Chuyện kể về một chiến sĩ anh hùng của QLVNCH, Trung Tá Lê Hằng Minh

Chủ Nhật, 29 Tháng Mười Một 20204:00 CH(Xem: 5608)
Chuyện kể về một chiến sĩ anh hùng của QLVNCH, Trung Tá Lê Hằng Minh

Bài phóng sự chiến trường của Dzoãn Bình.

https://bienxua.files.wordpress.com/2016/07/310d2-lehangminh12.jpg?w=459&h=573&zoom=2

Từ trận chiến thắng Lam Sơn vang dội này, báo chí từ Sài Gòn bay ra mặt trận quan sát và phỏng vấn Tr/Tá Lê Hằng Minh. Buổi lễ chiến thắng được tổ chức trọng thể tại Huế. Vòng hoa chiến thắng và huy chương lại một lần nữa ngập trên vai người anh hùng mũ xanh, chỉ huy tiểu đoàn Trâu Điên.

Từ Huế, những cánh quân chia ra để xuôi Nam ngược Bắc. TĐ1 (Th/T Phan Văn Thắng) theo Chiến Đoàn B (Tr/T Tôn Thất Soạn) di chuyển vào Quảng Ngãi. TĐ2 ở lại An Hòa (phía Bắc thành phố Huế) để nhận tăng phái cho SĐ1/ BB với đoàn quân xa GMC nằm chờ từ chiều ngày 28 Tháng Sáu, 1966, để chuẩn bị di chuyển vào sáng sớm hôm sau.

Sau đây xin được trích phần tường thuật ngắn của vị đại úy cố vấn thuộc TĐ2/ TQLC là Thomas E. Campbell về những diễn biến của trận đánh: “27 xe GMC, khởi hành từ An Hòa lúc 7 giờ 30 sáng ngày 29 Tháng Sáu với 573 TQLC. Khi đoàn xe cách Huế khoảng 30 cây số và còn 20 cây số thì đến Quảng Trị theo Quốc lộ số 1, lúc này vào khoảng 8 giờ 30 sáng, di chuyển với tốc độ khoảng 30-35 KPH. Hai xe bị bắn bởi đạn 75 ly và bị cháy phải tấp vào lề đường, từ đồi ở phía Tây bắn ra với khoảng cách 400 mét. Đoàn xe phải ngừng lại, Trung Tá Minh ra lệnh cho Bộ Chỉ Huy/TĐ di chuyển đến gần đường xe lửa cách lộ khoảng 60-75 mét. Việt Cộng từ đường rầy bắn ra rất mạnh. Sau một lúc giao chiến, ông Minh bị thương bởi hai viên đạn trúng ngực. Tôi thấy ông bị thương nặng. Một quả lựu đạn nổ làm tôi bị thương vào tay, cổ nhưng nhẹ. Khi tôi trở lại chỗ Trung Tá Minh thì thấy ông đã chết, có lẽ vì trúng miểng lựu đạn vào đầu.”

Tiếp theo xin được trích lại bài viết của ký giả Dzoãn Bình đăng trên nhật báo Sống về “Trận phản kích tuyệt vời cuối cùng của Trung Tá Lê Hằng Minh” sau đây:

“Theo đúng lời hẹn, chúng tôi ra Huế đúng ngày 29 Tháng Sáu, 1966. Đến Phú Bài lúc 15 giờ chiều, gặp loáng thoáng một đoàn quân nhạc có sĩ quan Cọp Biển đứng chỉ huy. Bên cạnh, có chiếc phi cơ ở phía sau, chúng tôi thấy một quan tài phủ Quốc kỳ. Cũng như lần trước, khi xuống sân bay, chúng tôi cũng gặp cảnh tương tự. Vì thế, lòng chỉ thấy buồn lâng lâng… tay cầm tờ báo Sống, bụng nóng ruột mong téléphone gọi Tr/T Minh để khoe bài báo viết về khí phách của Trâu Điên và tiểu đoàn trưởng Trâu Điên. Nhưng… chúng tôi giật mình khi có tiếng la của một trung sĩ ra lệnh:

“Này, trung đội 2 sửa soạn chào quan tài trung tá.” Các tiếng xì xào tự nhiên lọt vào tai tôi: “Tiểu đoàn Trâu Điên vừa đánh bại trận phục kích kinh khủng của VC ở quốc lộ 1.” Chúng tôi lật đật vớ lấy người nói câu này rồi hỏi hấp tấp: “Có ai chết không?” “Có, trung tá tiểu đoàn trưởng chết rồi!” “Có phải Trung Tá Minh không?”

Không đợi trả lời, chúng tôi chạy như bay ra phía có chiếc quan tài và… quả đã rõ ràng – đúng là vị trí cuối cùng của Trung Tá Lê Hằng Minh. Dường như… chúng tôi có chảy nước mắt trong phút giây đó. Cái sự khóc xảy ra thật kỳ dị. Tôi không có ý thức về cái khóc bất thần này. Nhưng… đó là điều ở trong đáy lòng tôi. Cảm thấy bồn chồn, tự nhiên tôi thấy tất cả đều phi lý và trong giây phút như mê ấy, tôi vẫn chưa định thần để nhớ cho kỹ lại, liệu mình đang làm gì? đang ở đâu? và có chuyện chi đang xảy tới. Cảm giác nghẹn ngào xâm chiếm và đè nặng trĩu. Tôi bùi ngùi nói bâng quơ như khấn vái: “Trung Tá Minh ơi! Tôi viết bài đề cao tiểu đoàn Trâu Điên và viết về trung tá đây này.” Tôi trịnh trọng trải tờ báo lên nắp quan tài và lấy cái nón bê rê xanh đè chặn lên cho gió khỏi bay. Tôi tưởng như Lê Hằng Minh đang tủm tỉm cười với tôi, một nụ cười ma quái xuyên qua nắp chiếc áo quan… vô lý ấy.
Lòng không định mà tôi đột nhiên đứng nghiêm rất thẳng người để chào anh lần cuối, nước mắt lại ứa ra. Tôi khấn vái lần nữa: “Anh Minh hãy phù hộ cho tôi có nhiều cơ hội đi với các bạn đồng đội của anh, để viết thật nhiều, viết thật đều, để cho triệu người ở phần đất này thông cảm được sự gian khổ của những người lính chiến hôm qua còn đây, hôm nay đã ra người thiên cổ. Có trông thấy cảnh này mới thương đến người chiến binh.”

Tôi cố tưởng tượng và hình dung lại con người anh rồi đột ngột hỏi thăm một Tr/Úy Cọp Biển đứng gác quan tài rằng: “Trung Tá bị… vào đâu?.” Chẳng hiểu tôi là cái “thống chế” gì mà hỏi dồn dập và hơi có vẻ “vô lễ” như vậy, người sĩ quan lắc đầu đáp giọng bùi ngùi: “Ông bị hai phát vào ngực. Tụi nó còn quất thêm một tạc đạn, miểng tạc đạn phá bể sọ.” Tôi rùng mình liên tưởng đến phút giao tranh ác liệt, Tr/Tá Lê Hằng Minh tả xung hữu đột giữa đám cuồng tín như thú dữ. Ông đã bắn đến viên đạn chót và đã gục ngã anh dũng như tất cả các chiến sĩ Cọp Biển từng hi sinh tô thắm cho lá cờ binh chủng, ngày thêm nổi bật truyền thống oai hùng của đoàn quân Cọp Biển.”

“Nói Về Một Người Chết” là những cảm xúc của nghệ sĩ Tô Kiều Ngân trong bài tạp ghi đăng trên báo năm 1966: “Đêm văn nghệ đã tàn, anh em TQLC dừng quân tại Kontum tỏ ra hả hê, thoải mái với một chương trình ca vũ hào hứng. Trong ánh sáng mờ mờ, chen giữa những tiếng nhạc dặt dìu, bỗng xuất hiện một người: mắt to, tóc ngắn, quần áo cọp biển, chiếc lon thiếu tá gắn nơi ngực, bộ râu mép rất xanh, ông ta tới gần ban nhạc, cầm lấy cây lục huyền cầm. Hình ảnh đó chẳng có gì đẹp, vì dáng dấp, quần áo của con người đó đi kèm với chiếc đàn lục huyền quả thật là một cuộc hôn phối không cân xứng. Nhưng tôi giật mình, trước mắt tôi bỗng hiện ra một chân trời chói chang nắng vàng, rồi tiếng hát của bọn du mục giang hồ, những trái cam mọng đỏ, gió của sa mạc, rồi những cuộc đấu bò rừng, tiếng castagnettes reo đều trong tay cô gái Tây Ban Nha quay đều lả lướt.”

Mọi người đều ngồi im, hướng về người chiến sĩ đang đàn kia. Đầu anh hơi cúi thấp, đôi mắt anh ban nãy to và sáng, bây giờ bỗng trở nên dịu hiền. Anh như không chú ý đến mọi người, năm ngón tay lướt trên cần đàn, năm ngón kia búng vào sáu dây gợi lên những tiếng sóng vỗ, mưa sa.

Thật là “thế gian bất hiểu tài hoa khách.” Đất Kontum giá lạnh, heo hút này đã mang đến cho tôi một bất ngờ. Sau đêm đó, tôi biết anh ta là Hằng Minh, Thiếu Tá Lê Hằng Minh, chiến đoàn phó Chiến Đoàn A/TQLC.

Trở về Sài Gòn, tôi gửi sách lên tặng Minh, Minh viết thư về cho tôi nói rằng rất nhớ “tiếng sáo ru hồn” và Minh gởi cho tôi mấy bản nhạc để trình bày ở đài phát thanh. Yêu cầu đó đã được đáp ứng. Một chiều hành quân nào đó, Minh đã được nghe vọng ra tiền tuyến tiếng hát của Mai Hương trình bày bài nhạc của anh.

https://bienxua.files.wordpress.com/2016/07/a751c-lhm04.jpg?w=700&zoom=2

Ít lâu sau, tôi được tin Minh đi đánh giặc ở Bồng Sơn, Phú Yên rồi mới đây, tôi gặp Minh ở Đà Nẵng trong những ngày khó khăn nhất của tình hình đất nước. Vẫn mớ tóc ngắn, đôi mắt to, bộ râu mép xanh rì, nụ cười hiền hậu. Thì ra Cọp Biển bơi hoài, nay Kontum, mai Bồng Sơn, ngày kia đã dạt ra Đà Nẵng. Gặp nhau ngắn ngủi, chia tay không kịp hẹn hò thì hôm qua đây, Huy Phương đột ngột báo tin cho tôi: “Anh ơi! Ông Hằng Minh chết rồi.”

Tôi sửng sốt, người lặng đi, gai ốc nổi cùng mình. Hằng Minh chết rồi ư? Tôi sững sờ như chưa khi nào nghe tin có người chết mà sững sờ như thế, kể cả lúc tôi nghe tin hai bà má tôi kế tiếp nhau qua đời trong vòng một tháng. Bà mẹ tôi như lá vàng, Hằng Minh là chiếc lá đương xanh.

Buổi chiều ngồi trong quán nước đường Lê Lợi, hai người bạn nói chuyện với nhau về lẽ sống chết ở đời. Có những người bạn vừa cụng ly với ta chiều nay, sáng mai lại đã vĩnh viễn nằm yên, giã từ tất cả. Chuyện đó bây giờ xảy ra như cơm bữa.

Tôi chợt nhớ tới Hằng Minh, người chiến sĩ vừa đánh giặc vừa đánh đàn. Lê Hằng Minh là chiến sĩ, chiến sĩ thì sống chết là chuyện thường nhưng giá Hằng Minh đừng có ngón đàn tuyệt diệu, đừng có một tâm hồn tràn đầy yêu thương thì khi nghe tin anh chết, sự ngậm ngùi cũng không đến nỗi nhiều như thế!

Sau ngày cố Tr/T Lê Hằng Minh tử trận, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị có cho phát thanh một số chương trình “Thơ và nhạc Lê Hằng Minh,” trích từ những bài thơ và nhạc phẩm do ông sáng tác về tình yêu, tình bạn và đời quân ngũ trên làn sóng Đài Phát Thanh Quân Đội ở Sài Gòn để tưởng niệm đến một anh hùng mũ xanh đã nằm xuống vì Tổ quốc và dân tộc Việt Nam.

Dẫu cũng là người trai trong thời ly loạn, đã là chiến sĩ cầm súng giữ biên cương, tất cả đều xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, sẵn sàng chấp nhận tử sinh bất cứ giờ phút nào xảy đến với mình nhưng Thiếu Tá Lê Minh Đảo lúc ấy không thể nào ngăn được lòng xót đau khôn cùng trước sự ra đi vĩnh viễn của người em trai thân yêu. Ông đã khóc bằng những giọt lệ đau lòng khi viết nên những dòng chữ hết mực thương yêu:

Minh,

Anh ghi lại cuộc đời em trong khi em đã nằm yên nghỉ dưới lòng đất nước Việt Nam thân yêu, điêu linh và tang tóc này.”Vì quốc vong thân,” em để lại cho quốc gia này bao nuối tiếc, cho thế hệ 1966 một gương sáng soi chung cùng với một sự thiệt thòi to tát. Quân lực VNCH mất đi một chiến hữu oai hùng, một cán bộ chỉ huy ưu tú, lỗi lạc và gan lì… Văn nghệ Việt Nam mất đi một nhân tài có ngón đàn tuyệt diệu, một thi nhân với những dòng thơ đa cảm tràn đầy yêu thương.

Gia đình chúng ta, lúc em còn sống, tình thương của em, em ban hết cho tất cả mọi người, sự hi sinh của em vô bờ bến. Cho nên, mất em, gia đình mất tất cả, những người còn ở lại không còn đủ nghị lực để tin tưởng vào ngày mai. Riêng anh, sự mất mát thật quá ư lớn lao và tàn nhẫn. Anh mất một đứa em hiền hòa, hiếu thảo, một chiến hữu anh hùng tài ba, một “Bá Nha của Tử Kỳ,” một người tri kỷ… Thật vậy, không ai hiểu anh bằng em, cũng như không ai biết rõ em bằng anh.

Em giã từ thế gian giữa tuổi “hoa niên” đầy mộng mơ, huy hoàng. Bao nhiêu người hướng về em, tin tưởng ở tương lai rực rỡ của em. Thế mà đành phải khóc em, khóc cho con người tài hoa bạc số!

Em như một vì sao. Sáng quá! Rực rỡ quá! Ánh sáng làm lóa mắt mọi người. Tất cả đều hướng nhìn em đang vượt thẳng tít lên cao và tan biến trong vũ trụ bao la để cho mọi người phải bàng hoàng, ngẩn ngơ, tiếc rẻ. Em đã tự tạo cho em một sự nghiệp vĩ đại làm hãnh diện cho gia đình, cho gia tộc họ Lê. Những đời sau này chưa chắc gì con cháu chúng ta sẽ làm được như em.

Hầu hết nhân vật trọng yếu của Quốc Gia mến tiếc em, phúng điếu và đưa linh cữu em đến nơi an nghỉ cuối cùng. Báo chí ngoại quốc và Việt Nam ca tụng em, dành cho em những hàng Tít lớn. Đài phát thanh dành những chương trình đặc biệt ca ngợi và thương tiếc người chiến sĩ anh hùng, người nghệ sĩ tài hoa. Nhưng anh nghĩ rằng: “Nói đến Lê Hằng Minh mà chỉ nói đến phương diện ái quốc và nghệ thuật không chưa đủ. Lê Hằng Minh còn có nhiều đức tính cao quý khác. Cuộc sống nội tâm của Hằng Minh chứa đầy những u ẩn, dồn ép của một con người đa sầu đa cảm, quảng đại và vị tha, đem tình thương của mình ban cho tất cả mọi người…”

Đó là những lời xúc cảm với muôn vàn đau đớn tiếc thương của Th/Tá Lê Minh Đảo khi ông chợt nghe tin em trai mình vừa anh dũng hy sinh.
Và trên những tờ nhật báo Sống, Tiền Tuyến… với những tin tức đang sôi bỏng ngoài chiến trường trong thời điểm đó, đã ghi lại bài phóng sự tường thuật: Trận phục kích Thần Sầu Quỷ Khốc của T.Đ. Trâu Điên như sau:

“Chúng tôi đến thăm trận địa giữa lúc xác địch máu đỏ còn bốc hơi, nằm ngổn ngang dọc đường rầy xe lửa, lẫn bên tử thi của các chiến sĩ Cọp Biển thuộc T.Đ. Trâu Điên gục ngã kế bên thân địch, điều đó chứng tỏ quân ta đã đánh cận chiến với quân xung phong của VC cho tới phút thở hơi cuối cùng.

Nhìn chung quanh là những dãy đồi trọc chập chùng bát ngát chạy dài tới vùng Cận Sơn. Địch chém vè tẩu thoát về phía núi nhưng binh lực TQLC Mỹ, Thiết giáp và các thiên thần mũ đỏ thuộc Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù đã được trực thăng vận cấp kỳ nhảy xuống trận địa và tiến sâu vào lòng núi để chận đường rút của địch.

VC phục kích hai mặt dồn ta lọt vào tầm súng địch.

Phòng tuyến bố trí của VC dài 3 cây số. Nơi được chọn làm chiến trường nằm gần ranh giới Quảng Trị-Thừa Thiên, cách Huế 34 cây số. Địch nằm ôm lấy con đường số 1. Chúng phục cả hai bên đường. Bên tay mặt, chúng ẩn nấp sau bụi rậm, bố trí SKZ và súng thượng liên khai hỏa bắn ngay vào quân xa gồm 27 chiếc chuyên chở toàn bộ T.Đ. Trâu Điên xuất phát từ Huế khoảng 7 giờ sáng 29 Tháng Sáu, 1966.

Tiểu đoàn này có nhiệm vụ ra Đông Hà dự cuộc hành quân hỗn hợp với Đồng Minh (T.Đ. này cũng vừa tạo thành chiến tích Phù Lưu đè bẹp T.Đ. 808 VC).

Khi súng địch nổ bùng, các chiến sĩ Trâu Điên phản ứng tự nhiên bằng cách nhảy khỏi xe, tràn qua tay trái băng qua đồng trống lối vài chục thước để chiếm lãnh cao địa VC là dãy đường rầy xe lửa.

Nhưng địch đã nằm đầy nhóc tại phía này và quân ta đã chạy thẳng vào đúng tầm súng của quân xung phong VC. Trong trường hợp thất thế này chỉ một phút lúng túng là toàn T.Đ. sẽ tan rã trong nháy mắt. Khi mà SKZ nổ từng loạt bắn cháy ngay trong 5 phút đầu 14 xe ngút lửa, khi mà phía địch quét ra hàng loạt thượng liên bắn như mưa rào. Chạy qua phía trái thì đụng vào lưới lửa tập trung hỏa lực của địch đã nắm ưu thế địa hình chọn lựa từ trước.

Nhưng Tr/T Lê Hằng Minh, tiểu đoàn trưởng T.Đ. Trâu Điên đã tỉnh táo nhận rõ lối mai phục của địch bố trí cả 2 bên đường. Như vậy tầm súng của địch phía đường rầy có thể bắn vào đồng chí của chúng phía bên kia mặt đường sau bụi rậm. Quả đã rõ ràng là VC chỉ bắn thật sự khoảng 5 phút mở màn trận đánh và khi ta nhào qua phía đường rầy xe lửa, thì bọn VC bên này chỉ bắn với mục đích dùng tiếng nổ uy hiếp tinh thần quân ta, xua quân ta chạy về phía bố trí hỏa lực chính của địch. Nhận định tổng quát toàn bộ chiến trường với phản ứng chớp nhoáng, Tr/T Lê Hằng Minh ra lệnh cho Đại Úy Tiểu Đoàn Phó Nguyễn Văn Hay mang toán quân thoát hiểm sau đợt SKZ phủ đầu dồn toàn lực băng qua đường vượt qua đám lửa khét lẹt mùi xăng và thịt người chết cháy, để xung phong đánh thốc vào phòng tuyến của VC nằm phía bụi rậm. Nếu VC thật sự bắn theo đường bắn thẳng thì chúng sẽ quạt vào quân của chúng đang rời khỏi đường rầy xe lửa để xông vào đánh cận chiến với các chiến sĩ Cọp Biển từ trên đoàn xe bốc cháy nhảy xuống xáp chiến giữa làn sóng biển người của đối phương.

Bên cạnh Tr/T Lê Hằng Minh còn có một trung đội cảm tử có nhiệm vụ bảo vệ cho Ban Chỉ Huy TĐ, nhưng các chiến sĩ cảm tử này đã bị hàng trăm quyết tử VC cố ý nhắm vào bộ phận đầu não của ta để lao vào tiêu diệt dù phải đổi giá đắt. Trung Tá Lê Hằng Minh, người chiến sĩ Cọp Biển, anh cả của TĐ2/TQLC với 31 tuổi xuân tràn đầy nhựa sống ấy đã oanh liệt gục ngã sau khi điều động toàn tiểu đoàn lật ngược thế cờ phản kích địch và giật lại thế chủ động chiến trường.

Để giúp bạn đọc có một khái niệm tổng quát về trận phản kích của VC trên quốc lộ 1 ngày 29 Tháng Sáu, 1966, chúng tôi xin lược thuật vài nét chính như sau:

Lực lượng VC gồm có tiểu đoàn chính quy 800 được tăng cường thêm Đ.Đ. Phòng không C-15 gồm súng nặng 12 ly 7 và đại liên 50 có bánh xe, tăng cường thêm Đ.Đ. C-16 gồm súng cối 82 ly, SKZ 57 ly và 2 cây đại bác 75 ly. Đơn vị này nhắm đánh xe tăng và yểm trợ cho quân xung phong khi tiến cũng như lúc giải quyết chiến trường. Tăng cường thêm Đ.Đ. C-13 gồm bộ phận truyền tin, điện thoại… Quân số VC tham dự trận phục kích gồm 700 người cộng thêm quân du kích địa phương thuộc đơn vị H99 trang bị các võ khí như carbin garant M1 FM 24×29 v..v… Trận phục kích vận động chiến của VC áp dụng theo kế hoạch chặt đứt đầu (Đ.Đ.1 của Đại Úy Trần Kim Hoàng & Đ.Đ.3 của Trung Úy Đinh Xuân Lãm), cắt làm đôi, rồi khóa chặt đuôi (Đ.Đ.2 của Đại Úy Nguyễn Văn Hay & Đ.Đ.4 của Đại Úy Nguyễn Xuân Phúc) để tiêu diệt bộ phận giữa (Bộ Chỉ Huy & tiểu đoàn trưởng TĐ2).

Trận phục kích này, TĐ. Trâu Điên đã phản phục kích thật dữ dội kinh hoàng. Đánh hết sức mình nhưng sức người có hạn, Tr/T Lê Hằng Minh cùng một số chiến sĩ anh dũng khác như Chuẩn Úy Cầu v.v… đã gục ngã sau khi chọc thủng phòng tuyến địch và kịp điều động các chiến sĩ Cọp Biển còn sống sót tập trung binh hỏa lực đánh thốc ngược trở lại phòng tuyến thứ hai của VC. Chắc chắn là cho tới giờ nhắm mắt, Tr/T Minh cũng còn đủ trí minh mẫn để… chết trong niềm hãnh diện vì thế chiến thắng đã lật ngược được ngay sau 15 phút giao tranh và Tr/T Lê Hằng Minh đã oanh liệt đền nợ nước vào phút thứ 30.

Chính vì phản ứng mau lẹ, nhận định tổng quát trận địa và nắm được ý của địch, nên trận phục kích mà VC đã công phu mai phục từ 2 giờ sáng với quân số đông đảo, hỏa lực hùng hậu, chúng tin chắc chỉ sau 10 phút phát hỏa là hơn 400 chiến sĩ Cọp Biển sẽ rơi vào lưới lửa của VC. Kết quả sẽ là phân nửa bị hạ ngay đợt súng đầu tiên và một phân nửa bị lùa đi vì lọt vào giữa “tổ ong” trùng điệp ngập quân thù và… đơn vị tiếp ứng nếu kịp lên tới trận địa thì nhiệm vụ của họ là đi lượm xác đồng đội và lo dập tắt đám cháy của đoàn GMC trúng SKZ 57 ly.

Nhưng kết quả trái lại. Đại Tá Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Sư Đoàn 1, đã phải nói thành thật rằng trong đời binh nghiệp của ông, kể cả hồi Pháp, chưa hề thấy trận phục kích nào lại biến thành trận phản kích tuyệt vời như trận đánh trên cây số 34, tại quốc lộ 1 ngày 29 Tháng Sáu, 1966 vừa qua.

Dù đã bị thất thế, trong lúc VC mai phục ở vị trí do chính địch chọn lựa. Quân ta ngồi trên xe, SKZ bắn loạt mở đầu bên ta đã bị trúng đạn 14 xe. Tuy vậy, ai gục thì… đành chịu, còn lại tỉnh táo dựa lưng vào nhau tác chiến ngay…”

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/ccb-chuyen-ke-ve-mot-chien-si-anh-hung-cua-qlvnch-trung-ta-le-hang-minh/

Ý kiến bạn đọc
Thứ Hai, 30 Tháng Mười Một 20204:03 SA
Khách
Ông Lê hằng Minh có sáng tác một bản nhạc "Chiều buồn Teresa " trong cuộc hành quân vùng cao nguyên ở đây để nhớ về Trường nữ Trung học Công giáo ở KonTum do các sœur dòng tu nử đãm nhiệm .
Có vài lời bàn là hình như ông có tình cảm với một cô bé nào trong Trường ,nhưng theo tôi thì không đúng vì Trường Teresa là trung học Đệ nhất cấp chỉ có đến lớp Đệ tứ. Có lẻ ông nhìn thấy khung cảnh tuyệt đẹp của Trường với các ma sơ cùng nử sinh áo dài trắng. Cũng có thể lúc đó ông có chút tình cảm với cô Vân trưỡng nử của ông Trưỡng ty bưu điện thì đúng hơn ,cô cũng là nữ sinh nét đẹp dịu dàng tha thướt áo dài trắng nhưng lại là nử sinh của Trường Trung học công lập KONTUM.
Có thể có ai đó thắc mắc sao tôi biết những chuyện này?
Trong khoãng thời gian đó, ông bố tôi là Tham mưu trưỡng Biệt khu 24 Kontum ,và tôi sống với ông ở dinh TMT số 57 Nguyễn Huê bên cạnh bờ sông Dakbla, đối diện là Ty ANQĐ ngay ngả ba Nguyễn Huệ- Phan thanh Giản ,Trường Nử Trung học Teresa cách đó khoãng 100 mét trên đường Phan thanh Giản đối diện Quân trấn.
Thời gian trôi qua quá nhanh, mới đó mà 53 năm rồi ,cô thiếu nử con ông Trưỡng ty bưu điện bây giờ cũng là bà nội bà ngoại rồi ,nếu cô có đọc những dòng chử này thì có thể đoán được tôi là ai.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn