32 năm gặp lại... Tôn Thất Trân - Tôn Thất Soạn

Thứ Năm, 17 Tháng Mười Hai 20204:00 CH(Xem: 4742)
32 năm gặp lại... Tôn Thất Trân - Tôn Thất Soạn

483pTôi lặng lẽ bên bờ kinh An Hạ.
Đêm lạnh lùng hờ hững mấy vì sao!
Bóng mờ nhạt, vài lùm cây bất động.
Đường dây căng, binh sĩ lội qua sông.
Tiếng bì bõm, thì thầm đầy hối hả.
Bầy nhóc nhen tấu khúc buốt tim lòng!
Trời An Hạ hoang sơ, sầu não nuột!
Quận Đức Hòa chết lịm nỗi chờ mong(1)

Chiều ngày 30-4-75, tôi và một số chiến hữu bị bắt giữ tại Hậu Nghĩa. Qua ngày hôm sau, có một chiến hữu trẻ của Trân, mặc thường phục, lái xe Honda, đến ngay trường tiểu học Mỹ Hạnh, nơi tôi và các anh em đang chờ đợi, để bị chuyển tiếp vào căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, tìm gặp tôi và chìa một mẫu giấy với hàng chữ viết tay: "Em đang bị giữ tại Bình Chánh. Trân!” vắn tắt chỉ có thế.

Đọc mẫu tin, tôi cũng tạm yên tâm và nghĩ thầm: "Sau cuộc chiến, trong buổi hỗn loạn, tranh tối, tranh sáng mà giữ được an toàn tính mạng ở giữa giờ thứ 25, vậy cũng là một điều may mắn cho gia đình.!”

Tiếp đến, là em trai út tôi chở bà xã tôi bằng xe Vespa đến thăm gặp tôi lần đầu tiên. Bà xã rất mừng, vì biết tôi không bị chết như người ta đã đồn đãi. Tôi liền chuyển mảnh giấy tin tức của Trân, để đem về sài gòn báo tin cho vợ con Trân biết.

Nhưng sự việc không xảy ra suông sẽ như tôi mong ước, bẳng đi hai tuần lễ mong chờ, Bà xã tôi dẫn theo con gái 6 tuổi, nay lên thăm tôi lần thứ nhì, tại căn cứ Đồng Dù, Củ Chi. Trên đầu chít vành khăn tang trắng và thông báo hai cái tang dồn dập.

Cái tang đầu tiên là Nhạc Phụ của tôi đã qua đời. Vì buồn trong hận mất nước, cộng thêm bịnh cao huyết áp cũ, nay lại càng cao hơn. Cái tang thứ nhì là chú Trân đã bị bắn chết ở Bình Chánh, nhưng gia đình chưa tìm được xác của chú.

Tràng AK dòn dã nỗ xa xa.
Người gục xuống như bầu trời sụp đổ.
Không trận đánh nhưng chiến trường dành chỗ.
Để vùi chôn một chiến sĩ mà thôi
Tôi thương tiếc người anh hùng Tôn Thất,
Trước nguy cơ, ngạo khí vẫn hiên ngang.
Chiều xuân tàn, mưa lệ khóc Thu Đông.
Đền nợ nước hồn thiêng người tuấn kiệt(1).

Qua ngày 2-5-75, theo hướng dẫn của một chiến hữu trẻ thuộc đơn vị Trân, người anh ruột và vài thân nhân trong gia đình tất tả đi tìm xác Trân ở Đức Hòa lẫn Bình Chánh. Lúc này vợ Trân đang có con gái đầu lòng chưa tròn một tuổi, nên không cùng tháp tùng đi tìm Trân được.

Sau khi biết rõ, là Trân đã bị đem đi thủ tiêu, trong vùng sông rạch chằng chịt, dừa nước rậm rạp hoang vu, nên biết chỗ nào mà tìm kiếm đây? Qua ngày thứ ba, ban đêm người anh nằm mộng thấy Trân hiện về, mặc quân phục rằn ri, người ướt đẫm và nói: "Anh đừng đi tìm em nữa!”

Sau này, thân mẫu tôi, nhà ở Tân Định, đêm đêm bà cụ nằm mơ, thấy Trân hiện về nhưng đứng ngoài sân chờ đợi, chứ không gõ cửa! Sở dĩ hình ảnh này cứ ám ảnh theo bà mãi, vì trước năm 75, mỗi lần Trân đi hành quân về, từ hậu cứ đơn vị ở Thủ Đức, vì đang còn độc thân, nên Trân lái xe Lambretta về Saigon ghé thăm bà cụ. Vì còn quá sớm nên Trân đứng chờ ngoài hiên, chưa dám gõ cửa, sợ mất giấc ngủ của bà! Hình ảnh của người con hiếu thảo này, cứ sống mãi trong tâm trí bà.

Sau 1-5-75. mặc dù Trân đã chết, thỉnh thoảng trong giấc ngủ, bà vẫn cho rằng Trân có về thăm, nhưng chỉ đứng ngoài hiên chờ đợi. Sau này người anh tôi, nghe bà cụ kể lại, nên đem tất cả áo quần, đồ đạc của Trân đem lên chùa để thiêu đốt và ký thác ảnh thờ của Trân vào chùa. Kể từ đó, bà cụ không còn thấy hình ảnh đó nữa!

Trong những năm tù Cộng Sản ở trại Cốc, Yên Bái năm 1979, hàng đêm khuya lạnh lẽo, lúc thức giấc tôi thường thấy anh Luân(2) huyền bí ngồi "Thiền", nên tôi có cảm tình đặc biệt. Có một hôm tôi kể sơ qua về cái chết của Trân, vậy mà sáng hôm sau, lúc cùng đi lao động, anh Luân kể cho tôi nghe: "Đêm qua tôi ngồi Thiền, thấy Trân hiện về mặc bộ đồ rằn ri, toàn thân ướt đẫm, gương mặt đượm vẻ buồn, không nói năng gì cả!” Tôi nghe mà giật mình, lạnh toát người. Vì từ trước đến giờ, anh Luân chưa hề gặp mặt và biết Trân là ai? Ngoại trừ nghe tôi kể chuyện về Trân, lần đầu tiên vào chiều tối hôm trước.

Năm 2003, lúc ĐSHN có đăng một bài viết về Trân, với hình bán thân kèm theo, tôi đã gởi tặng anh Luân một cuốn đặc san, hiện định cư ở Texas, để biết rõ hơn về Trân. Sau đó mấy hôm, tôi nhận được thư hồi âm của anh Luân, có đoạn như sau:

"Nhận được thư anh, cùng ĐSHN với phóng ảnh của chú Trân, ngay đêm hôm đó và tiếp theo những đêm kế tiếp, vào lúc giờ Tí canh ba, là lúc dương trần và âm cảnh giao thời trùng lặp, tôi đã ngồi tập trung tư tưởng (Concentration) và (Quán)(Meditation) bức phóng ảnh của chú Trân. Sau mỗi đêm, càng rõ nét soi sáng thêm. Nên hôm nay biên thơ cho anh chị. Lần này chú Trân có vẻ hân hoan vui vẻ hơn. Đượm nét mừng rỡ thấy rõ". Tự nhiên mách bảo một vấn đề liên quan về chị. Hình như trong quá khứ, chị có khấn nguyện hay cầu xin một vấn đề gì đó, mà đạt thành..

Hằng năm, vào dịp đầu tháng 5 dương lịch, tôi và bà xã đều có cúng giỗ cho Nhạc Phụ và chú Trân. Đặc biệt năm nay 2003, sau khi khấn nguyện xong nhà tôi đã cảm tác KHÓC EM qua lời thơ:

Tháng năm ngày giỗ chú Trân.
Linh hồn của chú nguyện cùng nước non.
Bay đi khắp bốn phương trời.
Miệng cười thỏa mãn chí trai vẹn toàn.
Anh hùng vị quốc vong thân.
Đầy bầu nhiệt huyết không hàng địch quân.
Đạn bay kết liễu tấm thân.
Chú đành ngã gục vũng bùn chôn thây.
Thịt xương bón đất quê hương.
Cỏ cây xanh tốt máu đào nuôi thân.
Thương cho chú tuổi còn son.
Mới ngoài ba chục hy sinh cuộc đời.
Thắp hương ghi tạc tấm lòng.
Gia đình nhớ chú, người em trai hiền.
Khói hương nay tỏa khắp phòng.
Hồn thiêng chú hãy hiện về thăm anh(3).

Tôi còn nhớ trong thơ anh Luân gởi, từng có nói: Có lẽ thấm nhuần phần nào Giáo lý cao siêu của Đức Phật có dạy rằng: "Công việc lo ma tang, tống táng là một việc làm công quả, là một phước báu .” Chúa cũng có dạy rằng: "Đó cũng là một việc làm phước, làm thiện.”

Cái chết của chú Trân cũng gần giống như thân phụ tôi, năm 1947, là công chức thuộc chính phủ Trung phần của Hoàng Đế Bảo Đại.Vào một đêm cuối năm 1947, cộng sản tấn công quận lỵ Phò Trạch, Quảng Bình. Sau đó bắt thân phụ tôi dẫn lên "mật khu” . Một thời gian ngắn sau đó, thì nghe tin đã chết trong trại giam, chưa rỏ địa điểm mật khu nào? Nam Đông hay trại Lý Bá Sơ !?

Rồi chiến tranh lan tràn triền miên, nên đến nay vẫn không tìm hài cốt được!

Hiện nay tại nghĩa trang gia đình thuộc hệ 7 phòng 12, Tôn Thất Nguyễn Phước Tộc ở Trúc Lâm, Huế, ngoài các ngôi mộ của tổ tiên, ông bà ra, còn có xây 2 "NGÔI MỘ GIÓ” tượng trưng, một để tưởng niệm đến Thân Phụ tôi, và một dành cho chú Trân.

Đầu năm 1988, tôi được trở về đoàn tụ gia đình, ngoài vợ con tôi ra còn có Thân Mẫu tôi là người mừng rỡ nhất, Người đã trông chờ tôi 13 năm tù tội dài đăng đẳng. Tôi có làm hồ sơ bổ sung, xin cho bà cụ cùng xuất cảnh với gia đình tôi theo diện HO. Qua năm sau, Bà cụ như có linh tính báo trước, bà cụ nói với tôi rằng: Thôi Mẹ không đi Mỹ với con nữa đâu đoạn cuối năm 1989, Bà đã qua đời ( 9-10-89), nhẹ nhàng như cây đèn dầu đã cạn. Thọ 75 tuổi...Bà chỉ chờ đợi để nhìn thấy mặt tôi; chứ không thể nào chờ đợi được chú Trân, mà Bà đã nuôi hy vọng là TRÂN CÒN SỐNG!

Trước khi làm lễ "xả tang” để ông anh tôi và gia đình đi Mỹ theo diện ODP năm 1992 và gia đình tôi theo diện HO năm 1993, anh tôi nói: "Bà già rất linh thiêng! Bà muốn có "mồ yên mã đẹp trước khi các con trai lìa xa bà!".

Năm 1992, anh Thất(4) đến thăm và từ giã tôi để chuẩn bị xuất cảnh theo diện HO. Tôi thầm nghĩ chỉ có hai người duy nhất là Thất và Hùng (5) người cùng đi với Trân ở giờ thứ 25 trong ngày 1-5-75, là có thể hướng dẫn và tìm kiếm ra được địa điểm mà Trân đã bị dẫn đi thủ tiêu ở Bình Chánh! Tuy nhiên gặp Thất, tôi ngần ngại mở lời yêu cầu trong thời điểm này! Bây giờ ưu tiên trước mắt là anh Thất cùng gia đình phải xuất cảnh được song suốt, yên lành theo diện HO.

Hơn nửa mỗi tù cải tạo cộng sản dù đã được trở về đoàn tụ với gia đình, nhưng nhất cử nhất động, đều bị công an cộng sản theo dõi, huống hồ là bây giờ, đi đến một địa phương lạ, đầy "hắc ám" như Đức Hòa, Bình Chánh hiện nay chẳng hạn!? Rút kinh nghiệm đau thương của anh Ngọc (6): sau khi học tập trở về, có lần anh lên Hậu Nghĩa chơi, để thăm viếng bạn bè, bà con. Anh được đón tiếp niềm nở và "đãi đằng" ăn uống vui vẻ. Nhưng sau đó bị công an địa phương bắt nhốt 6 tháng mà không nêu lý do và bằng chứng gì cả? Chúng chỉ nghi là CIA, nay lên móc nối các đường dây để tái hoạt động, chống phá cộng sản!? Lúc thả ra chúng không cấp giấy tờ gì để xác minh cả. Sau đó anh Ngọc đã vượt biển và đến Mỹ an toàn.

Khoảng năm 2004, biết gia đình tôi vẫn chưa tìm ra được hài cốt của Trân, anh Ngà (7) đã viết thơ, sau đó điện thoại báo cho tôi biết là người nhà của anh ở Việt Nam đã nhờ các nhà " ngoại cảm" chỉ bảo, hướng dẫn, kết quả là tìm được các hài cốt của 5 anh em trong gia đình bị chết và mất xác trong cuộc chiến vừa qua, ở miền Trung. Lúc quật mộ khai thác, tìm thấy thẻ bài kèm theo, chứng minh xác thực!

Trong thế giới tâm linh, có rất nhiều điều con người chưa khám phá được.

Từ trước năm 1975, Trân có "chuộc"được "1 đạo bùa" của một vị cao tăng người "Miên" để phù hộ cho bản thân bình yên trong lúc đi hành quân ở miền tây. Sau đó vì sợ bị thất lạc, Trân nhờ người em trai út cất giữ giùm. Người em út cất sau tấm ảnh của phụ thân, treo thờ trên tường ở nhà Tân Định, trước bàn thờ tổ tiên. Chiều ngày 1-5 năm 1975, tự nhiên người em trai nghe một tiếng "bục” thiệt lớn và có làn chớp sáng lòe qua ảnh lộng kiếng của phụ thân, thì thấy đạo bùa đó từ sau lưng khung ảnh rớt xuống đất. Mà tấm ảnh của phụ thân kể cả khung ảnh, không bị rớt hay sứt mẻ gì!? Huyền linh, huyền bí hay trùng hợp ngàn năm một thuở, không thể nói được về ngày giờ chết của Trân!!!

Đã 32 năm qua rồi, còn gì nữa!? Thế mà … Sau ngày 30-4-75, lối một tuần lễ, gia đình ông Bảy Thanh trở về khu đất đai ruộng vườn sở hữu của Tổ Tiên ông bà để lại, để hồi cư, khẩn hoang lập nghiệp. Vùng này đã bị hoang phế vì chiến tranh, bom bay đạn lạc, dân chúng đã bỏ đi từ lâu. Địa thế sông rạch chằng chịt của Bình Chánh, lẫn lộn dừa nước, tràm đước, lau sậy chen lẫn cỏ dại um tùm.

Trong khu đất dự tính lập cư, ông Bảy Thanh tình cờ thấy một xác chết quân nhân, nằm sấp, bên cạnh bờ rạch nhỏ. Ông Bảy Thanh vội vàng đắp đất lấp lên thành một gò mả và tồn tại mãi cho đến ngày hôm nay ( 2007).

Vào ngày rằm, mùng một và các ngày Lễ Phật, gia đình ông Bảy Thanh đều có thắp hương, cắm bông lên mộ. Những ngày kỵ giỗ ông bà tổ tiên trong gia đình, bà Bảy Thanh còn khấn nguyện và mời vong linh người quá cố để hưởng lộc cúng cùng với gia đình. Ông bà Bảy Thanh hằng tin tưởng rằng vong linh người quá cố rất linh thiêng, vì phần lớn những lời cầu xin của ông bà đều được ứng nghiệm, có kết quả tốt, làm ăn thuận lợi, những người trong gia đình được bình yên, mạnh khỏe, con trai con gái học hành đỗ đạt, gia đình êm ấm hạnh phúc.

Nghĩa là suốt 32 năm qua, vong linh người quá cố vẫn được hương khói đầy đủ, mặc dù không có người thân ruột thịt nào hay biết.

Trong mùa vu lan Đinh Hợi năm nay 2007 ông bà Bảy Thanh làm một lễ cúng bái và cầu xin Vong Linh Nguời Quá Cố cho phép bốc mộ cải táng, để tiện mở mang xây cất nhà cửa, phát triển ruộng vườn trồng trọt và chăn nuôi. Thế là mộ được bốc lên. Ngoài hài cốt ra còn tìm thấy 2 tấm thẻ bài bằng nhôm, có dây đeo vào cổ, mặt trái thẻ bài dính đất cát màu vàng, hoen ố một chút. Tuy nhiên mặt phải vẫn còn sáng trắng, nét chữ khắc đọc rõ ràng:

Tôn Thất Trân
62-112-139
AB

Vậy là kể từ nay, gia đình ông bà Bảy Thanh biết được hài cốt của vong linh người quá cố mà đã gần gũi với gia đình ông bà trong suốt 32 năm qua, có tên là Tôn Thất Trân. Sau khi đào bới và tập trung các mẫu của bộ xương đàng hoàng, ông Bảy Thanh đem rữa bằng rượu trắng, xong bỏ vào bao nylon, rồi bỏ vào một bình bằng sành sứ, kèm theo với 2 tấm thẻ bài.

Ngay đêm đầu tiên, sau khi bốc mộ hoàn tất, ông Bảy Thanh ngũ nằm mơ thấy Trân hiện về và nói : "Ông bốc còn thiếu 1 khúc xương". Ông bảy Thanh sợ quá, nhưng trong giấc mơ có trả lời ngay rằng "xin Ông thông cảm chứ hồi sáng tôi đã đào kỷ lắm rồi".

Hôm sau, bình sứ đựng hài cốt Trân được xếp vào trong 1 quách nhỏ, và đem đặt ngay vị trí mộ cũ, nhưng lần nầy đặt nổi trên mặt đất, chung quanh được xếp bằng các viên gạch nung để che chắn hờ, phía trên nóc, có che 1 tấm fibro ciment, đóng trên 4 cọc gỗ, để làm nhà quàng tạm, che mưa nắng.

Ông bà Bảy Thanh dự tính, nếu sau 2 tháng mà không tìm được thân nhân của ông Trân nhận lãnh, thì sẽ xin chôn cất ở nghĩa trang thuộc địa phương. Một mặt nhờ bạn bè truy tìm tung tích thân nhân của ông Trân dùm.

Nhờ may mắn hay cũng có thể nói, nhờ sự hiển linh của Trân, chỉ 1 tuần lễ sau, gia đình người chị ruột của Trân ở Sàigòn, được bạn bè thông báo tin tức. Qua ngày kế tiếp, bà chị đã xuống nhà Ông bà Bảy Thanh để nhận lãnh Quách chứa hài cốt Trân và 2 tấm Thẻ Bài chứng minh.

Ông bà Bảy Thanh rất là tử tế và lương thiện, khi bà chị tôi ngỏ ý tặng một số tiền để đền ơn đáp nghĩa, nhưng ông bà khước từ Ông bà nói: "Đây là việc làm để phước đức cho con cháu. Hơn nữa trong thời gian qua, ông Trân đã phù hộ cho gia đình chúng tôi được mọi sự an lành, làm ăn phát đạt. Ông Trân rất linh thiêng".

Sau đó bà chị làm thủ tục xin hỏa táng, và đem Bình Cốt chú Trân vào an vị ở chùa thuộc Gò Vấp. Nơi mà trong giữa tháng 5-1975, gia đình đã ký thác ảnh thờ cho Tôn Thất Trân rồi. Vào đây, chú sẽ gặp lại cảnh cũ mà chú đã từng ở qua. Gặp lại bà con xưa cũ: các Dì, Dượng và nhiều bà con ruột thịt đã quá vãng từ lâu!

"Giờ đây kỷ vật của anh. (8).
Thẻ bài in đậm với vành khăn sô.
Nay anh nằm yên đáy mồ.
Non sông gấm vóc muôn đời nhớ anh.

Kể từ nay, chú bình tâm ngày ngày nghe tiếng cầu kinh, gõ mõ, tiếng chuông chùa ngân dội cõi thinh không. Chú tự do bay bổng lên trời để thăm bà mẹ già, mà lúc nhắm mắt chưa được nhìn thấy chú! Chú cũng sẽ gặp được phụ thân, mà lúc qua đời hình hài không được an táng đàng hoàng! Hay chú có thể bay ra Huế, để ghé thăm 2 ngôi "Mộ Gió" của phụ thân và của chú ở Trúc Lâm!

32 năm, bây giờ anh mới biết nơi mà chú tạm trú trong thời gian qua. Bây giờ anh mới nhìn thấy lại tấm thẻ bài mà em đã mang theo bên mình trong suốt 32 năm qua, trong đó có ghi (tên họ) Tôn Thất Trân, (số quân) 62/112139 và (loại máu) AB. Anh cũng mang cùng loại máu AB như em đó! Niềm ân hận về cái chết tức tưởi và việc chưa tìm được xác của em, đã đè nặng trong tâm khảm anh suốt 32 năm qua; nay đã được em hiển linh giải tỏa.

Cám ơn em. Xin cầu nguyện linh hồn em được siêu thoát cõi Vĩnh Hằng.

Anh của em.

Tôn Thất Soạn
Mùa Vu Lan.
Đinh Hợi, 2007.
Iowa City, Iowa.

GHI CHÚ:

(1) Trích bài thơ "Kinh An Hạ” của Đ/U Nguyễn Sao Đáp ĐĐT/TĐ 327-ĐPQ. Hậu Nghĩa.

(2) Luân: Đ/Tá Lê Đình Luân, Nha kỹ thuật. Đ/Tá Lê Đình Luân đã trải qua trên 17 năm tù CTCS, là một trong những chiến sĩ cuối cùng rời khỏi trại cải tạo, hiện cùng gia đình định cư tại DFW, Texas.

(3) Bài thơ "Khóc em” của Người Bầu Trai.

(4) Thất : Th/T Tô Công Thất, K-16 Dalat, Quận Trưởng. Đức Hòa. Hậu Nghĩa

(5) Hùng : Th/t Bùi Văn Hùng, CHT/CSQG. Quận Đức Hòa. Hậu Nghĩa.

(6) Ngọc: Th/t Nguyễn Văn Ngọc, TP3/TKHN.

(7) Ngà :Th/t Trương Ngọc Ngà, TP2/TKHN.

(8) Trích bài thơ "Tâm thẻ bài với vầng khăn sô” của Trung Tá Nguyễn Minh Châu, TĐ3. Sói Biển, Quận Trưởng. Quận Đức Hòa. Hậu Nghĩa.

Sinh Tồn chuyển

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn