Lực Lượng Biệt Hải

Thứ Ba, 22 Tháng Mười Hai 20204:00 CH(Xem: 4333)
Lực Lượng Biệt Hải
Nguyễn Thanh Hoài
http://www.warboats.org/images/jpg/graypatches/patch10.jpg
Kính Tặng Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Cựu Trung Tá Trương Duy Tài, Cố Trung Tá Trần Bá Tuân.


Trong bài này, tôi chỉ nói lên những điều mà tôi "biết" qua những chức vụ mà tôi đảm nhiệm trước và sau khi Sở PVDH được chính thức thành lập và cho đến ngày tôi rời đơn vị này, vào tháng 7/1967. Hy vọng bài viết này sẽ đem đến cho một số các anh em trong gia đình Biệt Hải tại hải ngoại một số tin tức để thêm vào sự hiểu biết của mình về một đơn vị mà mình đã từng phục vụ suốt cuộc đời thanh xuân trong cuộc chiến vừa qua tại Việt Nam .

Như tôi đã từng đề cập ở các bài trước, "Nha Kỹ Thuật" là tên vỏ bọc của Bộ Tư Lệnh chiến tranh Ngoại lệ (UNCONVENTIONAL WARFARE HEADQUARTERS) và các đơn vị trực thuộc được thành lập là do nhu cầu chiến lược của hai chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ. Sự phát triển cũng như kế hoạch hoạt động của NKT cũng như các đơn vị trực thuộc đều nhằm đáp ứng những nhu cầu chiến lược đó để hai chính phủ Việt-Mỹ hoạch định các chính sách, chuẩn bị các phương tiện nhằm đối phó với Cộng Sản Bắc Việt. Vì là một cơ quan "TÌNH BÁO CHIẾN LƯỢC" nên vấn đề "ngăn cách và bảo mật" (compart-mentation & secrecy) của BCH/NKT và các đơn vị trực thuộc được bảo vệ tối đa. Do đó, tuy có những quân nhân cùng phục vụ trong một đơn vị, ngoài những giờ sinh hoạt hằng ngày cùng với nhau, mọi công tác đều không ai được biết, ngoại trừ những người đã được chỉ định đảm nhận các công tác đó... Trước khi thực hiện công tác, toàn thể nhân viên liên quan đến công tác đều được tách riêng, tập trung vào khu cấm (ISOLA-TION CAMP). Sau đó, Sĩ quan Trưởng công tác hoặc đích thân Chỉ Huy Trưởng LLBH thuyết trình công tác theo lệnh hành quân, kiểm soát vũ khí, trang bị, kể cả trang bị đặc biệt. Kế đến, Trưởng toán thuyết trình cho toán, ấn định nhiệm vụ của từng toán viên.
http://www.warboats.org/images/jpg/ptf/campfay4.jpg
Trước giờ xuất phát, CHT/LLBH kiểm soát lần chót. Xong, đưa toán đến địa điểm xuất phát. Ở đó, thủy thủ đoàn đã chờ sẵn. Trong suốt thời gian ở khu cấm, mọi liên lạc với bên ngoài đều tuyệt đối cấm. Vì những lý do trên, có một số anh em gia nhập LLBH về những năm sau này, nhất là sau ngày Hoa Kỳ ngưng oanh tạc Bắc Việt, một số hoạt động của Sở PVDH bị thu hẹp lại, chuyển hướng hoạt động, một số đơn vị như các toán ROMULUS và ATHENA trở về đơn vị cũ- Thủy Quân Lục Chiến và Hải Quân, một số bị thương hoặc hết hợp đồng xin chuyển công tác nên quân số của LLBH bị giảm bớt... Đặc biệt, sau khi Trại Mỹ Khê và các trại trực thuộc được chuyển giao cho Đệ Tam Lực Lượng Thủy Bộ Hoa Kỳ (Third Marine Amphibious Forces, USA) và về đồn trú tại doanh trại gần chân núi Sơn Trà (còn gọi là Trại 9). Ngày nay, một số hồ sơ liên quan đến cuộc chiến Việt Nam, trong đó có các hoạt động của Nha Kỹ Thuật và MAC-SOG đã được giải mật, nên các hoạt động của Nha Kỹ Thuật và các đơn vị trực thuộc đã được bạch hóa.

Như tôi đã trình bày ở bài trước, Sở Bắc trực thuộc Sở Liên Lạc/ Phủ Tổng Thống. Ngoài các bộ phận không vận ở Sàigòn, còn có hai Chi cục khác nữa. Đó là Chi cục ATLANTIC đóng tại Huế, do Trung úy Trần Bá Tuân (Châu) làm Chi cục Trưởng. Chi cục này có nhiệm vụ tuyển mộ, huấn luyện, trang bị và xâm nhập bằng đường bộ theo lệnh của Trung Ương. Chi cục PACIFIC đóng tại Đà Nẵng do Trung úy Nông An Pang làm Chi cục Trưởng. Chi cục này có nhiệm vụ tuyển mộ, huấn luyện, trang bị, và xâm nhập Bắc Việt bằng đường thủy qua vĩ tuyến 17. Ngoài nhiệm vụ chính kể trên, Chi cục này còn quản trị một số thuyền máy gọi là "NAUTILUS", phụ trách việc chuyển vận và xâm nhập các toán bằng đường thủy do Trung Ương gửi ra. Trong những năm đầu, số thuyền máy này do Trung úy Nguyễn Nghiêm (LAN-TEDDY) phụ trách và quản lý. Ngoài các toán dài hạn, Chi cục PACIFIC cũng còn tuyển mộ thêm một số các quân nhân từ các Sư đoàn bộ binh và các quân binh chủng khác thuộc QLVNCH tình nguyện về phục vụ tại Sở Bắc. Những quân nhân này được thuyên chuyển về "Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống" và biệt Phái cho "Sở Liên Lạc / PTT".

Sau cuộc đảo chánh của các Tướng lãnh ngày 1. 11. 1963, nền Đệ nhất Cộng Hòa không còn nữa. Sở Liên Lạc/PTT biến thành BTL/LLĐB và Sở Bắc được cải danh thành Sở Kỹ Thuật rồi Nha Kỹ Thuật. Toàn bộ các quân nhân thuộc NKT đều do BTL/LLĐB quản trị về mặt hành chánh. Phần công tác đều nhận trực tiếp của Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH. Ngoài ra, Chi cục PACIFIC cũng còn tuyển mộ một số nhân viên dân chính theo hợp đồng như: "Thủy thủ đoàn các thuyền máy" và các nhân viên hành động khác, để chuẩn bị thành lập các toán hoạt động ngắn hạn sau này.
http://www.warboats.org/images/jpg/Odenweller/Slide%202-/VietnamSlide2-11.tif.jpg
Từ năm 1961 đến đầu năm 1964 (trước ngày Sở PVDH được chính thức thành lập), Chi Cục PACIFIC, sau này đổi thành Trại Mỹ Khê có khoảng 40 nhân viên vừa quân đội vừa dân chính lấy tên là "LỰC LƯỢNG HẢI-KÍCH" đồn trú tại Trại ORION do Th/úy Nguyễn Duy Vân (Charlie) làm trại trưởng và đồn trú cạnh BTL Hải quân vùng I Duyên Hải trong các lều vải lớn. Nơi đây, có một bãi cát rất rộng, thích hợp cho việc huấn luyện bổ túc (REFRESHMENT TRAINING) gần sân bắn Nam Thọ và có cảng cho các thuyền máy cập bến. Th/úy Nguyễn Duy Vân còn gọi là Th/úy Cơ, năm 1974 Thiếu tá Vân, cùng gia đình đã hy sinh trong cuộc đột kích của đặc công Cộng Sản tại TT Huấn Luyện QUYẾT THẮNG (Long Thành). Đầu năm 1962 đến cuối năm 1963, trại Huấn luyện Mỹ Khê được tiếp tục xây cất gồm trại Mỹ Khê và 9 (chín) trại khác, đồn trú rải rác và cách biệt nhau từ 200-300 thước, từ phía Nam cạnh chân núi Ngũ hoành sơn (Non Nước) đến chân núi Sơn Trà phía Bắc.

Kể từ ngày 1/4/1964, Sở Phòng Vệ Duyên Hải được chính thức thành lập và tạm thời đóng tại 52 Bạch Đằng, Đà Nẵng (WHITE ELEPHANT) chung với Cơ quan Cố Vấn Hoa Kỳ là CSD (Combined Studies Division). Hai Chi Cục Atlantic & Pacific được chính thức giải tán. Trung úy Nông An Pang trở về trung ương. Đại úy Hà Ngọc Oánh được bổ nhiệm làm Trưởng Trại Mỹ Khê. Sau một thời gian, Đ/úy Hà Ngọc Oánh được bổ nhiệm một chức vụ khác ở Trung ương. Tung úy Nguyễn Nghiêm được vinh thăng Đại úy và bổ nhiệm Chức vụ Trưởng Trại Mỹ Khê thay thế Đ/úy Hà Ngọc Oánh. Trung úy Trương Duy Tài tạm thời được đề cử làm CHT "Căn Cứ Hải Tuần" còn gọi là "UPPER BASE". Sau khi Sở Phòng Duyên Hải được chính thức thành lập và Cơ quan CSD bàn giao lại cho Cơ quan NAD (NAVAL ADVISORY DETACHMENT) thì Sở được tổ chức như sau:
http://www.ptfnasty.com/images/jpg/PTF%207%20DANANG%201965%20(%20PTF1&2%20IN%20CENTER%20).jpg
1) Bộ Chỉ Huy Sở PVDH.

2) Lực Lượng Hải Tuần gồm: Thành phần yểm trợ và 16 thủy thủ đoàn. Mỗi thủy thủ đoàn PTF gồm 16 n/v (SQ+ HSQ Hải Quân). HQ Th/Tá Diệp Quang Thủy (sau này là Phó Đề Đốc) được chính thức bổ nhiệm Chức vụ CHT Lực Lượng Hải Tuần.

3) Lực Lượng Biệt Hải: Đại úy Nguyễn Nghiêm (còn gọi là Nguyễn Lan) được thuyên chuyển về Sở Tâm Lý Chiến/NKT và Trung úy Trương Duy Tài, vinh thăng Đại úy và được chính thức bổ nhiệm Chức vụ CHT Lực Lượng Biệt Hải (Đ/úy Trương Duy Tài còn có tên là Đoàn Hùng). Lực Lượng Biệt Hải có quân số trên 200 người và được phân phối như sau:

a/ THÀNH PHẦN HÀNH ĐỘNG (Action Elements)

Trại 1: Toán ROMULUS gồm 50 SQ+HSQ thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến tăng phái do Th/úy Dương Văn Hưng và Th/úy Ngộ Chỉ Huy.

Trại 2: Toán ATHENA gồm 45 toán viên Người Nhái của Hải Quân VN do Đ/úy Lâm Nhựt Ninh Chỉ huy. Toán này do BTL Hải Quân VNCH tăng phái.

Trại 3: Toán NIMBUS gồm 40 toán viên đều thuộc thành phần quân đội do một Thượng Sĩ (sau vinh thăng Chuẩn úy, không nhớ tên) Chỉ huy. Sau này do Th/úy Nguyễn Công Thanh làm Trưởng toán.

Trại 4: Toán CUMULUS gồm 40 toán viên cũng thuộc thành phần quân đội do Th/úy Nguyễn Hữu Hà (Hoàng) Chỉ huy. Sau này do Thượng Sĩ Hòa làm trưởng toán.

Trại 5: Toán Mercury chừng 35 toán viên, toán này toàn nhân viên dân chính tình nguyện phục vụ theo hợp đồng dưới danh nghĩa Biệt Kích Quân. toán này do Th/úy Nguyễn Bá Lộc (Ninh) chỉ huy. Sau này không rõ ai làm Trưởng Toán khi Th/úy Lộc được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Phòng 5/Sở PVDH.

Trại 6: Toán VEGA. Toán này có chừng 30 toán viên gồm toàn nhân viên của Lực Lượng Hải Thuyền do BTL Hải Quân tăng phái. Toán này do HQ Đ/úy Trịnh Hòa Hiệp ( Người Nhái của Hải Quân VN) Chỉ huy.

Trại 8: Toán Cancer có 6 toán viên gồm quân đội lẫn dân chính, có 2 nhân viên Nùng. Toán này do Th/úy Hoài (người viết) kiêm Trưởng công tác (case office).

b/ THÀNH PHẦN YỂM TRỢ (SUPPORT ELEMENTS)

http://www.ptfnasty.com/images/jpg/jennings/FH000008.jpg

Trại Mỹ Khê:

* Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Biệt Hải

* Nơi ở của Toán Cố Vấn và Huấn Luyện Viên Hoa Kỳ.

* Trại Sĩ Quan Độc Thân.

* Thông Dịch Viên

* Trung Đội An Ninh Phòng Thủ

* Câu Lạc Bộ v.v...

Trại 7 (Mỹ Thị): BCH Đại Đội An Ninh gồm 120 Dân Sự Chiến Đấu do Th/úy Nguyễn Văn Nghĩa (Nhơn) làm Đại Đội Trưởng và là bãi thực tập phá hoại của LLBH.

Trại 9: Dùng làm khu cấm (ISOLATION CAMP).

c/ HUẤN LUYỆN:

Ngoại trừ toán ATHENA và toán CANCER chịu phần huấn luyện bổ túc chuyên môn về phá hoại dưới nước (UDT, UNDERWATER DEMOLITION TECHNICS) do các HLV Hoa Kỳ thuộc Navy Seal huấn luyện và trang bị. Các toán khác đều phải qua một chương trình huấn luyện Biệt Hải dài 24 tuần lễ, kể cả 2 tuần lễ huấn nhục (HELL WEEKS). Trong thời gian huấn luyện này, các toán phải trải qua một chương trình huấn luyện rất cam go như chạy bộ, bơi lội, chèo thuyền cao su, vượt sóng. Đọc bản đồ, định hướng bằng địa bàn, đổ bộ, đột kích bằng thuyền, phục kích, bắt tù binh, xử dụng thành thạo các loại vũ khí của khối Tự Do lẫn Cộng Sản, kể cả vũ khí nặng như Đại liên 30 ly, 50 ly, súng phóng hỏa tiễn 35 và 57 ly không giật, súng cối 60+61 ly, 81+82 ly, súng phun lửa, ném lựu đạn, xử dụng các loại mìn, chất nổ, phá hoại, v.v...
http://www.warboats.org/images/jpg/Witmeyer/FL000001.jpg
Đặc biệt 2 tuần lễ Huấn-Nhục thì mỗi ngày một toán viên chỉ được ngủ từ 1 đến 3 tiếng đồng hồ. Sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện Biệt Hải, các toán viên phải học thêm phần Nhảy dù. Khóa sinh có thể nhảy dù ở TTHL Sư đoàn Nhảy dù, ở TTHL Long Thành hoặc do SPVDH tổ chức với sự chấp thuận của Bộ Tổng Tham Mưu và BCH/NKT. Các HLV Hoa Kỳ do NAD và HLV Việt Nam do Nha Kỹ Thuật biệt phái. Mỗi khóa học dài 3 tuần lễ, gồm 2 tuần học dưới đất và một tuần lễ trên không. Mỗi khóa sinh phải thực hiện 7 lần nhảy dù gồm 6 xô ngày và một xô đêm. Sau khi được cấp bằng nhảy dù, các toán viên quân đội được hưởng không quân vụ theo cấp bậc và thâm niên. Các toán viên dân chính (BKQ) được hưởng thêm $500.00/tháng+ lương chính.

Trong suốt thời gian tôi phục vụ tại Chi Cục PACIFIC, rồi Trại Mỹ Khê (tiền thân của LL Biệt Hải) kể từ ngày còn phôi thai, rồi đến BCH Sở PVDH, tôi cũng đã cùng chung với anh em LL/Biệt Hải trải qua những vui buồn (lúc chiến thắng của đơn vị), buồn (lúc các chiến hữu bị thương, mất tích hoặc tử thương) cùng chịu những gian lao, vất vả trong mọi công tác giao phó cho đến ngày đơn vị trưởng thành. Lực Lượng Biệt Hải đã tham gia nhiều chuyến công tác khó khăn, nguy hiểm dọc duyên hải Bắc Việt. Lực Lượng Biệt Hải đã cùng với Lực Lượng Hải Tuần thuộc Sở PVDH tạo nhiều chiến tích oai hùng, gây cho Cộng Sản Bắc Việt nhiều tổn thất nặng nề qua các chuyến xâm nhập từ biển vào đánh phá các mục tiêu dọc bờ biển BV, đột kích vào hải đảo hay vào đất liền để đánh phá các mục tiêu quân sự cùng phá hoại những cơ sở thượng và hạ tầng của Cộng Sản, đã góp phần với các đơn vị Cơ hữu và tăng phái của NKT nói riêng, của QLVNCH nói chung, ngăn chận sự xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt vào miền Nam VN.

Do những chiến tích oai hùng này, năm 1965, một số quân nhân của các toán ROMULUS, ATHENA, NIMBUS và CUMULUS thuộc Lực Lượng Biệt Hải đã được Đại Tướng, Thủ Tướng Nguyễn Khánh vinh Thăng 2 cấp bậc một lượt, từ Hạ Sĩ thăng Trung Sĩ, từ Trung Sĩ thăng Thượng Sĩ và từ Thượng Sĩ thăng Chuẩn úy, không qua các cấp nhất (HS I, Tr/S I, Th/Sĩ I) trong dịp Thủ Tướng thăm Sở PVDH.

Khi LLBH bàn giao toàn thể doanh trại lại cho III MAF và tập trung về đồn trú tại doanh trại mới xây dựng tại chân núi Sơn Trà (trại 9), một thời gian sau đó Th/Tá Trương Duy Tài được bổ nhiệm Chức vụ PhụTá Tùy viên Quân Lực tại Lào, Thiếu Tá Trần Bá Tuân (Châu) được bổ nhiệm Chức vụ CHT/LL Biệt Hải thay thế Th/Tá Tài cho đến ngày Trung Tá được bổ nhiệm Chỉ Huy Phó Sở Công Tác.
http://www.warboats.org/images/jpg/Odenweller/Slide%207-/VietnamSlide7-4.tif.jpg
Trong những năm sau này, nhất là sau khi Hoa Kỳ ngưng oanh tạc Bắc Việt (1. 11. 1968) các cuộc hành quân của Sở PVDH được chuyển hướng và tăng phái cho các BTL Quân đoàn hành quân tại miền Nam VN. Hơn nữa, một số Biệt Kích quân bị thương tật, hết hợp đồng nên xin cải tuyển qua thành nhân viên yểm trợ, hoặc xin giải ngũ trở về đời sống dân sự. Do đó, quân số của LLBH thu nhỏ lại, còn khoảng trên dưới 100 người. Nay thì một số anh em đã ra hải ngoại, một số còn kẹt lại tại quê nhà. Nhiều lúc hồi tưởng lại kỷ niệm của những năm tháng phục vụ tại LLBH và Sở PVDH, tôi lấy làm hãnh diện về những đóng góp và chiến tích của đơn vị. Tuy "không được ghi danh vào sử sách", tuy không được "bảng vàng, bia đá đề tên", nhưng chúng ta đã làm tròn bổn phận của một người dân đối với Tổ Quốc vì chúng ta là những "chiến sĩ vô-danh"! Ngoài ra, đôi lúc tôi cũng ngậm ngùi, thương cảm đối với các gia đình Biệt Hải đã có cha, chồng, anh, em đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua. Nhìn những thiếu phụ và những trẻ thơ đầu chít khăn tang trắng, với những giòng nước mắt của tiếc nhớ khôn nguôi, ai mà chẳng ngậm ngùi, rơi lệ!

Nhân dịp tham dự Lễ Giỗ các Biệt Hải kỳ III do gia đình Biệt Hải tổ chức tại nhà hàng SEAFOOD WORLD ngày 16. 6. 2002 vừa qua, anh Nguyễn Trâm, trưởng ban tổ chức cùng một số anh em Biệt Hải đã không quản ngại thì giờ, đường sá xa xôi, tụ họp về LITTLE SAIGON để cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ đến những đồng đội đã hy sinh vì Tổ Quốc, thăm hỏi và an ủi những gia đình cô nhi, quả phụ tử sĩ của những chiến hữu cũ, tìm cách giúp đỡ, tài trợ cho những gia đình các đồng đội khốn khó đang kẹt lại tại quê nhà, đã nói lên tình đồng đội keo sơn, gắn bó của LL/Biệt Hải chúng ta.

Năm nay, tôi tuổi đời đã cao, cũng "thất thập cổ lai hy" rồi! Tuy nhiên, những ngày còn lại của đời mình, nếu không vì một lý do gì đặc biệt cũng sẽ luôn tham dự những sinh hoạt của anh em Biệt Hải Hải Ngoại, để nói lên tình huynh đệ chi binh và cũng là dịp để chúng ta ôn lại những kỷ niệm, những vui buồn của quá khứ trong suốt thời gian cùng nhau phục vụ, cùng nhau chiến đấu dưới một bóng cờ trong những ngày binh lửa đã qua./.

Thân ái chào tất cả anh em.

Nguyễn Thanh Hoài
Cựu TP2/SPVDH

Tân Sơn Hòa chuyển

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn