Đêm ứng chiến trường Bùi Thị Xuân

Thứ Bảy, 12 Tháng Mười Hai 20204:00 CH(Xem: 7336)
Đêm ứng chiến trường Bùi Thị Xuân

Đà Lạt sương mùCó lẽ phải nói cho rõ một chút để người đọc có thể theo dõi được. Đó là vào dịp cuối năm 1969 đầu 1970, tôi đang là SVSQ tại trường đại học CTCT Đà Lạt. Vùng Đà Lạt toàn là đồi, trường đại học thân yêu của chúng tôi may mắn nằm trên đồi đối diện trường nữ trung học Bùi Thị Xuân. Vị thế nầy có may mà cũng có tủi. May là được ngắm các tà áo trắng thướt tha buổi tan trường như một chút an ủi cho vơi bớt bao nổi nhọc nhằn. Tủi là vào mỗi buổi trưa khi bị phạt chạy 5, 10 vòng sân quanh Vũ Đình Trường. Mà nào có chạy người không được đâu các bạn ơi. Ghế ngồi có chút bụi bám – vác ghế. Giầy không được bóng – đeo giầy vào cổ. Nệm không tươm tất – đội nệm lên đầu. Cứ thế mà chạy 5, 7 vòng sân trong tiếng cười khúc khích của các cô “nhất quỹ nhì ma thứ ba học trò”.

Trường nữ trung học Bùi Thị Xuân thân thương với chúng tôi lắm. Nếu không quá lời có thể nói chúng tôi ăn ngủ tại trường Bùi Thị Xuân. Xin được dông dài chút đỉnh. Năm 1969-1970 quân số trường đại học CTCT quá đông gần 6, 7 trăm người lại là thành phần ưu tú của Quốc Gia. Gần 400 SVSQ khóa 2/SVSQ hiện dịch còn có thêm các khóa Căn bản, Trung cấp, Cao cấp và khóa Sĩ quan Tuyên uý. Diện tích trường quá nhỏ, sợ nếu cộng sản pháo kích vào thì ta bị thiệt hại nặng nên Bộ Chỉ Huy phân tán bớt SVSQ ra ứng chiến bên ngoài tại các địa điểm như trung tâm phát tuyến của đài phát thanh Đà Lạt, trường tiểu học Võ Tánh và trường nữ trung học Bùi thị Xuân.

Ra ứng chiến bên ngoài thì chuyện ngủ hơi khổ vì không có nệm như trong trường nhưng được tự do. Ai đã từng là SVSQ dù bất cứ quân trường nào thì cũng phải đồng ý tự do là quý như thế nào đối với một SVSQ. Cái sướng đầu tiên là được trốn ra phố chơi và được ăn quà vặt mỗi dịp lãnh lương. Chúng tôi được lãnh lương vào ngày 22 mỗi tháng. Năm thứ nhất lương Trung sĩ, năm thứ hai lương Trung sĩ nhất. Sau khi lãnh lương đúng là “tiền lính tính liền”. Lương được khoảng 4500 đồng tiền thời bấy giờ. Sau khi trừ tiền ăn, tiền quần áo như quân phục dạo phố mùa đông (Jaspé), mùa hè (Worsted), tiền làm nhẫn tốt nghiệp v…v… mỗi SVSQ còn lại được chừng 2000 đồng. Tiếp theo là trả tiền giặt ủi cho ông Thượng sĩ Cừu, tiền xíu mại cho ông Trung sĩ Kèn.

Lúc đó tiền mất giá nên gia đình quân nhân rất khổ, phải làm thêm đủ thứ để sống. Ông Trung sĩ nầy làm xíu mại rất ngon lại có nhiệm vụ thổi kèn đánh thức buổi sáng hoặc khi chào cờ nên SVSQ cứ quen gọi là Trung sĩ Kèn. Vị Trung sĩ nầy cứ mỗi buổi sáng hoặc buổi tối sau giờ tự học 10 giờ tối là đem xíu mại, bánh mì và mì gói đi bán dạo trong phòng ngủ SVSQ và tất nhiên là phải bán chịu ghi sổ. Cuối tuần được phép ra phố thì lại phải trả nợ mua chịu cho chị Mai, chị Chúc bán tạp hóa chợ Đà Lạt về các món như kem đánh răng, xà phòng, khăn lau mặt. Khoảng thanh toán nữa phải trả là tiền mì gói ăn liền và thuốc lá cho Âu Tài Danh.

Âu Tài Danh là SVSQ khóa 2, Đại đội A Tiểu đoàn 1. Bạn Danh có vợ con trước khi vào trường, do đó Danh phải bán chịu cho SVSQ thuốc lá (Pallmall, Lucky Strike, Capstan…) và mì ăn liền của Nhật hiệu Tojo Ramen rất ngon (lúc đó chưa có mì Đại Hàn, Đài Loan hoặc Việt Nam) để phụ với vợ nuôi con. Thương cảnh ngộ đặc biệt của Danh, bạn bè thường trả nợ cho hắn ngay sau khi lãnh lương và cũng chưa nghe có ai xù nợ của hắn bao giờ. Cũng vì vậy mà hắn có biệt danh Âu Tài Mì. Nghe đâu ra trường một thời gian sau hắn làm Đại đội trưởng, bị cộng sản phục kích độn thổ trong một trận đánh rất nổi tiếng ở vùng 4 và Danh tử trận.

Sau khi trả các khoảng thiếu chịu xong thì SVSQ còn được độ 1000 đồng dằn túi. Khi ra ngoài ứng chiến SVSQ được tự do đúng nghĩa nhất. Đầu tiên là ăn quà. Ứng chiến Trung tâm phát tuyến thì có người bán bún chả giò, bún riêu. Ứng chiến Bùi thị Xuân thì có bà cai trường bán bún giò ngon có tiếng. Tự do thứ hai là được trốn ra phố. Sau khi đến địa điểm ứng chiến, ai không đi chơi thì tình nguyện gác ca đầu, còn bạn nào ham trốn ra phố thì chịu nhận ca khuya. SVSQ trang bị một áo Jacket (áo chống lạnh có lót nỉ bên trong nên rất ấm) và một mũ lưỡi trai không có phù hiệu để giả làm lính đi chơi đủ thứ như thuê truyện (lúc ấy truyện kiếm hiệp của Kim Dung rất thịnh), uống cà phê, tắm nước nóng, xem phim rạp chiếu bóng hoặc hẹn hò với bạn gái. Đi chơi đâu thì cũng chừng 11 giờ đêm là trở về để canh gác tại khu vực trách nhiệm của mình. Cũng vì chuyện đi ứng chiến bên ngoài rồi trốn ra phố đi chơi nên mới có chuyện gặp Fantomas.

Fantomas là biệt danh mà SVSQ khóa 2 gọi Đại úy Đào ngọc Tố. Ông Tố tốt nghiệp khóa 21 Võ Bị Đà Lạt. Ra đơn vị một thời gian ông bị thương, xếp loại 2 không chiến đấu, ông được chuyển về trường Đại học CTCT làm Sĩ quan cán bộ. Khi đợt 1 SVSQ khóa 2 thụ huấn giai đoạn 1 quân sự tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung ông mang cấp bậc Thiếu úy được Trường đưa xuống Quang Trung phụ với Trung úy Tiêu (Đại đội trưởng khóa sinh) làm Sĩ quan đại đội phó. Ngay từ đầu ông đã làm anh em kính nể bởi tính chửng chạc và tư cách đứng đắn của ông. Một điều ông làm cho tôi kính phục là mỗi khi đại đội bị phạt chạy mấy vòng sân là ông chạy theo đủ mấy vòng dù lúc ấy ông vừa bị thương và vừa từ chiến trường trở về. Bài học từ Thiếu uý Tố đã theo suốt cuộc đời binh nghiệp dù rất ngắn ngủi của tôi. Mỗi khi lính của tôi phải đào hầm thì tôi luôn luôn cởi trần ra nhảy xuống cùng đào hầm với lính. Hoặc có lúc chủ nhà nhường giường cho ngủ tôi vẫn từ chối để ra mắc võng ngủ cùng lính của tôi ở bìa rừng hoặc ở quanh các lùm cây trong vườn.

Lúc ấy có bộ phim của Pháp tên là Fantomas. Fantomas là một hiệp sỹ thích chọc phá cảnh sát nhưng cũng rất dũng cảm bênh vực người nghèo. Hắn có biệt tài xuất hiện rất bất ngờ và trốn thoát cũng rất tài tình. Và đó cũng chính là khả năng đặc biệt của Trung úy Tố (lúc chúng tôi chuyển lên Đà Lạt thì ông Tố cũng được thăng cấp Trung uý). Do từng là SVSQ Võ Bị và chắc cũng từng trốn trường đi chơi nên Fantomas rất rành những chỗ đi chơi của SVSQ, dù là CTCT hay Võ Bị thì cũng thế. Fantomas xuất hiện rất bất ngờ và biết rất rõ từng SVSQ của tiểu đoàn 1 nên dù ngụy trang cách nào Fantomas cũng nhận ra ngay. Có hôm sau khi bỏ balô và nhận phiên gác xong vừa trốn ra tiệm thuê truyện đang lúi húi lựa truyện thì có bàn tay vỗ nhẹ vào vai quay ra thì hết hồn thấy Fantomas! Cũng có hôm lén trốn vào góc tối, đang thưởng thức tách cà phê đen nóng thơm phức mùi bơ Bretel tại Cà phê Tùng thì cũng bất ngờ “chộ” Fantomas. Vậy đó nhưng cái dễ thương của Fantomas là không bao giờ phạt ai vì chuyện nầy, chỉ là nhắc nhở mà thôi!

Sĩ quan cán bộ Khóa NT2: (từ phải qua: Tr/uý May, Tr/uý Tố, Th/tá Nhung, Đ/uý Miên)

Trở lại câu chuyện ở phần đầu là lúc hắn mời tôi tô bún giò ở nhà bà cai trường Bùi Thị Xuân, tô bún có miếng giò heo trắng và thơm đến chảy nước miếng. Thời ấy bửa cơm SVSQ của chúng tôi còn rất khá. Có món xào, món canh, món kho. Cũng có thịt bò, thịt heo hoặc cá. Lại có cả chuối Laba ăn tráng miệng. Thật là chu đáo và tươm tất. Nhưng do sức trai trẻ lại tập luyện nhiều nên rất chóng đói. Mỗi khi đi ứng chiến nếu còn tiền thế nào tôi cũng kiếm tô gì đó bỏ bụng. Thế là tôi nhận lời giúp hắn sau khi được hắn “kính tường trình” câu chuyện như sau:

Trong một đêm ứng chiến ở Bùi Thị Xuân vào dịp cuối tháng hết tiền, không thể trốn ra phố chơi được, hắn buồn và rãnh rổi nên đi lục lạo hộc bàn xem có cô nữ sinh nào bỏ quên cái gì không thì tình cờ hắn nhận được một lá thư của một cô nào đó viết trêu chọc đòi làm em gái hậu phương. Bí danh là Tỷ Minh, em gái Triệu Minh (nhân vật chính trong bộ Cô Gái Đồ Long của Kim Dung). Hắn cũng đùa cợt viết thư trả lời nhận làm anh trai hàng xóm (lúc đó chưa ra trường nên sợ bị chọc quê không dám nhận là anh giai tiền tuyến!). Hắn chọn bí danh là Hữu Kỵ, em trai của Vô Kỵ (nhân vật nam trong Cô Gái Đồ Long). Thế rồi từ đó thư qua thư lại mà cũng không hề biết mặt biết tên nhau. Bao nhiêu tình cảm yêu đương lãng mạn đọc được ở các tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn và Quỳnh Dao được hắn trau chuốt thành những lá thư tình lâm ly chờ đợi đến hôm nào được đi ứng chiến trường Bùi Thị Xuân thì bỏ lại dưới hộc bàn hò hẹn. Có lẽ do bồng bột tuổi mới lớn và đọc được những bức thư tình tha thiết ấy, cô gái cảm thấy rung động con tim. Bỗng nhiên cô gái đòi gặp mặt và muốn chính thức đôi bên cho nhau biết tên thật. Hắn hoảng quá, vì hắn đã hứa hôn với người yêu của hắn ở dưới quê và đã thề hẹn sắc son chung thủy trọn đời. Hắn muốn bán cái cho tôi. Là vì cô gái chưa biết mặt hắn cho nên hắn định nhờ tôi nhận làm Trương Hữu Kỵ đi gặp cô nàng Tỷ Minh. Tôi lúc ấy chưa yêu ai, cũng chẳng vướng mắc mối tình nào, nên sau khi no bụng với tô bún kính mời của hắn tôi nhận lời.

Việc đầu tiên là hắn tường thuật lại từng chi tiết của những lá thư mà hai cô cậu thầm lén bỏ lại dưới hộc bàn. Khổ nỗi là hắn không nhớ hết, bởi vì sau khi đọc xong là hắn hủy ngay thư của nàng, còn thư gởi cho nàng thì tất nhiên là hắn đâu có nhớ lại nỗi. Đã không nhớ hết, hắn còn lẫn lộn với thư hắn gởi cho vợ tương lai của hắn, vốn là sinh viên sư phạm Vĩnh Long, người mà hắn đã nhất định cam kết trọn đời làm chồng! Sự lẫn lộn của hắn làm khổ tôi sau nầy nhiều lắm, nhưng xin hẹn hồi sau sẽ rõ.

Chủ nhật đó tôi diện bộ Jaspé mới giặt ủi, đánh bóng đôi giày và đặc biệt là cặp Alpha đen có gạch “ngời sáng đời quân ngũ” để đi coi mắt người sẽ là vợ tôi! Là vì hắn buộc tôi phải như thế. Đã quen biết, yêu thương một nữ sinh trường Bùi Thị Xuân thì phải đứng đắn. Là vì đây là chỗ mặt mày của trường Mẹ và cũng vì tôi đã lỡ hứa khi cầm đũa nhận lời mời ăn của hắn tô bún giò!

Lại phải xin phép bạn đọc để kể đôi chút về cái Alpha có gạch của trường tôi. Nó lớn và oai vệ lắm chứ. Đúng như lời hịch “chiếc Alpha rực sáng đời quân ngũ” của Sư Tử Già Trường Sơn Dã Mã Trần Ngọc Hoàn. Anh Trần Ngọc Hoàn là SVSQ khóa 2, anh viết văn rất hay. Chính anh là tác giả đã viết bài ý nghĩa đêm Alpha truyền thống cho khóa 2 mà sau nầy Trường Đại học CTCT Đà Lạt vẫn xử dụng cho Đêm Alpha các khóa sau đó. Bút hiệu khi viết văn của anh là Trường Sơn Dã Mã, nhưng vì anh lớn tuổi hơn so với tuổi trung bình của anh em cùng khóa, khuôn mặt anh lại có vẻ già nên bạn bè đặt cho anh biệt danh là Sư Tử Già. Chiếc Alpha là bằng chứng độc thân (chỉ độ vài bạn có vợ-không đáng kể), nó cũng chứng tỏ sắp ra trường (đuôi có gạch là năm thứ hai). Như thế là nếu có trục trặc gì thì cũng có chút tóc để nắm!

Thế là sau gần 10 phút rụt rè thậm thà thậm thụt trước ngôi nhà khá bề thế gần cuối dốc đường Duy Tân, cuối cùng tôi và hắn cũng vào ngồi chễm chệ được trong phòng khách nhà nàng. Hắn nhất định đòi đi theo tôi cho bằng được để coi mắt cô nàng hò hẹn trong hộc bàn của hắn, còn tôi cũng muốn cho hắn đi theo cho bớt sợ! Sáng hôm ấy, một buổi sáng đẹp trời của Đà Lạt và vô cùng quý giá của một SVSQ như tôi, hai chúng tôi đã toát mồ hôi trả lời cuộc phỏng vấn của MCN (Mẹ Của Nàng). Nào là các cậu quê quán ở đâu, bố mẹ làm gì, có bao nhiêu anh chị em, tốt nghiệp xong thì làm gì, lương tháng được bao nhiêu, tương lai ra sao? Thỉnh thoảng lắm tôi mới được dịp liếc qua chút đĩnh để nhìn trộm cái dung nhan mười bảy cắn gãy ô mai của nàng. Nàng có dáng dấp mảnh mai, đôi mắt tròn đen long lanh, làn da trắng hồng mịn màng. Cũng đẹp đấy nhưng thôi tôi sợ cuộc phỏng vấn kiểu như thế lắm nên đến giờ trưa hai đứa xin rút lui mặc dù giám đốc MCN đã khẩn khoản mời hai đứa ở lại dùng cơm thân mật cùng gia đình ông bà. Nhân tiện buổi cơm trưa sẽ có buổi phỏng vấn tiếp theo của CCN (Cha Của Nàng)!

Thoát khỏi cuộc phỏng vấn, hai đứa tôi vào rạp ciné Ngọc Lan ăn cơm tây (cơm tay cầm tức gặm bánh mì). Buổi chiều có lẽ thương cho cái bảng mặt buồn thiu như gió hiu hiu trong trời chiều bên đồi quạnh hiu của tôi hắn lại chiêu đãi tôi một ly chè Tuổi Ngọc. Tuổi Ngọc là tên một quán chè nổi tiếng cách cổng vào trường Đại học CTCT Đà Lạt chừng 200 mét. Đây là chỗ chia tay của SVSQ với các bạn gái của mình mỗi chiều Chủ Nhật vào giờ trả phép. Thôi thì có đủ cả nước mắt tiễn đưa, giận hờn và những bàn tay năm ngón kiêu sa vẫy chào, có cả những bàn tay cũng năm ngón đen thui vẫy trả. Hai đứa tôi thì không phải mỏi tay, ăn xong ly chè thì lửng thửng về trường kiếm miếng cơm nhà bàn cho chắc bụng buổi tối.

Mối tình hộc bàn ấy rồi cũng bị lãng quên sau những giờ học căng thẳng và thời gian cho Tiểu luận tốt nghiệp. Ngày ra trường cùng mấy thằng bạn thân chia nhau chai rượu Napoleon rồi tan hàng mỗi thằng mỗi ngã, chẳng biết có còn gặp lại nhau được nữa không trên một quê hương lửa đạn ngập trời….

Vậy mà một năm rưỡi sau tôi gặp lại hắn trong một buổi tối buồn hiu hắt tại Bù Đốp, một quận hẻo lánh nằm sát biên giới Việt Miên của tỉnh Phước Long. Toán công tác Dân Sự Vụ của tôi đang chiếu phim cho đồng bào xem tại chợ Bù Đốp thì một binh sĩ của Sư Đoàn 5 lễ phép mời tôi đến trình diện Trưởng ban 5 Tiểu đoàn của hắn. Rất ngạc nhiên nhưng tôi cũng đi theo người lính nầy để xem thử ông Trưởng ban 5 nầy là ai mà lại buộc tôi đến trình diện. Hắn cười ha hả chạy tới ôm chầm lấy tôi rồi hãnh diện giới thiệu tôi với Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng của hắn.

Hai anh em bù khú với nhau được một đêm trong cái se lạnh của núi rừng Bù Đốp. Sáng hôm sau tôi được lệnh bỏ dở chuyến công tác trở về ngay Bộ Chỉ Huy Tiểu khu Phước Long để nhận công tác mới. Về đến Phước Bình tôi nhận được tin một sư đoàn cộng sản có xe tăng T54 yểm trợ đã tràn ngập Bù Đốp.

Tôi ra đứng ven đường nhìn về phía xa xa Bù Đốp mịt mù trong lửa đạn. Mắt tôi cay cay trong gió chiều buồn hiu hắt chợ Phước Bình. Ôi thương quá mối tình hộc bàn và thằng bạn của tôi…

NT2 Trần Thanh Kiều Diệp

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn