩ Cộng Hòa.

Cả đời tôi cũng không quên được cái buổi lễ sinh nhật của Tư Lệnh Sư Đoàn được tổ chức tại Bộ Tư Lịnh Tiền Phương ở Chương Thiện mà tôi là cấp nhỏ nhất được mời. Lúc đó thật sự trong lòng tôi rất cảm động trước tấm thịnh tình chiếu cố của ông và tôi cảm thấy mình như nợ ông một ân tình cần phải đáp.

Súng mới báo cáo phân nửa lên Sư Đoàn, thì Tháng Tư Đen lại đến, tụi nó (VC) vô lấy lại tại hậu cứ Cà Mâu. Vào trại tù Cần Thơ thì gặp Thượng Tá VC Ba Song, chính ủy của SĐ 4 Hậu Giang làm trưởng trại tù. Thôi tôi cũng đành vác gói theo đoàn Tù Binh xuống tàu ra Bắc.

Thời còn là Sinh Viên Sĩ Quan của Trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam, tôi đã có lần mơ: “Một ngày nào đó sẽ theo chân Đoàn Hùng Binh tiến về Thăng Long, vào tận quãng trường Ba Đình mà thượng Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, đạp chân lên nhịp cầu Long Biên mà ngạo nghễ hát bài Võ Bị Hành Khúc.” Nhưng tất cả chỉ là mộng còn thực tế là đi ở Tù.

Trước khi dứt lời, kính xin một phút mặc niệm hương linh những Chiến Sĩ đã hy sinh vì lý tưởng tự do, đặc biệt là hương linh của cố Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, cựu Tư Lịnh SĐ 21 BB. Người đã cùng Tướng Nguyễn Khoa Nam tuẫn tiết sau cuộc chiến tại Cần Thơ.

Report this ad

Kính lời chào đến vị Tư Lịnh cuối cùng, Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, người đã tạo nhiều chiến công hiển hách cho SĐ như: bẻ gẫy âm mưu san bằng thành phố Cần Thơ thành bình địa của đám CS xâm lăng.

Cuối cùng xin được chào những quý chiến hữu đã từng phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhất là những người lính của SĐ 21 Bộ Binh: Trung Đoàn 31 Chương Thiện, Trung Đoàn 32 Cà Mâu, Trung Đoàn 33 Cần Thơ, và Thiết Đoàn 9 Kỵ Binh Sóc Trăng.

Hỡi những người chiến sĩ hào hùng của Sét Miền Tây, làm sao quên được các địa danh đã khắc sâu vào tâm khảm: Cà Mâu, U Minh Hạ, Rạch Giá, U Minh Thượng, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Chương Thiện… Ai còn nhớ?…

Lời thơ do một chiến sĩ sình lầy đã sáng tác vẫn còn văng vẳng, vọng từ rừng U Minh:

Mỗi con lạch là nỗi xót xa.
Mỗi dòng sông là một đọa đày.
Nước phèn nhuộm vàng màu quần trây dzi…

Phùng Hữu Châu, K25

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn